Thách thức đón chờ lãnh đạo mới của Canada

Canada đang đứng trước một chương mới trong lịch sử chính trị khi ông Mark Carney sắp trở thành tân Thủ tướng. Ông Carney phải trả lời một câu hỏi quan trọng: Liệu một nhà kỹ trị chưa từng lăn lộn trên chính trường có thể trở thành người chèo lái con thuyền Canada trong thời kỳ sóng gió?

Chân dung Thủ tướng tương lai của Canada

Thủ tướng tương lai Mark Carney là một nhà kinh tế tài ba với sự nghiệp lẫy lừng trong lĩnh vực tài chính, nhưng lại là gương mặt mới trên chính trường. Sinh ra tại Lãnh thổ Tây Bắc và lớn lên ở Alberta, ông tự nhận mình là “người ngoại đạo” trong chính trị. Tuy nhiên, ông tin rằng kinh nghiệm và tầm nhìn của mình có thể giúp Canada vượt qua giai đoạn kinh tế đầy thách thức.

“Tôi sẽ nỗ lực hết mình vì một mục tiêu duy nhất: xây dựng một Canada vững mạnh cho tất cả mọi người. Chính phủ của tôi cam kết thúc đẩy nền kinh tế, mở rộng quan hệ thương mại với những đối tác đáng tin cậy và bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.”

Ông Mark Carney

Ông Mark Carney tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng là Harvard và Oxford, từng có hơn một thập kỷ làm việc tại Goldman Sachs trước khi bước vào khu vực công. Ông giữ chức Thống đốc Ngân hàng Canada vào năm 2008, đúng thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ. Với những quyết định kịp thời và chính xác, ông được ghi nhận là nhân tố quan trọng giúp Canada tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Năm 2013, ông Carney trở thành Thống đốc Ngân hàng Anh, nắm giữ vị trí này đến năm 2020. Ông là Thống đốc đầu tiên không mang quốc tịch Anh trong lịch sử ba thế kỷ của Ngân hàng Trung ương này, đồng thời là người đầu tiên từng lãnh đạo hai Ngân hàng Trung ương thuộc nhóm G7. Bộ trưởng Tài chính Anh khi đó, George Osborne, từng ca ngợi ông Carney là “Thống đốc Ngân hàng Trung ương xuất sắc của thế hệ ông”. Trong thời gian này, ông đã điều hành nền kinh tế Anh qua nhiều biến động lớn, đặc biệt là Brexit.

"Ông Mark Carney là một nhà kinh tế có tiếng tăm trên trường quốc tế. Ông ấy đã có một sự nghiệp xuất sắc với tư cách là Thống đốc của hai Ngân hàng Trung ương lớn . Hiện tại, người dân Canada thực sự mong muốn một nhà lãnh đạo có năng lực. Họ cần một người có thể mạnh mẽ lên tiếng, được tôn trọng, đấu tranh vì lợi ích của Canada và giữ cho đất nước đoàn kết."

Bà Grace Skogstad, Giáo sư Khoa học chính trị Đại học Toronto, Canada

Sau khi trở về Canada, ông Carney giữ vai trò Chủ tịch tại Brookfield Asset Management, tập trung vào các khoản đầu tư phù hợp với mục tiêu khí hậu toàn cầu. Dù có nền tảng kinh tế vững chắc, ông chưa từng tham gia tranh cử trước đây. Ông Carney từng là cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Justin Trudeau—người sắp rời nhiệm sở giữa những chỉ trích về cuộc khủng hoảng nhà ở và chi phí sinh hoạt tăng cao.

Trong cuộc đua giành ghế lãnh đạo Đảng Tự do, ông Carney tập trung xây dựng hình ảnh một nhà kỹ trị có khả năng lèo lái đất nước qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, khi Canada đang đối mặt với các biện pháp thuế quan khắc nghiệt từ chính quyền Mỹ và nỗi lo suy thoái gia tăng, nhiều người tin rằng, kinh nghiệm đối phó khủng hoảng của ông sẽ là chìa khóa giúp đất nước vượt qua sóng gió.

“Tôi nghĩ ông Carney là niềm hy vọng mới. Ông ấy có một thành tích vững chắc – từng lãnh đạo Ngân hàng Canada, Ngân hàng Anh và chèo lái qua những giai đoạn kinh tế đầy khó khăn. Vì vậy, tôi nghĩ ông ấy có đủ năng lực.”

Ông Moe Poirier, người dân Canada

Chiến thắng của ông Carney đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, đặc biệt là từ các nhà lãnh đạo châu Âu như Pháp, Đức và Vương quốc Anh. Một số nhà lãnh đạo đã gửi lời chúc mừng, nhấn mạnh kinh nghiệm dày dặn của ông trong lĩnh vực tài chính và sự hiểu biết sâu sắc về nền kinh tế châu Âu.

Liệu một chuyên gia tài chính chưa từng giữ chức vụ dân cử có thể trở thành nhà lãnh đạo cần thiết cho Canada? Ông Carney sẽ sớm phải chứng minh rằng, ông không chỉ giỏi hoạch định chính sách mà còn có khả năng kết nối với cử tri và dẫn dắt quốc gia này trong thời kỳ đầy biến động.

Thách thức đối ngoại

Đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Canada trong một giai đoạn đầy biến động, ông Mark Carney sẽ phải chèo lái đất nước vượt qua những thách thức đối ngoại đầy cam go. Quan hệ Canada – Mỹ đứng trước những sóng gió mới khi chính quyền Tổng thống Donald Trump gia tăng áp lực thương mại. Trong khi đó, quan hệ với Ấn Độ vẫn chưa thể hàn gắn sau những căng thẳng ngoại giao kéo dài. Đối diện với bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là ông Carney sẽ làm gì để bảo vệ lợi ích của Canada và định hình lại vị thế quốc gia trên trường quốc tế?

Quan hệ giữa Canada và Mỹ đã có những giai đoạn căng thẳng trong lịch sử, nhưng có lẽ chưa khi nào đạt đến mức đối đầu như hiện tại. Mọi chuyện bắt đầu khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế mới đối với thép, nhôm và các sản phẩm chế tạo từ Canada, có hiệu lực từ ngày 4/3. Washington lập luận rằng, các biện pháp này nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi sự cạnh tranh không công bằng, nhưng với Ottawa, động thái này bị xem là một đòn tấn công kinh tế trực diện.

“Về vấn đề biên giới và fentanyl, chúng tôi đã triển khai hơn 10.000 nhân sự đến biên giới, cùng với máy bay giám sát, trực thăng và nhiều biện pháp khác. Điều mà chính quyền Trump không đề cập đến là chúng tôi vừa thu giữ hàng trăm kg cocaine chỉ riêng tại Ontario, chưa kể thuốc phiện, fentanyl, súng đạn và những người nhập cư bất hợp pháp. Tôi đồng ý rằng cần siết chặt biên giới, thực tế chúng tôi đã làm điều đó. Nhưng vấn đề này không chỉ đơn phương – nó tác động theo cả hai hướng. Washington đừng lấy đây làm cái cớ – vì bản chất vấn đề không chỉ đơn giản như vậy.”

Ông Doug Ford, Thủ hiến tỉnh Ontario, Canada

Trước những áp lực gia tăng, ông Mark Carney đã nhanh chóng thể hiện lập trường cứng rắn. Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi được bầu làm lãnh đạo Đảng Tự do, ông tuyên bố:

“Chúng ta sẽ giữ nguyên mức thuế trả đũa với Mỹ cho đến khi họ thể hiện sự tôn trọng với Canada. Chúng ta sẽ mở rộng hợp tác với các đối tác thương mại đáng tin cậy hơn.”

Ông Mark Carney

Nhận thức được rủi ro từ chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Trump, ông Carney chủ trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ông đã bắt đầu đàm phán với Liên minh châu Âu, Nhật Bản và các nước trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm tìm kiếm những thỏa thuận thương mại mới.

Bên cạnh đó, ông Carney cam kết áp dụng các biện pháp trả đũa tương xứng, đảm bảo nền kinh tế Canada không bị tổn thất trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ.

“Nước Mỹ không phải là Canada. Canada sẽ không bao giờ trở thành một phần của nước Mỹ dưới bất kỳ hình thức, cấu trúc hay khuôn khổ nào. Chúng ta không tìm kiếm tranh chấp hay căng thẳng. Nhưng người Canada luôn sẵn sàng khi bị thách thức. Vì vậy, người Mỹ đừng mắc sai lầm – trong thương mại, cũng như trong khúc côn cầu, Canada sẽ chiến thắng.”

Ông Mark Carney

Không chỉ đối mặt với sức ép từ Mỹ, ông Carney còn phải giải quyết những căng thẳng ngoại giao kéo dài với Ấn Độ. Dưới thời Thủ tướng sắp mãn nhiệm Justin Trudeau, quan hệ giữa hai nước đã rạn nứt đáng kể do các cáo buộc về sự can thiệp của Ấn Độ vào chính trị Canada và tranh chấp liên quan đến phong trào ly khai Khalistani. Tuy nhiên, với cách tiếp cận thực dụng, ông Carney được kỳ vọng sẽ tái thiết lập quan hệ với Ấn Độ bằng cách thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư. Việc khôi phục lòng tin giữa hai bên không chỉ giúp Canada mở rộng thị trường mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Ấn Độ tại Canada – một nhóm cử tri quan trọng.

Thách thức chính trị nội bộ

Bên cạnh những áp lực đối ngoại, Thủ tướng tương lai Mark Carney còn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ ngay trong nước. Cuộc bầu cử liên bang sắp tới sẽ là bài kiểm tra quan trọng đối với ông Carney và Đảng Tự do, khi tỷ lệ ủng hộ đảng này đang suy giảm sau nhiều năm cầm quyền. Trong khi đó, Đảng Bảo thủ đối lập đang trỗi dậy mạnh mẽ nhờ khai thác sự bất mãn của người dân về những khó khăn kinh tế. Để giành được lòng tin của người dân, ông Carney không chỉ phải chứng minh năng lực quản lý mà còn phải tái định hình uy tín của Đảng Tự do – một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Tháng 10/2025, Canada sẽ tổ chức cuộc bầu cử liên bang, trong đó ông Mark Carney và Đảng Tự do đang đối diện với nguy cơ đánh mất quyền lực. Trước mắt, ông Carney phải điều hành một chính phủ thiểu số trong bối cảnh phe đối lập ngày càng quyết liệt. Đảng Bảo thủ, dưới sự lãnh đạo của ông Pierre Poilievre, đã tận dụng triệt để tâm lý bất mãn của cử tri trước tình trạng lạm phát cao, giá nhà đất leo thang và những bất ổn kinh tế để gia tăng sức ép lên chính phủ.

Bất lợi lớn nhất của ông Carney là không có ghế trong Hạ viện. Điều này đặt ra nhiều nghi ngại về tính chính danh trong vai trò lãnh đạo của ông. Mặc dù theo luật, một Thủ tướng không bắt buộc phải là nghị sĩ, nhưng theo truyền thống, ông cần tìm cách giành ghế càng sớm càng tốt.

Các chuyên gia dự đoán, để củng cố quyền lực, ông Carney có thể kêu gọi tổng tuyển cử sớm ngay trước khi Quốc hội họp lại vào ngày 24/3. Tuy nhiên, đây là một canh bạc rủi ro khi Đảng Tự do chưa lấy lại được sự tín nhiệm cần thiết từ người dân.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, Đảng Tự do đã thu hẹp khoảng cách với Đảng Bảo thủ, nhưng cuộc đua vẫn vô cùng sít sao.

Đảng Bảo thủ đối lập đang đẩy mạnh khai thác các điểm yếu của chính phủ mới. Lãnh đạo đối lập Pierre Poilievre liên tục chỉ trích chính phủ của Thủ tướng tương lai Carney là một sự tiếp nối những chính sách không được lòng dân dưới thời Thủ tướng vừa từ chức Trudeau, thay vì một khởi đầu mới. Họ cáo buộc Đảng Tự do đã dàn dựng một cuộc hoán đổi lãnh đạo thay vì mang đến sự thay đổi thực sự.

Ngoài ra, Đảng Bảo thủ cũng tập trung khai thác quá khứ tài chính của ông Carney, mô tả ông là một nhà kỹ trị theo chủ nghĩa tinh hoa, xa rời những vấn đề của người dân Canada bình thường.

Nhận thức được những thách thức này, ông Carney đã nhanh chóng đưa ra những cam kết mạnh mẽ nhằm lấy lại niềm tin của cử tri. Ông đặt trọng tâm vào giảm gánh nặng thuế, kiểm soát giá nhà đất, tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch. Thủ tướng tương lai Carney hứa sẽ xóa bỏ thuế tiêu dùng carbon, dừng kế hoạch tăng thuế thu nhập và loại bỏ các rào cản kinh doanh trong nước. Đặc biệt, ông cam kết tăng gấp đôi tốc độ xây dựng nhà ở và điều chỉnh chính sách nhập cư để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở.

Ngoài các chính sách kinh tế, ông Carney cũng đẩy mạnh thông điệp về đoàn kết dân tộc, cảnh báo rằng các chính sách của Đảng Bảo thủ có thể làm suy yếu sự thống nhất của Canada.

“Tổng thống Mỹ Trump muốn làm suy yếu chúng ta bằng chiến thuật chia rẽ và chinh phục. Và kế hoạch của ông Poilievre sẽ khiến Canada bị chia rẽ và dễ bị khuất phục.”

Ông Mark Carney

Thông điệp này không chỉ nhắm đến cử tri trong nước mà còn gửi tín hiệu về lập trường cứng rắn của ông Carney trên trường quốc tế. Ông muốn khẳng định rằng, chính phủ Canada sẽ không bị tác động bởi những áp lực từ bên ngoài và sẽ luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

Theo các nhà quan sát, với một cuộc bầu cử có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ông Carney sẽ phải chứng minh rằng ông không chỉ là người kế nhiệm Trudeau, mà còn là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và bản lĩnh riêng. Vận mệnh của ông Mark Carney và Đảng Tự do phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tới.

Nếu ông Carney giúp Đảng Tự do giành chiến thắng hoặc ít nhất ngang bằng phe đối lập trong Quốc hội, đây có thể được xem là một thành công. Nếu Đảng Bảo thủ giành đa số, hoặc nếu Đảng Tự do rơi xuống vị trí thấp, ông Carney có thể đối mặt với áp lực từ chức ngay lập tức.

Lần đầu tiên bước chân vào chính trường, Thủ tướng tương lai Mark Carney không có thời gian để thích nghi mà phải ngay lập tức đối mặt với những thách thức lớn. Ông vừa phải bảo vệ Canada trước các chính sách thương mại cứng rắn từ Mỹ, vừa phải giành lại lòng tin của cử tri trong một cuộc bầu cử đầy cam go.

Liệu một nhà kỹ trị như Thủ tướng tương lai Mark Carney có thể chứng minh bản lĩnh để trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ? Áp lực từ cả trong lẫn ngoài nước có thể khiến chính phủ của ông lao đao? Câu trả lời sẽ dần sáng tỏ trong thời gian tới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nga cảnh báo việc Ukraine thay thế Tổng tư lệnh quân đội sẽ không cải thiện tình hình chiến trường. Trong khi đó, phương Tây vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí bất chấp các nỗ lực thúc đẩy hòa bình.

Israel vừa triển khai một chiến dịch trên bộ có giới hạn ở khu vực trung và nam Dải Gaza nhằm thiết lập vùng đệm giữa hai khu vực này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nhóm họp trong ngày 20 - 21/3 tại Brussels, Bỉ để thảo luận về nhiều vấn đề được quan tâm hiện nay trong đó có Ukraine, Trung Đông, quốc phòng và di cư.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gợi ý rằng việc Mỹ sở hữu các nhà máy điện của Ukraine có thể giúp đảm bảo an ninh cho các cơ sở này.

Chính phủ Pháp đang lên kế hoạch phát “sổ tay sinh tồn” cho người dân, nhằm nâng cao kiến thức ứng phó trước các mối đe dọa xung đột vũ trang, khủng hoảng y tế và thiên tai.

Phiến quân Houthi của Yemen tuyên bố bắn một tên lửa đạn đạo về phía sân bay Ben Gurion, gần Thủ đô Tel Aviv của Israel.