Tổng tiến công mùa Xuân 1975 - mật lệnh từ hầm sâu
Tổng hành dinh thầm lặng
Các tầng văn hóa và di tích, di vật tại Hoàng thành Thăng Long - Di sản Văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận năm 2010 - đã minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa khắp châu Á. Cũng hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Không chỉ mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học dày đặc, trải dài suốt các triều đại phong kiến 13 thế kỷ, mà ngay cả cho đến thế kỷ XX, nơi đây cũng tiếp tục chứng kiến những bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng của thời đại.
Trong những năm tháng ác liệt chống Mỹ cứu nước, hai căn Hầm D6 và Hầm T1 hay còn gọi là Hầm Cục tác chiến là nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và một số cơ quan của Bộ Quốc phòng từng làm việc và đưa ra những quyết sách, quyết định quan trọng nhất trong chiến dịch mùa Xuân 1975 để đi đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khi Hoàng thành Thăng Long mở cửa đón khách tham quan, thì một di tích đặc biệt cũng đồng thời được phục hồi và giới thiệu với du khách, đó là di tích “Nhà và Hầm D67”. Nhà và hầm được Bộ Tư lệnh Công binh thiết kế và xây dựng vào tháng 4/1967 trên diện tích hơn 600m² với tên gọi đầy đủ là Nhà Hầm Quân ủy Trung ương.
Nhà và Hầm D67 là di tích cách mạng quan trọng trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Di tích gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Nơi đây, từ tháng 9/1968 đến 30/4/1975, bộ thống soái tối cao: Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương và Bộ tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân đã tập trung trí tuệ, đề ra các chủ trương chính sách chiến lược đúng đắn, sáng tạo đưa nhân dân ta đi tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình có nhiều chuyển biến có lợi cho cách mạng, từ Tổng Hành dinh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đưa ra những quyết định chiến lược cho Cách mạng Việt Nam, khẳng định “Kiên định con đường cách mạng, giữ vững chiến lược tiến công, nắm vững thời cơ, chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn”.
Đặc biệt, vào ngày 18/12/1974, tại đây diễn ra Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, nơi quyết định kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong hồi ký của mình đã viết về không khí lịch sử tại D67: “Ngôi nhà mái bằng ẩn kín dưới những tán lá cây dày đặc với những căn hầm làm việc kiên cố, nơi đã từng diễn ra nhiều cuộc họp cơ mật của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, hôm nay lại chứng kiến một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định”.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quân và dân ta bước vào Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với nhịp độ “1 ngày bằng 20 năm”. Cuộc chiến đấu của ta phát triển với tốc độ “thần tốc”, với liên tiếp các thắng lợi từ các chiến trường: Đường 14 - Phước Long, Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng.
Nắm bắt thời cơ, Bộ Chính trị chỉ đạo toàn quân, toàn dân bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, mở cuộc tổng công kích, tiến về giải phóng Sài Gòn.
Có thể thấy, trong thời điểm năm 1967, để xây dựng được một căn hầm bề thế, dày dặn là rất khó. Nhà D67 là minh chứng hùng hồn cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những cuộc họp, những kế hoạch đã được vạch ra tại đây không chỉ mang tính chiến lược quân sự mà còn là biểu tượng của trí tuệ và ý chí dân tộc. Sự tồn tại của nhà D67 là minh chứng rõ ràng cho lòng kiên định và quyết tâm sắt đá của thế hệ đi trước, những người đã góp phần tạo nên một Việt Nam thống nhất, hòa bình.
Mệnh lệnh lịch sử
Dưới lòng di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, còn có một căn hầm bí mật với vai trò là Trung tâm Chỉ huy của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu. Đó là Hầm Sở Chỉ huy tác chiến T1 của Bộ Tổng tham mưu thuộc cơ quan Tổng hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam, được xây dựng từ năm 1964-1965. Đây là nơi nhận báo cáo, truyền mệnh lệnh chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh đến khắp các chiến trường trên cả nước, cũng là nơi phát ra báo động phòng không cho Hà Nội, để người dân kịp xuống hầm trú ẩn.
Cũng giống như Hầm D67, Hầm T1 là nơi thầm lặng, nhưng cũng là nơi những mệnh lệnh quan trọng nhất được đưa ra - nơi vận mệnh của hàng triệu con người được tính toán từng giây, từng phút.
Sau năm 1975, Hầm T1 tiếp tục phục vụ công tác chỉ huy quốc phòng trong thời kỳ hòa bình, trước khi được bảo tồn như một di tích quân sự quan trọng, minh chứng sống động cho một thời kỳ cả dân tộc đứng lên vì độc lập tự do. Ngày nay, khi đến thăm công trình "Hầm Chỉ huy tác chiến T1" tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội" chúng ta sẽ có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về di tích đặc biệt quan trọng này.
Nhà và Hầm D67, Hầm T1 là minh chứng hùng hồn cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từng viên gạch, từng cánh cửa nơi đây đều biết "cất tiếng" kể lại câu chuyện về sự hi sinh, lòng yêu nước của thế hệ cha anh. Nhà và Hầm D67, Hầm T1 Cục Tác chiến không đơn thuần là một công trình kiến trúc quân sự kiên cố, mà còn là hiện thân của tinh thần đấu tranh bất khuất, một di tích vững bền với thời gian.
Những giá trị mà nó mang lại đã và sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi người con đất Việt, như một lời nhắc nhở đầy thiêng liêng về những năm tháng hào hùng, khơi dậy niềm tự hào về một dân tộc kiên cường, vượt qua mọi thử thách.
Hồi ức và tự hào
Tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Hầm D67 và Hầm T1 là hai “địa chỉ đỏ” - nơi lưu giữ những ký ức hào hùng của dân tộc. Việc bảo tồn không chỉ dừng lại ở bảo quản vật lý mà còn mở rộng sang nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày tư liệu, hiện vật để tăng giá trị giáo dục, khơi dậy niềm tự hào trong lòng người dân và du khách.
Chị Nguyễn Hồng Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội cho biết: "Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu phối hợp và khai thác tài liệu, cùng với các trung tâm lưu trữ để có thể diễn giải một cách tốt nhất về giá trị lịch sử của hai khu di tích. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu chỉnh lý và bảo tồn thì không thể hoàn thành ngay lập tức, nên chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện thường xuyên hằng năm và cũng cố gắng phục hồi được nguyên trạng, đồng thời đảm bảo các yếu tố di tích gốc tại hai di tích Nhà và Hầm D67 cũng như Hầm T1".
Trong khu Nhà và Hầm D67 là nơi ra các chỉ thị, mệnh lệnh cho quân, dân cả nước chiến đấu, đánh bại mọi chiến lược của giặc Mỹ, giành thắng lợi trọn vẹn cho cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc. Ngày 7/4/1975, tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi mệnh lệnh đến toàn quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và quyết thắng”.
Còn tại Hầm tác chiến T1, đây là nơi nhận báo cáo, truyền mệnh lệnh chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh đến khắp các chiến trường trên cả nước.
Trực tiếp bước vào những căn hầm lịch sử này, được tận mắt nhìn thấy bàn làm việc, điện thoại, bản đồ tác chiến… là cách rõ nét nhất để cảm nhận khí thế hào hùng của cả dân tộc trong những năm tháng sống còn. Mỗi tấm bản đồ, mỗi chiếc ghế ngồi, điện thoại làm việc đều gợi nhớ về một thời oanh liệt, về những năm tháng khó khăn, cam go và những giây phút hào hùng của cả dân tộc trong niềm vui chiến thắng.
Nằm sâu trong lòng đất nhưng những di tích ấy lại vang vọng mạnh mẽ giữa lòng người - nơi lịch sử không chỉ được lưu giữ mà còn được truyền cảm hứng. D67, T1 không đơn thuần là những căn hầm chỉ huy, mà là chứng nhân của lòng yêu nước, của khát vọng hòa bình và ý chí không khuất phục của dân tộc Việt Nam.


Triển lãm chuyên đề “Đất nước trọn niềm vui” được khai mạc chiều ngày 24/4, với hơn 300 ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, trong đó có nhiều tài liệu, hiện vật gốc lần đầu ra mắt công chúng.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ miễn phí vé tham quan đêm tại Đại Nội Huế từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, đồng thời bắn pháo hoa tại Kỳ đài Huế.
Bảo tàng Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề “Ký ức ngày thống nhất” - một hành trình ngược dòng lịch sử đầy xúc cảm, tái hiện không khí hào hùng của ngày non sông liền một dải.
Báo Nhân Dân đã tổ chức Lễ giới thiệu đợt thông tin đặc biệt và khai mạc Triển lãm tương tác kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào sáng 23/4.
Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Khúc ca hòa bình” vào sáng 23/4, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khai mạc triển lãm mỹ thuật với chủ đề "Kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước" nhân dịp Kỷ niệm 30/4.
0