Yêu khoảnh khắc phố

Có những bức ảnh lưu lại một khoảnh khắc khiến bạn bỗng thấy phố thật gần, thật thân thiết. Chớp lấy một hình, một bất động lưu lại giữa phố, trong con ngõ nhỏ, hay một dáng người, một nét mặt nào đó cũng như đang gọi lại thời gian, gợi lại một cảm xúc lịch sử và chỉ một góc phố thôi cũng lưu lại biết bao kỉ niệm.

Những bức ảnh phố đẹp, vắng người, mưa buồn, hay giọt sương trên lá… lưu lại một “khoảnh khắc vàng” cho người ta bỗng thấy phố thật gần, thật thân thiết, thật có gì đó khác thông thường. Khiến bạn muốn nhìn sâu hơn vào bức ảnh ấy, tự hỏi về những gì đằng sau. Đó có thể là một ông thợ cặm cụi ngồi khâu, giày treo trên bức tường sau lưng, hay những dấu chân đường cũ, những bước đi như những khởi hành mãi không nghỉ, bao năm rồi có mỏi vẫn không ngừng rong ruổi.

Có bức ảnh về cô gái vừa ló ra từ khung cửa tối trên bậc thềm đầy nắng ngôi nhà kiến trúc cũ, giữa hai khoảng tối - sáng, bật lên một suy nghĩ tò mò về tuổi trẻ, về một gia đình, về lớp người đang lớn dậy từ trong phố cũ. Người dắt xe hoa chầm chậm đi, chỉ thấy từ phía sau là dáng hình lam lũ, chiếc áo cũ lỗi mốt quần sờn, nón bạc mưa nắng, mà bên cạnh lại là cả thúng hoa rực rỡ như đang bung ra, vun lên xanh chồng lên nhau những đám màu.

Có bức ảnh chụp được bà cụ bên bức tường gạch cũ chỗ Ô Quan Chưởng, nắng hắt nửa tối nửa sáng, khuôn mặt nhăn nheo cuối đời cô đơn. Hay một lần nhà nhiếp ảnh cho tôi xem ảnh ông đã chụp người bạn gặp lại, nằm trên mảnh chiếu hè phố sát một chân hàng rào. Người gầy gò, tóc bạch kim ánh nắng, miệng cười cười, đôi mắt nheo nheo.

Có những bức ảnh không phải dễ gặp như thế, mỗi bức ảnh dù hiếm dù quen, đều thu lại một khoảnh khắc làm ta nghĩ ngợi. Chớp lấy một hình, một bất động lưu lại giữa phố, giữa ngõ, dưới cây, một dáng một nét mặt, hay đôi bàn tay, với vài đồ vật… mà như gọi lại thời gian, gợi một cảm xúc lịch sử và một góc phố thôi, cũng lưu lại biết bao kỉ niệm, hay một day dứt đời người, một phận người.

Những người cầm máy lang thang trên phố giữ lại những khoảnh khắc mà sau đó khi nhìn ảnh, mọi thứ sẽ sống tiếp theo diễn tiến không hẳn như đời thực của người trong ảnh. Bức ảnh sẽ sống tiếp bằng tâm trạng, nhận biết và suy tưởng của người xem ảnh. Tự người cầm máy, khi nhận ra điều gì chợt đến từ quang cảnh, con người vội giơ lên bấm máy, đã đang sống với bao nhiêu cảm xúc trong cuộc chìa tay đón rung động ngoài đời, từ rung động cây, chuyển động phố, tới những lung lay tinh lắm của thiên nhiên. Và từ đấy, vẻ đẹp được lưu lại, nhân ra, truyền đi qua những tâm hồn.

Người ta hay nói lo ăn lo mặc rồi mới đi xem hát xem tranh xem ảnh. Nhưng cái vòng quay lam lũ bao năm có bao giờ biết dừng lại. Hết lo việc này chẳng phải lại ào đến ngập đầy những mối lo khác. Nhưng những bức ảnh sẽ đem đến vẻ đẹp của sáng tạo, sự lắng đọng của tình cảm để người ta được xen kẽ mà hài hòa giữa mưu sinh và thưởng thức. Quanh phố phường Hà Nội, những công viên hay vườn hoa, biết bao nhiêu vị trí đẹp để kể nhiều thêm về vẻ đẹp thành phố mà chúng ta đang sống, bằng những khoảnh khắc người chụp đã thu lại đất trời, cây cối, cảnh vật, khuôn mặt và lòng người qua năm tháng yêu thương./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?

Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.

"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.

Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.

Trong những giận dỗi ngơ ngẩn của trẻ con, những suy bì hiếu thắng ngây ngô của tuổi trẻ, những giọt nước mắt tủi hờn uất ức của tuổi trưởng thành, cô ấy luôn có cha bên cạnh. Người như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cô giữa đêm tối mịt mùng.