Số hóa di sản, gìn giữ giá trị cho mai sau
Phá bỏ giới hạn khi tiếp cận di sản
Hiện nay, rất nhiều di tích như hồ Gươm, Hoàng thành Thăng Long hay Nhà tù Hỏa Lò đã được số hoá, giúp người trẻ tiếp cận di sản bằng ngôn ngữ của thời đại, không chỉ qua công nghệ thực tế ảo mà còn là bản đồ số di tích, ứng dụng du lịch thông minh và thậm chí là các tour guide ảo, nói tiếng Việt, tiếng Anh để mọi người lựa chọn phù hợp.
Nếu trước đây, muốn tìm hiểu về một di tích, chúng ta phải đến tận nơi, phải đọc sách, thậm chí cần có hướng dẫn viên thì giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, cả một kho tàng di sản có thể mở ra ngay trước mắt chúng ta, sinh động, trực quan và sống động hơn bao giờ hết.
Dù là ai, ở bất cứ đâu hay độ tuổi nào, việc tiếp cận di sản đều trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nhất là trong thời đại số hoá.
Thay thế cho một buổi hoạt động ngoại khóa ngoài trời, các em học sinh của Trường Tiểu học Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được cô giáo đưa đi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, bằng hình thức trực tuyến.
Các học sinh có thể đi ngược thời gian để khám phá những hiện vật quý giá, nghe kể những câu chuyện lịch sử của dân tộc. Với công nghệ 3D khi số hóa, các hiện vật, di vật, bảo tàng đã ở ngay trước mắt các học sinh, vì vậy, giờ học ngoại khóa trở nên vô cùng sinh động và hấp dẫn.
Học sinh Dương Tường Vy chia sẻ: "Ở lớp con được cô giáo bật cho xem những chương trình về lịch sử, con cảm thấy những chương trình đó rất là thú vị và có những điều mới lạ giúp con được biết thêm về sự Việt Nam".
Quảng bá văn hóa trong thời đại số
Với gần 6000 di tích lịch sử văn hóa, Hà Nội là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia. Đây chính là nguồn lực vô cùng lớn để phát triển văn hóa, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô ngàn năm văn hiến. Việc đẩy mạnh số hóa các di tích lịch sử của Thủ đô không những góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý mà còn giúp người dân trong và ngoài nước thêm hiểu, thêm yêu văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Lần đầu tiên ông Philippe (du khách Pháp), một du khách người Pháp đến thăm Ngôi nhà di sản ở 87 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, đối với ông, bất ngờ và thú vị nhất đó là trải nghiệm quét mã QR tại điểm di tích này.
Ông Philippe chia sẻ: "Đây là ngày đầu tiên tôi đến thăm quan Hà Nội. Tôi rất vui khi đến thăm ngôi nhà Di sản này. Mã QR ở điểm di tích này rất thú vị. Nó giúp tôi xem lại thông tin của di tích, hiểu hơn về cuộc sống ngày xưa của người Hà Nội" .
Còn với gia đình ông Jean Louis và bà Angelique (du khách Pháp) cũng rất thích thú với việc trải nghiệm khám phá di tích Hà Nội trên không gian số. Chỉ cần quét mã QR đơn giản, khách du lịch sẽ được cung cấp những thông tin đầy đủ, chi tiết về di tích lịch sử với những hình ảnh thực tế ảo VR hiện đại kết hợp các video, âm thanh và hình ảnh 2D.
Bà Angelique cho biết: "Ý tưởng quảng bá di tích bằng công nghệ số rất hay. Với quét mã QR, chỉ cần đứng một chỗ là có thể thăm toàn bộ ngôi nhà".
Không chỉ người nước ngoài cảm thấy tiện ích khi tìm hiểu thông tin về các điểm di tích bằng công nghệ số mà những người Việt Nam cũng cảm thấy thú vị khi khám phá di tích chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh. Tại điểm di tích Hội quán Quảng Đông, 22 Hàng Buồm, du khách cũng dễ dàng tra cứu thông tin về lịch sử, kiến trúc và các giá trị văn hóa di tích này.
Anh Nguyễn Phan Khoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Bây giờ là thời đại công nghệ số, việc số hóa giúp mọi người dễ tiếp cận những danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa ở các vùng miền. Với mỗi chuyến tham quan, điểm đến, điểm dừng chân của mình, mọi người có thể tìm hiểu trước thông tin, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí rất nhiều".
Quận Hoàn Kiếm hiện có 190 di tích lịch sử, văn hóa nên đã nhanh nhạy khi ứng dụng công nghệ để phát triển và giới thiệu các sản phẩm du lịch trong thời đại số. Quận đã cho ra đời "App du lịch Hoàn Kiếm" và "Cẩm nang du lịch quận Hoàn Kiếm”, giúp du khách trong và ngoài nước có thể tự khám phá, trải nghiệm về các điểm đến du lịch đặc sắc trên địa bàn quận.
Số hóa di sản
Giữa lòng Hà Nội nghìn năm văn hiến, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vẫn luôn là nơi lưu giữ ký ức dân tộc, những hiện vật kể chuyện quá khứ, gợi nhớ cội nguồn. Nhưng giờ đây, với sự phát triển của công nghệ, những di sản quý báu ấy không chỉ nằm yên trong tủ kính. Làm thế nào để những giá trị ngàn năm không chỉ nằm sau lớp kính bảo quản? Câu trả lời đang dần hé lộ khi công nghệ bước vào bảo tàng.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã ứng dụng công nghệ để giới thiệu hai trưng bày chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam nhằm trưng bày lâu dài và lan tỏa rộng rãi tới công chúng, đặc biệt là với công chúng chưa hoặc không có điều kiện tham quan sau khi trưng bày chuyên đề kết thúc.
Là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ tương tác điện tử 3D, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam từ năm 2013 cho đến nay đã số hóa được hơn 200 trên tổng số 200.000 mẫu vật trưng bày tại bảo tàng. Việc số hóa di sản đang đối mặt với nhiều thách thức, từ kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất lạc hậu đến hệ thống dữ liệu chưa đồng bộ. Nhiều hiện vật có kích thước lớn, tình trạng xuống cấp, khó tiếp cận bằng công nghệ hiện đại. Trong khi đó, đội ngũ chuyên môn còn thiếu và quá trình bảo quản, số hóa cần thiết bị đặc thù, chi phí cao. Ngoài ra, chất liệu của mẫu vật cũng cần đặc biệt được lưu ý.
Là đơn vị phối hợp với bảo tàng để đưa đến cho khách tham quan online những hình ảnh trực quan, sống động nhất, công việc của những chuyên viên kỹ thuật không đơn giản chỉ là chuyển hình ảnh hiện vật lên máy tính, mà đó là cả một quá trình tỉ mỉ, kết hợp giữa công nghệ và tri thức văn hóa, nhằm tái hiện di sản một cách chân thực nhất trên không gian số.
Công nghệ số tái hiện di sản quốc gia
Trong thời đại công nghệ bùng nổ, số hóa di sản văn hóa đã trở thành một xu hướng toàn cầu giúp bảo tồn, quảng bá và đưa các giá trị lịch sử, văn hóa của nhân loại đến gần hơn với công chúng. Từ những bảo tàng danh tiếng đến các di tích cổ xưa, công nghệ kỹ thuật số đã biến hành trình khám phá di sản thành những trải nghiệm sống động, tương tác và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.
Tại Iraq, thành phố cổ đại Nineveh, biểu tượng huy hoàng của nền văn minh Assyria ở Lưỡng Hà cổ đại đã được tái hiện lại thông qua công nghệ thực tế ảo do một nhóm các nhà sáng tạo của trung tâm Qaf Media Lab thực hiện. Chỉ cần đeo kính thực tế ảo VR, du khách có thể bước vào một hành trình ngược thời gian, chiêm ngưỡng cánh cổng Nergal được xây dựng cách đây 2.700 năm hay tham gia những trò chơi nhập vai để giải mã bí ẩn của thành phố cổ đại.
Để làm được điều đó, đội ngũ của Qaf Media Lab đã tỉ mỉ thu thập dữ liệu từ các địa điểm còn sót lại, kết hợp với tài liệu lưu trữ để tái tạo những công trình bị hư hại qua nhiều thế kỷ hoặc bị tàn phá bởi chiến tranh. Dự án đầy tham vọng này giúp các di sản văn hóa của Iraq được lưu giữ và biết đến nhiều hơn trên thế giới.
Công nghệ số cũng mang đến những trải nghiệm đầy mê hoặc tại Bảo tàng Nghệ thuật Sejong, Seoul, Hàn Quốc. Một triển lãm kỹ thuật số độc đáo tại đây cho phép du khách hòa mình vào vẻ đẹp sống động của những khu vườn truyền thống, cung điện tráng lệ, thác nước hùng vĩ và những danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác của Hàn Quốc. Các hình ảnh này được thiết kế bằng cách kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với các dữ liệu đo lường chi tiết do Cơ quan Di sản Hàn Quốc thu thập từ năm 2021 để tái hiện một cách chân thực các cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa qua những màn hình hiện đại
Ông Choi Yeong Ho, Giám đốc Cảnh quan bảo tàng Sejong cho biết: "Những khu vườn nổi tiếng này thường nằm ở vùng xa xôi khó tiếp cận. Tuy nhiên, thông qua công nghệ số và trải nghiệm gián tiếp này, du khách có cảm giác như đang hiện diện ở địa điểm đó. Nó giúp họ thấy được vẻ đẹp và sự quyến rũ của di sản thiên nhiên ngay giữa lòng thành phố".
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xung đột và toàn cầu hóa đang đe dọa nhiều di sản, công nghệ số đã trở thành công cụ không thể thiếu, đảm bảo rằng những giá trị quý báu này sẽ được truyền lại cho các thế hệ mai sau.


Triển lãm chuyên đề “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” đã giới thiệu một hành trình ngược dòng lịch sử, tôn vinh hình ảnh áo dài trong thời chiến gian khó.
Những dấu tích xưa cũ được bảo tồn ở đô thị, không chỉ là một nét đẹp độc đáo của Hà Nội, mà còn thể hiện sự trân trọng đối với giá trị văn hóa của vùng đất nghìn năm văn hiến.
Hội đồng chấp hành UNESCO đã nhất trí ghi danh “Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân” của Việt Nam vào danh mục ký ức thế giới vào hồi 23:00 ngày 10/4/2025 tại Paris.
Từ những hình chạm khắc trên các trống đồng Đông Sơn, hình ảnh con thuyền đã gắn liền với đời sống hàng ngày và công cuộc giao thương suốt lịch sử Việt Nam. Ngày nay, một số chiếc thuyền đang được trưng bày tại Bảo tàng Phạm Huy Thông.
Cuốn sách "Kể chuyện Cụm tình báo H.63 anh hùng" tái hiện những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ tình báo đã ra mắt tại Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga (Hà Nội) vào tối 10/4.
Khán giả Thủ đô sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa, nghệ thuật Tây Nguyên với ca kịch “Khát vọng Dam Săn” và chương trình âm nhạc, nghệ thuật dân gian “Tiếng gọi Cao nguyên”.
0