Vấn nạn mỹ phẩm giả

Người dân không thể đặt niềm tin vào những sản phẩm mỹ phẩm online, nhất là thông qua quảng cáo của người nổi tiếng.

Quảng cáo mỹ phẩm kiểu treo 'đầu dê, bán thịt chó'

Chỉ cần lên các địa chỉ bán hàng online trên mạng, người tiêu dùng có thể đặt mua bất kỳ sản phẩm nào mà họ mong muốn, nhất là với những sản phẩm được quảng cáo bởi người nổi tiếng. Nhưng hàng loạt thông tin vi phạm về sản phẩm không đảm bảo chất lượng hay hàng giả, hàng nhái được cơ quan chức năng phát hiện mới đây cho thấy không thể đặt niềm tin vào những sản phẩm được bán online.

Sở hữu kênh tiktok với hơn 1,7 triệu lượt theo dõi và doanh số bán hàng khủng, Đoàn Di Băng đang đối mặt với hàng loạt những lùm xùm liên quan đến chất lượng sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng mà cô đã bán online. Nhất là khi thời gian vừa qua, cơ quan chức năng liên tiếp có công văn thông báo thu hồi sản phẩm của công ty do chồng Đoàn Di Băng phân phối.

Cụ thể , ngày 22/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã gửi văn bản tới UBND tỉnh và Bộ Y tế, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi, tiêu hủy hai lô sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki Shampoo và Hanayuki Sunscreen Body. Vào ngày 7/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo (chai 300g) do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn vi sinh vật và chứa 2-Phenoxyethanol không có trong thành phần công thức đã đăng ký.

Sau đó, một sản phẩm khác của thương hiệu Hanayuki là loại kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body cũng bị Cục Quản lý Dược yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm loại hộp túyp 100g. Lý do nằm ở việc chỉ số chống nắng thực tế (SPF 2,4) không phù hợp với chỉ số công bố trên nhãn (SPF 50). Đây được xem là một hình thức quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm.

Đáng nói, cho đến lúc được phát hiện thì trước đó, tất cả những sản phẩm này đã xuất hiện trong giỏ hàng gắn trên kênh TikTok có tích xanh "Đoàn Di Băng". Trong đó, nhiều sản phẩm có lượt bán lên tới vài nghìn, khi được đi kèm những lời quảng cáo có cánh. Thực chất, kết quả kiểm nghiệm không hề như những gì đã được công bố và quảng cáo.

Hay mới đây nhất, vào ngày 26/5, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết cũng đã có văn bản gửi Sở An toàn thực phẩm TP.HCM và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về việc khẩn trương kiểm tra, xác minh hoạt động sản xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm một số sản phẩm do "Ngân Collagen" quảng cáo. Trong đó nhấn mạnh vào sản phẩm kẹo táo thải mỡ bụng và N-collagen Chanh plus được người này quảng cáo trên các phiên livestream của mình. Tuy nhiên, cả hai sản phẩm này đều chưa được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; Giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

Và ngày 23/5 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay đơn vị này đang rà soát nội dung quảng cáo nghi ngờ có vi phạm của DJ Ngân 98 khi giới thiệu về các sản phẩm giảm cân trên.

Mỹ phẩm giả "móc túi" người tiêu dùng

Mỹ phẩm – món “vũ khí làm đẹp” không thể thiếu của phái đẹp – nay được rao bán tràn ngập trên mạng xã hội, từ Facebook, TikTok đến các livestream chốt đơn thần tốc. Chỉ vài cú click, vài lời quảng cáo có cánh là đơn hàng được chốt. Nhanh, tiện, giá rẻ, song ẩn sau sự tiện lợi ấy là nỗi lo lắng dai dẳng, rằng liệu sản phẩm mình mua có phải hàng thật? Có an toàn cho làn da, sức khỏe? Hay chỉ là mỹ phẩm giả đội lốt hàng hiệu, đánh lừa lòng tin người tiêu dùng? Khi công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, ranh giới giữa thật – giả dường như bị xóa nhòa.

Sau hàng loạt các vụ sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả bị phanh phui, người tiêu dùng không chỉ thất vọng – mà còn hoang mang. Vậy họ còn biết tin vào ai, tin vào đâu?

Chị Trần Bích Thủy (Hai Bà Trưng) cho biết: "Tôi thường xuyên mua hàng ở trên các trang mạng xã hội và trang thương mại điện tử. Giờ đọc được thông tin như vậy thì lo lắng lắm, không biết hàng mình mua có bị là hàng giả hay không".

Còn chị Thạch Thanh Thủy cho hay: "Tôi mua hàng và bây giờ rất lo lắng vì việc các sản phẩm làm nhái mình mua nhầm đã đành, nhưng cả những sản phẩm do các công ty sản xuất, có giấy chứng nhận, được cấp phép đàng hoàng nhưng lại sản xuất hàng kém chất lượng. Không biết những sản phẩm như vậy khi chúng tôi sử dụng có ảnh hưởng đến da, đến tóc của tôi không?"

Ngay cả những cơ sở sản xuất được cấp phép, có mã số, nhãn mác rõ ràng vẫn có thể cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí gây hại cho người dùng. Họ cần một hàng rào bảo vệ đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả để yên tâm làm đẹp mà không phải đánh cược sức khỏe vào lòng tin mù mờ.

Việt Nam có Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, nhưng hoạt động bảo vệ quyền lợi người mua hàng, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ phẩm, vẫn còn nhiều hạn chế. Người tiêu dùng vì thế vẫn dễ bị tổn thương trước thị trường thật – giả lẫn lộn.

Ông Phạm Ngọc Hùng – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết: "Từ khi thành lập hội tôi chưa thấy bảo vệ được gì cho người tiêu dùng. Cũng có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì hội không có kinh phí để giám định, dẫn đến có nhận họ cũng không làm được".

Cùng với đó là mặt trái của hình thức mua bán qua sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội cần được siết chặt, kịp thời ngăn chặn các vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu không quản lý được chất lượng của các sản phẩm bán trên sàn thương mại điện tử thì không bảo vệ được chất lượng của người tiêu dùng. Thời gian tới, bà Thảo cho rằng cơ quan chức năng cần có những công cụ và giải pháp để xử lý được hiệu quả hơn. Đây là đòi hỏi rất lớn về chính sách cũng như công cụ quản lý hỗ trợ.

Không có vùng cấm khi xử lý các vụ mỹ phẩm giả

Từng là nạn nhân của việc mua mỹ phẩm trên mạng, anh Trần Văn Dũng cho biết, khi thấy sản phẩm nước hoa được rao bán trên sàn Shopee với giá khuyến mại hấp dẫn, anh đã đặt mua. Thế nhưng sau ba ngày chờ đợi, thứ anh nhận được lại là hàng giả. Không thể khiếu nại hay trả hàng vì sản phẩm đã bị khóa trên hệ thống. Song, shop bán hàng giả vẫn hoạt động bình thường.

“Trước đây tôi được bạn mình giới thiệu, sau đó tôi có lên mạng tìm hiểu và đặt mua. Sau vài ngày chờ đợi, nhận được hàng tôi có dùng lại và thấy mùi không giống như mùi tôi đã dùng. Lúc đó tôi mới biết đấy là hàng giả”, anh Dũng kể.

Không khó hiểu khi anh Dũng đã mua phải nước hoa giả. Chỉ tính riêng về mặt hàng mỹ phẩm, trong tháng qua, lực lượng chức năng đã phát hiện gần chục tấn mỹ phẩm giả được sản xuất một cách đơn sơ, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, với những nguyên liệu trôi nổi được mua theo cân trên mạng nhưng được đóng gói vào mẫu mã của những thương hiệu nổi tiếng.

Theo cơ quan chức năng, mỹ phẩm hiện nay cũng đang được tự công bố chất lượng, và hậu kiểm, nên việc giám sát, quản lý mặt hàng này gặp vô vàn khó khăn, do các quy định luật chưa chặt chẽ.

Ông Tạ Mạnh Hùng – Phó cục trưởng Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cho rằng: "Sản xuất mỹ phẩm là một ngành kinh doanh có điều kiện nên phải được cấp phép. Nhưng kinh doanh mỹ phẩm lại là ngành kinh doanh không có điều kiện nên các đơn vị chỉ cần đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư, Sở Kế hoạch Đầu tư là đã được triển khai. Nên việc quản lý các hoạt động buôn bán mỹ phẩm cần phải được tăng cường trong thời gian tới.

Vì nguồn lực hậu kiểm như hiện nay rất ít, trong khi đó số lượng đơn vị kinh doanh mỹ phẩm rất nhiều; số lượng các mặt hàng mỹ phẩm trên thị trường được cấp phiếu công bố hàng năm cũng rất nhiều. Do đó chúng ta không thể lấy toàn bộ mẫu mỹ phẩm đang kinh doanh, lưu thông trên thị trường để kiểm tra chất lượng được".

Bộ Y tế cho rằng, bên cạnh việc sửa các quy định bất cập, thì việc triển khai công tác thanh tra, hậu kiểm và phối hợp liên ngành cần phải được đẩy mạnh, nhất là thực hiện nghiêm việc phân cấp, phân quyền tại các địa phương. Cũng theo các cơ quan chức năng, công tác kiểm tra giám sát rất cần sự hỗ trợ từ phía người dân, đặc biệt là phải làm liên tục, thường xuyên.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường - Bộ Công thương cho rằng: "Toàn dân phải vào cuộc để tham gia chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Công tác kiểm tra các mặt hàng liên quan đến người dân phải thường xuyên liên tục, chứ không phải chỉ trong một tháng cao điểm. Kiên quyết kiểm tra, đấu tranh và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm".

Đã đến lúc cần có những quy định chặt chẽ hơn và sự phối hợp toàn ngành không chỉ trong sản xuất, kinh doanh mà ngay cả việc lưu thông, quảng cáo để mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, để đây không còn là mảnh đất màu mỡ cho những hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái trục lợi từ người tiêu dùng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bốn trận động đất có độ lớn từ 2,6-3,7 đã liên tiếp xảy ra trong sáng 28/5 tại huyện Kon Plông, Kon Tum, không gây thiệt hại về người và tài sản.

Một kho hàng lớn chứa hàng nghìn chai nước hoa có dấu hiệu làm giả các thương hiệu nổi tiếng tại phố Hàng Giấy, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm vừa bị phát hiện.

Đợt không khí lạnh cuối tháng 5 có cường độ yếu, có thể còn ảnh hưởng tới khu vực Bắc Bộ đến ngày 30/5.

Thành đoàn Hà Nội vừa tổ chức khám bệnh miễn phí, tặng quà cho thanh niên công nhân vượt khó.

Nam bác sĩ đang ngồi trong phòng làm việc tại phòng khám tư nhân (thuộc thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) thì bị đồng nghiệp tấn công bằng dao.

Công tác rà soát, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc sáp nhập tại các địa phương đang được các cán bộ làm công tác văn thư lưu trữ tập trung thực hiện.