WTO cảnh báo nguy cơ suy thoái do thuế quan Mỹ
Theo WTO, nguyên nhân chủ yếu đến từ các biện pháp thuế quan mới của Mỹ và những hiệu ứng lan tỏa đi kèm.
Theo báo cáo mới nhất, WTO dự kiến khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 0,2% trong năm 2025 - đảo chiều hoàn toàn so với mức tăng trưởng 3,0% được dự báo hồi tháng 10/2024. Tổ chức này cho biết, các ước tính mới phản ánh các biện pháp thuế mà Mỹ áp dụng đầu tuần này.
“Tôi rất lo ngại. Sự sụt giảm trong tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu là một mối quan ngại lớn”, Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala phát biểu tại Geneva.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang
Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian gần đây đã gia tăng đáng kể áp lực thương mại, với việc áp thêm thuế lên thép, ô tô nhập khẩu và nhiều mặt hàng khác trong khuôn khổ chính sách thuế quan toàn cầu mới. Dù tạm hoãn áp thuế cao với một số nền kinh tế, Washington vẫn đang đẩy mạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, khiến mức thuế qua lại giữa hai nước đã vượt ngưỡng 100%.
Theo WTO, nếu chính quyền Mỹ tiến hành đầy đủ gói thuế quan mở rộng, tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm thêm 0,6 điểm phần trăm. Cộng thêm các tác động gián tiếp lan tỏa ra ngoài quan hệ thương mại song phương, tổng mức giảm có thể lên tới 1,5% - mức thấp nhất kể từ năm 2020.
“Suy giảm thương mại toàn cầu có thể kéo theo suy giảm tăng trưởng GDP. Các lo ngại về thương mại thường gây hiệu ứng tiêu cực lan sang thị trường tài chính và nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế”, bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ lo ngại về tác động sâu sắc đối với các nước đang phát triển.
Lo ngại về xu hướng “tách rời”
Theo người đứng đầu WTO, một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất là nguy cơ "tách rời" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang dần trở nên rõ rệt.
WTO ước tính rằng, nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, thương mại hàng hóa toàn cầu giữa các quốc gia có thể giảm tới 81%. Con số này thậm chí có thể lên tới 91% nếu các miễn trừ thuế quan hiện nay, chẳng hạn như đối với điện thoại thông minh bị rút lại.
“Việc tách rời hai nền kinh tế hàng đầu có thể dẫn đến sự phân mảnh toàn cầu theo các trục địa chính trị - hình thành hai khối biệt lập”, bà Okonjo-Iweala cảnh báo. Trong kịch bản đó, GDP toàn cầu có thể sụt giảm tới 7% trong dài hạn - một mức giảm được đánh giá là “nghiêm trọng và đáng lo ngại”.
WTO cũng lưu ý rằng, do tính chất chưa từng có của các thay đổi chính sách thương mại gần đây, mọi dự báo cần được diễn giải một cách thận trọng. Tổ chức này đưa ra dự báo thương mại hàng hóa sẽ chỉ phục hồi khiêm tốn ở mức 2,5% vào năm 2026.
Cùng ngày, Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc cũng cảnh báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chậm lại còn 2,3%, do các yếu tố bất ổn và căng thẳng thương mại gia tăng.

Dịch chuyển dòng chảy thương mại và tác động lan rộng
Theo WTO, gián đoạn thương mại Mỹ - Trung sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang các khu vực ngoài Bắc Mỹ tăng từ 4% đến 9%. Một số quốc gia khác cũng có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng xuất khẩu trong các lĩnh vực như dệt may, quần áo và thiết bị điện tử - những lĩnh vực vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ.
Ngoài ra, dù không trực tiếp bị đánh thuế, thương mại dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Nguyên nhân là nhu cầu đối với các dịch vụ gắn với thương mại hàng hóa như vận tải, logistics đang suy giảm; đồng thời, bất ổn kinh tế có thể khiến chi tiêu cho du lịch và các dịch vụ đầu tư giảm mạnh.
WTO hiện dự báo thương mại dịch vụ sẽ chỉ tăng 4,0% vào năm 2025 và 4,1% vào năm 2026, thấp hơn rõ rệt so với mức dự báo trước đây là 5,1% và 4,8%.
Dự báo ảm đạm này xảy ra ngay sau một năm 2024 đầy khởi sắc, khi thương mại hàng hóa toàn cầu tăng 2,9%, còn thương mại dịch vụ tăng tới 6,8%.


Quân đội Israel tuyên bố, họ đã biến 30% lãnh thổ Gaza thành vùng đệm, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục các cuộc tấn công và duy trì lệnh phong tỏa viện trợ nhân đạo tới vùng lãnh thổ này.
Thống đốc và Tổng chưởng lý California cho biết, bang này đã đệ đơn kiện chính quyền liên bang nhằm ngăn chặn việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế toàn diện đối với các đối tác thương mại nước ngoài.
Pháp đang phải đối mặt với một loạt các vụ tấn công có tổ chức nhằm vào các nhà tù trên khắp cả nước.
Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam ngày 15/4 đã giải tán Quốc hội nước này, mở đường cho việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới vào ngày 3/5.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/4 cho biết, Nga và Trung Quốc đang triển khai những kế hoạch đầy tham vọng trong lĩnh vực hợp tác không gian.
Trung Quốc ngày 16/4 tuyên bố sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Washington, nhưng kèm theo một loạt điều kiện.
0