Vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam trong nghệ thuật đảo ngược

Nghệ thuật đảo ngược, với khả năng biến hóa độc đáo trong hình ảnh, mang đến những góc nhìn mới mẻ, sâu sắc, hoàn toàn khác biệt về nét đẹp người phụ nữ Việt Nam.

Nghệ thuật đảo ngược (Upsidedownism) có thể là khái niệm mới với nhiều người, nhưng thực tế đã tồn tại hơn 20 năm và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, trường phái này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu nghệ thuật.

Nghệ thuật đảo ngược ra đời vào năm 1993 tại Mỹ, là sự kết hợp tinh tế giữa triết lý sống phương Tây và quan niệm phương Đông về sự tương xứng cơ bản tự nhiên. Trong trường phái này, các hình ảnh, cảnh vật hay nhân vật được vẽ theo cách ngược lại với góc nhìn thông thường, tạo ra những hiệu ứng thị giác độc đáo, khiến người xem phải thay đổi cách cảm nhận và chiêm nghiệm về thế giới xung quanh.

Từ xưa đến nay, hình tượng người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong nhiều trường phái và bộ môn nghệ thuật, từ âm nhạc, điện ảnh cho đến hội họa. Nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, Đài Hà Nội đã khám phá hành trình sáng tạo của họa sĩ tài năng Tuấn Định. Anh không chỉ gắn bó với nghệ thuật đảo ngược, mà còn để lại dấu ấn sâu đậm với những tác phẩm khắc họa hình ảnh phụ nữ Việt Nam – đẹp, mạnh mẽ và đầy tự hào.

Nhà sưu tầm tranh Cường Nguyễn cho hay: “Đến không gian của họa sĩ Tuấn Định, tôi cũng khá bất ngờ vì trong trường phái Upsidedownism thì Định cũng có một thời gian theo đuổi và hoạt động nghệ thuật, đào sâu vào chuyển tải văn hóa Việt, cuộc sống dân gian của người miền quê, những nét văn hóa. Ở bạn ấy có kỹ thuật từ cách sử dụng màu, cách đi bố cục, đưa ngôn ngữ nghệ thuật vào những hình ảnh để diễn tả cuộc sống của người Việt".

Kể từ khi tham gia sáng tác theo trường phái nghệ thuật đảo ngược từ năm 2008, họa sĩ Tuấn Định đã xây dựng cho mình một kho tàng tác phẩm ấn tượng với nhiều chủ đề phong phú. Trong đó, vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam chính là nguồn cảm hứng bất tận, luôn hiện diện trong từng nét vẽ của anh. 

Họa sĩ Tuấn Định - Họa sĩ dòng tranh đảo ngược chia sẻ: “Bản thân tôi là một họa sĩ Việt Nam, đương nhiên là tôi sẽ sử dụng hình tượng người phụ nữ Việt Nam ở trong tranh rất là nhiều. Và không đâu xa lạ chính là những người phụ nữ xung quanh tôi, chính người mẹ, người vợ và những người con của tôi. Câu chuyện của tôi có thể là về những người thân gia đình, người xem tranh có thể đồng cảm, có thể không đồng cảm, họ nhìn nhận người phụ nữ trong tranh của tôi khác với người phụ nữ mà tôi nhìn nhận được. Đấy là cảm xúc của người xem tranh khi đứng trước những tác phẩm đảo ngược".

Bên cạnh những tác phẩm nổi bật như “Nét xưa”, “Giàn bầu của mẹ”, “Cúc xanh” hay “Chải tóc”, bức tranh “Hạnh phúc” là một điểm sáng đặc biệt khi vinh dự lọt vào top 12 tác phẩm xuất sắc nhất về phụ nữ trong cuộc thi She Art 2023 tại Ý. Tác phẩm này không chỉ khắc họa vẻ đẹp thiêng liêng của sự hy sinh, mà còn truyền tải một thông điệp nhân văn sâu sắc về hình ảnh người phụ nữ, từ Việt Nam đến mọi miền đất trên thế giới.

Chị Trần Diệu Anh, một người yêu tranh, chia sẻ cảm nhận về bức tranh "Hạnh Phúc": "Bức tranh diễn tả một người phụ nữ sau khi sinh con. Có thể họ không còn giữ nguyên vẻ đẹp như thời con gái nhưng đã mang vẻ đẹp của thiên chức người phụ nữ, về sự hạnh phúc, về tương lai của đứa trẻ. Mình thấy rất nhiều người phụ nữ đồng cảm khi xem bức tranh này, thấy thiên chức của mình được tôn vinh".

Khi nhắc đến nghệ thuật đảo ngược, người ta thường nghĩ đến những sự thay đổi táo bạo và đột phá trong cách tạo hình. Tuy nhiên, trong các tác phẩm của họa sĩ Tuấn Định, có một điều không hề thay đổi chính là giá trị bất diệt của người phụ nữ trong cuộc sống. Đó là sự hy sinh, kiên cường và yêu thương vô bờ bến.

Chính trong cái nhìn đầy nhân văn ấy, họa sĩ Tuấn Định không chỉ khám phá chiều sâu của tâm hồn người phụ nữ mà còn mang đến một thông điệp mạnh mẽ về sự hiện diện, sức mạnh và vai trò không thể thiếu của phái đẹp trong xã hội.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Rất ít người biết đến một xã đảo duy nhất của Hà Nội, đó là xã Minh Châu thuộc huyện Ba Vì.

Những lễ hội làng ngày xuân là dịp để con cháu trong làng gác lại tất bật, bộn bề công việc của nhịp sống mưu sinh thường nhật, chung tay gìn giữ nếp làng.

Hà Nội đã và đang đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị những di tích tích lịch sử và công trình kiến trúc.

Triển lãm "Không gian trưng bày nội thất Việt” là gợi ý tuyệt vời cho những ai muốn tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp truyền thống qua các sản phẩm nội thất.

Cuốn truyện tranh lịch sử “Nguyên Phi Ỷ Lan - phò Vua, giúp nước” được giới thiệu rất hấp dẫn bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, trên chất liệu mành tre thư pháp kết hợp giấy cán plastic.

Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến hiện còn lưu giữ rất nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với sự phát triển của Thủ đô và đất nước.