'Vụ Trương Mỹ Lan có thể xây được nửa đường sắt Bắc-Nam'
Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; trong đó tập trung vào nội dung đề xuất bỏ hình phạt "tử hình", thay bằng "tù chung thân không xét giảm án" với 8/18 tội danh. Nội dung bỏ án tử đối với các tội danh: "Sản xuất, buôn bán hàng giả" là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; "Vận chuyển trái phép chất ma túy"; "Nhận hối lộ" nhận được sự quan tâm của nhiều vị đại biểu.
Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát tới con số “không tưởng”
Liên quan đến mức án tử hình đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng như tham nhũng, tham ô, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho biết, thực tế thời gian qua chưa có ai bị thi hành án tử hình đối với các tội danh này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã có những vụ án lớn mà Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị mức án cao nhất là tử hình đối với bị cáo, như vụ án liên quan ngân hàng SCB và một số vụ án khác.

Điều đáng chú ý là, trong nhiều trường hợp, khi mức án chưa tuyên, gia đình bị cáo không có phản ứng gì. Nhưng chỉ vài ngày sau khi tòa tuyên án tử hình, gia đình bị cáo lại chủ động mang tiền đến để khắc phục hậu quả, như một cách “chuộc lại” mức án tử.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc duy trì án tử hình với tội tham nhũng là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh hiện nay, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.
“Tôi cho rằng, án tử hình đối với các tội này có tính răn đe, cảnh tỉnh mạnh mẽ. Mặc dù thực tế có thể không thi hành án tử, nhưng nếu bị cáo khắc phục hậu quả tốt, họ có thể được giảm án xuống chung thân, thậm chí là 20 hay 15 năm tù”, đại biểu Hòa nêu quan điểm.
Dẫn chứng cụ thể, đại biểu nhắc đến trường hợp bà Trương Mỹ Lan - người bị cáo buộc gây thất thoát hàng triệu tỷ đồng. “Nếu bà ấy khắc phục được một nửa số tiền, thì chúng ta đã có thể xây dựng được 50% tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam”, ông nói.
“Nếu không tử hình sẽ có lỗi với những nạn nhân sử dụng thuốc giả”
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đại biểu Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM) bày tỏ sự băn khoăn trước đề xuất loại bỏ án tử hình với bốn tội danh: "tham ô", "nhận hối lộ", "vận chuyển trái phép chất ma túy" và "sản xuất, kinh doanh thuốc giả".
Đại biểu cho rằng, không cần phải phân tích thêm về mức độ nguy hiểm và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của các tội danh này, bởi thực tế cho thấy lực lượng chức năng hiện đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý. “Những tội ác này gây hậu quả nặng nề cho xã hội. Vậy tại sao lại đề xuất giảm án? Điều này là phi logic”, bà nói.
Phản biện lại quan điểm cho rằng việc giảm án tử là vì yếu tố nhân đạo, phù hợp với xu thế thế giới, đại biểu thẳng thắn nêu: “Tôi không hiểu vì sao lòng từ bi lại đến bất ngờ như vậy. Nếu chúng ta nhân văn với tội phạm thì thân nhân của các nạn nhân sẽ nghĩ gì? Những người đã mất do hậu quả từ các tội ác này sẽ được ai nhân văn?”.

Theo bà, phần lớn các bị cáo trong các vụ án tham nhũng, ma túy, thuốc giả đều nhận thức rất rõ hậu quả của hành vi, nhưng vẫn cố tình thực hiện vì lợi ích cá nhân. Do đó, việc giữ mức án cao nhất "tử hình" là cần thiết trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. “Chúng ta đã có các mức hình phạt tăng dần theo mức độ vi phạm. Nhưng vẫn cần giữ ‘chặng cuối cùng’, mức cao nhất, để làm ranh giới răn đe rõ ràng”, đại biểu nhấn mạnh.
Trước đó, tại thảo luận tổ về Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự, nữ đại biểu cũng đã đặt ra vấn đề nhân văn khi bỏ án tử hình đối với một số tội danh. "Chúng ta nhân văn với tội phạm là chúng ta độc ác với đồng bào mình, với những người đang sống tuân thủ pháp luật, với thân nhân của các nạn nhân" - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Tao Văn Giót, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu cho rằng mức phạt 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng với các hành vi sản xuất thuốc giả, thực phẩm giả là chưa đủ sức răn đe và chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm. Ông nói, hầu hết vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, thuốc giả đều là phạm tội có tổ chức, có kế hoạch với phạm vi ảnh hưởng rộng. "Đây là loại tội phạm biết hậu quả nhưng vẫn cố ý làm sai, trong khi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, mạng sống người dân. Sản xuất hàng giả không khác gì cố ý giết người", đại biểu Giót nhấn mạnh.


UBND thành phố Hà Nội đã phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2025 trong sáng 28/5 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Các đại biểu Quốc hội được khuyến khích phát biểu trực tiếp thay vì cầm giấy đọc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy vai trò cầu nối tin cậy, đối tác trách nhiệm, sẵn sàng đồng hành, đóng góp vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung cho tất cả người dân, các quốc gia của ASEAN, GCC và Trung Quốc.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hungary Sulyok Tamas là sự kiện quan trọng, góp phần đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Lực lượng CSGT đã triển khai ghi hình bằng camera giám sát để xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm giao thông.
UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu chuyển đổi xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên toàn địa bàn thành phố chậm nhất vào năm 2030.
0