Thi công gây lún, nứt nhà tại quận Nam Từ Liêm

Tại quận Nam Từ Liêm, 19 căn nhà trong một tổ dân phố đang bị nghiêng, sụt lún, phải tạm thời chống đỡ bằng hệ thống trụ thép. Nguyên nhân đến từ việc thi công một dự án ngay gần đó.

Gạch lát sân không còn nguyên vẹn, dấu hiệu nứt toác ngày càng hiện rõ - người dân tại tổ dân phố số 2, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, phải đối mặt tình trạng sụt lún, nứt nhà. Đặc biệt, trường hợp có nhà bị nghiêng hơn 10 độ.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, nhiều hộ gia đình đã phải tạm di dời đến một nơi ở khác. Ông Trần Văn Thành cho biết: "Bước đầu chỉ hơi hơi nứt thôi. Họ chủ quan, tiếp tục đào nhưng lại không làm tường ngăn, thì tự nhiên thấy bắt đầu nghiêng, mỗi ngày nghiêng một phân".

Với gia đình ông Nguyễn Khắc Do, tiền nước đang tăng lên mỗi tháng do hệ thống đường ống nước bị rò rỉ. Ông Nguyễn Khắc Do cho biết: "Gia đình nhà tôi bây giờ dột nát và nứt nẻ rất nhiều. Bể nước, ống nước coi như là nứt hết, liên tục phải buộc lại chứ không thì rò rỉ hết nước".

Nguyên nhân của tình trạng này là việc thi công phần móng của dự án “Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật Liên đoàn Địa chất - Xạ hiếm”. Giải pháp tạm thời được chính quyền và chủ đầu tư dự án đưa ra là lắp đặt hệ thống trụ thép kiên cố để chống đỡ, khắc phục độ nghiêng cho những căn nhà.

Giải pháp tạm thời chống sụt lún, nghiêng nhà chính quyền và dự án áp dụng là lắp đặt hệ thống trụ thép.

Ông Trần Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, cho hay: “Sau khi xảy ra vấn đề, chúng tôi đã phối hợp, kết hợp với các ban ngành đoàn thể của quận yêu cầu đơn vị dừng thi công và lắp đặt các cọc cừ để đảm bảo không ảnh hưởng đến các công trình bên cạnh. Chúng tôi cũng đã đề nghị bên đơn vị thi công cũng như đơn vị chủ đầu tư ký cam kết để đảm bảo hỗ trợ, đền bù cho 19 hộ gia đình theo thực trạng thiệt hại".

Theo đó, chính quyền là đơn vị trung gian - giữ ký quỹ hơn 4 tỷ đồng của chủ đầu tư. Sau khi công trình xử lý xong phần móng sẽ tiến hành đền bù cho các hộ gia đình.

Làm gì khi nhà bị lún, nứt do nhà bên cạnh thi công?

Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Xây dựng 2014 thì chủ nhà liền kề có quyền yêu cầu chủ sở hữu công trình tiến hành ngay các biện pháp phù hợp khi xuất hiện nguy cơ xảy ra sự cố công trình, nhằm ngăn chặn sớm nhất những thiệt hại quá lớn về vật chất và con người.

Trước hết, chủ nhà liền kề cần gặp và trao đổi, thương lượng với chủ sở hữu công trình nhằm đưa ra phương hướng giải quyết, tuy nhiên vẫn ưu tiên thực hiện khẩn các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Các yêu cầu có thể là: ngừng ngay việc thi công, vận hành, khai thác sử dụng công trình, khắc phục sự cố và bồi thường thiệt hại…

Trường hợp hai bên không thể đạt được tiếng nói chung, chủ nhà liền kề có thể trình báo với UBND xã/phường nơi có nhà/công trình về việc nhà bị lún, nghiêng do công trình xây dựng liền kề gây ra. UBND xã/phường sẽ tiến hành kiểm tra thực địa, làm việc với các bên để đưa ra phương án giải quyết phù hợp, xác lập các biên bản cần thiết ghi nhận sự việc và ý kiến các bên. Biên bản này cũng chính là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết về sau; do đó, chủ nhà bị lún, nghiêng cần lưu ý đề nghị cán bộ giải quyết phải lập biên bản.

Ngoài ra, chủ nhà có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Tòa án giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chính phủ vừa đề xuất đưa nội dung giao đất cho Bộ Quốc phòng phát triển nhà ở xã hội vào dự thảo Luật Sĩ quan quân đội nhân dân (sửa đổi). Nội dung này nhằm giải quyết vướng mắc hiện nay theo Luật Đất đai.

19.000 căn hộ mới được cung cấp ra thị trường Hà Nội tính từ đầu năm 2024, nhưng giá nhà vẫn không hạ mà còn đắt hơn, đang tạo ra nghịch lý bất thường cho thị trường nhà ở.

UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo “Quyết định ban hành quy định về quản lý bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố”.

Để chống thất thoát và lãng phí tài sản Nhà nước, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất.

Tại Công điện số 112 vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm những dự án tồn đọng, dừng thi công; khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng để chống lãng phí.

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP. HCM Nguyễn Toàn Thắng vừa ký văn bản để chấn chỉnh tình trạng kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động về đất đai, tránh gây phiền hà, lãng phí thời gian cho người dân.