Xã Liên Minh: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã Liên Minh (Thọ Lão) được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Trung Châu, Phương Đình (huyện Đan Phượng); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân, Hồng Hà (huyện Đan Phượng), xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh).
Lý do lấy tên xã mới là Liên Minh: Lấy tên gọi này dựa trên yếu tố tên tổng Liên Minh (trước năm 1945) gồm các xã Thọ Xuân, Thọ An và các thôn Chu Phan, Hưu Trưng, Vân Môn, Yên Châu, Nại Sa xã Trung Châu (Làng xã ngoại thành Hà Nội - 1981).
Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Liên Minh
Xã Liên Minh giáp các xã: Yên Lãng, Ô Diên, Hát Môn, Phúc Lộc, Đan Phượng của thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.
Xã Liên Minh có diện tích tự nhiên là 23,57 km2; quy mô dân số là 47.769 người; trong đó:
- Xã Trung Châu (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 7,35 km²; quy mô dân số: 9.677 người
- Xã Thọ An (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 5,26 km²; quy mô dân số: 12.577 người
- Xã Thọ Xuân (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 4,21 km²; quy mô dân số: 11.431 người
- Xã Hồng Hà (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 0,16 km²; quy mô dân số: 0 người
- Xã Phương Đình (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 6,25 km²; quy mô dân số: 14.084 người
- Xã Tiến Thịnh (Huyện Mê Linh): Diện tích: 0,34 km²; quy mô dân số: 0 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Liên Minh
Xã Liên Minh nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô, giáp sông Hồng; xã tiếp giáp, kết nối đi các xã Yên Lãng, Ô Diên, Hát Môn, Phúc Lộc, Đan Phượng của thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, kết nối với quốc lộ 32 đi liên tỉnh và các tuyến đường liên xã, qua đó thúc đẩy thông thương phát triển kinh tế - xã hội, kết nối hạ tầng giao thông - vận tải.
Đặc điểm kinh tế xã Liên Minh
Xã Liên Minh có nền kinh tế phát triển theo hướng nông nghiệp chất lượng cao kết hợp tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại, phản ánh tính chất chuyển tiếp giữa nông thôn truyền thống và vùng ven đô thị.
Nhờ vị trí tiếp giáp sông Hồng và hệ thống giao thông liên kết thuận lợi, khu vực đất bãi của xã có điều kiện thuận lợi để phát triển trồng rau màu, cây ăn quả, hoa cây cảnh. Nhiều hộ đã chuyển sang mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Người dân phát triển các loại cây ăn quả có giá trị như cam Canh, bưởi Diễn, táo đào muộn, chuối tây hồng, chuối tiêu hồng, phật thủ… Nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả như: chăn nuôi lợn, bò, nuôi cá lồng trên sông Hồng - một lợi thế đặc trưng về địa lý của vùng ven sông.
Tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống tiếp tục được duy trì tại các cụm dân cư cũ, với các ngành nghề như mộc dân dụng, cơ khí nhỏ, gia công may mặc, vừa góp phần tạo việc làm, vừa giữ gìn bản sắc nghề nghiệp địa phương.
Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, với sự hình thành các cụm dân cư mới, cửa hàng buôn bán, dịch vụ hậu cần, xây dựng, vận tải và sinh hoạt dân sinh.
Khu vực ven sông Hồng mở ra tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, kết hợp bảo tồn không gian làng quê và khai thác cảnh quan tự nhiên.
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Liên Minh
Người dân trên địa bàn xã có ý thức xây dựng và gìn giữ các công trình tín ngưỡng, tôn giáo như đình, đền, chùa, đồng thời tổ chức nhiều lễ hội dân gian nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa cộng đồng. Xã có một số di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia như: đình Trung Hà, đình Phương Tiến, chùa Khánh Hưng, đền Vân Môn; 03 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, gồm: đình Hưu Trưng, đình Nại Sa, chùa Nại Sa, đền An Thịnh.
Một trong những nét đặc sắc tiêu biểu của đời sống văn hóa lễ hội tại địa phương là lễ hội cướp cây bông được tổ chức tại đình Trung Hà. Đây là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, vẫn được gìn giữ và tổ chức thường niên, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng và truyền thống văn hóa đặc trưng của vùng đất này.
Trên địa bàn xã, trường học các cấp mầm non, tiểu học, THCS đều đạt tiêu chuẩn quốc gia; trên địa bàn xã có: 04 trường THCS (Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân, Phương Đình), 04 trường tiểu học (Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân, Phương Đình), 05 trường mầm non (Tiến Thịnh, Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân, Phương Đình).
Trên địa bàn xã có các trạm y tế tại Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân, Phương Đình được đầu tư trang thiết bị đồng bộ, đội ngũ cán bộ y bác sĩ có chuyên môn, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn xã.
- Trụ sở Đảng ủy xã Liên Minh: Số 27, cụm 3 đường Thọ Xuân, xã Liên Minh
- Trụ sở UBND xã Liên Minh: Số 121, đường Nam Sông Hồng, thôn 7, xã Liên Minh
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Liên Minh: đồng chí Nguyễn Tiến Toàn
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Liên Minh: đồng chí Nguyễn Quý Mạnh
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Liên Minh: đồng chí Nguyễn Hữu Mạnh.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây