Trung Quốc: Từ công xưởng thế giới đến cường quốc công nghệ

Từng được mệnh danh là “công xưởng thế giới”, Trung Quốc nay đang chuyển mình thành cường quốc công nghệ cao.

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Trong nhiều năm, khi nhắc đến Trung Quốc, thế giới thường hình dung về một quốc gia sản xuất hàng loạt với giá rẻ - nơi những chiếc iPhone được lắp ráp, giày dép được đóng gói, đồ điện tử được xuất xưởng liên tục từ các khu công nghiệp khổng lồ. Trung Quốc từng được gọi là “công xưởng thế giới”, một biệt danh thể hiện sức sản xuất khổng lồ nhưng cũng hàm chứa ý niệm phụ thuộc vào lao động giá rẻ và gia công cấp thấp. Thế nhưng, Trung Quốc trong những năm gần đây đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Thay vì tiếp tục dựa vào lợi thế chi phí nhân công, quốc gia này đã tập trung vào đổi mới và công nghệ lõi, từng bước nâng cao hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm. Từ một nền kinh tế gia công, Trung Quốc đang từng bước trở thành cường quốc công nghệ cao - nơi không chỉ lắp ráp mà còn phát minh, thiết kế và định hình tiêu chuẩn của tương lai.

Khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời cách đây 75 năm, nền sản xuất của đất nước tỷ dân còn rất hạn chế. Bước ngoặt lớn diễn ra vào cuối thập niên 1970, khi Trung Quốc thực hiện chính sách “Cải cách và mở cửa”. Các đặc khu kinh tế như Thâm Quyến, Hạ Môn, Chu Hải được thành lập, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ lao động giá rẻ, đất đai rộng lớn và ưu đãi thuế. Các tập đoàn toàn cầu nhanh chóng kéo đến. Nhà xưởng mọc lên, máy móc vận hành ngày đêm. Trung Quốc bước vào thời kỳ tăng trưởng công nghiệp nhanh nhất trong lịch sử hiện đại.

Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Các khu công nghiệp tại Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang hoạt động liên tục để sản xuất từ hàng dệt may, đồ gia dụng, linh kiện máy móc đến thiết bị điện tử. Những cái tên như Foxconn - lắp ráp iPhone cho Apple - trở thành biểu tượng cho mô hình “gia công quy mô lớn”. Với chiến lược xây dựng hạ tầng sản xuất đại trà, Trung Quốc đã vươn lên đứng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, khi 23% lượng thép thô của thế giới, 25% tivi màu, 27% điện thoại di động, 37% xi măng, 40% ô tô, 45% máy tính, 50% xe máy, 53% điện thoại , 72% máy ảnh và 85% hàng dệt may được sản xuất tại Trung Quốc.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2010, Trung Quốc vượt Đức, chính thức trở thành quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Đây là dấu mốc khẳng định vai trò của Trung Quốc như “nhà máy toàn cầu”.

Tuy nhiên, mô hình phát triển dựa vào sản xuất quy mô lớn và giá rẻ dần bộc lộ nhiều điểm yếu khi Trung Quốc tiến vào giai đoạn phát triển mới.

Thứ nhất, chi phí lao động không còn rẻ như trước; dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu suy giảm, đẩy chi phí nhân công lên cao.

Thứ hai, các nước châu Á như Bangladesh, Ấn Độ nổi lên với chi phí sản xuất cạnh tranh hơn, khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia bắt đầu dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Thứ ba, các yếu tố địa chính trị như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc (2018 - 2020), đại dịch Covid-19 và xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đã buộc Trung Quốc phải suy nghĩ lại về vai trò và vị thế của mình trong nền kinh tế thế giới.

Trước tình hình này, năm 2015, Trung Quốc đã công bố chiến lược “Made in China 2025”, một kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa Trung Quốc thoát khỏi vai trò “công xưởng giá rẻ” để vươn lên làm trung tâm sản xuất công nghệ cao toàn cầu. Chiến lược này đặt ra mục tiêu phát triển 10 ngành công nghiệp cốt lõi, bao gồm: robot công nghiệp, công nghệ thông tin thế hệ mới, hàng không - vũ trụ, tàu cao tốc, xe năng lượng mới, thiết bị y tế hiện đại, nông nghiệp thông minh, vật liệu tiên tiến, sản xuất thông minh và công nghệ sinh học.

Ví dụ điển hình là thành phố Thâm Quyến - từ một làng chài ven biển - nơi đây nay đã trở thành trung tâm đổi mới công nghệ với các doanh nghiệp hàng đầu như Huawei, DJI, Tencent… Thành phố này không còn là “xưởng lắp ráp” mà đã vươn lên thành nơi khởi nguồn công nghệ, góp phần định hình tương lai của trí tuệ nhân tạo, 5G và thiết bị không người lái.

Chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp, tập trung vào việc thúc đẩy đột phá trong những công nghệ then chốt, từ dữ liệu, ứng dụng thực tế, chính sách nhân lực cho đến các nguồn lực hỗ trợ khác. Mục tiêu rất rõ ràng: tận dụng thời điểm vàng và những cơ hội do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo mang lại. Trong vòng hai đến ba năm tới, chúng tôi sẽ xây dựng một cụm công nghiệp trí tuệ nhân tạo trị giá hàng nghìn tỷ nhân dân tệ tại Thâm Quyến, cũng như tại khu Vùng Vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Macao, hướng đến phục vụ cả Trung Quốc và thị trường quốc tế.

Ông Zhang Lin, Giám đốc Cục Đổi mới khoa học và công nghệ thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc.

Một minh chứng khác là chiếc máy bay thương mại cỡ lớn C919, được Trung Quốc phát triển độc lập. Để làm ra máy bay, từng chi tiết nhỏ như khung nhôm, kính buồng lái, hay vật liệu cách âm đều đòi hỏi công nghệ cao. Trước đây, Trung Quốc từng phải nhập khẩu gần như toàn bộ, nhưng giờ, các doanh nghiệp trong nước đã có thể tự sản xuất.

Sự chuyển dịch từ gia công sang sáng tạo thể hiện rõ trong cơ cấu xuất khẩu. Nếu trước đây, hơn 80% hàng xuất khẩu là sản phẩm thô sơ hoặc giá trị thấp, thì nay, hàng công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Năm 2023, Trung Quốc xuất khẩu 5,22 triệu ô tô, lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Thành tích này tiếp tục được duy trì trong năm 2024, khi Trung Quốc xuất khẩu khoảng 6,1 triệu chiếc. Trong lĩnh vực điện tử, quốc gia này không chỉ là trung tâm sản xuất iPhone mà còn là nơi tạo ra các thương hiệu mạnh như Huawei, Xiaomi.

Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, chiếm tới 14% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu trong năm 2024. Hơn nữa, đây là một thị trường khổng lồ và các doanh nghiệp đều nhìn thấy cơ hội, quy mô, sự đổi mới và nhu cầu tiêu dùng lớn.

Bà Hemione Hudson, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành PWC Trung Quốc.

Hành trình từ những chiếc xe đạp đơn sơ đến máy bay thương mại, từ những nhà máy gia công cho nước ngoài đến hệ sinh thái sản xuất ô tô và điện thoại cao cấp, đã cho thấy một điều: Trung Quốc không còn chỉ là “công xưởng của thế giới” - mà đang trở thành một trụ cột công nghiệp - công nghệ của thế giới. Với nền tảng sản xuất vững chắc, trình độ công nghệ ngày càng cao, Trung Quốc đang chuẩn bị bước vào giai đoạn mới: không chỉ “sản xuất tại Trung Quốc”, mà còn “sáng tạo từ Trung Quốc”.

Trụ cột công nghệ của Trung Quốc

Để vươn lên trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu, Trung Quốc không chỉ đầu tư vào hạ tầng vật chất, mà còn vào năng lực sáng tạo. Trong giai đoạn 2015 - 2025, quốc gia này đã rót hàng trăm tỷ USD cho các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn, khoa học sự sống, năng lượng tái tạo. Đây được xem là những “trụ cột công nghệ” đang làm thay đổi vị thế toàn cầu của Trung Quốc.

Trung Quốc đã xác định AI là một trong những “công nghệ nền” quan trọng nhất cho thế kỷ XXI. Năm 2017, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố kế hoạch phát triển AI thế hệ mới, đặt mục tiêu đến năm 2030, Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm AI hàng đầu thế giới.

Theo báo cáo của Stanford AI Index 2024, Trung Quốc đã vượt Mỹ về số lượng bài báo nghiên cứu được trích dẫn trong lĩnh vực AI, chiếm hơn 40% tổng lượng bài top 1% được trích dẫn nhiều nhất toàn cầu. Quốc gia này cũng đang dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế liên quan đến AI và ứng dụng AI vào các lĩnh vực như nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thành phố thông minh và giám sát an ninh.

Năm 2025, Trung Quốc ghi dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo khi ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn DeepSeek, khả năng suy luận, logic và lập trình vượt trội, đạt được hiệu suất tương đương với các đối thủ hàng đầu phương Tây nhưng với chi phí thấp hơn nhiều.

Các mô hình ngôn ngữ lớn như DeepSeek giúp chúng tôi tích hợp trí tuệ nhân tạo vào mọi cấp độ: từ xưởng sản xuất trong nhà máy, đến hệ thống điều khiển của một tòa nhà hay toàn bộ cơ sở. Thậm chí ở cấp độ toàn doanh nghiệp, chúng tôi có thể ứng dụng AI thông qua bản sao kỹ thuật số - từ thiết kế, xây dựng đến vận hành - để tạo ra giá trị thực sự.

Ông Jean-Pascal Tricoire, Tổng Giám đốc điều hành Schneider Electric.

AI không chỉ là công nghệ, mà đang trở thành động lực tăng trưởng mới cho nhiều ngành kinh tế Trung Quốc, từ thương mại điện tử, tài chính, đến y tế và giáo dục. Việc tích hợp AI vào sản xuất còn giúp nâng cao hiệu suất nhà máy, giảm chi phí vận hành và rút ngắn chu kỳ sản phẩm - yếu tố then chốt để duy trì vị thế cạnh tranh của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu.

Ngoài AI, Trung Quốc cũng đẩy mạnh phát triển và tự chủ chất bán dẫn, coi đây coi là ưu tiên chiến lược. Năm 2024, Tập đoàn SMIC - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc đã sản xuất thành công chip 5nm cho một số thiết bị nội địa, còn đầu năm nay, tập đoàn này đang tăng tốc phát triển chip 7nm trong bối cảnh Mỹ áp đặt hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Chính phủ Trung Quốc cũng đã thành lập Quỹ đầu tư ngành mạch tích hợp với tổng giá trị hơn 300 tỷ nhân dân tệ để tài trợ cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng từ thiết kế đến sản xuất.

Bên cạnh AI và bán dẫn, khoa học đời sống đang nổi lên như một lĩnh vực chiến lược mới của Trung Quốc, đặc biệt trong y học tái tạo và thiết bị y tế thông minh. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy tự chủ vaccine và liệu pháp gen, đồng thời đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất sinh phẩm lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Lực lượng sản xuất mới ở Trung Quốc

Không dừng lại ở việc phát triển công nghệ lõi, Trung Quốc đang tập trung xây dựng một lực lượng sản xuất mới - nơi tri thức, con người, và doanh nghiệp đổi mới trở thành trung tâm của tăng trưởng. Đây là cấp độ phát triển sâu hơn, không chỉ nhằm sở hữu công nghệ, mà là làm chủ và tái cấu trúc toàn bộ hệ thống sản xuất trên nền tảng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Việc hình thành lực lượng sản xuất mới không chỉ là yêu cầu kinh tế, mà là chiến lược sống còn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, khi ai sở hữu lực lượng đổi mới - người đó kiểm soát tương lai.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là xây dựng đội ngũ nhân lực có tay nghề cao và trình độ khoa học kỹ thuật vượt trội. Hàng năm, Trung Quốc đào tạo hơn 1,4 triệu sinh viên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), vượt xa Mỹ và hầu hết các quốc gia G7. Báo cáo của OECD năm 2024 cho thấy, tỷ lệ sinh viên Trung Quốc theo học bậc sau đại học trong các ngành công nghệ tiên tiến tăng hơn 65% trong vòng 5 năm qua.

Nếu nhân lực là nền móng, thì các doanh nghiệp chính là đầu tàu kéo nền kinh tế công nghệ của Trung Quốc về phía trước. Từ các tập đoàn lớn như Huawei, Tencent, BYD, CATL đến hàng chục ngàn startup công nghệ đang mọc lên mỗi năm, Trung Quốc đang chứng kiến một làn sóng doanh nghiệp đổi mới tự thân, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Theo thống kê năm 2024, Trung Quốc có hơn 370 kỳ lân công nghệ, chủ yếu tập trung vào AI, công nghệ sinh học và sản xuất thông minh - chỉ xếp sau Mỹ.

Tất cả những thành tựu trên không thể đạt được nếu thiếu một hệ sinh thái đổi mới năng động, được xây dựng trên sự kết hợp giữa chính sách, hạ tầng và đầu tư có định hướng. Các thành phố như Thâm Quyến, Hàng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải không chỉ là trung tâm tài chính - thương mại, mà đang trở thành “phòng thí nghiệm đổi mới” của Trung Quốc.

Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2027, Bắc Kinh có thể hình thành một hệ sinh thái công nghiệp AI tích hợp với các thiết bị. Mục tiêu là sản xuất độc lập các sản phẩm AI, ứng dụng rộng rãi trong giáo dục, nghiên cứu, công nghiệp, dịch vụ cá nhân hóa. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu hình thành ít nhất 50 doanh nghiệp cốt lõi trong lĩnh vực này, cùng với hai khu công nghiệp chuyên biệt, để thực sự biến ứng dụng AI thành động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Ông Han Jian, Ủy ban Khoa học Công nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc cũng triển khai các chiến lược dài hạn như “Chiến lược đổi mới sáng tạo hướng đến năm 2035”, hỗ trợ tài chính thông qua Quỹ quốc gia đầu tư khởi nghiệp, quỹ AI, quỹ công nghệ sinh học… đồng thời giảm bớt rào cản cho doanh nghiệp công nghệ trong quá trình mở rộng quy mô.

Trong lĩnh vực kinh tế số - từ thanh toán di động đến dịch vụ vận tải, nền tảng thương mại và logistics thông minh - Trung Quốc đang tạo ra môi trường thị trường khổng lồ để các công nghệ mới có thể phát triển và lan tỏa nhanh chóng. Điều này giúp Trung Quốc không chỉ sản xuất công nghệ, mà còn tiêu thụ và tối ưu hóa công nghệ trong đời sống thực tiễn, tạo vòng tuần hoàn đổi mới không ngừng.

Trung Quốc không chỉ đang thay đổi vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn đang khẳng định mô hình phát triển công nghệ theo cách riêng - từ làm chủ trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, đến hình thành lực lượng sản xuất mới trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Hành trình phía trước vẫn nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm chiến lược và nội lực mạnh mẽ, Trung Quốc đang tiến gần hơn đến vai trò người kiến tạo tương lai công nghệ toàn cầu. Như phát biểu của một chuyên gia công nghệ tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2024: “Cuộc cạnh tranh công nghệ trong thế kỷ XXI không phải là cuộc đua vũ trang, mà là cuộc đua về tư duy - ai kiến tạo được hệ sinh thái đổi mới, người đó sẽ dẫn dắt thời đại”.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Truyền thông Nga đưa tin, Lực lượng vũ trang Nga ngày 15/4 đã phong tỏa tàn quân Ukraine ở khu định cư Gornal thuộc tỉnh Kursk - một trong số ít thành trì cuối cùng của Ukraine tại khu vực này.

Hãng sản xuất chip Nvidia ngày 14/4 đã lần đầu tiên công bố kế hoạch sản xuất toàn bộ siêu máy tính trí tuệ nhân tạo (AI) ngay tại Mỹ, thông qua các đối tác sản xuất trong vòng bốn năm tới.

Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu thảo luận về khả năng nối lại nhập khẩu nguồn khí đốt từ Nga, do lo ngại khả năng sử dụng vấn đề an ninh năng lượng để gây áp lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tỷ phú công nghệ Mark Zuckerberg đang đứng trước nguy cơ phải chia cắt đế chế nghìn tỷ USD mang tên Meta.

Hàng ngàn người dân Thái Lan và du khách quốc tế đã đổ ra các ngả đường của Thủ đô Bangkok để chào mừng Lễ hội Songkran - ngày Tết truyền thống của Thái Lan - trong cái nóng oi ả 36 độ C của tháng 4.

Lực lượng Hamas ngày 15/4 cho biết đang nghiên cứu đề xuất ngừng bắn mới nhất, được Israel đưa ra trước đó một ngày.