Thay đổi hành vi tiêu dùng để chống hàng giả

Người tiêu dùng đã đến lúc cần thay đổi cả thói quen và hành vi tiêu dùng, góp sức cho cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả.

Thực hư thông tin nhiều tiểu thương chợ Ninh Hiệp đóng cửa “né thuế”

Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao trước thông tin hàng loạt cửa hàng và hộ kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) bất ngờ đồng loạt đóng cửa.

Khi nhóm phóng viên Đài Hà Nội có mặt tại chợ Ninh Hiệp vào sáng 24/5, khác hẳn với khung cảnh tấp nập thường thấy, nhiều dãy hàng trong chợ đồng loạt đóng cửa. Theo ghi nhận, có tới hàng chục ki-ốt không hoạt động và đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau và trong số đó, chỉ có số ít hộ kinh doanh đóng cửa để đi hoàn thiện giấy tờ đăng ký kinh doanh theo quy định. Ban Quản lý chợ Ninh Hiệp đã trực tiếp xuống từng dãy hàng, đôn đốc tiểu thương mở cửa trở lại, đồng thời phối hợp tuyên truyền chính sách thuế mới.

Là một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc, chợ Ninh Hiệp từ lâu đã nổi tiếng với nguồn hàng đa dạng, giá rẻ. Tuy nhiên, đi kèm đó là không ít lo ngại về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng và môi trường kinh doanh lành mạnh.

Trước thực trạng này, Ban Quản lý chợ Ninh Hiệp đã phối hợp với các lực lượng chức năng như Quản lý thị trường, Công an kinh tế… tổ chức nhiều đợt kiểm tra, thu giữ hàng giả, hàng nhái. Việc kiểm soát hàng giả tại chợ Ninh Hiệp không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà còn cần sự hợp tác của chính các hộ kinh doanh - những người đang trực tiếp tạo dựng hình ảnh cho khu chợ này.

Hà Nội tuyên chiến với gian lận thương mại

Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong tháng 5 này, các lực lượng chức năng đã phát hiện, kiểm tra hơn 1.200 vụ, xử lý 835 vụ việc vi phạm; trong đó xử lý 191 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 526 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 118 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ... thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 34 tỷ đồng. Đặc biệt, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả với số lượng lên tới 100 tấn, trị giá trên 77 tỷ đồng.

Có thể thấy, Thành phố đã chủ động kiểm tra, kiểm soát, xử lý, tuyên chiến với các vụ buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đại úy Nguyễn Duy Tuấn Minh - Đội trưởng Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội cho biết: "Khi sử dụng các sản phẩm hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng theo quy định thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính bản thân người sử dụng".

Thành phố đang thực hiện việc truy quét cao điểm này với sự phân công cụ thể trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, cá nhân với quan điểm thực thi không bỏ sót, bỏ lọt, không có vùng cấm.

Thay đổi hành vi tiêu dùng để chống hàng giả

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập, thị trường hàng hóa Việt Nam trở nên sôi động với đủ loại sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Tuy nhiên, bên cạnh sự đa dạng đó là vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Một trong những nguyên nhân sâu xa là từ chính thói quen tiêu dùng thiếu chọn lọc. Thậm chí nhiều người còn khẳng định bản thân biết đó là hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng nhưng vẫn lựa chọn dùng, đơn giản vì giá bán phù hợp, mẫu mã bắt mắt.

Có cầu thì ắt có cung, khi người tiêu dùng vẫn sẵn sàng mua hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái, thì sẽ đồng nghĩa với việc tiếp tay cho việc kinh doanh hàng gian lận thương mại. Điều này không chỉ gây hại cho người tiêu dùng, cho các nhà sản xuất hàng chính hãng mà đang và sẽ gây hại cho nền kinh tế trong nước.

Nhưng bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng đã thay đổi tư duy, chuyển sang lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu Việt Nam uy tín. Sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đây không chỉ là phong trào, là khẩu hiệu mà đã có sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh từ 73% lên hơn 85%. Sản phẩm hàng hóa Việt ngày càng được cải thiện cả về chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, với giá bán hợp lý, được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn và tin dùng.

Qua khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đa số người bán hàng đánh giá: 80% người mua ưu tiên nếu sản phẩm đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao, tới 60% nếu sản phẩm từ thương hiệu uy tín, 47% nếu sản phẩm đa dạng chủng loại, 39% nếu giá bán cạnh tranh... Trên 50% số người được hỏi đã đưa ra đánh giá rằng, doanh nghiệp Việt có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm 2024.

Những con số trên là minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi tích, việc lựa chọn hàng Việt không còn là khẩu hiệu mang tính phong trào mà đang dần trở thành thói quen tiêu dùng văn minh, thông minh và đầy trách nhiệm. Tuy nhiên, để có thể duy trì thói quen tiêu dùng này, về lâu dài, rất cần sự thay đổi trong nhận thức của mỗi cá nhân.

Biện pháp kiểm soát hàng giả của một số nước trên thế giới

Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả tại nhiều quốc gia trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng khiến chính phủ các nước đều phải đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm bình ổn thị trường trong khu vực.

Tại Nhật Bản, dù dùng với mục đích cá nhân hay mục đích kinh doanh, tất cả các hàng giả, hàng nhái được gửi từ nước ngoài hoặc được người nước ngoài mang đến đây đều bị cấm. Luật pháp Nhật Bản thể hiện rõ rằng, hành vi đưa hàng giả vào Nhật Bản sẽ cấu thành hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và bản quyền thiết kế. Hình phạt tù đối với hành vi này đến 10 năm hoặc phạt tiền lên đến 10 triệu yen hoặc cả hai.

Trong khi đó, Mỹ và châu Âu cũng là những quốc gia tôn trọng vấn đề bản quyền, thương hiệu ở top đầu thế giới. Theo đó, hàng giả chiếm khoảng 5% tổng số hàng hóa nhập khẩu vào EU và ở một số lĩnh vực như thời trang xa xỉ, điện tử và dược mỹ phẩm, con số này có thể lên tới 40%. Do tính chất phức tạp xuyên biên giới, việc xử lý đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên: cơ quan thực thi pháp luật quốc gia, cơ quan hải quan biên giới, các nền tảng phân phối trực tuyến, chủ sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng.

Vì vậy, việc sử dụng hàng giả tại châu Âu sẽ khiến cho khách hàng phải chịu một mức phạt rất nặng hoặc có thể bị truy tố nếu tiêu thụ một lượng lớn hàng giả, dù là người dân trong nước hay du khách nước ngoài.

Tại Pháp, người tiêu dùng có thể bị phạt với mức phạt tối đa lên tới 300.000 euro hoặc ngồi tù 3 năm nếu du khách đem một số lượng lớn hàng giả nhập cảnh vào nước này.

Tại Bỉ, nếu bị phát hiện mang đồ giả, du khách có thể bị phạt từ 500-100.000 euro. Các băng đĩa ca nhạc, phim lậu nếu mang vào nước này và bị phát hiện, du khách cũng chịu trách nhiệm tương tự.

Tại Italia cũng có luật quy định người tiêu dùng phải chịu khoản tiền phạt lên tới 11.000 euro khi sử dụng hàng giả, hàng nhái từ những nhà cung cấp bất hợp pháp.

Hải quan Croatia có thể phạt 15.000 Euro cho hành vi này.

Tại Áo, số tiền phạt khi sử dụng hàng giả có thể lên đến 15.000 euro, tuy nhiên người tiêu dùng bị lừa mua phải hàng giả trên mạng cũng có thể sẽ được miễn phạt.

Trong khi đó, tại một số quốc gia châu Âu khác, chẳng hạn như Ireland, chính quyền cũng rất mạnh tay trong việc xử lý vấn nạn hàng giả. Theo đó, bất kỳ ai mang hàng giả vào đất nước này đều bị coi là hành vi phạm tội. Du khách có thể ngồi tù 1 năm hoặc nộp phạt từ 5.000 đến 126.000 euro, tùy thuộc vào món hàng giả của mình. Đáng chú ý, nếu giá trị thật của món hàng giả lớn hơn 250.000 euro, người tiêu dùng có thể nhận bản án tới 5 năm tù.

Chính vì vậy, không phải sớm, nhưng cũng chưa muộn để chúng ta tuyên chiến với hàng nhái, hàng giả. Người tiêu dùng đã đến lúc cần thay đổi cả thói quen và hành vi tiêu dùng, góp sức cho cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả do chính quyền đang đẩy mạnh, đồng thời chính là cách ủng hộ doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trung tâm Huấn luyện Quốc gia về phòng, chống khủng bố là đơn vị chống khủng bố đầu tiên của Bộ Công an - nơi đào tạo những chiến sĩ tinh nhuệ, sẵn sàng ứng phó giải quyết khi xảy ra các tình huống khủng bố, phá hoại.

Hơn 500 chiến sĩ Cảnh sát cơ động thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã bắt đầu chương trình tập luyện, chuẩn bị cho Lễ diễu binh, duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh.

Việc rào chắn thi công ga ngầm S12 là cần thiết, song cần có giải pháp đồng bộ và linh hoạt hơn trong việc tổ chức giao thông để hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Cảnh sát PCCC và CNCH là lực lượng chủ công trên mặt trận chống "giặc lửa", góp phần quan trọng bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của người dân.

Chiếc xe ô tô hiệu Kia Morning bất ngờ bốc cháy khi đang di chuyển trên đường tỉnh 390 (Hải Dương), tài xế kịp thời thoát ra ngoài.

Được tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi điện/thư/thông điệp chia buồn tới Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam.