Xu thế chuyển đổi năng lượng tái tạo trên thế giới
Thế giới nỗ lực chuyển đổi năng lượng tái tạo
Để đạt mục tiêu nhiệt độ toàn cầu cần được giới hạn ở mức 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, thế giới cần phải giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế IEA, nhờ các chính sách hỗ trợ và kinh tế thuận lợi, công suất năng lượng tái tạo của thế giới dự kiến sẽ tăng vọt, sẽ đáp ứng gần một nửa nhu cầu điện vào cuối thập kỷ này.
Báo cáo Năng lượng tái tạo 2024 của IEA cho biết, thế giới sẽ bổ sung hơn 5.500 gigawatt (GW) công suất năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2030, gần gấp ba lần mức tăng từ năm 2017 đến năm 2023.
Để đạt mục tiêu này, chính phủ các nước cần tăng cường nỗ lực tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện và cần phải xây dựng cũng như hiện đại hóa 25 triệu km lưới điện và đạt công suất lưu trữ 1.500 GW vào năm 2030.
Về mặt công nghệ, điện mặt trời được dự báo sẽ chiếm tới 80% mức tăng trưởng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu từ nay đến năm 2030. Đó là nhờ việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn cũng như có thêm ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh, công ty và hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện trên mái nhà hoặc công trình công cộng. Công suất sản xuất năng lượng mặt trời toàn cầu dự kiến sẽ đạt hơn 1.100 GW vào cuối năm 2024, cao hơn gấp đôi nhu cầu ước tính vào thời điểm đó. Báo cáo cho biết thêm, tình trạng dư cung này đã giúp hạ giá mô-đun năng lượng mặt trời nhưng cũng có nghĩa là nhiều nhà sản xuất đang phải chịu tổn thất tài chính lớn.
Và cho dù còn nhiều thách thức, ngành điện gió cũng đang sẵn sàng phục hồi, với tốc độ tăng trưởng gấp đôi từ năm 2024 đến năm 2030, so với giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2023. Hiện tại, điện gió và điện mặt trời là những lựa chọn rẻ nhất để bổ sung thêm nguồn điện mới ở hầu hết các quốc gia.
"Điều này không chỉ được thúc đẩy bởi các nỗ lực giảm phát thải hay tăng cường an ninh năng lượng, mà còn do năng lượng tái tạo hiện là lựa chọn rẻ nhất để bổ sung các nhà máy điện mới ở hầu hết các quốc gia trên thế giới."
Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành của IEA.
Kết quả của những nỗ lực này là một số quốc gia đang tiến tới mục tiêu của họ. 70 quốc gia, chiếm 80% công suất điện tái tạo toàn cầu, ước tính sẽ chạm mốc hoặc vượt mục tiêu năng lượng tái tạo đặt ra cho năm 2030.
Theo báo cáo này, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần 60% tổng công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt trên toàn thế giới từ nay đến năm 2030, dựa trên xu hướng thị trường hiện tại và các chính sách hiện hành của chính phủ nước này. Điều này sẽ đưa Trung Quốc trở thành quốc gia chiếm gần 1/2 tổng công suất năng lượng tái tạo của thế giới vào cuối thập kỷ này, tăng từ mức 1/3 vào năm 2010.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng chưa đạt tới mục tiêu mà gần 200 chính phủ đặt ra tại Hội nghị khí hậu COP28 của Liên hợp quốc tổ chức tại Dubai, đó là tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo của thế giới trong thập kỷ này để giảm phát thải carbon.
Các bên tham gia đã thống nhất kêu gọi một “quá trình chuyển đổi” hướng tới “loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ra khỏi hệ thống năng lượng”.
IEA cho rằng các nhiên liệu tái tạo như nhiên liệu sinh học hoặc hydro đang có bước tụt hậu và cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ chuyên biệt để khử lượng carbon cho các lĩnh vực khó như điện khí hóa.
Tuy nhiên, IEA nhấn mạnh, để đạt được mức tăng trưởng gấp ba lần này, các quốc gia cần phải “mạnh dạn hơn” trong việc trình bày, nâng cấp các mục tiêu về khí hậu (NDC) từ nay đến năm 2025 theo Thỏa thuận Paris.
Cơ quan này còn đặc biệt khuyến nghị về việc tăng cường hợp tác quốc tế để giảm bớt các chi phí tài chính sử dụng cho năng lượng tái tạo (gió, mặt trời và khí sinh học), được cho là cao đối với “các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển”, có khả năng kìm hãm sự tăng trưởng của các nước vốn có “tiềm năng lớn” như các nước ở châu Phi và Đông Nam Á.
Các quốc gia cũng cần đảm bảo rằng năng lượng mặt trời và năng lượng gió được tích hợp vào hệ thống điện một cách tốt nhất. Việc này đòi hỏi hệ thống điện phải linh hoạt hơn cũng như tăng cường thêm dung lượng lưu trữ của pin.
Vương quốc Anh kết thúc kỷ nguyên than đá
Vương quốc Anh trở thành quốc gia G7 đầu tiên chấm dứt sản xuất điện từ than đá với việc đóng cửa nhà máy nhiệt than cuối cùng. Việc đóng cửa nhà máy này cũng sẽ chấm dứt hơn 142 năm sử dụng điện than tại Anh. Đây là những bước tiến mới trong việc khử cacbon ngành điện vào năm 2030. Điều này đòi hỏi Chính phủ Anh phải tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời.
Nhà máy điện Ratcliffe-on-Soar thuộc sở hữu của Công ty Uniper, tọa lạc tại vùng Midlands của Anh, bắt đầu hoạt động vào năm 1967 và đã sản xuất đủ năng lượng để sản xuất hơn 21 nghìn tỷ tách trà và công suất 2 GW của nó đủ để cung cấp năng lượng cho hai triệu ngôi nhà. Việc đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng của nước này là sự kiện chưa từng có tiền lệ với một nước thành viên G7.
"Chúng ta không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của điều này. Đây là lần đầu tiên sau 142 năm hệ thống điện của Vương quốc Anh sẽ không có than đá. Và đó là một thành tựu đáng chú ý. Nhưng tất nhiên, năm 2030 đang đến gần. Điều quan trọng nhất là chính phủ đưa ra các biện pháp khuyến khích phù hợp, khuôn khổ đầu tư phù hợp để chúng ta không chỉ có thể tiếp tục xây dựng năng lượng tái tạo mà còn có thể khử cacbon trong việc tạo ra khí linh hoạt, thông qua thu giữ cacbon hoặc cuối cùng là thông qua hydro.”
Ông Michael Lewis - Giám đốc điều hành của Uniper.
Than đóng vai trò quan trọng trong lịch sử kinh tế nước Anh. Loại nhiên liệu này thúc đẩy cách mạng công nghiệp thế kỷ XVIII và XIX, đưa nước Anh trở thành siêu cường, nhưng cũng khiến Thủ đô London mang danh "thành phố sương mù".
Cho tới thập niên 1980, nhiệt điện than vẫn chiếm 70% sản lượng điện của toàn nước Anh, trước khi suy giảm vào những năm 1990. Tỷ lệ này giảm mạnh trong 10 năm qua, từ 38% năm 2013 xuống 5% năm 2018 và 1% năm 2023.
Chính phủ Anh năm 2015 thông báo ý định đóng cửa toàn bộ nhà máy nhiệt điện than trước năm 2025 như một phần của các biện pháp rộng hơn nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu. Vào thời điểm đó, gần 30% điện năng của đất nước đến từ than nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn hơn 1% vào năm ngoái. Việc đóng cửa nhà máy Ratcliffe-on-Soar là bước đi mang tính biểu tượng cho tham vọng loại bỏ carbon khỏi ngành điện của Anh vào năm 2030, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon năm 2050.
Nhà máy gồm 170 nhân viên, một số người tự nguyện nghỉ việc, một số đã đến tuổi về hưu, số còn lại tiếp tục đảm nhiệm công việc còn lại bởi quy trình đóng cửa hoàn toàn nhà máy sẽ mất khoảng hai năm. Quyết định này cũng khiến Anh trở thành nước đầu tiên trong nhóm G7 xóa bỏ điện than.
Italy, Pháp, Canada và Đức đã lên kế hoạch xóa điện than trong giai đoạn 2025 - 2038. Vào tháng 4 vừa qua, các nước G7 đã đồng ý loại bỏ năng lượng than trong nửa đầu thập kỷ tới. Tuy nhiên điện than vẫn chiếm hơn 25% điện năng của Đức và hơn 30% điện năng của Nhật Bản. Phát thải từ năng lượng chiếm khoảng 3/4 tổng lượng phát thải khí nhà kính và các nhà khoa học cho rằng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải được hạn chế để đáp ứng các mục tiêu đặt ra theo Thỏa thuận khí hậu Paris.
Thái Lan phát triển năng lượng tái tạo
Thái Lan có kế hoạch từ nay đến năm 2037 sẽ xây dựng thêm 15 trang trại năng lượng mặt trời nổi trên toàn quốc nhằm hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 mà quốc gia này đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26. Dự án có tổng công suất 5.000 MW kết hợp giữa thủy điện và điện mặt trời nổi sẽ giúp giảm khoảng 47 nghìn tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm. Trang trại năng lượng mặt trời nổi đầu tiên nằm ở đập Sirindhorn ở tỉnh Ubon Ratchathani, phía Bắc nước này là một trong những dự án kết hợp năng lượng mặt trời và thủy điện, phản ánh một tương lai nơi công nghệ và thiên nhiên cùng tồn tại hài hòa.
Tại trang trại năng lượng mặt trời nổi nằm ở đập Sirindhorn, hơn 144.000 tấm pin mặt trời nổi có diện tích tương đương 70 sân bóng đá, kết hợp với thủy điện để tạo ra 81 MW điện, năng lượng mặt trời vào ban ngày và thủy điện vào ban đêm. Đây được xem là một trong những trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất trên thế giới.
Ngoài khu vực đô thị, các ngôi làng ở tỉnh Ubon đều thuộc vùng xa xôi. Nhiều người dân bị hạn chế tiếp cận với điện, còn một số phải trả chi phí điện quá cao so với mức thu nhập. Việc khai thác sức mạnh của tự nhiên giúp họ giải quyết vấn đề này. Tại ngôi trường Sisaengtham, nhà sư Phra Panyawachiramoli, người sáng lập trường cho biết tận dụng nguồn năng lượng mặt trời giúp cho ngôi trường tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
"Nếu không sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, hóa đơn tiền điện của chúng tôi là khoảng 20.000 Baht mỗi tháng. Còn nếu dùng pin năng lượng mặt trời, chúng tôi chỉ phải trả 40 Baht mỗi tháng. Điều này cực kỳ tiết kiệm và khoản tiết kiệm rõ ràng có thể tạo ra nhiều thu nhập hơn cho trường học của chúng tôi."
Nhà sư Phra Panyawachiramoli - Người sáng lập Trường Sisaengtham.
Nhà sư Phra Panyawachiramoli cũng đưa những bài giảng về pin năng lượng mặt trời giúp các sinh viên nhận thức rõ hơn về tính bền vững. Họ biết rõ năng lượng tái tạo có thể thay đổi cuộc sống như thế nào. Họ nghiên cứu năng lượng mặt trời, giám sát quá trình sản xuất năng lượng của trường và đóng góp cho các dự án bền vững của cộng đồng.
Chiến lược năng lượng mặt trời của Thái Lan kết hợp các dự án quy mô lớn với các sáng kiến cộng đồng, bao gồm các trang trại năng lượng mặt trời nổi và các tấm pin trên các đền chùa, trường học và nhà ở nông thôn.
Nhưng vẫn còn một chặng đường dài để đi. Chi phí đầu tư cao cũng như những thiếu hụt về hạ tầng cơ sở cũng khiến Thái Lan gặp khó trong việc đạt được các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo. Nền kinh tế số hai Đông Nam Á đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhiên liệu hóa thạch, với khoảng 70% lượng điện năng được sản xuất từ nguồn này trong khi chỉ có khoảng 29% đến từ các nguồn tái tạo.
Để đạt được các mục tiêu khí hậu quốc tế, các chính phủ không chỉ cần đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo mà còn phải thúc đẩy việc áp dụng nhiên liệu sinh học bền vững, khí sinh học, hydro và nhiên liệu điện tử. Vì các loại nhiên liệu này vẫn đắt hơn so với các loại nhiên liệu hóa thạch, nên thị phần của chúng trong năng lượng toàn cầu sẽ duy trì ở mức dưới 6% vào năm 2030.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.
Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.
Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.
Giá dầu thế giới gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 19/11. Những dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Ngày 20/11, quân đội Pakistan cho biết ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng do vụ tấn công liều chết nhằm vào đồn kiểm soát quân sự tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền sắp tới của mình. Việc bổ nhiệm ông Lutnick cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
0