Trung Quốc - quốc gia tiên phong về đổi mới sáng tạo
Nước này đang đầu tư mạnh mẽ cho các công nghệ mới từ AI, 5G cho đến điện toán lượng tử, năng lượng xanh.
Ứng dụng thiết bị bay không người lái trong vận chuyển
"Nền kinh tế tầm thấp” thường đề cập đến các hoạt động kinh tế xoay quanh phương tiện bay dân dụng và không người lái ở độ cao dưới 3.000 m, bao gồm sản xuất, hoạt động bay, dịch vụ cho nông nghiệp, logistics và du lịch.
Thành phố Thâm Quyến vừa cho ra mắt dịch vụ vận tải liên phương tiện tầm thấp đầu tiên của đất nước, giữa đường sắt và trực thăng, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Hành khách có thể gọi trực thăng trên điện thoại di động khi bước ra khỏi nhà ga, mất chưa đầy một giờ để đến các địa điểm như Quảng Đông, Hồng Kông hoặc Macao - nhanh gấp 6 lần so với các phương thức thông thường giúp vận chuyển
Ông Li Wenyu, Học viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc cho biết: “Là đại diện cho lực lượng sản xuất mới, nền kinh tế tầm thấp không chỉ cung cấp một phương thức vận chuyển mới mà còn có thể trao quyền rộng rãi cho các ngành công nghiệp khác. Nó có thể được ứng dụng đa dạng và nâng cao trải nghiệm của khách hàng”.
Trung Quốc đang đưa nhiều loại hình máy bay không người lái, xe không người lái phục vụ cho ngành thương mại điện tử và chở khách. Một máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng không người lái chạy bằng điện đã hoàn thành chuyến bay qua một đoạn sông Dương Tử ở Trung Quốc. Qua đó đưa khái niệm taxi bay trở nên gần hơn với thực tế.
Chuyến bay thử nghiệm dài 25 km kéo dài khoảng 10 phút và đánh dấu lần đầu tiên một máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng không người lái chạy bằng điện nặng hơn một tấn bay qua sông Dương Tử. Máy bay có sải cánh 15 mét, chiều dài thân máy bay là 11 mét và chiều cao khoảng 3,5 mét. Máy bay có thể chở 5 khách.
Ông Xie Jia, Phó Chủ tịch Công ty Shanghai Autoflight: “Chúng tôi áp dụng chiến lược tích hợp theo chiều dọc trong thiết kế máy bay. Tất cả các mô đun cốt lõi đều được phát triển độc lập và 100% được sản xuất trong nước. Chúng tôi có thể cung cấp các trải nghiệm tham quan dọc theo sông Dương Tử và cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không. Chỉ mất thời gian bằng 1/5, thậm chí 1/10 so với vận chuyển trên mặt đất”.
Sản phẩm này được phát triển bởi một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải tên là AutoFlight. Họ cho biết, thiết kế của họ có thể trở thành lựa chọn di chuyển khả thi và giá cả phải chăng cho khách du lịch hoặc những người đi làm muốn tránh tình trạng tắc đường trong thành phố.
Gần đây, nhiều hãng vận chuyển hàng hóa đã dùng máy bay không người lái cỡ nhỏ để giao hàng trong một số thành phố.
Hệ thống Logistic phát triển hàng đầu thế giới không chỉ góp phần giúp cho thương mại điện tử phát triển mạnh nội địa Trung Quốc mà còn vươn ra thế giới. Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, máy bay không người lái chở hàng sẽ rút ngắn thời gian giao hàng, giảm chi phí vận chuyển, mở rộng phạm vi giao hàng đến các địa điểm thiếu cơ sở hạ tầng hàng không như bên trong thành phố đông đúc. Chỉ trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã có hơn 600.000 máy bay không người lái hoặc phương tiện bay không người lái mới được đăng ký, tăng gần 50% so với năm ngoái. Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc ước tính quy mô nền kinh tế này đạt mức 2.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 279 tỷ USD) vào năm 2030, tăng gấp 4 lần so với năm 2023.
Công nghệ xe tự hành nở rộ tại Trung Quốc
Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự động hóa, tương lai của nhiều ngành được dự báo sẽ thay đổi mạnh mẽ. Và một lĩnh vực đang trải qua sự chuyển đổi đáng kể là vận tải nhờ có ra đời của taxi tự hành, taxi không người lái cạnh tranh với ngành công nghiệp taxi truyền thống. Đây là một vấn đề đặc biệt nóng hổi ở Trung Quốc, nơi đang thúc đẩy các kế hoạch đầy tham vọng để triển khai xe tự hành.
Những chiếc taxi tự hành đang ngày càng phổ biến tại các thành phố ở Trung Quốc, đặc biệt là tại Vũ Hán. Thành phố này đang ấp ủ tham vọng trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới chỉ sử dụng xe không người lái.
Apollo Go, một đơn vị trực thuộc Baidu, đã ra mắt dịch vụ taxi tự hành tại Trung Quốc vào năm 2022 và dịch vụ này đã bắt đầu thu hút được sự chú ý của người dân từ nửa đầu năm nay. Điểm đầu tiên thu hút du khách là những trải nghiệm công nghệ mới.
Bên cạnh đó, một yếu tố hút khách khác là giá cả. Giá khởi điểm cho một chuyến xe không người lái vào khoảng 4 Nhân dân tệ (0,56 USD), thấp hơn nhiều so với mức tương ứng 18 nhân dân tệ (2,51 USD) cho một chuyến taxi có người lái.
Với những thế mạnh này, taxi tự hành đang ngày càng nở rộ tại Trung Quốc. Riêng tại Vũ Hán, Appolo Go đang điều hành một đội xe gồm 500 chiếc taxi tự hành, phục vụ khoảng 50% tổng số 11 triệu người dân sống tại thành phố. Mục tiêu của hãng là tăng gấp đôi số xe phục vụ lên 1.000 chiếc vào cuối năm nay.
Vũ Hán là một trong 20 thành phố của Trung Quốc đi tiên phong trong công nghệ tự lái như một phần trong sáng kiến của chính phủ nhằm thúc đẩy "tích hợp phương tiện - đường - đám mây", với mục tiêu giới thiệu các phương tiện thông minh, được kết nối trên đường vào năm 2026.
Bà Zhao Xia, nhà nghiên cứu kinh tế, cho rằng cần có sự hỗ trợ tài chính đáng kể để thúc đẩy sự phát triển của kế hoạch tích hợp giao thông đầy tham vọng này.
“Khoản đầu tư ban đầu cho sự hợp tác giữa phương tiện và đường bộ là rất đáng kể, với chi phí nâng cấp thông minh vượt quá 2 triệu nhân dân tệ, tương đương khoảng 280.000 đô la Mỹ mỗi km”, bà Zhao Xia nhận định.
Chính quyền địa phương trên khắp các thành phố lớn của Trung Quốc đang thiết lập các khung pháp lý để thúc đẩy ngành này.
Theo báo cáo của công ty tư vấn McKinsey, trong tương lai, Trung Quốc có thể trở thành thị trường hàng đầu về xe tự lái, nhất là khi quốc gia châu Á này lâu nay được biết đến là thị trường ô tô lớn nhất thế giới. McKinsey dự đoán, lĩnh vực xe tự hành có thể tạo ra doanh thu từ 300 - 400 tỷ USD vào năm 2035, một phần nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc để triển khai thêm nhiều chương trình thí điểm.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang thử nghiệm xe tải hạng nặng không người lái trên một số tuyến đường đã được lên kế hoạch trước. Xe tải không người lái chạy bằng nhiên liệu hydro, được dẫn đường bằng hệ thống định vị Bắc Đẩu, đã chạy thử nghiệm trên trục đường nêu trên nhằm mục tiêu giảm chi phí hậu cần vận tải (logistics), giảm phát thải carbon, nâng cao hiệu quả vận tải giữa ba địa phương Bắc Kinh, Hà Bắc và Thiên Tân. Theo ông Jin Dapeng, lãnh đạo trung tâm nghiên cứu lái xe thông minh thuộc Tập đoàn Beiqi Foton Motor, đơn vị phát triển xe tải không người lái, chiếc xe có khả năng nhận biết các khúc cua, từ đó điều chỉnh vị trí và tốc độ tối ưu để tiết kiệm nhiên liệu. Xe tải này cũng có thể tự điều khiển tốt khi có xe khác cố gắng vượt trên đường, có khả năng thay đổi tốc độ mượt mà nhờ thiết kế thông minh.
Ông Jin Dapeng, Tập đoàn Beiqi Foton Motor cho biết: “Chúng tôi tập trung vào hai khía cạnh, trước tiên là cải thiện độ nhạy, khả năng dự đoán động thái của các phương tiện khác, thứ hai là thiết kế mô hình động lực học chính xác nhằm nâng cao khả năng tự kiểm soát và tự lập kế hoạch của xe”.
Ông cũng chia sẻ, đơn vị đã thu thập dữ liệu từ hàng trăm nghìn km chạy thử nghiệm loại xe tải hạng nặng không người lái này. Trong suốt nửa đầu năm 2024, hai thành phố Bắc Kinh, Thiên Tân cùng tỉnh Hà Bắc đã hợp tác mở các tuyến giao thông huyết mạch nhằm thử nghiệm các phương tiện giao thông không người lái phục vụ hậu cần.
Ứng dụng robot trong sản xuất nhằm tăng năng suất
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các doanh nghiệp từ lớn tới nhỏ đều đang rất chú trọng tới việc đưa công nghệ robot vào hoạt động sản xuất để gia tăng năng suất, đáp ứng số lượng đơn hàng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo hay thiết bị tự động hóa là những công nghệ đang được Trung Quốc ưu tiên ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất cây trồng, đi đôi với tiết kiệm chi phí.
Trong những năm gần đây, với nhu cầu tự động hóa công nghiệp ngày càng tăng, số lượng và doanh số bán robot công nghiệp toàn cầu không ngừng tăng lên.
Theo “Báo cáo Robot thế giới năm 2023” do Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR) công bố, năm 2022 doanh số bán robot công nghiệp toàn cầu đã vượt quá 500.000 bộ trong năm thứ hai liên tiếp, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc là thị trường robot lớn nhất thế giới, năm 2022, doanh số bán robot công nghiệp tại thị trường Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng sản lượng của thế giới.
Dữ liệu thống kê cho thấy các ứng dụng robot công nghiệp hiện đã được ứng dụng trong 60 ngành công nghiệp lớn và 168 ngành công nghiệp trung bình trong nền kinh tế quốc dân Trung Quốc.
Trung Quốc đã trở thành thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới trong 10 năm liên tiếp.
Điều đáng chú ý là trong 10 năm qua, số lượng robot công nghiệp tự chủ sản xuất tại Trung Quốc đã tăng nhanh chóng và gần một nửa nền kinh tế có ứng dụng robot mang thương hiệu tự sản xuất trong nước.
Với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp robot Trung Quốc, ngày càng có nhiều công ty robot công nghiệp trong nước đang đẩy nhanh việc mở rộng ra nước ngoài.
Theo IFR, năm 2023 xuất khẩu robot công nghiệp của Trung Quốc đạt kỷ lục mới, đạt 118.300 bộ. Các sản phẩm robot bán chạy ở nước ngoài chủ yếu được sử dụng trong sản xuất thiết bị gia dụng, sản xuất ô tô, điện tử truyền thông, hậu cần và kho bãi...
Ngoài ra, các ứng dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn và năng lượng mới cũng đang phát triển nhanh chóng.
Ông Gong Tianxiao, Học viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc đánh giá: “Một mặt, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và thân thiện với môi trường trong sản xuất đang tăng tốc, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Mặt khác, các ngành công nghiệp mới nổi như năng lượng mới và vật liệu mới đang phát triển nhanh chóng, trở thành động lực mới cho ngành công nghiệp”.
Với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, chi phí lao động ở các nước phát triển đã tăng lên và hiệu quả của việc sử dụng robot đã được cải thiện, trong thời gian tới, các nước trên thế giới sẽ coi trọng hơn đến ngành công nghiệp robot.
Trong tương lai có nhiều ngành công nghiệp và kịch bản ứng dụng sẽ được phát triển tại thị trường Trung Quốc và sẽ có không gian rộng lớn cho ngành robot phát triển. Do đó, Trung Quốc vẫn sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho sự phát triển của ngành robot toàn cầu.
Trung Quốc cũng đang thúc đẩy ứng dụng tự động hóa và công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương, đưa sản lượng và hiệu suất tăng vọt. Tại quê hương của trà Long Tỉnh nổi tiếng ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, phía Đông Trung Quốc, robot thông minh đang được sử dụng để hỗ trợ người nông dân hái trà. Robot tích hợp trí tuệ nhân tạo AI do Đại học Khoa học Công nghệ Chiết Giang phát triển có thể định vị và hái búp, lá trà một cách chính xác. Robot này đã trở thành một sự trợ giúp đáng tin cậy cho người dân địa phương trong mùa thu hoạch trà bận rộn nhất. Theo các chuyên gia, mỗi búp và lá trà dài khoảng 5cm và phần cuống chỉ vài mm. Búp và lá cần hái xen giữa các lá già và thân già nên đòi hỏi cánh tay robot phải có độ chính xác cao. Robot hái trà thông minh thế hệ thứ 6 mới được nâng cấp sử dụng công nghệ điện mặt trời và có thể làm việc liên tục trong 24 giờ một ngày. Sau khi được huấn luyện với một lượng lớn dữ liệu hình ảnh, robot có thể tự động xác định búp trà và lá trà phù hợp để thu hoạch. Nó sử dụng camera kép để rà quét lá trà, thu được định vị 3D giống như mắt người, từ đó tìm ra chính xác vị trí của lá trà và búp trà. Bước tiếp theo là hái thật nhanh mà không làm hỏng chúng. Đầu cánh tay có thể xoay, mang lại khả năng hoạt động giống bàn tay con người và có thể tiếp cận búp và lá trà từ nhiều góc độ khác nhau.
Cùng với việc kêu gọi tăng tốc hướng tới sự tự chủ về khoa học-công nghệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ nỗ lực bảo đảm phân bổ tốt hơn các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Mục tiêu là nhằm đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ quan trọng và tiên phong trong các lĩnh vực liên ngành tiên tiến, đồng thời đưa Trung Quốc trở thành một trung tâm khoa học và đổi mới sáng tạo quan trọng của thế giới trong thời gian sớm nhất.
Triển lãm kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm công nghệ số Hà Nội 2024 vừa khai mạc hôm nay 6/11 tại tại Bảo tàng Hà Nội, quận Nam Từ Liêm.
Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân Hàn Quốc vừa thông báo quyết định phạt Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram 21,6 tỷ won (tương đương 15,6 triệu USD) vì thu thập dữ liệu nhạy cảm của người dùng mà không thông báo và cung cấp cho các nhà quảng cáo.
Với mong muốn đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã chế tạo robot y tá Florence có khả năng nhận diện khuôn mặt, hỗ trợ tình trạng quá tải và thiếu hụt nhân lực ở các bệnh viện.
Ngày 5/11 tới, Nhật Bản sẽ phóng vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới trong sứ mệnh của SpaceX, mở ra hy vọng giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong không gian.
Các chuyên gia hàng đầu về giáo dục và công nghệ vừa tham dự Hội thảo “Giải mã nghịch lý ngành công nghệ: 'Đại bàng' gõ cửa nhưng nhân lực khép cửa”. Những chia sẻ tại Hội thảo giúp tìm ra hướng đi, để công tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu lớn hiện nay của các doanh nghiệp.
Nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực điện tử, thiết bị thông minh, Triển lãm chuyên ngành Quốc tế Điện tử và Thiết bị thông minh Việt Nam (IEAE) đã khai mạc sáng 30/10 tại Hà Nội.
0