Xe điện dự báo tăng trưởng vững chắc năm 2025
Đà tăng trưởng đều đặn của thị trường xe điện
Chi phí thấp cùng những lợi ích môi trường đã giúp xe điện trở thành lựa chọn ngày càng hấp dẫn tại các thị trường lớn. Sự tăng trưởng này hoàn toàn có khả năng, vì ngày càng có nhiều người dùng quan tâm và lựa chọn xe điện hơn là xe động cơ đốt trong.
Doanh số xe điện và hybrid sạc điện toàn cầu đã tăng 25% trong năm 2024, đạt hơn 17 triệu xe, nhờ kỷ lục bán hàng trong 4 tháng liên tiếp, với sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Trung Quốc và sự ổn định ở châu Âu.
Trước đó, con số này trong năm 2023 là 13,6 triệu chiếc xe và năm 2022 là 10,4 triệu chiếc xe. Như vậy, thị trường xe điện toàn cầu vẫn giữ đà tăng trưởng đều đặn, với mức tăng 3,2 triệu xe vào năm 2023 và 3,5 triệu xe trong năm 2024.
Cụ thể, doanh số bán hàng tại Trung Quốc tăng vọt 36,5% lên 1,3 triệu xe vào tháng 12/2024 và đạt tổng cộng 11 triệu xe trong cả năm 2024. Tại Mỹ và Canada, doanh số bán xe điện tăng 8,8% lên 0,19 triệu vào tháng 12/2024, trong khi châu Âu báo cáo doanh số là 0,31 triệu, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ở các nơi khác trên thế giới, doanh số bán hàng trong tháng 12/2024 cũng tăng 26,4%.
Theo Rho Motion của Anh, công ty nghiên cứu toàn cầu hàng đầu về thị trường xe điện và pin, các chính sách khuyến khích và mục tiêu phát thải đã thúc đẩy doanh số xe điện tại Trung Quốc, đồng thời giúp Anh vượt Đức trở thành thị trường xe chạy pin lớn nhất châu Âu trong năm 2024.
Theo dự báo của các chuyên gia phân tích ngành công nghiệp, doanh số xe điện toàn cầu sẽ tăng 30% trong năm 2025, đạt hơn 15 triệu chiếc, chiếm 16,7% thị phần xe hơi toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng sẽ không đồng đều giữa các khu vực, phụ thuộc vào chính sách chính phủ, cơ sở hạ tầng sạc điện và các khoản ưu đãi thuế.
Trung Quốc được dự báo vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của thị trường xe điện toàn cầu. Car News China ước đoán, lượng xe điện bán ra tại nền kinh tế số 1 châu Á trong năm 2025 sẽ vào khoảng 15,3 triệu xe, tương đương mức tăng 39%.
Quá trình chuyển đổi sang xe điện vẫn là một phần thực sự quan trọng trong quá trình chuyển đổi chung sang năng lượng sạch. Vận tải đường bộ chiếm khoảng một phần sáu tổng lượng khí thải toàn cầu và chúng làm nóng hành tinh. Vì vậy, việc áp dụng rộng rãi xe điện thực sự có thể giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Bà Alexa St. John, phóng viên AP.
Xu hướng toàn cầu về sự chuyển đổi sang xe điện đang diễn ra mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Sự chuyển đổi này không chỉ tập trung vào việc giảm thiểu khí thải carbon, mà còn tăng cường năng lượng tái tạo và cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Cuộc cạnh tranh trên thị trường xe điện Trung Quốc
Trung Quốc tiếp tục thống trị thị trường xe điện, với dự báo chiếm gần 30% thị phần xe hơi trong nước vào năm 2025. Xe điện tại Trung Quốc dự kiến sẽ vượt qua xe động cơ đốt trong (ICE) lần đầu tiên, vượt mục tiêu 50% xe điện vào năm 2035 của Chính phủ. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh tại thị trường nội địa. Kết quả kinh doanh trái chiều của các hãng xe điện Trung Quốc trong năm 2024 báo hiệu thêm một năm cạnh tranh khốc liệt của thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Thị trường xe điện Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng vững chắc vào năm 2024, không chỉ được thúc đẩy bởi các ông lớn như BYD, SAIC và Geely, mà còn bởi một số công ty tương đối mới và nhỏ hơn như Leapmotor, Li Auto và Xiaomi.
Theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, doanh số ô tô tại nước này tăng 5,5% vào năm ngoái, đạt 22,9 triệu xe. Tuy nhiên, nhu cầu này vẫn thấp hơn nhiều so với công suất mà các hãng xe đã xây dựng, buộc họ phải giảm giá và mở rộng sang thị trường nước ngoài để duy trì vị thế cạnh tranh.
Một trong những lý do chính giúp thị trường xe điện Trung Quốc duy trì sức mạnh là nhờ các khoản trợ cấp mà Chính phủ dành cho các nhà sản xuất xe điện. Các khoản trợ cấp này cũng cho phép một số nhà sản xuất xe điện Trung Quốc bán sản phẩm của họ với mức giá chiết khấu lớn tại EU và các nơi khác trên thế giới.
Các biện pháp khác, điển hình như chương trình đổi xe cũ chạy bằng dầu diesel và xăng của Chính phủ cũng góp phần thúc đẩy doanh số bán xe điện. Trong vài năm qua, khi quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra nhanh chóng, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến việc chuyển sang các công nghệ xanh.
Năm 2024, các thương hiệu ghi nhận doanh số nổi bật tại thị trường Trung Quốc là BYD, Li Auto Inc và đối tác Leapmotor của Stellantis. Mặt khác, các thương hiệu Nio Inc. và Xpeng Inc. lại không đạt được mục tiêu dù nhu cầu tăng vào cuối năm. Kết quả trái chiều này báo hiệu một năm cạnh tranh khốc liệt nữa của thị trường ôtô lớn nhất thế giới, nơi đã trải qua "cuộc chiến" giá cả không ngừng nghỉ khiến các nhà sản xuất lớn giành được thị phần lớn hơn, trong khi các công ty nhỏ hơn đang bị đẩy đến bờ vực.
Khi các nhà sản xuất ô tô đổ xô vào thị trường ô tô điện đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, họ đã châm ngòi cho một cuộc chiến giảm giá. Việc các mẫu xe điện Trung Quốc liên tục giảm giá để thu hút người mua đang khiến nhiều công ty sản xuất gặp khó khăn trong việc đạt được lợi nhuận.
Theo Stephen Dyer, Giám đốc điều hành tại AlixPartners, năm 2024 có 23 thương hiệu xe điện (EV) rời khỏi thị trường Trung Quốc hoặc bị sáp nhập vào các thương hiệu khác, trong khi có thêm 12 thương hiệu mới ra mắt. Ông Dyer ước tính các hãng xe tại Trung Quốc năm ngoái chỉ sử dụng khoảng một nửa công suất sản xuất.
Còn theo nhận định của ông Sam Fiorani, chuyên gia dự báo sản xuất và tiêu thụ ô tô toàn cầu tại AutoForecast Solutions, các công ty nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lớn có thể tồn tại, nhưng sẽ có nhiều sự hợp nhất và đào thải trong số các công ty nhỏ hơn, đặc biệt là những công ty không có dấu ấn xuất khẩu.
Cuộc chiến về giá mặc dù ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất xe điện nhưng theo nhiều người, điều này lại có lợi cho người tiêu dùng và cả sự phát triển của ngành về lâu dài.
Sau cạnh tranh về pin và giá cả khốc liệt, các hãng xe điện Trung Quốc cũng gia tăng sức nóng trên mặt trận công nghệ với trọng tâm phát triển các tính năng công nghệ chạy bằng chip bán dẫn như tính năng hỗ trợ người lái.
Theo ông Wang Chuanfu, nhà sáng lập đế chế xe điện BYD, nếu pin là nền tảng cho giai đoạn đầu phát triển xe điện ở Trung Quốc, thì hiện nay chip bán dẫn là sàn đấu cạnh tranh cho giai đoạn thứ hai của ngành này, bởi các sản phẩm xe điện tương lai tập trung vào các phương tiện kết nối thông minh.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ra thị trường nước ngoài vào năm 2025 bằng cách triển khai thêm nhiều các tàu vận chuyển ô tô hàng loạt, xây dựng các nhà máy sản xuất tại các thị trường mới, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu các bộ phận và công nghệ ô tô quan trọng.
Tàu vận chuyển ô tô lớn nhất thế giới có sức chứa lên tới 9.100 ô tô đã được bàn giao và đưa vào hoạt động vào đầu tháng 1/2025 tại thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. Tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, một tàu vận chuyển ô tô mới do BYD hạ thủy đã ra khơi trong tháng 1. Con tàu có tên gọi là "BYD Hefei", có thể chở tới 7.000 chiếc xe, cho thấy kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của công ty trên thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tận dụng tiến bộ công nghệ, chuỗi cung ứng và năng lực sản xuất mạnh mẽ để chuyển từ xuất khẩu xe sang xây dựng nhà máy ở nước ngoài, giúp họ hoạt động trực tiếp tại các thị trường mục tiêu.
Tại tỉnh Rayong của Thái Lan, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Changan Automobile cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở sản xuất xe năng lượng mới (NEV) đầu tiên của mình và đặt mục tiêu đạt sản lượng 200.000 xe vào năm 2026.
Nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối tháng 3 năm nay (2025). Nhà máy sẽ sản xuất 100.000 xe trong năm đầu tiên và sau đó tăng lên 200.000 xe vào năm tiếp theo.
Ông Cai Hongwei, nhân viên tại Changan Auto.
Nhà sản xuất ô tô liên doanh Trung Quốc SAIC-GM-Wuling Automobile (SGMW) đang hợp tác với các công ty trong chuỗi công nghiệp để xuất khẩu các bộ phận và công nghệ quan trọng của NEV, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh khi ngày càng nhiều người dùng chuyển sang sử dụng xe điện.
Phó tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) tin rằng, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ tiếp tục đổi mới bằng cách quảng bá các mẫu xe mới nhất của họ và hợp tác với các đối tác tại các thị trường mới.
Về thị trường, các công ty này sẽ mở rộng hoạt động từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Về sản phẩm, ngoài xe điện thuần túy, họ cũng sẽ tung ra một loạt sản phẩm mới bao gồm xe hybrid cắm điện và xe điện mở rộng phạm vi hoạt động (REEV), đồng thời hỗ trợ xuất khẩu xe chạy bằng nhiên liệu và xe điện hybrid (HEV). Đối với các hình thức và mô hình kinh doanh, sẽ có sự phát triển độc lập cũng như các mô hình hợp tác và liên doanh.
Ông Wei Wenqing, Phó tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Tuy nhiên, mức thuế gần đây của Liên minh châu Âu (EU) đối với các nhà sản xuất xe điện lớn của Trung Quốc như BYD, Geely và SAIC có khả năng khiến thị trường xe điện nội địa của Trung Quốc chậm lại trong ngắn hạn. Dù nhiều thách thức, thị trường xe điện của Trung Quốc vẫn là thỏi nam châm thu hút các nhà sản xuất.
Vương quốc xe điện tại châu Âu
Na Uy, một quốc nằm ở khu vực Bắc Âu, đang tự hào là nơi có tỷ lệ người dân sử dụng xe không phát thải cao nhất thế giới. Trong năm 2024, cứ 10 ô tô bán ra tại Na Uy thì có đến 9 xe điện, cho thấy tiềm năng to lớn đưa Na Uy tiến đến gần mục tiêu chỉ cho phép xe điện lưu thông trên đường vào năm 2025.
Dữ liệu được Liên đoàn Đường bộ Na Uy (OFV) công bố mới đây cho thấy, năm 2024 có đến gần 90% ô tô mới được bán trên thị trường Na Uy là xe điện.
Các xe mang thương hiệu bán chạy nhất là Tesla, tiếp theo là Volkswagen và Toyota. Trong khi đó, xe điện Trung Quốc hiện chiếm gần 10% doanh số bán xe mới.
Na Uy sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới xóa sổ gần như hoàn toàn xe động cơ xăng, dầu diesel khỏi thị trường xe mới. Quá trình này đang thực sự diễn ra nhanh chóng với hơn 25% xe ô tô lưu thông trên đường là xe điện.
Bà Christina Bu, người đứng đầu Hiệp hội xe điện Na Uy.
Dù Na Uy là quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới nhưng nước này đánh thuế rất cao đối với xe chạy bằng xăng dầu, đồng thời miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với xe điện, giúp tăng sức hút của xe điện đối với người tiêu dùng.
Các chuyên gia cho rằng chính sách này hiệu quả nhờ được Chính phủ duy trì qua nhiều nhiệm kỳ và áp dụng nhất quán. Bà Christina Bu cũng nhấn mạnh, việc đưa ra các chương trình ưu đãi thay vì cấm hẳn xe chạy xăng và diesel là quan trọng, tránh gây bức xúc dư luận. Hơn nữa, quốc gia Bắc Âu này không có nhóm vận động hành lang riêng của các nhà sản xuất ô tô, do đó việc đánh thuế cao đối với phương tiện chạy xăng dầu là không quá khó khăn.
Hiện nay hầu hết người dân Na Uy đều chuyển sang xe điện khi mua ô tô mới. Tuy nhiên còn một số cá nhân, đơn vị, điển hình là các công ty cho thuê xe, vẫn tiêu thụ xe động cơ đốt trong vì nhiều lý do khác nhau.
Để đáp ứng nhu cầu trạm sạc ngày càng tăng khi số lượng phương tiện thuần điện tăng cao, các nhà bán lẻ nhiên liệu tại Na Uy cũng đang nỗ lực chuyển đổi, lắp đặt các trụ sạc điện, đặc biệt là trạm sạc nhanh. Trong đó, Circle K - đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn nhất Na Uy, đặt mục tiêu nâng số lượng điểm sạc ít nhất phải bằng số trạm xăng dầu vào năm 2028 trong bối cảnh dự báo chỉ vài năm nữa, lượng xe điện sẽ chiếm tới 50% số ô tô vận hành tại Na Uy.
Ngày nay, sự phát triển các dòng xe điện đang trở thành một xu hướng mang tính đột phá trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu. Xu hướng này được dự báo sẽ ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia và khách hàng, khi sở hữu các ưu điểm vượt trội về bảo vệ môi trường, tận dụng năng lượng tái tạo. Sự chuyển đổi sang xe điện đã và đang thúc đẩy sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực ô tô bao gồm pin, hệ thống điều khiển cùng những công nghệ khác liên quan xe thông minh.


Theo giới quan sát, cuộc đột kích vào Belgorod có thể là “chiến dịch vỏ bọc” nhằm chuyển hướng sự chú ý của Nga khỏi tỉnh Kursk và tỉnh Sumy của Ukraine. Tuy nhiên, nỗ lực này liệu có mang lại lợi thế cho Kiev?
Các đơn vị Nga đã phá hủy thành công một trong những xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp cho Ukraine ở phía Nam làng Turya, theo kênh Telegram “Arkhangel Spetsnaz”.
Lực lượng vũ trang Nga đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn trên toàn bộ mặt trận. Những tiến triển được báo cáo ở cả tỉnh Sumy và tỉnh Kursk - theo kênh Telegram Military Summary, dựa trên dữ liệu từ tiền tuyến.
Iran tỏ ra hoài nghi trước vòng đàm phán sắp tới với Mỹ liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này. Giới chức Tehran cho biết không kỳ vọng nhiều vào kết quả, trong bối cảnh cả hai bên vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc.
Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm mạnh trong phiên mở cửa sáng 9/4, tiếp nối đà lao dốc từ phố Wall, giữa lúc giới đầu tư toàn cầu hoang mang trước kế hoạch áp thuế nhập khẩu 104% lên Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hàn Quốc đã công bố các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngành công nghiệp ô tô vào ngày 9/4, nhằm giảm bớt tác động của mức thuế quan do Tổng thống Donald Trump áp đặt.
0