Thỏa thuận đất hiếm Mỹ - Ukraine rơi vào bế tắc
Trong khi Mỹ cáo buộc Ukraine đang cố gắng rút khỏi thỏa thuận, Ukraine cũng nhiều lần chỉ trích việc Mỹ liên tục thay đổi các điều khoản. Tương lai của thỏa thuận này đi đến đâu đang là một câu hỏi lớn.
Mỏ đá 2,5 tỷ năm trở thành trung tâm sự chú ý
Khoáng sản của Ukraine đã trở thành trung tâm của địa chính trị toàn cầu, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm kiếm một thỏa thuận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để tiếp cận chúng. Theo kỳ vọng ban đầu của hai bên, Mỹ sẽ cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine để đổi lấy một phần lợi nhuận từ khoáng sản khai thác được ở Ukraine. Vậy, ông Trump đang quan tâm đến những khoáng sản nào của Ukraine và tại sao chúng lại được săn lùng nhiều đến vậy?
Ukraine thường được biết đến với những vùng đất nông nghiệp rộng lớn và những di sản công nghiệp, nhưng bên dưới bề mặt đó là một trong những thành tạo địa chất đáng chú ý nhất thế giới, “Lá chắn Ukraine”. Các quá trình biến đổi địa chất từ 2,5 tỷ năm trước đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành một số mỏ khoáng sản bao gồm lithium, than chì, mangan, titan và các nguyên tố đất hiếm tại Ukraine. Những khoáng sản này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các ngành công nghiệp hiện đại và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu. Ukraine sở hữu 22 trong số 34 khoáng sản quan trọng được Liên minh châu Âu xác định là cần thiết cho an ninh năng lượng. Điều này giúp Ukraine trở thành một trong những quốc gia giàu tài nguyên nhất thế giới.
Khi thế giới chạy đua trong quá trình khử cacbon, nhu cầu về các khoáng chất quan trọng đang tăng vọt. Xe điện, tua-bin gió, pin mặt trời và hệ thống lưu trữ năng lượng đều yêu cầu các nguyên tố lithium, coban và đất hiếm mà Ukraine sở hữu bạt ngàn.
Mặc dù nguồn cung đất hiếm toàn cầu vẫn tương đối ổn định nhưng trong một vài trường hợp ngoại lệ, các nguyên tố đất hiếm vì tầm quan trọng chiến lược của chúng không may lại có xu hướng xuất hiện trong các tranh chấp địa chính trị rộng lớn hơn. Và do đó, việc giành được hoặc giành lại quyền tiếp cận các mỏ khai thác là điều có ý nghĩa địa chính trị lớn hơn đối với Mỹ, đối với Ukraine và các đồng minh phương Tây.
Giáo sư Julie Michelle Klinger - Viện Khoa học con người, Áo.
Giá lithium đã tăng từ 1.500 USD/tấn vào những năm 1990 lên khoảng 20.000 USD/tấn trong những năm gần đây. Nhu cầu dự kiến sẽ tăng gần 40 lần vào năm 2040 khi nhu cầu xe điện toàn cầu tăng.
Ukraine có ba mỏ lithium lớn. Chúng bao gồm Shevchenkivske ở khu vực Donetsk cũng như Polokhivske và Stankuvatske ở khu vực trung tâm Kirovograd – tất cả đều nằm trong khu vực được gọi là “Lá chắn Ukraine”.
Ngoài lithium ra, Ukraine còn được xếp hạng toàn cầu là nước sản xuất khoáng sản rutil lớn thứ ba - chiếm 15,7% tổng sản lượng thế giới. Đây là nhà sản xuất quặng sắt lớn thứ sáu (chiếm 3,2% tổng sản lượng) và titan (chiếm 5,8% tổng sản lượng) toàn cầu.
Ukraine cũng có trữ lượng uranium lớn nhất châu Âu, rất quan trọng cho năng lượng hạt nhân và vũ khí. Quốc gia này cũng có trữ lượng đáng kể các nguyên tố neodymium và dysprosium, cần thiết để sản xuất mọi thứ từ điện thoại thông minh đến tua-bin gió và động cơ điện.
Ngoài ra, Ukraine còn là nơi có trữ lượng quặng mangan lớn nhất thế giới đã được chứng minh. Có khoảng 2,4 tỷ tấn tập trung chủ yếu ở lưu vực Nikopol ở sườn phía Nam của “Lá chắn Ukraine”.
Sự giàu có về khoáng sản của Ukraine đã định vị nước này là quốc gia dẫn đầu tiềm năng trong cuộc cách mạng năng lượng sạch. Tuy nhiên, những hiểu biết về khoáng sản của Ukraine hiện nay là chưa đầy đủ.
Hiểu biết của chúng ta về khoáng sản Ukraine, bao gồm đất hiếm, titanium, mangan và các khoáng sản khác không đầy đủ. Cần nhiều thông tin về vị trí phân bổ các khoáng sản này. Thứ hai, đó là nước này không có nhiều công ty có khả năng khai thác và chế biến đất hiếm, bởi trong hai thập kỷ trở lại đây, các công ty Trung Quốc đã thống lĩnh thị trường này.
Ông Jakob Kullik - Nhà khoa học chính trị Đức.
Trong khi đó, mặc dù Mỹ có nhiều khoáng sản quan trọng giống như Ukraine nhưng trước đây, nước này đã ưu tiên mua của nước ngoài do các quy định về môi trường và chi phí lao động cao. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, quốc gia thống trị hoạt động sản xuất và chế biến khoáng sản quan trọng. Được tiếp cận khoáng sản của Ukraine để đổi lấy sự bảo vệ quân sự có nghĩa là Mỹ có thể tránh phải mua những khoáng sản này từ Trung Quốc. Tuy nhiên, dù Mỹ có thể đạt được thỏa thuận khai thác khoáng sản tại Ukraine, tác động của xung đột và tình trạng di dân tại nước này có thể khiến hoạt động khai thác gặp nhiều khó khăn.
Mỹ - Ukraine cáo buộc nhau cản trở thỏa thuận đất hiếm
Tầm quan trọng chiến lược của khoáng sản Ukraine đã được công nhận trong ngoại giao quốc tế. Các cuộc đàm phán song phương gần đây giữa Ukraine và Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng địa chính trị của các nguồn tài nguyên này. Tuy nhiên, thỏa thuận hợp tác khai khoáng vốn được lên kế hoạch ký kết giữa hai nước vào tháng 2 tới nay vẫn đối diện tương lai mờ mịt. Trong những ngày gần đây, bất chấp những nỗ lực đàm phán song phương, Washington và Kiev vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về các điều khoản của thỏa thuận này.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước lưỡng viện Quốc hội kể từ sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã sẵn sàng ký thỏa thuận đất hiếm bất kỳ thời điểm nào. Đây là tín hiệu tan băng đầu tiên trong mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo sau cuộc tranh cãi hy hữu tại Nhà Trắng hôm 28/3, dẫn đến việc kế hoạch ký thỏa thuận hợp tác khoáng sản giữa hai nước đổ bể.
Nửa tháng sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn rất tự tin vào triển vọng chấm dứt xung đột ở Ukraine sau các cuộc điện đàm với cả hai nhà lãnh đạo Ukraine và Nga, đồng thời thông báo rằng thỏa thuận khoáng sản được mong đợi sẽ sớm được ký kết.
Tuy nhiên, phát biểu với báo giới hôm 30/3, ông Trump cho rằng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang cố gắng rút khỏi thỏa thuận khoáng sản đất hiếm với Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đồng thời đưa ra lời cảnh báo: "Tôi nghĩ ông Zelensky đang cố gắng rút lui khỏi thỏa thuận đất hiếm. Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về đất hiếm và bây giờ ông ấy nói rằng muốn đàm phán lại. Ông ấy muốn trở thành thành viên của NATO. Ông ấy sẽ không bao giờ trở thành thành viên của NATO. Ông ấy hiểu điều đó. Vì vậy, nếu ông ấy muốn đàm phán lại thỏa thuận, ông ấy sẽ gặp vấn đề lớn".
Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cáo buộc Mỹ thay đổi các điều khoản trong thỏa thuận khoáng sản của Ukraine. Theo ông Zelensky, thay vì một thỏa thuận khung, Mỹ đang đề xuất một thỏa thuận đầy đủ.
Đó là một tài liệu hoàn toàn khác. Có nhiều điều khoản chưa được thảo luận và cũng có một số điều khoản mà có thể các bên đã bác bỏ. Tôi không muốn gây sóng gió, tôi thực sự muốn chúng ta có một đánh giá cụ thể từ các luật sư ở cấp cao nhất.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tổng thống Ukraine cũng nhấn mạnh rằng, Kiev không công nhận viện trợ quân sự của Mỹ trong những năm gần đây là khoản nợ, nhưng sẵn sàng hoàn trả cho Washington các khoản viện trợ trong tương lai nếu chính quyền Tổng thống Trump cung cấp. Theo một số nguồn tin, dự thảo thỏa thuận mới yêu cầu Ukraine hoàn trả cho Mỹ toàn bộ khoản hỗ trợ, bao gồm viện trợ ngân sách, quân sự và nhân đạo từ thời điểm bắt đầu xảy ra xung đột với Nga năm 2022, ước tính hơn 120 tỷ USD.
Trước các sức ép từ phía Mỹ, ngày 1/4, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha thông báo, nước này sẽ hợp tác với Mỹ hướng tới một thỏa thuận khoáng sản mang tính chấp nhận được mà hai nước có thể ký kết: "Tôi xác nhận rằng, chúng tôi đã bắt đầu tham vấn với phía Mỹ về nội dung thỏa thuận khoáng sản. Vòng một của cuộc tham vấn đã diễn ra. Phía Ukraine cam kết đạt được một thỏa thuận đáp ứng lợi ích quốc gia của cả Mỹ và Ukraine".
Ngoại trưởng Ukraine cũng tiết lộ rằng, trong thỏa thuận mới, Kiev sẽ coi việc tăng cường hơn nữa sự hiện diện của các doanh nghiệp Mỹ là một hình thức đóng góp cho cơ sở hạ tầng an ninh của Ukraine.
Những bất đồng về giá trị
Một số quan chức Ukraine cho rằng, dự thảo thỏa thuận mới về tài nguyên khoáng sản mà Mỹ đề xuất không có lợi cho Kiev. Theo đó, Mỹ yêu cầu được tham gia quản lý tất cả các nguồn tài nguyên khoáng sản, bao gồm cả dầu mỏ và khí đốt, nhưng không đề cập đến việc đảm bảo an ninh cho Kiev. Trong khi đó, tờ Financial Times dẫn lời các quan chức Ukraine đưa tin, bên cạnh các điều kiện mới cho việc tiếp cận tài nguyên và năng lượng của Ukraine, Mỹ cũng mở rộng các yêu cầu kinh tế đối với Kiev, trong đó có việc kiểm soát các nhà máy điện hạt nhân. Những bất đồng lớn về mục tiêu và giá trị đang khiến hai bên khó có thể tìm được điểm dung hòa.
Đề xuất phát triển chung kim loại đất hiếm của Ukraine được Kiev đưa ra vào tháng 10/2024. Đây là một điểm trong "kế hoạch chiến thắng" mà ông Volodymyr Zelensky đã trình bày với cựu Tổng thống Joe Biden và ông Donald Trump khi còn là ứng viên tổng thống. Theo Kiev, việc tiếp cận tài nguyên là để đổi lấy bảo đảm an ninh từ Washington, cụ thể là năng lực răn đe chiến lược phi hạt nhân. Chính quyền Biden khi đó đã bác bỏ ý tưởng này vì cho rằng không thực tế, nhưng khi vừa trở lại Nhà Trắng, chính khách - doanh nhân Trump đã bắt lấy cơ hội.
Khi ông Zelensky đến Washington để ký kết thỏa thuận khoáng sản với Tổng thống Trump, các chi tiết về thỏa thuận giữa hai bên vẫn còn rất mơ hồ, nhưng có một điều rõ ràng là thỏa thuận không chỉ dừng lại ở việc khai thác kim loại đất hiếm, đồng thời cũng không bao gồm đảm bảo an ninh mà Kiev mong muốn. Thỏa thuận này sẽ thành lập một quỹ mà Ukraine sẽ đóng góp 50% số tiền thu được trong tương lai từ các nguồn tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm dầu mỏ, khí đốt và hậu cần liên quan và quỹ sẽ "đầu tư vào các dự án ở Ukraine".
Chính quyền Tổng thống Trump đã coi thỏa thuận khoáng sản là một phần thiết yếu trên con đường dẫn đến hòa bình của Ukraine, nhưng đã không đưa ra những đảm bảo an ninh cụ thể để đổi lấy quyền tiếp cận rộng rãi các nguồn tài nguyên. Phía Mỹ lập luận rằng, thỏa thuận khoáng sản sẽ tăng cường an ninh của Ukraine vì Mỹ bảo vệ lợi ích của mình, nhưng Tổng thống Zelensky đã nhấn mạnh rằng Kiev cần những đảm bảo an ninh mạnh mẽ và đáng tin cậy trong trường hợp ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình.
Tuy nhiên, dường như trong đề xuất sửa đổi của thỏa thuận mà hai bên đang thảo luận, Mỹ thậm chí không chỉ dừng lại ở những điều khoản mà Kiev phải khó khăn lắm mới chấp nhận. Tờ Financial Times ngày 27/3 đưa tin, phiên bản mới nhất của thỏa thuận do Mỹ đề xuất bao gồm các điều khoản cho phép Washington kiểm soát chưa từng có đối với tài nguyên thiên nhiên của Ukraine thông qua một quỹ đầu tư chung. Theo đó, Mỹ đã yêu cầu tất cả thu nhập từ tài nguyên thiên nhiên của Ukraine trong nhiều năm. Để thực hiện điều này, Kiev phải gửi cho Washington toàn bộ lợi nhuận từ một quỹ kiểm soát tài nguyên của Ukraine cho đến khi nước này hoàn trả tất cả viện trợ thời xung đột cho Mỹ, cộng với lãi suất 4% mỗi năm. Quỹ đầu tư chung sẽ do Tổng Công ty Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ quản lý, có một hội đồng gồm 5 người: ba người do Mỹ chỉ định và hai người do Ukraine chỉ định. Quỹ sẽ được chuyển đổi thành ngoại tệ và chuyển ra nước ngoài.
Điều khoản mới nhất cũng không bao gồm bất kỳ bảo đảm an ninh nào cho Ukraine trong tương lai. Tờ báo European Pravda của Ukraine cũng viết rằng, thỏa thuận này có thể mâu thuẫn với việc Ukraine gia nhập EU do những hạn chế nghiêm trọng ảnh hưởng đến chủ quyền kinh tế của Ukraine.
Nếu những thông tin trên là chính xác, không chỉ con đường gia nhập NATO của Ukraine bị chặn đứng mà Ukraine cũng không thể trở thành thành viên của EU - đồng minh đang đóng vai trò quan trọng đối với các khoản viện trợ quân sự quý giá cho nước này. Đây là một vấn đề khiến Tổng thống Zelensky hết sức đau đầu khi mà ngay cả ở trong nước, dư luận Ukraine cũng bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của thỏa thuận với triển vọng hòa bình cũng như sự lo lắng với những yêu cầu của Mỹ.
Việc kiểm soát các nguồn tài nguyên không liên quan tới việc kết thúc chiến tranh. Giới lãnh đạo Mỹ tự tuyên bố mình là những nhà hòa bình vĩ đại, nhưng những gì họ thực sự làm không phải là tạo dựng hòa bình mà là gây rắc rối.
Ông Valeriy Pekar - Phó Chủ tịch Liên minh các nhà sản xuất công nghiệp và doanh nghiệp Ukraine.
Có một chi tiết đáng chú ý rằng, bất chấp những tranh cãi lùm xùm, có thể trữ lượng khoáng sản mà Ukraine đang sở hữu, hoặc ít nhất là tiềm năng khai thác chúng có thể không như những gì mà cả Kiev và Washington công bố. Theo tạp chí Forbes, tính đến tháng 4/2023, tổng giá trị tài nguyên khoáng sản của Ukraine là khoảng 15.000 tỷ USD. Thế nhưng hơn 70% trữ lượng khoáng sản nằm ở Donetsk và Lugansk, những nơi đã bị Nga sáp nhập, nên đề xuất của ông Zelensky hiện rất thiếu thực tế. Còn trang Bloomberg cho rằng, kể cả khi Ukraine có thể khai thác được 20% kim loại đất hiếm trên thế giới "bằng phép ảo thuật", con số này sẽ vào khoảng 3 tỷ USD một năm. Để đạt được con số 500 tỷ USD mà ông Trump từng đề cập, phải đảm bảo sản xuất liên tục trong hơn một thế kỷ rưỡi và điều này hoàn toàn vô lý.
Các cuộc tham vấn giữa Mỹ và Ukraine về thỏa thuận khoáng sản vẫn đang diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau và hai bên chưa thống nhất về dự thảo cuối cùng. Cần phải nhấn mạnh rằng, bên cạnh Mỹ thì Liên minh châu Âu cũng để mắt đến nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ và phần lớn chưa được khai thác của Ukraine. Tuy nhiên, tới nay, “miếng mồi” tưởng như hấp dẫn lại trở thành cơn đau đầu cho Ukraine khi nhà lãnh đạo Mỹ "ra giá" mà không hề nói gì tới việc đảm bảo an ninh cho Kiev. Vì vậy, chưa thể nói trước khi nào Mỹ và Ukraine mới có thể đạt được một thỏa thuận khoáng sản phù hợp với lợi ích của cả hai bên.


Tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/4 ở thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington vẫn sẽ ở lại liên minh quân sự này
Canada là nước đầu tiên tuyên bố áp thuế trả đũa sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với hàng hoá nhập khẩu.
Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế đối ứng đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.
Lầu Năm Góc tuần này đã điều ít nhất 6 máy bay ném bom B-2, tương đương 30% phi đội máy bay ném bom tàng hình của không quân Mỹ tới căn cứ quân sự chung của Mỹ và Anh trên đảo Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương, theo các quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Ít nhất 7 người, trong có có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos, ngoài khơi Hy Lạp.
Số người chết sau trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar đã tăng lên hơn 3.000 người, tính đến ngày 3/4. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tích cực tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân.
0