Việt Nam tăng 8 bậc về Chỉ số phát triển con người | Hà Nội tin mỗi chiều
Việt Nam nâng hạng vượt bậc trong Chỉ số phát triển con người
Việt Nam đã tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên vị trí 107 trong bảng xếp hạng mới nhất về chỉ số phát triển con người (gọi tắt là chỉ số HDI). Với chỉ số phát triển con người là 0,726 nước ta tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có chỉ số HDI cao. Từ vị trí tương đối thấp trong bảng xếp hạng, nay Việt Nam đang ở giữa bảng xếp hạng và liên tục tiến bộ trong 30 năm qua. HDI được đánh giá qua ba tiêu chí: sức khỏe (đo bằng tuổi thọ trung bình), tri thức (đo bằng tỉ lệ số người lớn biết chữ và tỉ lệ nhập học các cấp giáo dục) và thu nhập (mức sống đo bằng GDP bình quân đầu người).
Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) nhận định Việt Nam đang tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển con người, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong tiến trình giải quyết các thách thức toàn cầu, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Từng là quốc gia bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam nay đã thành công trong việc đưa người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và đạt mức tăng trưởng kinh tế - xã hội khá cao. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong cải thiện cuộc sống người dân và nâng cao chất lượng y tế trong những thập kỷ gần đây được quốc tế ghi nhận. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 15 năm, giảm đáng kể các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Việt Nam đã mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế, tiến xa hơn trên lộ trình chăm sóc sức khoẻ toàn dân.
Việc Việt Nam thăng hạng vượt bậc về chỉ số phát triển con người sẽ tạo độ tin cậy với các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch quốc tế. Từ đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển con người chính là sự phát triển mang tính nhân văn, giúp người dân được sống lâu và khỏe mạnh, được học hành và có một cuộc sống ấm no. Với vị trí, tầm vóc của một thủ đô, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực. Hà Nội luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số phát triển con người cao nhất nước ở cả ba tiêu chí sức khỏe, tri thức và thu nhập. Năm 2024, Hà Nội đặt ra 24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn khoảng 7%, thu nhập bình quân đầu người 162 triệu đồng. Trong chiến lược phát triển Thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại” từ nay đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội xác định đặt con người vào trung tâm của chiến lược.
Lựa chọn sách giáo khoa cần công khai, khách quan
Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên học sinh khối lớp 5, 9 và 12 học sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ năm nay, quyền lựa chọn sách giáo khoa sẽ thuộc về các trường học thay vì UBND tỉnh/thành phố như trước đây.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hoàn thành việc giới thiệu sách giáo khoa mới lớp 5, lớp 9 và lớp 12 tới cán bộ, giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của thành phố. Những cuốn sách giáo khoa mới đã chính thức được giới thiệu tại Hà Nội với ba bộ khác nhau là Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh diều. Các nhà xuất bản đã mang tới nhiều lựa chọn. Có bộ sách giáo khoa lên tới 46 cuốn bao gồm cả chuyên đề học tập. Năm nay, các giáo viên, tổ chuyên môn sẽ trực tiếp chọn sách giáo khoa. Theo quy định, mỗi trường sẽ có một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, trong đó có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, đại diện cha mẹ học sinh. Hội đồng chỉ có nhiệm vụ thẩm định quy trình lựa chọn sách giáo khoa đúng hay chưa, không được can thiệp hay tác động vào việc lựa chọn sách giáo khoa.
Nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Quốc Toản yêu cầu các đơn vị cần nghiên cứu kỹ Thông tư số 27, nhất là những điểm mới về trách nhiệm và quy trình lựa chọn sách giáo khoa, để triển khai nghiêm túc, minh bạch, công bằng và bảo đảm tiến độ công bố danh mục sách giáo khoa được phê duyệt trước ngày 30/4/2024.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đơn vị xây dựng dự thảo thông tư 27 việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cán bộ quản lý cấp trường, giáo viên, phụ huynh đảm bảo nguyên tắc dân chủ. Vai trò của đại diện cha mẹ học sinh là chứng kiến, góp ý, đảm bảo quy trình lựa chọn sách giáo khoa khách quan. Thông tư 27 vẫn phải tuân thủ Luật Giáo dục nên căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục, UBND cấp tỉnh vẫn phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa tại địa phương.
Quan điểm của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là định hướng phát triển năng lực phẩm chất được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học và cấp học. Mục tiêu là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Do vậy, dù chọn sách giáo khoa nào thì học sinh cũng được thực hành, được trao đổi, được thảo luận để phát triển những kỹ năng và năng lực. Học sinh không phải ngồi nghe thầy cô giảng, thay vào đó, được thầy cô giao cho nghiên cứu, đọc sách, làm thí nghiệm, làm việc nhóm. Từ đó, các em tự rút ra bài học để có thể trình bày được với thầy cô, bạn bè. Đó chính là cách thức học để chiếm lĩnh kiến thức.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chọn sách giáo khoa tại các địa phương. Hiện tại, giáo viên đang dựa trên các tiêu chí như nội dung, phương pháp, sự phù hợp với điều kiện của nhà trường để chọn sách giáo khoa. Giá sách giáo khoa chưa được công bố, nhưng đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới.
Được trao quyền lựa chọn sách khoa, các trường, các giáo viên sẽ chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, minh bạch, công bằng và đúng tiến độ. Chọn sách giáo khoa nào đòi hỏi phải xuất phát từ thực tiễn và hiệu quả dạy học, đồng thời phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy học tại các nhà trường. Làm được như vậy, việc lựa chọn sách giáo khoa mới thực sự là vì quyền lợi của học sinh, vì sự phát triển của nền giáo dục./.
- Du lịch Việt bội thu dịp Tết Giáp Thìn | Hà Nội tin mỗi chiều
- Sinh con năm rồng, nhiều 'rồng con' chật vật vào đời | Hà Nội tin mỗi chiều
- Xây dựng y tế Thủ đô phát triển toàn diện | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội đặt mục tiêu quản lý chất lượng không khí đến năm 2030 | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội đạt chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất cả nước | Hà Nội tin mỗi chiều


“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”. Lời thơ, lời ca ấy đã phần nào nói lên tình cảm kính yêu và niềm tự hào của nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một trong số rất nhiều ca khúc sẽ được vang lên trong chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Người là niềm tin tất thắng” do Đài Hà Nội thực hiện vào đúng ngày 19/5.
Covid-19 hiện đã được coi là bệnh lưu hành tại Việt Nam, bởi vậy chúng ta cần tiếp cận Covid-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường, không chủ quan nhưng cũng không cần hoang mang.
Thành phố Hà Nội đang nỗ lực để mùa tuyển sinh năm nay diễn ra suôn sẻ, công bằng và minh bạch hơn, với điểm đáng chú ý nhất là bám sát tiêu chí “học gần nhà”.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa phát động một đợt cao điểm toàn quốc để truy quét hàng giả, hàng nhái, buôn lậu và gian lận thương mại.
Một nguyên Cục trưởng và bốn cán bộ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa bị khởi tố vì hành vi nhận hối lộ vào ngày 13/5. Những người từng được trao quyền bảo vệ sự an toàn cho bữa ăn của hàng triệu người, nay lại bị cáo buộc “bán rẻ” chính điều đó.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có một đề xuất thu hút sự quan tâm của dư luận: Bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS - hay quen gọi là bằng tốt nghiệp lớp 9. Vậy, không cấp bằng, liệu học sinh có được học tiếp không? Có bị thiệt thòi gì không?
0