Xu hướng trái chiều tại hai thị trường nhà ở trọng điểm

Theo báo cáo của CBRE, thị trường nhà ở Việt Nam năm 2024 ghi nhận xu hướng trái ngược giữa hai thị trường nhà ở trọng điểm. Trong khi TP. Hồ Chí Minh tiếp tục có nguồn cung mở bán mới hạn chế với chỉ gần 5.300 sản phẩm, nguồn cung mới của thị trường nhà ở tại Hà Nội tăng trưởng mạnh với gần 38.000 sản phẩm mở bán mới trong năm.

Trong năm 2024, nguồn cung căn hộ chung cư mới mở bán tại Hà Nội tăng gấp ba lần so với năm 2023, vượt mốc 30.900 căn. Đây là mức cung mở bán mới theo năm cao nhất kể từ năm 2020. Ngược lại, tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung căn hộ mở bán mới đạt mức thấp nhất kể từ năm 2013, với chỉ hơn 5.000 căn được ra mắt.

Tuy nhiên, riêng trong quý cuối năm, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ khi nguồn cung mở bán mới tăng gấp 26 lần so với quý 3/2024. Về giá bán, tính đến quý 4/2024, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đạt mức 72 triệu đồng/m². Trong năm 2024, giá bán sơ cấp chung cư tăng mạnh, với mức tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và 12% so với quý trước.

Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua tại thị trường chung cư Hà Nội. Phần lớn nguồn cung mới là các dự án cao cấp, với pháp lý đầy đủ, được phát triển trong các đại đô thị thuộc quận Nam Từ Liêm và huyện Gia Lâm. Các khu vực này đã đi vào hoạt động và có một lượng cư dân ổn định, góp phần thúc đẩy giá bán sơ cấp tăng và tốc độ bán hàng vượt mức 70%. Đặc biệt, khu vực ngoại ô như huyện Đông Anh và huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) cũng chứng kiến sự gia tăng nguồn cung cao cấp từ các dự án đại đô thị. Ngoài ra, thị trường Hà Nội còn ghi nhận sự xuất hiện của một dự án trung cấp mới tại khu vực ngoại thành, với tỷ lệ bán hàng đạt mức tích cực.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc chi nhánh CBRE Hà Nội, nhận định: “Sự biến động mạnh mẽ này đã tác động rõ rệt đến tất cả các thành phần tham gia thị trường, bao gồm cả chủ đầu tư, người bán, các đơn vị môi giới, và đặc biệt là người mua. Dù là nhà đầu tư hay người có nhu cầu mua thực, tất cả đều ít nhiều đối mặt với những khó khăn và thách thức trước mức giá mới trên thị trường”.

Nhận định về xu hướng của thị trường trong năm 2025, các chuyên gia cho rằng, trong phân khúc bất động sản nhà ở, nguồn cung được dự báo tăng trưởng và vẫn chủ yếu đến từ các đại đô thị vùng ven. Dự kiến, tổng nguồn cung bất động sản tại Hà Nội và các đô thị vệ tinh đạt khoảng 37.000 sản phẩm, trong khi TP. Hồ Chí Minh và khu vực lân cận ước đạt khoảng 18.000 sản phẩm. Sự phân hóa nguồn cung theo khu vực được dự báo sẽ giảm bớt. Cơ cấu nguồn cung vẫn tập trung vào các sản phẩm cao cấp và hạng sang. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở bình dân được kỳ vọng cải thiện đáng kể nhờ sự gia tăng các dự án nhà ở xã hội.

Các ý kiến cũng cho rằng căn hộ chung cư, đặc biệt là cao cấp, tiếp tục dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, loại hình biệt thự/liền kề đang dần trở thành tâm điểm, nhất là tại các dự án thuộc các đại đô thị. Những dự án này thu hút sự chú ý nhờ tiêu chuẩn hoàn thiện ngày càng cao cấp, trong khi giá bán cũng duy trì ở mức cao.

"Nguồn cung bất động sản hiện nay vẫn chủ yếu đến từ các chủ đầu tư lớn, với xu hướng tập trung vào thiết kế thông minh, tích hợp công nghệ hiện đại và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. “Hy vọng rằng trong thời gian tới, thị trường sẽ dần ổn định hơn sau giai đoạn nhiều biến động. Với sự gia tăng nguồn cung, sự đa dạng sản phẩm và sự tham gia của cả các nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế, kỳ vọng mặt bằng giá cũng sẽ có xu hướng điều chỉnh hợp lý hơn", bà Nguyễn Hoài An chia sẻ thêm.

Năm 2025, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2024, với lạm phát trong tầm kiểm soát, lãi suất duy trì ở mức thấp và tỷ giá có xu hướng ổn định hơn. Cùng với đó, hệ thống thể chế tiếp tục được hoàn thiện, giúp tháo gỡ các vướng mắc pháp lý. Các chỉ số tài chính như thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ được duy trì trong giới hạn Quốc hội cho phép. Quy hoạch đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh, trong khi áp lực tài chính đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn. Những yếu tố này sẽ tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản.

Các chuyên gia nhận định, sự phục hồi sẽ diễn ra chậm và không đồng đều giữa các phân khúc. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần tiếp tục tái cơ cấu hoạt động, kiểm soát rủi ro liên quan đến dòng tiền, lãi suất và nợ đáo hạn. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, đa dạng hóa kênh huy động vốn và sản phẩm nhằm đưa giá bất động sản về mức hợp lý hơn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,49 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, theo báo cáo của Bộ Xây dựng tính đến hết tháng 2/2025.

UBND Thành phố vừa Quyết định giao hơn 9,6ha tại hai phường Tây Tựu và Liên Mạc cho quận Bắc Từ Liêm để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ.

Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công cách mạng; tuy nhiên, để được mua nhà ở xã hội thì người có công với cách mạng vẫn phải đáp ứng điều kiện về nhà ở theo quy định.

Trụ sở làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý cần được hoàn thành trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính được phê duyệt trong quá trình thực hiện tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Chuyển đổi công năng nhà tái định cư chưa sử dụng sang nhà ở xã hội là chủ trương đúng, đảm bảo mục tiêu kép, tránh lãng phí tài sản công và gia tăng thêm quĩ nhà ở xã hội.

Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thủ tục, nguồn vốn khi thực hiện các dự án NƠXH, dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp không mặn mà với phân khúc này, hoặc không có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy triển khai nhanh và hiệu quả.