Sức ép từ chính sách thuế của Mỹ lên ngành ô tô
Tác động tới ngành sản xuất ô tô tại Mỹ
Danh sách các phụ tùng ô tô bị đánh thuế bao gồm động cơ, hộp số, pin lithium-ion và các thành phần chính khác, cùng với các bộ phận như lốp xe, bộ giảm xóc, dây bugi và ống phanh... Ngoài ra, các sản phẩm máy tính cho ô tô như máy tính, máy tính xách tay và ổ đĩa... cũng bị đánh thuế. Nhà Trắng cho biết, danh sách các phụ tùng ô tô nhập khẩu bị đánh thuế có thể tăng thêm.
Các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump khẳng định rằng, thuế đối với ô tô và linh kiện sẽ không bị cộng dồn với thuế nhập khẩu cơ bản hoặc thuế đối ứng mới, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4.
Ngoài ra, danh sách các linh kiện bị áp thuế có thể tiếp tục mở rộng. Nhà Trắng đã chỉ đạo Bộ Thương mại thiết lập quy trình trong vòng 90 ngày để các nhà sản xuất trong nước có thể đề xuất áp thuế lên các linh kiện nhập khẩu khác.
Theo thông báo, các phương tiện đáp ứng quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) có thể chỉ phải chịu mức thuế 25% đối với phần linh kiện không có xuất xứ từ Mỹ trong đơn hàng.
Nhiều mặt hàng nhập khẩu dự kiến sẽ tăng giá do tác động của thuế quan mới. Tuy nhiên, ít có mặt hàng nào ảnh hưởng sâu rộng đến người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ như thuế đối với ô tô nhập khẩu và thuế linh kiện ô tô vừa có hiệu lực.
Trong suốt nửa thế kỷ qua, nền kinh tế Mỹ đã dịch chuyển từ sản xuất sang dịch vụ. Số lượng ô tô sản xuất trong nước giảm đáng kể so với trước đây, nhưng ngành công nghiệp xe hơi vẫn là một trụ cột quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, mô hình vận hành và bài toán kinh tế của ngành này đang đứng trước thách thức lớn từ chính sách thuế mới.
Xe hơi là phương tiện thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người Mỹ - từ đi làm, mua sắm đến du lịch. Hiện tại, giá ô tô đã ở mức cao kỷ lục, với mức trung bình gần 50.000 USD cho một chiếc xe mới. Dự báo, giá xe sẽ còn tiếp tục tăng trong những tuần và tháng tới, khiến việc sở hữu một chiếc xe phù hợp với nhu cầu ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với nhiều người dân.
Theo dữ liệu từ S&P Global Mobility, xe nhập khẩu chiếm gần một nửa trong tổng số 16 triệu xe mới được bán ra tại Mỹ vào năm 2024.
Mexico là nguồn cung cấp xe nhập khẩu lớn nhất cho Mỹ, với 2,5 triệu xe mỗi năm; Canada đứng thứ hai với 1,1 triệu xe; trong khi 3,7 triệu xe còn lại đến từ các quốc gia ngoài khu vực Bắc Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức.
Để hình dung mức ảnh hưởng của thuế mới, một chiếc xe nhập khẩu trị giá 40.000 USD sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 10.000 USD. Khoản chi phí này sẽ do một bên nào đó trong chuỗi cung ứng gánh chịu.
“Hầu hết các nhà sản xuất, nếu bị đánh thuế 25%, có thể sẽ phải chuyển một phần chi phí đó cho người tiêu dùng. Không có cách nào khác. Nhưng điều chúng ta không biết là chi phí đó là bao nhiêu và khi nào được áp dụng”.
Ông Brian Moody, Biên tập viên điều hành Autotrader
Bên cạnh thuế nhập khẩu ô tô, chính quyền Trump cũng dự kiến áp thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu, chậm nhất vào ngày 3/5. Điều này có nghĩa là chi phí sản xuất xe tại các nhà máy Mỹ cũng sẽ tăng, bởi hầu hết các dòng xe nội địa đều sử dụng một lượng lớn linh kiện nhập khẩu. Theo phân tích của Ngân hàng Bank of America, thuế nhập khẩu linh kiện có thể làm tăng giá thành của ô tô sản xuất tại Mỹ thêm khoảng 4.000 USD. Một báo cáo khác từ Anderson Economic Group thậm chí ước tính mức tăng giá có thể vượt 12.000 USD đối với một số mẫu xe.
“Phải thẳng thắn mà nói, về dài hạn, mức thuế 25% đối với xe nhập khẩu từ Mexico và Canada có thể tạo ra một cú sốc chưa từng có đối với ngành công nghiệp ô tô Mỹ”.
Ông Jim Farley, Giám đốc điều hành của Ford
Không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt, ngành công nghiệp xe hơi Mỹ cũng đối mặt với nguy cơ mất việc làm.
Sức ép lên các đối tác của Mỹ
Việc Mỹ áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu sẽ đẩy giá xe tăng cao, ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm và gây áp lực lên các nhà sản xuất ô tô và linh kiện, theo đánh giá của Fitch Ratings. Các hãng xe xuất khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức vào thị trường Mỹ sẽ chịu tác động lớn nhất. Fitch dự báo hầu hết các hãng xe sẽ buộc phải tăng giá, nhưng mức độ điều chỉnh sẽ khác nhau tùy vào từng thương hiệu và mẫu xe. Một số hãng có thể gặp khó khăn trong việc đẩy giá đủ để bù đắp mức thuế 25%, buộc họ phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất và phân phối.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên án chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ và nhấn mạnh rằng, Đức cùng với toàn bộ châu Âu, sẽ không thụ động chấp nhận các quy tắc thương mại không công bằng và sẽ thực hiện các biện pháp đối phó khi cần thiết.
Những người trong ngành ô tô cảnh báo rằng, mức thuế quan 25% có thể làm xói mòn đáng kể khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô Đức, dẫn đến biên lợi nhuận giảm, đầu tư ít hơn và khả năng mất việc làm.
“Ngành công nghiệp ô tô Đức hiện đang phải đối mặt không chỉ với các vấn đề về thuế quan mà còn với những thách thức về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện, xe thông minh kết nối và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất ô tô. Các công ty Đức cần phải bắt kịp. Ngay cả ngành công nghiệp Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực ô tô, cũng còn ngần ngại về thuế quan, vì thuế quan sẽ chỉ gây ra tổn thất tài chính và cản trở tiến bộ công nghệ. Và Mỹ sẽ nhận ra điều này sớm hay muộn”.
Ông Thomas Kiefer, Chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô Đức
Theo một nhà kinh tế Nhật Bản, mức thuế 25% của chính phủ Mỹ đối với xe nhập khẩu có xu hướng làm giảm triển vọng kinh tế của Nhật Bản, một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, cũng như tác động tới thương mại tự do toàn cầu.
Trong năm 2024, ô tô chiếm tới 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ. Điều này có nghĩa là các hãng xe Nhật sẽ trở thành nhóm chịu tác động mạnh nhất từ chính sách thuế mới.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Nhật Bản có thể mất 17 tỷ USD tiềm năng xuất khẩu ô tô sang Mỹ sau quyết định của Tổng thống Donald Trump áp dụng thuế 25% đối ô tô nhập khẩu.
Một số người dân Tokyo cho biết, việc Mỹ áp thuế 24% lên các sản phẩm của Nhật Bản sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước này, đặc biệt là các tập đoàn lớn như Toyota và Honda cùng các nhà cung cấp phụ trợ của họ.
“Tôi nghĩ đây là một đòn giáng mạnh vào Nhật Bản. Tôi lo lắng cho những công ty lớn như Toyota và Honda và tất nhiên là cả các nhà thầu phụ của họ. Giá cả đang tăng ở đây và tôi rất lo lắng về những gì sẽ xảy ra với cuộc sống của những người dân sống tại Nhật Bản nếu mức thuế quan cao như thế này cũng được áp dụng cho hàng xuất khẩu”.
Bà Akemi Naitoh, Chủ doanh nghiệp Nhật Bản
Ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc đang đối mặt với thách thức lớn sau khi Mỹ áp đặt mức thuế quan mới lên hàng loạt quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Người dân và chuyên gia lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước.
Trong khi đó, ông Jung Kyung-bin, 47 tuổi, lo lắng về tác động của chính sách này đến ngành xe điện, cho rằng nó có thể làm chậm lại quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.
“Tôi không tự nhận mình là nhà hoạt động vì môi trường, nhưng liệu có nên có nhiều phương tiện như thế này (xe điện và xe chạy bằng hydro) để môi trường không bị hủy hoại thêm nữa? Hàn Quốc đã làm rất tốt về vấn đề này, nhưng với mức thuế quan đó và nếu chính sách bán hàng giảm, tôi lo ngại rằng Trái đất có thể phải chịu nhiều tổn hại hơn nữa”.
Ông Jung Kyung-Bin, người dân Hàn Quốc
Theo số liệu năm 2024, xuất khẩu ô tô từ Hàn Quốc sang Mỹ đạt 34,7 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô của nước này.
Kế hoạch áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu dự kiến sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu xe và linh kiện của Nam Phi sang Mỹ, với tổng giá trị hơn 2 tỷ USD. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nam Phi Parks Tau cho biết, chính phủ sẽ tìm cách đối thoại với chính quyền Trump để thảo luận về những tác động tiêu cực của chính sách này đối với nền kinh tế Nam Phi.
Xuất khẩu ô tô chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nam Phi sang Mỹ theo Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội châu Phi (AGOA). Đây là hiệp định giúp nhiều sản phẩm của Nam Phi được miễn thuế khi vào thị trường Mỹ.
Thay đổi để thích ứng
Việc Mỹ áp thuế 25% lên ô tô và phụ tùng nhập khẩu đã khiến nhiều quốc gia có ngành công nghiệp ô tô lớn phải tìm cách ứng phó nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của mình bằng cách tăng cường đàm phán song phương với Mỹ để tìm kiếm ngoại lệ hoặc giảm mức thuế suất áp dụng. Một số quốc gia đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu xe hơi sang Mỹ. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô lớn đã điều chỉnh chuỗi cung ứng, chuyển một phần sản xuất sang Mỹ để tránh thuế quan.
Nhiều hãng xe lớn đã có động thái phản ứng tức thì sau khi mức thuế quan mới của Mỹ có hiệu lực. Tập đoàn Stellantis dự kiến tạm thời ngừng một phần sản xuất tại Canada và Mexico. Ford bắt đầu triển khai các chương trình giảm giá lớn để thu hút khách hàng. Volkswagen thông báo với các đại lý rằng họ sẽ cộng thêm chi phí nhập khẩu vào giá xe vận chuyển sang Mỹ, còn Toyota cắt giảm giờ làm thêm tại một nhà máy ở Mexico.
Với việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế 25% lên toàn bộ ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu, các hãng xe đang phải tìm cách thích ứng với áp lực thuế quan của Mỹ.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu, hãng xe Hàn Quốc Hyundai đã tuyên bố khánh thành nhà máy sản xuất xe điện mới tại bang Georgia của Mỹ với tổng giá trị đầu tư 7,6 tỷ USD. Hyundai cũng thông báo kế hoạch gia tăng năng lực sản xuất của nhà máy này lên mức 500.000 xe/năm trong thời gian tới. Một số công ty đã thấy trước điều này và bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất của họ vào Mỹ: Kia, một ví dụ điển hình khác; Toyota đã sản xuất ô tô tại Mỹ trong nhiều năm; Honda, Nissan không chỉ sản xuất ô tô tại Mỹ, họ còn có một nhà máy sản xuất động cơ; Mercedes Benz cũng vậy.
Theo các nhà phân tích, việc tăng thuế này có thể thúc đẩy các quốc gia tìm kiếm đối tác thương mại mới để mở rộng thị trường, cũng như tạo cơ hội để các nước này trở nên tự chủ trong sản xuất.
“Các công ty Đức bị ảnh hưởng đặc biệt vì là một quốc gia thúc đẩy xuất khẩu, nền kinh tế Đức phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nước ngoài. Tôi tin rằng các công ty sẽ bắt đầu chuyển sang các thị trường khác có các thỏa thuận thương mại tự do hơn”.
Bà Almut Roessner, Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á - Thái Bình Dương
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 2/4 tuyên bố, nước này sẽ công bố và triển khai một chương trình nhằm củng cố nền kinh tế toàn diện, trong đó tập trung thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong bối cảnh Mỹ đưa ra kế hoạch áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này.
Chính sách thuế quan của Mỹ đang đặt ra bài toán khó cho các hãng xe trên toàn cầu. Dù chọn con đường rời đi hay ở lại, các nhà sản xuất ô tô cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về chuỗi cung ứng, chi phí và phản ứng từ các đối tác thương mại. Điều này cho thấy ngành công nghiệp ô tô đang bước vào một giai đoạn biến động mạnh mẽ và chiến lược của từng hãng sẽ quyết định tương lai của họ.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các bên thảo luận tiến tới một lệnh ngừng bắn tại Gaza và trao trả tự do cho tất cả các con tin còn bị giam giữ.
Nhà Trắng đã bác bỏ thông tin cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc tạm dừng áp thuế trong 90 ngày sau khi thông tin này lan truyền trên mạng xã hội và khiến thị trường chứng khoán quay đầu tăng vọt.
Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế 25% lên toàn bộ ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu, các hãng xe đang phải tìm cách thích ứng với áp lực thuế quan của Mỹ.
Chính phủ Hàn Quốc đã ấn định ngày 3/6 tới sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống sớm để chọn người kế nhiệm cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol, sau khi ông bị Tòa án Hiến pháp phế truất. Quyết định chính thức sẽ được thông qua trong phiên họp nội các vào ngày 8/4.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang khi Tehran vừa đặt toàn bộ lực lượng vũ trang trong tình trạng báo động cao, đồng thời đưa ra cảnh báo cứng rắn tới các nước láng giềng trong khu vực nếu cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ hoặc không phận để tấn công Iran.
Hàng loạt chỉ số chứng khoán từ châu Á đến châu Âu lao dốc, vốn hóa thị trường toàn cầu đã bốc hơi hàng nghìn tỷ USD ngay từ ngày đầu tuần.
0