Xe điện - điểm nóng trong căng thẳng thương mại EU, Trung Quốc
Xe điện - Căng thẳng thương mại EU, Trung Quốc
Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã bỏ phiếu thông qua quyết định áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc lên 45%, bắt đầu từ ngày 31/10 tới. Một số nhà quan sát bày tỏ quan ngại, quyết định áp thuế xe điện của EU có thể khơi mào một cuộc chiến thương mại sâu rộng với Trung Quốc, tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho nền kinh tế toàn cầu.
Xe điện đã trở thành điểm nóng chính và mới nhất trong chuỗi tranh chấp thương mại liên quan tới các khoản trợ giá của chính phủ Trung Quốc đối với các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Các nước EU cho rằng, hàng hóa được trợ giá từ Trung Quốc có giá thành rẻ hơn khiến các sản phẩm tương tự có nguồn gốc từ châu Âu khó có thể cạnh tranh trên thị trường, gây ảnh hưởng tới một số ngành công nghiệp tại lục địa già.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), thị phần xe điện do Trung Quốc sản xuất trên thị trường châu Âu đã tăng từ 3,9% vào năm 2020 lên 25% vào tháng 9/2023. Các công ty của Trung Quốc đạt được điều này nhờ vào trợ cấp trên toàn bộ chuỗi sản xuất. Họ có thể xây dựng nhà máy trên những khu đất giá rẻ, tiếp cận nguồn cung cấp lithium và pin giá thấp từ các doanh nghiệp nhà nước, được hưởng lợi từ các khoản giảm thuế hay các gói vay hỗ trợ từ các ngân hàng do Nhà nước quản lý.
Sự tăng trưởng nhanh chóng về thị phần đã làm dấy lên lo ngại rằng, xe điện Trung Quốc sẽ đe dọa ngành sản xuất công nghệ xanh của EU, cũng như ảnh hưởng tới việc làm của 2,5 triệu công nhân ngành công nghiệp ô tô và 10,3 triệu lao động khác có công việc phụ thuộc gián tiếp vào sản xuất xe điện.
Nếu quyết định áp thuế được áp dụng, mức thuế đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ là 17% đối với ô tô của BYD, 18,8% đối với ô tô của Geely và 35,3% đối với ô tô của SAIC thuộc sở hữu Nhà nước. Geely có các thương hiệu bao gồm Polestar và Volvo của Thụy Điển, trong khi SAIC sở hữu MG của Anh, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu.
Các mức thuế mới này được áp thêm trên mức thuế hiện hành là 10%. Điều này có nghĩa là trên thực tế, một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tổng mức thuế trên 45%. Theo đánh giá của giới phân tích, đây có thể sẽ là biện pháp thương mại lớn nhất của EU đối với Trung Quốc trong hơn 1 thập kỷ qua.
“Các nhà sản xuất ô tô châu Âu sẽ có cơ hội đi theo con đường công nghệ mà Trung Quốc đã mở ra thành công, đặc biệt là trong các lĩnh vực như lái xe tự động và hệ thống thông tin giải trí trên xe. Tuy nhiên, tôi cho là quyết định áp thuế cũng sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi sang xe điện, đặc biệt là ở một quốc gia không có thế mạnh về công nghiệp ô tô như Hy Lạp, vì giá xe từ Trung Quốc tăng sẽ khiến người tiêu dùng ít dùng xe điện hơn”.
Bà Helen Xenaki, Tổng biên tập Tạp chí 4Troxoi
Phản ứng trước quyết định của EU, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Ủy ban châu Âu giải quyết xung đột thương mại thông qua tham vấn. Trung Quốc cho rằng động thái của EU có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại, đồng thời khẳng định sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty nước này.
Theo các thông tin từ Ủy viên EU phụ trách kinh tế Valdis Dombrovskis và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào, hai bên còn 3 tuần nữa để thực hiện các cuộc đàm phán về áp thuế xe điện.
“Tôi đã nghĩ rằng họ dùng một giải pháp nào khác để cứu việc làm trong các ngành công nghiệp gặp khó khăn, chứ không phải bằng việc áp thuế. Chúng ta cần những khái niệm khác ở đây, đó là bảo đảm việc làm, địa điểm và ngành công nghiệp hơn là chủ nghĩa bảo hộ hoặc siêu thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc.”
Ông Uwe Kurt Fritsch, Chuyên gia kinh tế Đức
Tháng trước, Trung Quốc cũng đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về cuộc điều tra của EU liên quan đến xe điện, cáo buộc cuộc điều tra này “thiếu cơ sở thực tế và pháp lý” và “vi phạm nghiêm trọng” các quy tắc của tổ chức này. Hiện các mức thuế bổ sung của EU đã làm giảm doanh số của các hãng ôtô Trung Quốc tại châu Âu, trong đó doanh số tháng 8 giảm 48%, chạm mức thấp nhất trong 18 tháng.
Quyết định áp thuế liệu có phản tác dụng?
Tại cuộc bỏ phiếu của Liên minh châu Âu (EU), chỉ có 10 nước thành viên chấp thuận kế hoạch áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi Đức - cường quốc ô tô của EU cùng 4 nước khác bỏ phiếu chống và 12 nước còn lại bỏ phiếu trắng. Điều này phản ánh sự lo ngại của nhiều quốc gia thành viên về khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, mà phần thiệt thòi hơn dường như nghiêng về phía EU.
Theo các số liệu thống kê, châu Âu chỉ chiếm một phần nhỏ (khoảng 1-3%) trong tổng doanh số bán hàng của Trung Quốc, trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chiếm khoảng 1/3 doanh số của nhiều nhà sản xuất ô tô châu Âu. Do đó, một số chuyên gia cảnh báo rằng, thuế quan của EU đối với xe điện Trung Quốc không giúp bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của khối này, ngược lại, có thể gây tác động tiêu cực đến việc EU thúc đẩy chuyển đổi xe động cơ đốt trong và các chính sách năng lượng xanh của mái nhà chung.
Mercedes, BMW và Volkswagen - các nhà sản xuất ô tô thu được hơn 25% lợi nhuận nước ngoài từ thị trường Trung Quốc, đã kiên quyết phản đối việc EU áp dụng mức thuế đặc biệt. Giám đốc điều hành BMW Oliver Zipse gọi quyết định áp thuế là “đòn chí mạng đối với ngành công nghiệp ô tô châu Âu” và cho rằng cần có một giải pháp đàm phán nhanh chóng giữa EU và Trung Quốc để ngăn chặn một cuộc xung đột thương mại. Bởi xung đột chắc chắn sẽ không có người chiến thắng. Trong khi đó, hãng Volkswagen kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc giải pháp tăng cường các khoản đầu tư tại châu Âu, thay vì áp dụng thuế quan trừng phạt, để tăng sức cạnh tranh của ngành công nghiệp, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm mới.
“Ngành công nghiệp ô tô châu Âu và đặc biệt là Đức sống nhờ xuất khẩu. 70% việc làm của ngành ô tô Đức phụ thuộc vào điều này. Quyết định áp thuế xe điện có thể dẫn đến xung đột thương mại mới, một vòng xoáy bảo hộ, với các hình thức đáp trả thuế quan nối tiếp thuế quan. Điều đó gây bất lợi cho chúng tôi.”
Bà Hildegard Mueller, Chủ tịch hiệp hội công nghiệp ô tô Đức
Trước đó, chính phủ Đức cũng cho rằng việc đẩy sản phẩm nước ngoài ra khỏi thị trường EU và thu hẹp vòng đối tác thương mại là sai lầm, đồng thời lưu ý nên tiếp tục đàm phán với Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng thuế quan có thể cần thiết trong một số trường hợp, nhưng chúng ta cần một giải pháp chính trị ở đây. Chúng ta sẽ có thuế quan ở khắp mọi nơi, nếu bạn áp thuế và họ đáp trả. Đó là sự leo thang. Đây không phải là cách làm đúng đắn.”
Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck
Có chung quan điểm, thủ tướng Hungary Viktor Orban bày tỏ nghi ngờ mức độ hiệu quả trong việc áp dụng thuế thương mại đối với các sản phẩm từ Trung Quốc. Theo nhà lãnh đạo Hungary, với quyết định này, EU đang tiến tới một “cuộc chiến tranh lạnh kinh tế” với Trung Quốc, trong đó hàng hóa sản xuất tại EU sẽ khó tìm được doanh số trên thị trường thế giới.
Malta, Slovenia và Slovakia cũng bỏ phiếu phản đối thuế quan đối với ô tô điện Trung Quốc. Trong khi đó, một số quốc gia khác như Thụy Điển, Tây Ban Nha, đã bỏ phiếu trắng. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã kêu gọi EU không áp thuế đối với xe điện từ Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, ý định của EU là bảo vệ các nhà sản xuất ô tô trong khu vực, đặc biệt là muốn ngăn chặn kịch bản lặp lại trong ngành năng lượng Mặt trời, trong đó các công ty Trung Quốc thay thế vị trí dẫn đầu của các công ty phương Tây. Mặc dù các tác động tiếp theo vẫn cần được theo dõi, nhưng thực tế cho thấy các nhà sản xuất xe điện nội địa của EU khó lòng cạnh tranh với lợi thế về chi phí của các thương hiệu Trung Quốc, vốn đã tạo ra chuỗi cung ứng hội nhập toàn cầu. Thuế quan sẽ khuyến khích các nhà sản xuất hàng đầu của Trung Quốc xây dựng các nhà máy sản xuất địa phương ở châu Âu. Các “gã khổng lồ” ô tô châu Âu với sự lựa chọn hạn chế sẽ cần thiết lập quan hệ đối tác hoặc nhường chỗ cho các đối thủ cạnh tranh. Điều này đi ngược lại ý định bảo vệ của chính sách thuế quan này.
Ngoài ra, với quyết định áp thuế xe ô tô điện Trung Quốc, người dân châu Âu sẽ khó tiếp cận các dòng xe với giá cả phải chăng, khiến sự quan tâm của thị trường đối với xe điện giảm, làm dấy lên hoài nghi về tham vọng của EU đối với việc cấm bán xe động cơ đốt trong vào năm 2035.
Trung Quốc xem xét áp thuế rượu mạnh của Pháp
Mặc dù khối lượng xuất khẩu xe điện sang EU hiện nay không cao nhưng Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào sản xuất với hy vọng trong tương lai chúng sẽ trở thành động lực cho xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước phát triển. Bắc Kinh không chỉ đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực này, mà còn xây dựng ngành công nghiệp ô tô theo hướng hiện đại hóa. Tuy nhiên, những biện pháp áp thuế từ EU có thể sẽ tác động tiêu cực đến kế hoạch của Trung Quốc. Rõ ràng, Bắc Kinh sẽ điều chỉnh một phần cách tiếp cận của mình trong quan hệ với châu Âu nói chung, đồng thời chuẩn bị một phản ứng tương xứng.
Theo truyền thông phương Tây, Trung Quốc hiện đang xem xét áp thuế lên rượu mạnh nhập khẩu từ EU, tương tự như đã từng làm với rượu vang Australia vào năm 2020 sau một cuộc điều tra chống bán phá giá. Là một thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất rượu châu Âu, thuế quan của Trung Quốc được dự báo sẽ khiến nhiều nhà xuất khẩu điêu đứng.
Pháp được coi là mục tiêu của cuộc điều tra rượu mạnh từ phía Bắc Kinh do nước này ủng hộ mạnh mẽ việc EU đánh thuế đối với ô tô điện Trung Quốc. Nước này cũng chiếm tới 99% lượng rượu mạnh nhập khẩu của EU vào Trung Quốc hồi năm ngoái. Theo Hiệp hội rượu cognac Pháp, dù Trung Quốc tạm thời không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với rượu mạnh của EU, nhưng điều này không giải quyết được mối lo ngại của họ, vì Bắc Kinh vẫn có thể được áp dụng trong tương lai.
“Ngày Pháp và châu Âu tuyên bố bắt đầu một cuộc điều tra về xe điện của Trung Quốc, các nhà sản xuất rượu cognac đã cảnh báo Pháp và châu Âu rằng nếu cuộc điều tra này được tiến hành, rất có thể ngành của chúng tôi sẽ bị nhắm mục tiêu như một biện pháp đối phó. Chúng tôi khá lo lắng. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của chúng tôi. Trung Quốc chiếm hơn một phần ba khối lượng xuất khẩu trong hơn 250 năm qua”.
Ông Anthony Brun, Chủ tịch liên đoàn các nhà sản xuất rượu Cognac
Bắc Kinh đã công bố cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh của EU vào tháng 1. Ngoài cuộc điều tra về rượu mạnh, Bắc Kinh cũng đã mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm từ sữa và thịt lợn từ EU trong những tháng gần đây. Hiện tại, Trung Quốc đánh thuế 12% đối với thịt nhập khẩu của EU.
Nếu mức thuế tăng lên 20%, nhiều doanh nghiệp châu Âu sẽ cảm nhận được “sức nóng” của cuộc chiến thương mại và tổn thất ở thị trường Trung Quốc là khó có thể bù đắp, ngay cả khi EU tìm kiếm các thị trường mới ở khu vực Đông Nam Á. Giới quan sát quốc tế bình luận, động thái này của Trung Quốc là một “chiến thuật cao tay”, nhằm buộc EU không thể dễ dàng đặt mọi thứ lên bàn cân để xem xét “cái được, cái mất”, để rồi đưa ra những quyết định “gây khó dễ” cho Trung Quốc.
Hiện các nước châu Âu đang đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để hạ nhiệt căng thẳng thương mại và tìm kiếm một giải pháp thay thế cho công cụ thuế quan. Một số lựa chọn đang được đàm phán bao gồm: xác định mức giá nhập khẩu tối thiểu dựa trên các tiêu chí như phạm vi hoạt động, hiệu suất pin và chiều dài của xe điện, cùng với việc xe đó là xe hai bánh hay bốn bánh. Giải pháp khác là các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cần cam kết đầu tư vào EU. Hiện chưa rõ Brussels và Bắc Kinh có thể đàm phán thành công để đi đến một thỏa hiệp hay không, nhưng có một điều rõ ràng rằng, trong các cuộc chiến thương mại hay bất kỳ một cuộc chiến nào khác, sẽ không có người chiến thắng thực sự - đặc biệt là giữa hai nền kinh tế có sự phụ thuộc chặt chẽ với nhau như EU và Trung Quốc.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.
Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.
Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.
Giá dầu thế giới gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 19/11. Những dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Ngày 20/11, quân đội Pakistan cho biết ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng do vụ tấn công liều chết nhằm vào đồn kiểm soát quân sự tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền sắp tới của mình. Việc bổ nhiệm ông Lutnick cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
0