Tranh cãi xung quanh vụ bắt giữ cựu Tổng thống Philippines
Quá trình bắt giữ cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Gần ba năm sau khi rời ghế Tổng thống, cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bị nhà chức trách nước này bắt giữ tại Thủ đô Manila, Philippines và bị dẫn độ sang Hà Lan để giao nộp cho Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Vụ ICC bắt ông Duterte đánh dấu lần đầu tiên một lãnh đạo Philippines phải đối mặt vụ kiện trước một tòa án quốc tế, với các cáo buộc về tội ác chống lại loài người liên quan đến chiến dịch chống ma túy trong sáu năm cầm quyền của nhà lãnh đạo này.
Hôm 11/3, cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị bắt tại Manila khi vừa trở về từ Hong Kong (Trung Quốc). Ngay sau đó, ông bị áp giải rời Manila vào khoảng 23h tối 11/3, quá cảnh tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vào sáng 12/3 rồi tiếp tục đến thành phố Rotterdam, Hà Lan.
“Tôi đã phạm luật nào và tội gì? Hãy chứng minh cho tôi thấy cơ sở pháp lý cho việc này của tôi ở đây.”
Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Trong nhiệm kỳ Tổng thống 2016-2022, ông Duterte đã phát động cuộc chiến chống ma túy, cho phép cảnh sát bắn chết các nghi phạm ma túy ngay tại chỗ mà không cần qua xét xử. Cảnh sát cho biết chiến dịch đã khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, nhưng các nhóm nhân quyền ước tính con số thực tế lên tới khoảng 30.000 người.
Ông Duterte nhiều lần bảo vệ hành động của mình. Ngay trong phiên điều trần tại Thượng viện Philippines hồi tháng 10/2024, vị cựu Tổng thống khẳng định không có gì phải “xin lỗi hay biện minh” về cuộc chiến chống ma túy.
Cũng tại phiên điều trần đó, ông Duterte thừa nhận rằng khi còn là Thị trưởng thành phố Davao, miền Nam Philippines, ông đã duy trì một “biệt đội tử thần” gồm các băng nhóm xã hội đen để xử lý các tội phạm. Một số vụ trong số này cũng đã được đưa vào đơn kiện gửi lên ICC.
"Chúng tôi đã điều tra tình hình của Philippines trong một thời gian, liên quan đến cuộc chiến chống ma túy. Tháng trước, dưới sự giám sát của Phó công tố viên Mandiaye Niang, nhóm đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ lên các thẩm phán của hội đồng xét xử sơ thẩm. Các thẩm phán đã ban hành lệnh bắt giữ đó và lệnh đã được thực hiện. Và khi ban hành lệnh bắt giữ, các thẩm phán đã tìm thấy căn cứ hợp lý để tin rằng ông Duterte đã phạm tội ác chống lại loài người với tư cách là người sáng lập, là người đứng đầu Biệt đội tử thần Davao, là Thị trưởng thành phố Davao, và sau đó là Tổng thống Philippines trong giai đoạn 2011-2019."
Ông Karim Khan, Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc Tế
Trước khi trở thành Tổng thống Philippines, ông Duterte đã đặt nền móng cho cuộc chiến chống ma túy, trong đó cảnh sát được trang bị vũ khí và được hưởng quyền miễn trừ khi chống lại những người sử dụng ma túy, những kẻ buôn bán nhỏ và các trùm ma túy.
Với tư cách là Thị trưởng thành phố Davao, một đô thị với 1,5 triệu dân trên đảo Mindanao ở phía Nam Philippines, ông Duterte xây dựng danh tiếng toàn quốc trong hơn hai thập kỷ nhờ cách tiếp cận nghiêm khắc đối với tội phạm. Ông ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn đối với tội phạm và tuyên bố điều đó đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ tội phạm bạo lực trước đây của Davao.
Tòa án có trụ sở tại The Hague đã điều tra các cáo buộc ông Duterte về “tội ác chống nhân loại” từ năm 2018, khi ông vẫn còn đương chức. Cuộc điều tra của ICC bị đình chỉ gần 2 năm trước khi được tiếp tục vào tháng 7/2023, sau khi một hội đồng gồm 5 thẩm phán bác bỏ phản đối của Philippines rằng ICC không có thẩm quyền.
Sau khi đến Hà Lan, ông Duterte bị đưa vào trại giam của ICC để chờ phiên tòa sơ thẩm.
Nằm ở vùng ngoại ô ven biển Scheveningen của The Hague, nơi giam giữ của ICC cũng đang giam giữ 5 tù nhân ICC khác chờ xét xử trước tòa. Các tù nhân được phép sử dụng khu vực tập thể dục ngoài trời. Họ được sử dụng phòng tập thể dục, thư viện và nhà bếp, nơi họ có thể tự chuẩn bị bữa ăn tuỳ theo khẩu vị.
Ông Duterte được ở tại một phòng giam riêng có bồn rửa, nhà vệ sinh, giường, bàn làm việc và giá sách.
Trong những ngày tới, ông Duterte có thể phải ra hầu toà để nghe các cáo buộc. Ông sẽ được đại diện bởi một hội đồng bào chữa do tòa án chỉ định hoặc một luật sư do ông lựa chọn và sẽ không bị yêu cầu đưa ra lời biện hộ. Nếu bị kết tội, ông có thể đối mặt với án tù chung thân.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội trước khi máy bay hạ cánh xuống Hà Lan, ông Duterte đã gửi thông điệp đến những người ủng hộ.
"Tôi vẫn ổn, đừng lo lắng... Đây sẽ là một tiến trình pháp lý lâu dài, nhưng tôi có thể khẳng định tôi sẽ tiếp tục phục vụ đất nước và đó là số mệnh của tôi."
Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Mặc dù mong muốn được đưa ra xét xử tại một tòa án ở Philippines, ông Duterte vẫn bị đưa đến tòa ICC ở Hà Lan. Ông Duterte có thể trở thành cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến từ châu Á phải ra hầu tòa tại ICC.
Tranh cãi xung quanh vụ bắt giữ ông Duterte
Sự kiện ông Rodrigo Duterte bị bắt giữ đã gây ra phản ứng trái chiều từ các chính trị gia và người dân Philippines. Một số người lên án vụ bắt giữ, trong khi những người khác chỉ trích di sản của ông Duterte. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi vì sao lệnh bắt giữ của ICC vẫn được thi hành mặc dù Philippines đã rút khỏi tổ chức này từ năm 2019.
Trong cuộc họp báo ngày 11/3, khi xác nhận việc ông Duterte đã được đưa đến The Hague, Hà Lan, Tổng thống Marcos cho biết việc bắt giữ người tiền nhiệm là đúng đắn và tuân thủ mọi thủ tục pháp lý cần thiết.
"Chiếc máy bay đang trên đường đến Hague, Hà Lan, để cựu Tổng thống đối mặt với các cáo buộc về tội ác chống lại loài người liên quan đến cuộc chiến đẫm máu chống ma túy của ông ấy. Chúng tôi không giúp Tòa án Hình sự quốc tế theo bất kỳ cách nào. Việc bắt giữ được thực hiện theo quy định của Interpol."
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos JR
Ông Salvador Panelo, luật sư của ông Duterte cho biết vụ bắt giữ là trái luật, vì Philippines đã rút khỏi ICC và cơ quan này không còn thẩm quyền. Tuy nhiên, ICC đã yêu cầu Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), mà Manila vẫn là thành viên, thực hiện lệnh bắt.
ICC cũng khẳng định tòa vẫn có thẩm quyền trong vấn đề này, vì cuộc điều tra của họ tập trung vào các vụ giết người xảy ra khi ông Duterte nắm quyền ở Davao và làm Tổng thống, khi ấy Philippines vẫn là thành viên của tòa.
Phó Tổng thống Philippines Sara Duterte, con gái của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã đến Hàn Lan, nhằm sắp xếp đội ngũ pháp lý để hỗ trợ cha mình.
“Không có cơ sở pháp lý nào để dẫn độ Tổng thống hoặc cựu Tổng thống cho ICC. Nếu họ đang tìm kiếm công lý thì không có công lý nào ở đây.”
Phó Tổng thống Philippines Sara Duterte
Vụ việc gây chia rẽ dữ dội giữa những người ủng hộ và chỉ trích ông Duterte, cũng như những tranh cãi về lệnh bắt hoặc các bước tiếp theo. Vụ bắt giữ này đã ngay lập tức gây ra làn sóng phản đối từ những người ủng hộ cựu Tổng thống, nhiều người cho rằng ông Duterte bị tước đoạt quyền được xét xử công bằng. Nhiều người dân đã bày tỏ ủng hộ ông Duterte và trích dẫn những thành tựu của cựu Tổng thống trong việc giúp giảm tội phạm tại nước này.
Nhiều người ủng hộ cũng đã tập trung bên ngoài nơi giam giữ để bày tỏ sự ủng hộ với ông Duterte.
Tại một nhà thờ ở Thủ đô Manila, những người có người thân bị giết trong cuộc chiến chống ma túy hoan nghênh vụ bắt cựu Tổng thống.
Bên ngoài trụ sở ICC, Gilbert Andres, luật sư đại diện cho các nạn nhân của cuộc chiến chống ma túy, cho biết:
“Các thân chủ của tôi rất biết ơn Chúa vì lời cầu nguyện của họ đã được đáp lại. Việc bắt giữ và giao nộp Duterte trước Tòa án Hình sự Quốc tế là bước đầu tiên trên con đường dài hướng tới công lý.”
Luật sư Gilbert Andres
Dù không còn nắm quyền, ông Duterte vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong chính trường Philippines. Ông đã đăng ký tranh cử Thị trưởng thành phố Davao vào tháng 10 năm ngoái và dự kiến tranh cử trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.
Hoạt động của Tòa án Hình sự Quốc tế
Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập theo Quy chế Rome vào ngày 17/7/1998, một hiệp ước được tất cả các quốc gia Liên minh châu Âu EU phê chuẩn, cũng như Australia, Brazil, Anh, Canada, Nhật Bản, Mexico, Thụy Sĩ, 33 quốc gia châu Phi và 19 quốc gia ở Nam Thái Bình Dương. Tòa án được thành lập vào năm 2002 để điều tra, truy tố và xét xử những cá nhân bị buộc tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược. Một trong những hạn chế lớn nhất của ICC là cơ quan này không có thẩm quyền đối với các quốc gia không ký kết Quy chế Rome.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) không phải là cơ quan của Liên hợp quốc. ICC mang thẩm quyền xét xử các cá nhân phạm tội hình sự mà các quốc gia “không thể” hoặc “không muốn” xét xử các tội thuộc 4 nhóm tội phạm nói trên.
Tất cả 124 quốc gia thành viên của Quy chế Rome - hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế - hiện có nghĩa vụ bắt giữ những cá nhân bị truy nã và giao nộp họ cho ICC tại Hague. Phiên tòa không thể bắt đầu mà không có sự tham gia của tòa án. Tuy nhiên, tòa án không có quyền thực thi. Tòa án dựa vào sự hợp tác của các quốc gia thành viên trong việc bắt giữ và giao nộp nghi phạm.
Việc ban hành lệnh bắt giữ của ICC không hạn chế quyền tự do đi lại của một cá nhân. Tuy nhiên, sau khi lệnh bắt giữ được ban hành, họ có nguy cơ bị bắt nếu họ đi đến một quốc gia tham gia kí kết ICC, điều này có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của họ.
Đã có một số trường hợp các quốc gia thành viên không tuân thủ. Biện pháp trừng phạt đối với việc không bắt giữ ai đó là chuyển lại cho hội đồng các quốc gia thành viên của ICC và cuối cùng là chuyển đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, bị truy tố năm 2009 vì tội diệt chủng ở Darfur, vẫn tại vị thêm một thập kỷ nữa cho đến khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính.
Trong thời gian tại vị, ông đã đi đến một số quốc gia Ả Rập và Châu Phi, bao gồm các quốc gia thành viên của ICC là Chad, Djibouti, Jordan, Kenya, Malawi, Nam Phi và Uganda, nơi đã từ chối giam giữ ông. Tòa án đã khiển trách các quốc gia đó hoặc chuyển họ đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vì không tuân thủ. Kể từ đó, ông đã bị truy tố tại Sudan vì các tội danh khác nhưng vẫn chưa bị chuyển đến ICC.
Nga đã ký Quy chế Rome vào năm 2000, nhưng đã rút khỏi quy chế này và ICC vào năm 2016, sau khi ICC phân loại việc Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea là một cuộc xung đột vũ trang.
Mỹ, Trung Quốc, Israel và Iran không phải là bên ký kết Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC. Điều này có nghĩa là các quốc gia này không bị ràng buộc về mặt pháp lý phải hợp tác với tòa án, khiến việc thực thi lệnh bắt giữ đối với các nhà lãnh đạo hoặc quan chức của họ trở nên cực kỳ khó khăn.
“Tôi nghĩ đây là một thời điểm quan trọng đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì như chúng ta biết, tòa án đã trải qua vài tháng rất khó khăn. Hiện tại, tòa án đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, điều này đe dọa làm gián đoạn hoặc ít nhất giảm thiểu hoạt động của tòa trên toàn cầu. Tòa án cũng đã phải đối mặt với vấn đề không tuân thủ, ví dụ như các quốc gia thành viên của mình không sẵn sàng bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu. Vì vậy, tòa án đã trải qua một vài tháng thực sự khó khăn và đây là cơ hội để tòa chứng minh rằng họ có thể xử lý một vụ án lớn, thực hiện bắt giữ và tiếp tục hoạt động như thể mọi thứ vẫn bình thường.”
Bà Iva Vukusic, Giáo sư Lịch sử quốc tế tại Đại học Utrecht, Hà Lan
Văn phòng công tố của Tòa án Hình sự Quốc tế cũng đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng của ông, cũng như ba nhà lãnh đạo Hamas vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Các nhà lãnh đạo Israel và Hamas đã bác bỏ cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và đại diện của cả hai bên đã chỉ trích quyết định của công tố viên ICC Karim Khan.
Vào tháng 3/2023, ICC đã ra lệnh bắt giữ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Tổng thống phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova, với cáo buộc di chuyển trẻ em từ các khu vực của Ukraine sang Nga. Moscow khẳng định không công nhận thẩm quyền của ICC, coi các quyết định bắt giữ đối với ông Putin và bà Lvova-Belova là vô hiệu.
Mặc dù Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, vụ bắt giữ ông Duterte có thể là bước ngoặt trong hệ thống tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, khả năng thực thi công lý trên phạm vi toàn cầu vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt khi các cường quốc và đồng minh của họ vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của ICC. Vụ việc này sẽ mở đường cho ICC hoạt động hiệu quả hơn hay không - vẫn còn là một câu hỏi còn để ngỏ.


Tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/4 ở thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington vẫn sẽ ở lại liên minh quân sự này
Canada là nước đầu tiên tuyên bố áp thuế trả đũa sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với hàng hoá nhập khẩu.
Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế đối ứng đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.
Lầu Năm Góc tuần này đã điều ít nhất 6 máy bay ném bom B-2, tương đương 30% phi đội máy bay ném bom tàng hình của không quân Mỹ tới căn cứ quân sự chung của Mỹ và Anh trên đảo Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương, theo các quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Ít nhất 7 người, trong có có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos, ngoài khơi Hy Lạp.
Số người chết sau trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar đã tăng lên hơn 3.000 người, tính đến ngày 3/4. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tích cực tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân.
0