Xin chữ đầu năm

Mỗi nét chữ thư pháp đều gửi gắm biết bao hy vọng về một năm mới bình an, hạnh phúc. Nhiều người Việt vẫn luôn tin vào điều đó và thường tìm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ đầu năm như một truyền thống tốt đẹp.

Từ những ngày đầu xuân cho tới khoảng hết tháng Giêng, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường rộn ràng hơn bao giờ hết. Đây là không gian lưu giữ truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt. Thời gian đầu năm này, rất nhiều người đến xin chữ như một thói quen, thể hiện nét văn hóa đẹp, mong ước cho một năm mới thành đạt, hanh thông.

Các thầy đồ cho chữ tại Văn Miếu thường có có mặt từ sớm để chuẩn bị đồ đạc, gồm: bút lông, mực tàu, giấy đỏ… trước khi bắt đầu một ngày “cho chữ”. Đã hàng chục năm qua, cứ vào đầu xuân năm mới, thầy đồ Nguyễn Văn Thuyết lại di chuyển từ huyện Mỹ Đức đến Văn Miếu để cho chữ từ rất sớm. Dù tuổi cao nhưng đam mê công việc của thầy vẫn không hề giảm, bởi đây là cách để lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Thầy đồ Nguyễn Văn Thuyết chia sẻ: "Tôi đã viết được nhiều năm, nhưng vì lòng đam mê với viết chữ thư pháp, nên đến bây giờ tôi vẫn tiếp tục học. Bản thân tôi cảm nhận đây là nét văn hoá đẹp".

Cũng theo thầy Thuyết, xin chữ vào dịp đầu năm là cách để nhiều người thể hiện niềm hy vọng vào một năm mới may mắn, và là phương pháp hay để răn dạy, truyền đạt đến thế hệ trẻ.

Mỗi mùa xuân là một lần chứng kiến sự tiếp nối của những nét văn hóa đẹp. Năm nay, bên cạnh những thầy đồ già dặn kinh nghiệm như thầy Nguyễn Văn Thuyết còn có những người trẻ đang dần đến với thư pháp, điển hình là thầy đồ Nguyễn Anh Vũ. Đối với anh, thư pháp là nét đẹp truyền thống giúp kết nối quá khứ và hiện tại.

"Mình đã đam mê thư pháp từ khi còn bé, tuy nhiên chưa có duyên trong thời gian học đại học. Sau này, mình bắt đầu tìm hiểu và cảm thấy rất đam mê với thư pháp. Mình rất mong muốn được trải nghiệm không khí Tết ở Văn Miếu", thầy đồ Nguyễn Anh Vũ cho hay.

Dù xuất phát từ nhiều nơi, các du khách dừng chân tại Văn Miếu xin chữ đều chung niềm tin rằng, một con chữ đẹp có thể mang đến cả năm nhiều may mắn, bình an. Vì vậy mà các chữ "bình an", "an khang" đã trở thành lựa chọn của nhiều người khi tới xin chữ tại Văn Miếu.

Năm nào cũng vậy, gia đình anh Nguyễn Duy Hiếu (Mộ Lao, Hà Đông) đều đến Văn Miếu để giới thiệu cho các con hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Hồng (Mộ Lao, Hà Đông) chia sẻ, ở Hà Nội đã lâu, chị thấy văn hoá này rất hay và đã trở thành truyền thống lâu đời. Chị Hồng rất muốn con mình cũng sẽ được trải nghiệm nét văn hoá đẹp của người Hà Nội.

Việc xin chữ cũng tựa như nhận một tác phẩm nghệ thuật, mà hơn cả là nhận sự gửi gắm về những điều tốt đẹp. Người Việt Nam, hay bất kể du khách quốc tế nào tới Hà Nội vào dịp năm mới, đều muốn tìm hiểu những phong tục đẹp như thế.

Chị Angele Vanderbecq, du khách người Pháp, cho biết: "Tôi đến Hà Nội một thời gian rồi và rất ấn tượng với lễ hội mùa xuân ở đây, đặc biệt là không khí ở Văn Miếu rất nhộn nhịp. Ấn tượng nhất là nhiều người đến xin chữ thư pháp. Chữ rất đẹp với mực tàu trên nền giấy đỏ. Trải nghiệm những lễ hội như thế này ở Hà Nội sẽ khiến tôi nhớ mãi".

Mỗi năm cũ qua đi, năm mới đến, dù có bao điều đổi thay thì tục xin chữ vẫn là “điểm lặng” đẹp đẽ trong dịp đầu xuân. Một nét văn hóa "cũ mà vẫn mới" với những người yêu chữ, yêu giá trị truyền thống của dân tộc.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhiều người đã tìm về thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội để hoà mình trong không gian làng quê thanh bình, với cánh đồng lúa xanh nổi bật và hàng hoa gạo bắt đầu bung nở.

Con phố sách cũ trên đường Láng (Hà Nội) là chốn thân quen của nhiều người, nơi chứa đựng những câu chuyện riêng, khiến cho tâm hồn của họ luôn được rộng mở.

Bên cạnh di sản kiến trúc, lịch sử, Hoàn Kiếm còn là cái nôi của một di sản đặc biệt - di sản ẩm thực, hội tụ của sự tinh tế.

Rau muống xào tỏi của Việt Nam vinh dự xếp hạng thứ 24 trong danh sách 100 món rau ngon nhất thế giới của chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Atlas, với số điểm 4,3/5 sao.

Những ngày khô lạnh ít ỏi của đợt rét tháng Ba rất nhanh sẽ đi qua, để sớm mai, một mùa hè rực rỡ bừng tỉnh.

Với khát khao gìn giữ "hơi thở" của the lụa từng vang danh, nghệ nhân Lê Đăng Toản (Hà Đông) đã miệt mài canh cửi trong suốt gần 20 năm, dù hành trình không ít gian nan.