Thuế quan đối ứng của ông Trump có đang mạo hiểm?

Tổng thống Donald Trump đã áp thuế đối ứng với với 86 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Động thái này đánh dấu bước leo thang mạnh mẽ nhất trong chính sách thương mại “nước Mỹ trên hết” của ông Trump kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai. Liệu nước đi này của ông Trump có đang mạo hiểm?

Sự chấm dứt của thương mại tự do

Theo thông báo của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, mức thuế nhập khẩu cao hơn sẽ được chính thức triển khai theo sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump, cá biệt theo từng quốc gia và vùng lãnh thổ, dao động từ 11% đến 50%. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ, sẽ phải đối mặt với mức thuế kỷ lục sau khi Bắc Kinh không rút lại kế hoạch đánh thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa Mỹ theo mong muốn của Tổng thống Trump.

“Ngay lúc này, Trung Quốc đang bị áp mức thuế 104%. Hãy nghĩ về điều đó. 104%, nghe có vẻ kỳ cục, nhưng đó là vì họ đã đánh thuế rất nhiều mặt hàng của chúng ta”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Gộp với mức thuế khoảng hơn 19% vốn được duy trì từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nhiều mặt hàng của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã bắt đầu phải chịu mức thuế xấp xỉ 124%.

Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích hành động của Mỹ là “sai lầm chồng sai lầm” và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng.

“Tôi muốn nhắc lại rằng không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hay một cuộc chiến thuế quan. Chủ nghĩa bảo hộ không có lối thoát. Người dân Trung Quốc không gây rắc rối, nhưng chúng tôi không sợ điều đó. Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp đối phó cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình".

Ông Lâm Kiếm - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Không chỉ Trung Quốc, hàng chục quốc gia khác, bao gồm nhiều đồng minh lâu năm của Mỹ cũng bị áp dụng thuế mới, gọi là thuế đối ứng, phụ thuộc vào cán cân thương mại và mức độ “có đi có lại” trong thương mại song phương. Đáng chú ý, một số quốc gia đồng minh quan trọng của Washington như Australia, dù có thâm hụt thương mại với Mỹ cũng nằm trong danh sách chịu thuế đối ứng.

Để xác định mức thuế cần áp dụng, ông Trump đã tính toán các cách thức mà các quốc gia áp dụng đối với Mỹ, bao gồm thuế quan, rào cản phi thuế quan. Khi xác định mức thuế quan đối ứng cho mỗi quốc gia, Mỹ không chỉ xem xét thuế nhập khẩu mà còn có các hoạt động khác mà họ cho là không công bằng, bao gồm thuế giá trị gia tăng, trợ cấp của chính phủ, chiến lược thao túng tiền tệ, chuyển nhượng công nghệ và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ…

Thế nhưng, dù công thức tính thuế đối ứng theo công bố của Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ thoạt nhìn có vẻ phức tạp, song về cơ bản sẽ là:

Thuế quan = Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và một quốc gia/Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa từ nước đó.

Vậy là, thuế đối ứng mà Tổng thống Trump công bố thực chất nhắm vào thặng dư thương mại của các quốc gia bởi không có yếu tố thuế quan nào được sử dụng trong cách tính này.

Đã có nhiều nỗ lực ngoại giao trước thời điểm nước Mỹ chính thức thực hiện kế hoạch áp thuế của ông Trump song vẫn chưa thành công. Theo công bố của Nhà Trắng, đã có ít nhất 70 quốc gia đề xuất đàm phán để tìm ra giải pháp cân bằng thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều cố vấn kinh tế cấp cao, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và cố vấn Peter Navarro đã bác bỏ khả năng đàm phán trong ngắn hạn. Họ khẳng định các mức thuế đã công bố không nhằm mục đích mặc cả, thậm chí còn mô tả tình hình hiện tại là “tình trạng khẩn cấp quốc gia.”

“Tổng thống Trump đã chỉ ra rằng, ông sẵn sàng đàm phán với các bên muốn theo đuổi thương mại có đi có lại với Mỹ. Chúng tôi không có mốc thời gian cụ thể nào được đặt ra cho vấn đề này vì kết quả quan trọng hơn là đặt ra một điều gì đó một cách giả tạo cho chúng tôi. Điều tôi có thể nói là tôi đang hành động nhanh nhất có thể và rất nhiều quốc gia trong số này đang hành động rất nhanh. Tuy nhiên, những sự mất cân bằng đã tồn tại qua hàng chục năm không thể được giải quyết chỉ qua một đêm”.

Ông Jamieson Greer - Đại diện Thương mại Mỹ

Phản ứng lại chính sách thuế mới của Mỹ không chỉ có những cành oliu được chìa ra. Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức công bố danh sách các sản phẩm của Mỹ sẽ chịu mức thuế quan từ 10-25% khi vào EU, đánh dấu bước leo thang mới trong căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương. Quyết định này được đưa ra sau khi EU nhận thấy sự thiếu thiện chí từ phía Mỹ trong việc đàm phán, bất chấp những nỗ lực ngoại giao không ngừng. Danh sách các sản phẩm này dự kiến sẽ được các quốc gia thành viên EU thông qua trong ngày 9/4.

Hậu quả không chỉ dừng lại ở kinh tế

Washington đã giáng một đòn mạnh vào thương mại quốc tế bằng cách đặt ra các hạn chế nghiêm ngặt đối với hầu hết các đối tác thương mại của mình, cả bạn bè lẫn đối thủ. Hành động này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ngay trong nội bộ nước Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng, hậu quả của chính sách thương mại của Tổng thống Trump sẽ không chỉ dừng lại ở việc phủ nhận các quy tắc thương mại tự do, mà còn thay đổi sâu sắc tới hợp tác quốc tế trong tương lai.

Việc áp dụng thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump đã gây uy hiếp cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trật tự dựa trên quy tắc và dễ dự đoán mà thế giới dựa vào, với sự dẫn dắt của Mỹ trong hàng chục năm qua đang dần tan biến.

Thế nhưng cần nhìn nhận lại, ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã thực hiện điều này. Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có lẽ là ví dụ điển hình nhất. NAFTA, hiệp định giữa ba nước do chính phủ Canada, Mexico và Mỹ có hiệu lực vào năm 1994 và về cơ bản đã định hình lại mối quan hệ kinh tế của họ, với thương mại tăng đáng kể. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump đã chỉ trích NAFTA là "thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước". Sau khi đắc cử, thay vì hủy bỏ hoàn toàn NAFTA, ông Trump đã đàm phán một thỏa thuận mới: Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), có hiệu lực vào tháng 7/2020. Dù vậy, ngay đầu nhiệm kỳ 2, ông Trump đã giương vũ khí thuế quan với hai đối tác trong hiệp định mà chính quyền ông đã mất 2 năm để đàm phán này. Điều này sẽ có tác động tiêu cực đến uy tín của nước Mỹ.

“Việc áp thuế với các đồng minh như Canada, Liên minh châu Âu khiến thị trường lo lắng. Tôi nghĩ rõ ràng nước Mỹ sẽ nhận được sự nhượng bộ từ bạn bè của mình. Chúng ta đã thấy điều đó trong vài ngày qua? Họ đã quay lại và họ đưa ra đề xuất, nhưng không đạt được kết quả”.

Ông Jeff Tomasulo - Giám đốc điều hành Công ty quản lý vốn Vespula, Mỹ

Một khi các rào cản thương mại được dựng lên, chúng thường tồn tại lâu dài. Dù một số thỏa thuận tạm thời có thể được giải quyết, sự bất định do một động thái mạnh tay như những gì ông Trump đang thực hiện sẽ làm giảm niềm tin và tăng trưởng toàn cầu. Kết quả là, theo một số chuyên gia, ngày càng có nhiều quốc gia có thể sẽ quay lưng với hợp tác đôi bên cùng có lợi với Mỹ và hội nhập sâu hơn.

“Nếu chúng ta nhìn vào nền kinh tế, nếu chúng ta nhìn vào tài chính, nếu chúng ta nhìn vào thương mại, rõ ràng là nước Mỹ rất quan trọng nhưng không phải là tác nhân duy nhất trên trường quốc tế. Vì vậy tôi sẽ rất cẩn thận khi tuyên bố mọi thứ đã chết chỉ vì chính quyền Washington hiện tại không quan tâm đến việc duy trì nó, chúng ta hãy xem phần còn lại của thế giới làm gì”.

Bà Arancha Gonzalez Laya - Đại học Sciences Po, Pháp

Mỹ có thể đã quyết định chuyển sang bảo hộ. Nhưng phần còn lại của thế giới không nhất thiết phải đi theo con đường đó. Bằng cách tìm kiếm các đối tác khác để cùng hợp tác, các quốc gia có thể sẽ cùng nhau đảm bảo khả năng phục hồi và duy trì các phần quan trọng của hệ thống đa phương, đồng thời đặt nền móng cho một hệ thống toàn cầu mới, dù chặng đường sắp tới sẽ gập ghềnh, với những cú sốc thường xuyên và khó lường hơn.

Ông Trump có thể đi xa đến đâu trong cuộc chiến thuế quan?

Nhiều người hy vọng các mức thuế sẽ không tồn tại lâu dài và Mỹ sẽ phải hạ bớt khi giá cả tăng cao và thị trường chứng khoán sụt giảm. Không ai biết được điều này xảy ra không, hay xảy ra vào lúc nào. Trước mắt, thuế quan sẽ chưa thể giảm và cuộc đàm phán thương mại giữa ông Trump với các quốc gia khác sẽ định hình một hệ thống kinh tế mới, nơi chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng và các giao dịch sẽ chi phối trong nhiều năm tới.

Phản ứng ban đầu của thị trường chứng khoán trước chiến thắng của ông Trump vào tháng 11 năm ngoái dường như cho rằng khẩu vị rủi ro của ông sẽ có lợi cho doanh nghiệp. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp ở Mỹ lại đang thực sự đứng trước rủi ro. Apple là một trong những cái tên trong danh sách này. Cổ phiếu của Apple đã giảm 25% từ đầu năm 2025 đến nay và phần lớn mức giảm đó diễn ra trong tháng vừa qua. Dù vẫn là công ty giá trị nhất nước Mỹ với vốn hóa trên 2.725 tỷ USD, nhưng khoảng cách giữa Apple với hai công ty xếp sau đã được thu hẹp đáng kể khi chỉ còn nhiều hơn Microsoft khoảng 65 tỷ USD và khoảng 340 tỷ USD so với NVIDIA. Giới đầu tư lo ngại hãng công nghệ này sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Còn các nhà phân tích cho rằng, Apple là một trong những công ty dễ bị tổn thương nhất trong cuộc chiến thương mại, bởi sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc.

“Nếu bạn thích iPhone 3.500 USD, chúng ta nên sản xuất chúng tại Mỹ. Nếu bạn thích iPhone 1.000 USD, thì nên sản xuất chúng tại Trung Quốc. Đó là thực tế và đó là lý do tại sao cuộc chiến thuế quan lần này là điều ngớ ngẩn nhất có thể từng thấy ở Phố Wall trong rất nhiều thập kỷ”.

Ông Dan Ives - Giám đốc điều hành Công ty tài chính Wedbush Securities, Mỹ

Thuế quan của ông Trump được dự báo cũng sẽ gây ra những tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế Mỹ. Các ngành công nghiệp với chuỗi cung ứng phức tạp như sản xuất ô tô sẽ gặp khó khăn lớn. Các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng cao và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, điều này sẽ đẩy giá cả lên cao đối với người tiêu dùng. Ngay cả các ngành nông nghiệp, máy móc và công nghệ cao cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp trả đũa của ông các đối tác thương mại. Tuy nhiên, ông Trump có lẽ chưa dừng lại ở đó. Trong tuyên bố mới nhất, ông tiết lộ rằng, dược phẩm có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo của chính sách thuế quan.

“Chúng ta sẽ áp thuế với lĩnh vực dược phẩm. Và một khi chúng ta làm điều đó, họ sẽ nhanh chóng quay trở lại đất nước chúng ta vì chúng ta là thị trường lớn, đây là lợi thế của chúng ta. Vì vậy, chúng ta sẽ sớm công bố mức thuế lớn đối với dược phẩm”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Điều gì có thể xảy ra nếu ông Trump tiếp tục và không chỉ dừng lại ở đó? Theo cương lĩnh tranh cử, chính sách kinh tế của ông Trump bao gồm “4 mũi tên”: giảm thâm hụt tài chính, áp thuế quan bên ngoài, cắt giảm thuế trong nước và nới lỏng các quy định. Bất chấp những rủi ro có thể đối với nền kinh tế Mỹ, giới phân tích cho rằng, ông Trump vẫn kiên quyết áp dụng chiến lược “cay trước, ngọt sau” vì ông thực sự tin rằng nước Mỹ đã tốt hơn khi áp dụng mức thuế quan lớn để hạn chế thương mại. Nhưng nhiều nhà kinh tế không đồng tình với quan điểm này. Lần cuối cùng Mỹ áp đặt mức thuế quan mà ông Trump đang thực hiện là vào những năm 1930. Tổng thống Herbert Hoover đã ký Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley thành luật, áp thuế đối với hơn 20.000 mặt hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ việc làm của người Mỹ. Các quốc gia khác đã phản ứng tương tự bằng cách áp đặt hoặc tăng thuế quan của riêng họ, khiến tình hình kinh tế xấu đi nhanh chóng. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng vọt từ 8% vào năm 1930 lên đến 25% vào năm 1933. Thương mại toàn cầu giảm mạnh hai phần ba trong khoảng thời gian từ năm 1929 đến năm 1934. Trong thời kỳ Đại suy thoái, cổ phiếu của Mỹ đã giảm giá gần 90%.

Ít ai ngờ Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đi xa đến vậy. “Bày lại bàn tiệc” - đó là cách diễn đạt mà Tổng thống thứ 45 và 47 của nước Mỹ thường sử dụng trong thời gian gần đây. Điều mà các nhà đầu tư và các nhà lãnh đạo thế giới đang băn khoăn là cách bài trí bàn tiệc mới này sẽ như thế nào? Liệu ông Trump có muốn bất kỳ quốc gia nào khác ngồi cạnh mình không? Hay nước Mỹ sẽ phải một mình thưởng thức một bữa ăn ít ỏi hơn? Thị trường và cuối cùng là nền kinh tế thực sự sẽ trở nên tồi tệ đến mức nào trong thời gian tới? Chỉ có thời gian mới cho câu trả lời cho những câu hỏi đó. Thế nhưng, có một bài học rõ ràng là: không có người chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Thế giới hy vọng kế hoạch "Ngày giải phóng" của ông Trump không lặp lại sai lầm dẫn đến cuộc Đại suy thoái cách đây một thế kỷ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Iran sẽ "phải trả giá đắt" nếu không từ bỏ chương trình hạt nhân.

Một quả bom tự chế đã phát nổ vào ngày 11/4, bên ngoài văn phòng của công ty đường sắt Hellenic Train ở Thủ đô Athens của Hy Lạp.

Vàng đang khẳng định vị thế “hầm trú ẩn” tài chính vững chắc nhất. Những điều gì đang thúc đẩy đà tăng mạnh mẽ của giá vàng?

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine, Tướng Keith Kellogg, bác bỏ ý kiến rằng ông đã đề xuất phân chia Ukraine như nước Đức sau Thế chiến II, cáo buộc tờ The Times đã xuyên tạc phát biểu của ông về một thỏa thuận an ninh hậu ngừng bắn theo phong cách Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tại thành phố St. Petersburg vào ngày 11/4 để thảo luận về việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine.

Thành phố Naples, miền Nam Italy, vừa kỷ niệm 2.500 năm lịch sử bằng một món quà đặc biệt bằng một quả trứng Phục sinh khổng lồ 350kg.