Thế giới 'nín thở' chờ động thái thuế quan mới của Mỹ

Sự thay đổi liên tục về chính sách thuế quan của ông Trump khiến thị trường toàn cầu lo ngại, các nhà đầu tư đang đau đầu tính toán xem liệu Tổng thống Mỹ có ý định áp dụng thuế quan vĩnh viễn hay chỉ coi đó là công cụ để thương lượng.

Chính sách thuế quan khó đoán của ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngày 2/4 sẽ áp thuế quan có đi có lại (hay còn gọi là thuế đối ứng) với tất cả các quốc gia và gọi đây là “Ngày giải phóng” nước Mỹ. Trước đó, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho rằng, các biện pháp thuế sẽ tập trung chủ yếu vào 10 đến 15 quốc gia chiếm phần lớn thâm hụt thương mại của Mỹ. Nhưng tuyên bố mới của ông Trump có thể dập tắt hy vọng rằng, chỉ những nền kinh tế có sự mất cân bằng thương mại lớn nhất với Mỹ mới bị nhắm mục tiêu. Sự thay đổi liên tục về chính sách thuế quan của ông Trump khiến thị trường toàn cầu lo ngại, khi các nhà đầu tư đang đau đầu tính toán xem liệu Tổng thống Mỹ có ý định áp dụng thuế quan vĩnh viễn hay chỉ coi đó là công cụ để thương lượng.

Thuế quan là một phần cốt lõi trong tầm nhìn kinh tế của ông Trump. Ông lập luận rằng các loại thuế này sẽ khuyến khích người tiêu dùng Mỹ mua nhiều hàng hóa sản xuất tại Mỹ hơn, thúc đẩy nền kinh tế đất nước và tăng số tiền thuế phải nộp, đồng thời giảm mất cân bằng trong cán cân thương mại của Mỹ và các nước khác.

Ví dụ, Mỹ đã thâm hụt thương mại 213 tỷ đô la với Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2024, ông Trump gọi đó là "một sự tàn bạo".

Tổng thống Mỹ cũng cho biết mục đích của thuế quan là buộc Trung Quốc, Mexico và Canada - những quốc gia đầu tiên bị nhắm tới - phải hành động nhiều hơn để ngăn chặn người di cư và ma túy đến Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho rằng, thuế quan là "đáng giá" ngay cả khi chúng dẫn đến suy thoái kinh tế.

Từ khi nhậm chức đến nay, ông Trump đã liên tục áp thuế đối với cả các đối tác và đối thủ, cụ thể như sau:

Ngày 4/2: Ông Trump áp thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Ngày 7/2: Xóa bỏ việc miễn thuế cho các lô hàng từ Trung Quốc có giá trị dưới 800 đô la.

Ngày 4/3: Tăng gấp đôi thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 20%. Áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada, với mức thuế 10% đối với hàng năng lượng của Canada.

Ngày 6/3: Giảm thuế quan đối với kali từ 25% xuống 10%.

Ngày 12/3: Áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu.

Ngày 25/3: Ký sắc lệnh áp thuế 25% lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu.

Ngày 2/4: Ông Trump dự kiến sẽ áp thuế đối với hàng hóa của tất cả các nước.

Trong cuộc họp nội các ngày 26/2, ông Trump tuyên bố sẽ sớm công bố các lệnh trừng phạt cụ thể đối với hàng hóa EU. Ông đe dọa sẽ áp thuế 200% đối với rượu mua từ EU để đáp trả kế hoạch EU áp thuế 50% đối với rượu whisky của Mỹ.

Ông Trump là người đưa ra quyết định cuối cùng về nội dung của thông báo ngày 2/4, mà ông gọi là "Ngày giải phóng" nền kinh tế Mỹ, nhằm mục đích thu hẹp thâm hụt thương mại hàng hóa toàn cầu trị giá 1,2 nghìn tỷ đô la. Nhưng ông cũng là người hay thay đổi. Hồi tháng 2, ông Trump có ý định áp thuế ô tô "ở mức khoảng 25%" và các loại thuế tương tự đối với chất bán dẫn và hàng nhập khẩu dược phẩm, nhưng sau đó ông đã hoãn một số loại thuế ô tô. Tờ Wall Street Journal và Bloomberg dự đoán các loại thuế quan cụ thể theo từng lĩnh vực sẽ chưa áp dụng. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, ông Trump đã nhiều lần đe dọa áp thuế, nhưng sau đó lại đảo ngược và trì hoãn, đôi khi chỉ trong vài giờ sau khi áp dụng.

Người tiêu dùng Mỹ trong cơn bão giá

Thuế quan toàn diện của Tổng thống Trump dự kiến sẽ làm tăng giá ô tô, đồ điện tử, kim loại, gỗ xẻ, dược phẩm và các sản phẩm khác mà người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ mua từ nước ngoài. Nhưng ông Trump và các cố vấn của ông đang cố thuyết phục công chúng rằng: Đồ rẻ tiền không phải là mong muốn của Mỹ và những gánh nặng giá cả sẽ đem lại những lợi ích xứng đáng. Khả năng thuyết phục người tiêu dùng rằng việc trả nhiều tiền hơn để hỗ trợ sản xuất trong nước và tuân thủ chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump có thể sẽ quyết định nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống là thành công hay thảm họa.

Các nhà kinh tế dự đoán thuế quan sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả nhiều tiền hơn để mua nhiều mặt hàng nhập khẩu, vì các công ty phải chuyển một phần hoặc toàn bộ chi phí tăng thêm sang phía người tiêu dùng.

Các sản phẩm bị ảnh hưởng có thể bao gồm mọi thứ, từ bia, rượu whisky và rượu tequila, nhiên liệu và quả bơ. Các công ty cũng có thể quyết định nhập khẩu ít hàng hóa nước ngoài hơn, điều này có thể khiến những hàng hóa có sẵn trở nên đắt hơn.

Trong số các mục tiêu của ông Trump có các công ty ô tô nước ngoài. Mỹ đã nhập khẩu khoảng tám triệu ô tô vào năm ngoái - chiếm khoảng 240 tỷ đô la giá trị thương mại và chiếm gần một nửa tổng doanh số bán xe.

Ông Trump cho biết sẽ áp mức thuế nhập khẩu mới là 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô và mức thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 2/4, với các khoản phí đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe bắt đầu vào một ngày sau đó. Thuế đối với phụ tùng có thể bắt đầu vào tháng 5.

Giá ô tô dự kiến sẽ tăng do thuế nhập khẩu từ Canada và Mexico tăng. Linh kiện ô tô thường phải vận chuyển qua biên giới Mỹ, Mexico và Canada nhiều lần trước khi lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc xe.

Theo các nhà phân tích tại Anderson Economic Group, chi phí của một chiếc ô tô được sản xuất bằng linh kiện nhập từ Mexico và Canada có thể tăng thêm 4.000 - 10.000 USD tùy thuộc vào loại xe.

Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, mức thuế mà ông Trump công bố trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên đã làm tăng giá thép và nhôm trung bình tại Mỹ lần lượt là 2,4% và 1,6%. Theo số liệu thống kê chính thức, thuế quan của Mỹ đối với máy giặt nhập khẩu từ năm 2018 đến năm 2023 đã làm tăng giá thiết bị giặt là lên 34%.

Mục tiêu là buộc nhiều nhà sản xuất đưa nhà máy sản xuất ô tô của họ đến Mỹ và sự thật là nhiều nhà sản xuất đã làm như vậy. Trên thực tế, Hyundai đang mở một cơ sở rất lớn ở Savannah, Georgia, để sản xuất ô tô điện, pin ô tô điện và các bộ phận ô tô điện, vì điều đó sẽ có lợi cho họ về lâu dài. Một số công ty đã thấy trước điều này và bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất của họ vào Mỹ. Hãng Kia là một ví dụ điển hình khác. Toyota đã sản xuất ô tô tại Mỹ trong nhiều năm. Honda, Nissan không chỉ sản xuất ô tô tại Mỹ mà còn có nhà máy sản xuất động cơ. Mercedes Benz cũng vậy.

Ông Brian Moody - Biên tập viên của Autotrader.

Thế nhưng, việc thuyết phục dân chúng và doanh nghiệp tin tưởng vào điều đó là không dễ dàng. Những đòn trả đũa bằng thuế quan đã làm xáo trộn thị trường và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. Thuế quan ô tô có hiệu lực vào tuần trước sẽ tăng thêm 25% thuế đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu, có khả năng làm đảo lộn giá cả trong lĩnh vực này.

Các cuộc khảo sát kinh tế đã chỉ ra rằng trong một số trường hợp người Mỹ sẵn sàng chi nhiều hơn để "mua hàng Mỹ", nhưng chỉ đến một mức độ nào đó. Thời điểm đưa ra sáng kiến thuế quan của ông Trump đặc biệt nguy hiểm, vì chiến thắng của ông vào tháng 11 năm ngoái một phần là do sự thất vọng sâu sắc mà người Mỹ cảm thấy sau nhiều năm giá cả tăng vọt dưới thời chính quyền Biden.

Các nước ứng phó cơn bão thuế

Một số quốc gia đã đáp trả thuế quan của Mỹ bằng cách áp thuế riêng đối với hàng hóa của Mỹ, làm gia tăng nỗi lo về một cuộc chiến thương mại toàn cầu và các vấn đề đối với nền kinh tế trên toàn thế giới. Thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ cũng có thể đẩy giá lên cao đối với người tiêu dùng ở các nước. Dự đoán về những tác động to lớn của việc ông Trump áp thuế, chính phủ các nước khẩn trương áp dụng các biện pháp khác nhau để ứng phó, như thúc đẩy kinh tế trong nước, tìm kiếm các đối tác mới, tìm cách thuyết phục ông Trump thay đổi ý định và cũng là để giảm thiểu tác động đối với kinh tế quốc gia cũng như người dân các quốc gia đó.

Khi các mối đe dọa về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phủ bóng đen lên các thị trường quốc tế, Mexico đã phát động chiến dịch "Sản xuất tại Mexico" với hy vọng thúc đẩy ngành công nghiệp quốc gia.

Chiến dịch do Bộ trưởng Kinh tế Mexico phát động vào tháng 2 nhằm mục đích công nhận các sản phẩm được sản xuất tại Mexico, nhấn mạnh chất lượng cũng như khả năng tạo việc làm của các chính sách này. Chiến dịch nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng. Họ háo hức mua các sản phẩm địa phương để ủng hộ nền kinh tế của đất nước mình.

Chúng ta không nên nghĩ rằng những thứ được sản xuất tại Mexico có chất lượng bình thường. Không, có rất nhiều thứ tốt được sản xuất tại đất nước chúng ta. Bây giờ, hơn bao giờ hết, chúng ta phải hợp tác và ủng hộ nền kinh tế của mình. Vì lợi ích của chính mình, chúng ta phải mua những thứ được sản xuất tại Mexico.

Ông Antonio Andrade – Người dân Mexico.

Theo James Salazar - Phó Giám đốc phân tích kinh tế của CI Bank, động thái của ông Trump có thể dẫn đến sự thay đổi trong động lực kinh tế thế giới và thúc đẩy các thị trường toàn cầu theo hướng chủ nghĩa dân tộc hơn: "Việc thúc đẩy các sản phẩm địa phương là một phần quan trọng trong việc hồi sinh thương hiệu sản xuất tại Mexico, nhưng đừng quên rằng chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa. Không nên quá cô lập".

Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với các sản phẩm của Mexico tại Mỹ, bất chấp hiệp định thương mại tự do USMCA giữa Mỹ, Mexico và Canada. Nhóm của Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã đàm phán với các quan chức Mỹ nhằm hoãn thuế quan.

Ngành ô tô của Hàn Quốc dự kiến cũng sẽ phải đối mặt với "những khó khăn đáng kể" khi thuế nhập khẩu ô tô của Mỹ do Tổng thống Donald Trump công bố có hiệu lực và chính phủ đang lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Bộ trưởng Công nghiệp Ahn Duk-geun cho biết, Hàn Quốc cũng sẽ tích cực hợp tác với chính phủ Mỹ để tìm hiểu các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến các công ty và nhà cung cấp ô tô của Hàn Quốc. Ông Ahn Duk-geun khẳng định: "Những bất ổn toàn cầu đang gia tăng nhưng các công ty ô tô Hàn Quốc sẽ không đơn độc, bởi chính phủ sẽ xem xét hỗ trợ tài chính, đầu tư và đa dạng hóa thị trường".

Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã tổ chức cuộc đối thoại kinh tế đầu tiên sau 5 năm vào ngày 30/3, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại khu vực, trong bối cảnh ba cường quốc xuất khẩu châu Á này chuẩn bị ứng phó với thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, ba bộ trưởng thương mại của các nước này đã nhất trí "hợp tác chặt chẽ để có một cuộc đàm phán toàn diện và cấp cao" về thỏa thuận thương mại tự do Hàn Quốc - Nhật Bản - Trung Quốc nhằm thúc đẩy "thương mại khu vực và toàn cầu".

Cần phải tăng cường thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, mà cả ba nước đều đã tham gia, tạo ra một khuôn khổ để mở rộng hợp tác thương mại giữa ba nước thông qua các cuộc đàm phán FTA Hàn Quốc - Trung Quốc - Nhật Bản.

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk-geun.

Các bộ trưởng đã họp trước khi ông Trump tuyên bố thuế quan mới vào ngày 2/4 mà ông gọi là "Ngày giải phóng", được dự đoán sẽ đảo lộn các quan hệ đối tác thương mại của Washington.

Còn tại châu Âu, Ủy ban châu Âu đã đề xuất áp dụng lại mức thuế năm 2018 đối với 4,5 tỷ euro (4,9 tỷ đô la) hàng hóa của Mỹ vào ngày 1/4, sau đó đánh thuế thêm 18 tỷ euro hàng hóa của Mỹ vào ngày 13/4. Tuy nhiên, sau đó Liên minh châu Âu đã hoãn các biện pháp trả đũa đối với thuế kim loại của Tổng thống Donald Trump cho đến giữa tháng 4, để xem xét lại hàng hóa nào của Mỹ sẽ bị đánh thuế và gia hạn thêm nhiều tuần để đàm phán.

Loạt biện pháp đối phó đầu tiên bao gồm áp dụng mức thuế 50% đối với rượu bourbon của Mỹ. Ông Trump đe dọa sẽ áp mức thuế 200% đối với tất cả rượu vang và các sản phẩm có cồn khác đến từ EU nếu khối này tiếp tục thực hiện lời đe dọa nói trên.

Các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump ngay khi vừa tuyên bố đã lập tức xóa sổ hàng nghìn tỷ đô la trên thị trường chứng khoán. Ông Trump lý giải rằng bằng cách áp thuế nhập khẩu, ông sẽ buộc các công ty phải di dời chuỗi sản xuất và cung ứng sang Mỹ, qua đó tạo ra việc làm và phục hồi các khu vực chưa được hưởng lợi. Tuy nhiên, nhược điểm là thuế quan sẽ làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng, trong khi người Mỹ đang mệt mỏi vì chi phí sinh hoạt cao, làm trầm trọng thêm nỗi lo về suy thoái khi niềm tin của người tiêu dùng suy giảm. Không có gì đảm bảo các công ty sẽ đưa sản xuất trở lại Mỹ, mà nếu có thì sự tái định hình như vậy sẽ mất nhiều năm và có thể sẽ lâu hơn thời hạn bốn năm nắm quyền của ông.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/4 ở thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington vẫn sẽ ở lại liên minh quân sự này

Canada là nước đầu tiên tuyên bố áp thuế trả đũa sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với hàng hoá nhập khẩu.

Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế đối ứng đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.

Lầu Năm Góc tuần này đã điều ít nhất 6 máy bay ném bom B-2, tương đương 30% phi đội máy bay ném bom tàng hình của không quân Mỹ tới căn cứ quân sự chung của Mỹ và Anh trên đảo Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương, theo các quan chức Mỹ giấu tên cho hay.

Ít nhất 7 người, trong có có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos, ngoài khơi Hy Lạp.

Số người chết sau trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar đã tăng lên hơn 3.000 người, tính đến ngày 3/4. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tích cực tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân.