Vòng đàm phán thứ hai Mỹ - Iran: Dò dẫm tiến

Tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Iran về giải pháp cho vấn đề chương trình hạt nhân của Iran đã tiến triển thuận lợi cho dù những gì đạt được mới chỉ là những bước đi dò dẫm ban đầu.

Diễn biến và kết quả của vòng đàm phán thứ hai giữa Mỹ và Iran về giải pháp cho vấn đề chương trình hạt nhân của Iran dường như làm cả Mỹ lẫn Iran hài lòng và lạc quan hơn hẳn vòng đàm phán trước đấy.

Cả hai phía đều đánh giá tích cực, không phê trách lẫn nhau và đều khẳng định đã đạt được sự nhất trí về việc bắt đầu cùng nhau soạn thảo một khuôn khổ cho thoả thuận mới về vấn đề hạt nhân của Iran.

Mỹ và Iran cho biết, các cuộc đàm phân cấp kỹ thuật giữa hai bên sẽ được tiến hành trước khi đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump là ông Steve Witkoff và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi gặp nhau lần thứ ba vào ngày 26/4 tới.

Có thể thấy, tiến trình đàm phán nửa trực tiếp, nửa gián tiếp với vai trò ngoại giao trung gian của Bộ trưởng Ngoại giao Oman cho đến nay tiến triển thuận lợi cho dù những gì đạt được mới chỉ là những bước đi dò dẫm ban đầu.

Vòng đàm phán thứ hai này diễn ra ở Thủ đô Roma của Italy. Trước đấy, ông Araghchi đã tới Nga gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và chuyển tới ông Putin một bức thư của lãnh đạo Iran, còn ông Witkoff gặp Bộ trưởng Ngoại giao Italy. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cũng có mặt ở Roma vào thời điểm diễn ra hơn 4 giờ đồng hồ đàm phán giữa ông Witkoff và ông Araghchi ở Roma. Những động thái đó dường như hàm ý Mỹ và Iran chủ định dành cho EU và Nga vai trò quyết định nào đấy trong việc giám sát Mỹ và Iran thực thi thoả thuận mà rồi đây hai bên sẽ đạt được.

Đồng thời, có thể thấy Mỹ và Iran trong thâm tâm đều muốn nhanh chóng đạt được thoả thuận mới về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Nhiều khả năng ở vòng đàm phán thứ hai vừa qua, Mỹ và Iran đã đạt được với nhau sự nhất trí khá cơ bản về mục tiêu và nguyên tắc của thoả thuận mới. Điều kiện tiên quyết của phía Mỹ chỉ còn là Iran không được chế tạo và sở hữu vũ khí hạt nhân, không còn là Iran phải huỷ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân.

Thoả thuận mới sẽ không phải là "Giải pháp Libya" cho vấn đề hạt nhân của Iran và cũng không phải chỉ lặp lại y nguyên thoả thuận mà Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Iran đã ký kết với nhau vào mùa hè năm 2015. Mỹ đã chịu chấp nhận Iran tiếp tục chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự, hoà bình, chấp nhận dỡ bỏ các biện pháp chính sách bao vây, cấm vận và trừng phạt Iran. Phía Mỹ có lẽ đã chấp nhận điều gì đó để xua tan lo ngại của Iran về việc thay đổi chính quyền ở Mỹ là có thể đưa đến việc Mỹ đơn phương rút ra khỏi thoả thuận đã ký kết.

Sự tin cậy lẫn nhau hiện chưa đủ mức để Mỹ và Iran kiến tạo nên ngay bước tiến mang tính đột phá quyết định. Vì thế, hai bên đã và sẽ còn phải tiếp tục dò dẫm tiến. Điều này rất đáng được khích lệ bởi điều quyết định là tiến chứ không dừng và tiến đúng hướng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 21/4. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 20/4 đã đề xuất Nga ngừng toàn bộ các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự trong thời gian ít nhất 30 ngày.

Số người thiệt mạng trong vụ không kích mới của Mỹ nhằm vào một khu chợ đông đúc ở thủ đô Sanaa (Yemen) vào tối 20/4 đã tăng lên 12 người, trong khi ít nhất 30 người khác bị thương.

Tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Iran về giải pháp cho vấn đề chương trình hạt nhân của Iran đã tiến triển thuận lợi cho dù những gì đạt được mới chỉ là những bước đi dò dẫm ban đầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth vừa tiếp tục dính nghi vấn lộ kế hoạch mật liên quan tới các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen trong cuộc trò chuyện trên nhóm trò chuyện Signal.

Quân đội Israel ngày 20/4 đã thừa nhận có những sai sót về mặt chuyên môn trong vụ nổ súng khiến 15 nhân viên cứu hộ Palestine ở Gaza thiệt mạng vào tháng trước, đồng thời sa thải một phó chỉ huy thực địa sau cuộc điều tra.