Ứng dụng AI trong học tập

Việc ứng dụng AI vào học tập sẽ giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy, cá nhân hóa việc học nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức về kiểm soát nội dung, tính chính xác và đạo đức.

AI: Cơ hội hay thách thức?

Tuy ứng dụng AI trong giáo dục chưa thật sự mạnh mẽ, nhưng một số tổ chức giáo dục Việt Nam đã bắt đầu phối hợp với các đơn vị công nghệ tiên phong để đưa AI vào giảng dạy và quản lý. Đặc biệt tại các trường học, sự thay đổi trong quản lý, giảng dạy rất rõ nét.

Điển hình là hình thức điểm danh bằng nhận diện khuôn mặt được áp dụng ở nhiều trường, như: Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học FPT, Trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh…

“GenZ làm chủ Gen AI - tương lai tỏa sáng” là chủ đề của khóa học đào tạo dành cho cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong quá trình giảng dạy, các chuyên gia sẽ thiết kế những bài tập thực hành cụ thể, cá nhân hoá để ngay sau khi kết thúc khoá học, các học viên có thể nắm được nguyên tắc căn bản nhất cũng như cách thức biến AI trở thành một công cụ thực sự hữu hiệu, ứng dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn công việc của mình. Chuỗi lớp học thu hút 600 sinh viên đăng ký tham dự.

Sự ứng dụng AI trong giáo dục đại học mang đến nhiều tiềm năng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cần được giải quyết. Một trong những thách thức lớn nhất là nhu cầu về kỹ năng mới. Việc sử dụng AI đòi hỏi giảng viên và sinh viên cần có kỹ năng sử dụng và khai thác tối đa công nghệ này. Việc triển khai AI cũng cần nguồn vốn đầu tư lớn, đặc biệt cho các trường đại học ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, sử dụng AI trong giáo dục cũng đặt ra nhiều vấn đề đạo đức như thiên vị thuật toán, gian lận học tập và bảo mật dữ liệu.

AI mở ra nhiều cơ hội đổi mới trong giáo dục, nhưng AI không thể thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên hay tư duy sáng tạo của con người. Điều quan trọng là giáo viên, sinh viên phải hiểu rõ, khai thác AI một cách có trách nhiệm, tận dụng công nghệ này như một trợ thủ đắc lực, thay vì phụ thuộc vào nó. Chỉ khi đó, AI mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy giáo dục phát triển bền vững trong tương lai.

Sử dụng AI trong học tập

Trong tiết học Tiếng Anh của cô trò lớp 6A9 Trường THCS Giảng Võ, cô giáo Hoàng Diệu Vy đã sử dụng hai phần mềm AI để giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn, giúp học sinh hiểu bài tốt hơn.

Cô giáo Hoàng Diệu Vy cho biết: "Tôi đã sử dụng hai ứng dụng. Ứng dụng Elsa Speak hỗ trợ các con phát âm, AI chấm điểm cho các con. Còn ứng dụng Bamboozle là ứng dụng game hóa để các con vui chơi kết hợp với bài học."

Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà trí tuệ nhân tạo AI mang lại cho giáo dục. Tuy nhiên, cũng đã có những lo ngại cho rằng việc phụ thuộc hay lạm dụng những công nghệ này có thể làm giảm khả năng tư duy sáng tạo, sự tự học của học sinh.

Chị Hoàng Thị Ngọc Trang- phụ huynh học sinh, quận Ba Đình chia sẻ: "AI đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống. Con tôi có sử dụng phần mềm AI trong học tập hoặc chơi game. Tôi cảm thấy lo ngại khi con người có thể dần phụ thuộc vào AI, tư duy phản biện sẽ bị giảm đi."

Sử dụng AI trong giáo dục là xu thế tất yếu, nhưng cần có sự hướng dẫn từ gia đình và nhà trường để tránh phụ thuộc.

Kiểm soát AI trong giáo dục như thế nào?

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng, ứng dụng AI trong ngành giáo dục. Trong đó có một số giải pháp trọng tâm như hoàn thiện khung pháp lý, khung hướng dẫn về ứng dụng AI trong nhà trường. Từ đó, mỗi cơ sở giáo dục phải ban hành các quy chế, bộ quy tắc ứng xử trong việc sử dụng AI trong nhà trường một cách có trách nhiệm. Thứ hai là phải nghiên cứu để đưa ra những nội dung về giáo dục AI. Bao gồm nâng cao nhận thức hiểu về AI, các cái kỹ năng sử dụng AI vào chương trình giáo dục phổ thông để phổ biến tới tất cả các em. Phải phát triển năng lực ứng dụng AI cho đội ngũ giáo viên để họ có thể phục vụ hoạt động chuyên môn của mình. Ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ rà soát, nghiên cứu để lựa chọn và có hướng dẫn những về công cụ AI phù hợp để sử dụng trong ngành giáo dục."

Sử dụng, kiểm soát AI trong giáo dục Mỹ, Trung Quốc

Theo kết quả của nhiều cuộc thăm dò quốc gia được tiến hành trong thời gian qua, công cụ Chatbot - ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được sử dụng phổ biến trong giới học sinh và giáo viên tại Trung Quốc và Mỹ, với sự kiểm soát kỹ càng theo quy trình đặt ra.

Tại Trung Quốc, việc sử dụng AI trong giảng dạy đã được chính quyền áp dụng từ những cấp học nhỏ như tiểu học hay trung học. Trung Quốc đang kêu gọi các trường tiểu học và trung học đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào chương trình giảng dạy, nhằm nuôi dưỡng thế hệ nhân tài trẻ trong lĩnh vực này. Đây là một phần trong chiến lược của chính quyền Bắc Kinh nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực đổi mới sáng tạo trong tương lai và nâng cao kỹ năng số cũng như khả năng giải quyết vấn đề cho học sinh.

Bộ Giáo dục Trung Quốc nhấn mạnh rằng, các khóa học AI cần được triển khai một cách có hệ thống, được kiểm soát và trở thành một tiêu chí đánh giá chất lượng trường học. Ngoài ra, Bộ Giáo dục cũng yêu cầu các trường thúc đẩy phương pháp học tập qua dự án và tích hợp AI vào các môn khoa học máy tính cũng như các hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, giáo viên cũng được đào tạo để đáp ứng yêu cầu giảng dạy mới.

Theo đó, học sinh tiểu học cần làm quen và hình thành những ý tưởng cơ bản về AI, học sinh trung học cơ sở được yêu cầu hiểu và ứng dụng công nghệ này. Học sinh trung học phổ thông sẽ tập trung vào các dự án đổi mới có ứng dụng AI. Đáng chú ý, hơn 500 trường đại học và cao đẳng tại Trung Quốc đã triển khai đào tạo chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, sau khi chính phủ nước này công bố kế hoạch trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI.

Còn tại Mỹ, công tác giáo dục với sự hỗ trợ của công nghệ AI cũng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, với sự kiểm soát và theo dõi gắt gao. Các trường học tại thành phố New York và cả bang New York đã làm việc với các chuyên gia để triển khai một Phòng thí nghiệm Chính sách AI (AI Policy Lab) tập trung vào việc triển khai AI hướng tới con người, công bằng, an toàn, đạo đức, hiệu quả và minh bạch.

Tại nhiều trường học, giáo viên sử dụng công nghệ AI ngày càng nhiều trong việc giáo dục của họ nhằm tăng cường hiệu quả giảng dạy. Trong đó, California và Massachusetts đang dẫn đầu trong việc sử dụng AI trong giảng dạy. Hai bang này đã tích cực thúc đẩy giáo dục AI trong các trường phổ thông trung học. Chính quyền bang Massachusetts đã phát triển các khung và hướng dẫn để tích hợp khoa học máy tính và AI vào nhiều môn học khác nhau, nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng tư duy tính toán.

California tiên phong trong việc tích hợp giáo dục khoa học máy tính và AI vào chương trình giảng dạy K-12 của mình. Đồng thời, các trường được yêu cầu phải xem xét COPPA (Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em) và FERPA (Đạo luật quyền riêng tư và quyền lợi giáo dục gia đình) khi sử dụng AI trong môi trường giáo dục.

Một số điều cần làm được liệt kê trong hướng dẫn AI của CDE, bao gồm tận dụng các khả năng của AI, phê bình sự không chính xác của AI, thảo luận về độ chệch của thuật toán, tích hợp các kỹ năng AI và tiêu chuẩn khoa học máy tính vào chương trình giảng dạy. Các tiểu bang này đã phát triển các hướng dẫn và tài nguyên để dạy các khái niệm AI cho học sinh nhằm chuẩn bị cho lực lượng lao động trong tương lai.

AI là công cụ hữu ích nếu được sử dụng đúng cách, nhưng cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu không có sự kiểm soát. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cơ quan quản lý sẽ giúp AI thực sự trở thành người bạn đồng hành hữu ích của giáo dục.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Lễ ký kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57 giữa Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM và Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra trong chiều 3/4.

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tổ chức hội thảo với chủ đề “Kỷ nguyên số: Khám phá lớp học iPad và trường học thông minh” tại Trường Tiểu học Thủ Lệ.

Giáo viên tiếng Anh hiện nay dễ dàng sáng tạo trong thiết kế bài giảng, lựa chọn các ứng dụng phần mềm công nghệ để hỗ trợ, tạo nên những tiết học hấp dẫn và hiệu quả.

Các địa phương chậm báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm bao gồm: Quảng Ninh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Phúc và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chương trình ôn thi tốt nghiệp THPT của Đài Hà Nội sẽ bắt đầu lên sóng từ ngày 4/4 trên kênh H2 và ứng dụng Hanoi ON.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 8 trường khối công an năm nay là hơn 2.300, trong đó Học viện An ninh nhân dân tuyển nhiều nhất với 540 chỉ tiêu, Bộ Công an thông tin.