Xót xa những hậu quả của bạo lực học đường
Hôm nay, Hường nghe một thông tin mẹ của em học sinh lớp 7 ở Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội bị bạn đánh hội đồng cho biết, chị đã xác định là con mình sẽ bị tâm thần vĩnh viễn. Đây là một thông tin vô cùng đau xót. Em học sinh ấy bị đánh hội đồng đã hai tháng, đến giờ vẫn chưa thể lấy lại được nhận thức bình thường. Khi nghe tin đó, một người mẹ có hai đứa con như Hường không chỉ đau buồn mà còn vô cùng lo lắng.
Trong suốt quãng đời học sinh, Hường đã từng chứng kiến không ít những vụ bạo lực học đường. Việc học sinh nam bị các học sinh khác đón đường bắt nạt không hiếm. Nhẹ thì bị xin tiền, nặng thì bị đánh. Thậm chí, không chỉ động chân động tay, những lần bắt nạt đó còn xuất hiện cả những vũ khí gây sát thương, nguy hiểm đến tính mạng con người. Trong ký ức đẹp của tuổi học trò, còn có những giây phút buồn và sợ hãi mà mình không muốn nhớ tới, trong đó bạo lực học đường không chỉ có nước mắt mà có cả máu đã rơi.
Ngày xưa, Hường cứ nghĩ bạo lực học đường chỉ xảy ra với các bạn nam, và bạo lực chỉ đến từ những học sinh ngổ ngáo. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Sau này, Hường đã chứng kiến thêm những vụ nữ sinh bị bạn đánh, bị bạn bè cùng trường bình phẩm cười cợt, chế giễu bằng những lời thô tục, khiến cho các em hoảng loạn tâm lý, không muốn đi học.
Nhiều lúc Hường tự hỏi, liệu có phải các vụ bạo lực học đường lâu nay đang chỉ xử lý mang tính hình thức và hành chính hóa, không thực sự đi vào giải quyết nguyên nhân sâu xa của vụ việc nên đã khiến bạo lực học đường tái đi tái lại, mà vụ sau còn nghiêm trọng hơn vụ trước hay không? Trước kia, những trường hợp này, thầy cô không biết, vì việc đánh nhau toàn diễn ra bên ngoài trường học. Thậm chí, khi thầy cô biết và có hình thức xử lý, thì nạn nhân lần sau càng bị đánh nhiều hơn như một sự trả thù rửa hận sau hình phạt. Vì thế mà dù bị đánh vẫn không dám mách thầy cô, cha mẹ. Và nỗi sợ hãi bị bắt nạt ấy cứ đeo đẳng nạn nhân qua nhiều năm tháng.
Có người nói với Hường rằng, chúng ta cần tìm hiểu kĩ vì sao các con có hành vi bạo lực với nhau, phải lắng nghe hai bên. Khi lắng nghe, đối thoại, thấu hiểu thì mới có cách thức hóa giải, có biện pháp triệt để. Không phải cứ cấm trẻ đi học một vài tuần là xong. Việc cấm trẻ đi học là một việc làm phản giáo dục. Bởi trẻ nghỉ học không những không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ mà còn làm cho các em chất chứa thêm ấm ức, tổn thương và có thể dẫn đến hành vi bạo lực nghiêm trọng hơn. Để làm được việc lắng nghe, đối thoại, thấu hiểu với cả hai phía nạn nhân và thủ phạm bạo lực học đường, rất cần sự hiện diện của chuyên viên tham vấn tâm lý học đường. Nhưng điều đó lại đang thiếu. Thực tế hiện nay, giáo viên các trường hầu như không được đào tạo về kỹ năng, kiến thức tham vấn tâm lý, vì vậy, sẽ khó đảm đương được trọng trách một khi có bạo lực học đường xảy ra.
Có lẽ khâu yếu nhất hiện nay là việc các em học sinh chưa được dạy kỹ càng về sự tôn trọng và cách quản lý xung đột, chưa được cung cấp đầy đủ các kỹ năng, cách thức kiểm soát cảm xúc bất đồng tuổi mới lớn, và cách hóa giải mâu thuẫn. Dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho học sinh bị đánh và học sinh đánh bạn hiện nay chưa thấy có. Nếu các em không hiểu rõ được hành vi của mình sai ở đâu và mình phải chịu trách nhiệm gì về hành vi sai đó, thì các em khó tránh khỏi việc sẽ tiếp tục mắc phải sai lầm tương tự.
Giờ có quá nhiều các video bạo lực trên mạng, trên phim ảnh, trong khi các em lại thoải mái tiếp cận không kiểm soát, gây ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ em. Hoặc bạo lực đến từ chính gia đình, giữa cha mẹ với nhau và cha mẹ với con cái chưa giảm. Đứa trẻ khi bị dồn nén cảm xúc trong gia đình sẽ tìm cách phản ứng, trút giận với những người xung quanh, đặc biệt là bạn bè cùng trang lứa. Do đó, một mâu thuẫn nhỏ cũng có thể gây ra vụ việc bạo lực học đường lớn.
Hường mong tới một ngày, ngành giáo dục sẽ xây dựng thành công trường học hạnh phúc, nơi mà cả thầy cô và học sinh đều được yêu thương, được tôn trọng, thấu hiểu và cả thầy và trò đều được an toàn. Ở đó cảm xúc của học sinh được lắng nghe, các em được khuyến khích hành vi tích cực, được giáo dục ý thức xã hội, sự tôn trọng lẫn nhau, biết cách hóa giải xung đột mâu thuẫn trong cuộc sống. Và trong mỗi gia đình, cha mẹ và con cái sẽ cùng nhau xây dựng một môi trường sống lành mạnh, có sự thấu hiểu, chia sẻ và tràn đầy tình yêu thương, để bạo lực sẽ không còn đất sống./.


Tháng Ba khép lại bằng những ngày nồm ẩm, lạnh se sắt xen lẫn những cơn mưa phùn lê thê. Miền Bắc giao mùa như một cô gái đỏng đảnh, lúc nắng ấm dịu dàng, lúc lại trở mình hờn dỗi, để lại trong không gian hơi ẩm bức bối, khiến lòng người cũng chùng xuống theo những giọt mưa.
Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?
Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.
"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.
Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.
0