Quốc tế nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19

Các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua một thỏa thuận nhằm nâng cao khả năng chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai, sau ba năm đàm phán.

Thỏa thuận này nhằm mục đích ngăn chặn sự lặp lại của những phản ứng rời rạc và tình trạng hỗn loạn quốc tế từng xảy ra trong đại dịch Covid-19 bằng cách cải thiện để tăng sự phối hợp, giám sát và tiếp cận thuốc men trong bất kỳ đại dịch nào xảy ra trong tương lai.

WHO thông qua thỏa thuận đại dịch mang tính bước ngoặt

Văn bản thỏa thuận đã được hoàn thiện vào tháng trước sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng. Thỏa thuận này nhằm mục đích phát hiện và chống lại đại dịch tốt hơn bằng cách tập trung vào việc tăng cường phối hợp và giám sát quốc tế cũng như tiếp cận công bằng hơn với vắc-xin và phương pháp điều trị.

Thế giới hôm nay an toàn hơn nhờ vào sự đoàn kết, hợp tác và cam kết của các quốc gia. Hiệp định này là một chiến thắng cho y tế công cộng và hành động đa phương. Nó phản ánh nhận thức toàn cầu rằng chúng ta không thể để người dân và nền kinh tế tiếp tục dễ tổn thương trước các đại dịch như Covid-19.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO.

Tiến sĩ Esperance Luvindao, Bộ trưởng Y tế Namibia và là Chủ tịch của một ủy ban mở đường cho việc thông qua thỏa thuận, cho biết Covid-19 đã gây ra tổn thất rất lớn "cho mạng sống, sinh kế và nền kinh tế".

Chúng ta, với tư cách là các quốc gia có chủ quyền, đã quyết tâm chung tay như một thế giới, để chúng ta có thể bảo vệ trẻ em, người già, nhân viên y tế tuyến đầu và tất cả những người khác khỏi đại dịch tiếp theo. Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng ta đối với nhân loại.

Tiến sĩ Esperance Luvindao - Bộ trưởng Y tế Namibia.

Hiệp định đề ra một loạt nguyên tắc và công cụ để tăng cường phối hợp quốc tế trong các lĩnh vực phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Trong đó, nhấn mạnh đến việc đảm bảo tiếp cận công bằng, kịp thời và giá cả phải chăng đối với vaccine, thuốc điều trị và công cụ chẩn đoán. Hiệp ước cũng nhấn mạnh việc thiết lập Mạng lưới Chuỗi cung ứng và Hậu cần Toàn cầu (GSCL) nhằm hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu trong tình huống khẩn cấp y tế công cộng, khởi động việc đàm phán và xây dựng Hệ thống Tiếp cận và Chia sẻ Lợi ích từ Mầm bệnh (PABS) – cơ chế chia sẻ thông tin và lợi ích với các nhà sản xuất dược phẩm và yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp cho WHO quyền tiếp cận khẩn cấp tới 20% sản lượng thời gian thực đối với các sản phẩm y tế trong đại dịch.

Thỏa thuận này liệu có hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ? Mỹ vốn là nhà tài trợ hàng đầu của WHO, đã không tham gia vào giai đoạn cuối cùng của quá trình thỏa thuận sau khi chính quyền Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi WHO và ngừng tài trợ cho cơ quan này vào tháng 1/2025.

Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Robert F. Kennedy Jr chỉ trích WHO là “hấp hối” trong cuộc họp thường niên.

Tôi kêu gọi các bộ trưởng y tế thế giới và WHO hãy coi việc chúng tôi rút khỏi tổ chức này như một lời cảnh tỉnh. Chúng tôi sẽ không tham gia vào điều đó.

Ông Robert F. Kennedy JR - Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ.

Các quốc gia có thời gian cho đến tháng 5/2026 để thống nhất các chi tiết về cơ chế tiếp cận mầm bệnh và chia sẻ lợi ích (PABS) của thỏa thuận. Sau khi hệ thống PABS được hoàn thiện, các quốc gia có thể phê chuẩn thỏa thuận khi đó hiệp ước sẽ có hiệu lực.

Covid-19 lây lan nhanh tại châu Á

Covid-19 đã quay lại và trở thành mối lo ngại ở một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Thái Lan, Trung Quốc, Singapore và Ấn Độ với số ca nhiễm tăng mạnh. Tình hình dịch Covid-19 tại Thái Lan đang diễn biến phức tạp do sự xuất hiện của biến thể mới Omicron XEC đã khiến hơn 100.000 mắc bệnh và 27 người tử vong.

Bộ Y tế Công cộng Thái Lan đang theo dõi chặt chẽ biến thể XEC của Covid-19, khi loại virus này lây lan nhanh gấp bảy lần so với virus cúm thông thường. Bộ trưởng Bộ Y tế công cộng Thái Lan Somsak Thepsuthin cho biết bộ này đang tập trung nguồn lực vào việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và theo dõi virus trong trường học.

Ông Somsak cho biết Thái Lan đã áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong 21 tuần kể từ ngày 1/1. Cho đến nay, đã ghi nhận gần 109.000 trường hợp mắc biến chủng XEC với 27 trường hợp tử vong. Hầu hết các ca tử vong trong năm nay đều ảnh hưởng đến nhóm người cao tuổi. Khoảng 80% số ca tử vong là người cao tuổi. Trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi virus. Đợt bùng phát mới nhất là do biến thể XEC, biến thể từ chủng Omicron. Chủng này không quá nghiêm trọng nhưng lây lan nhanh. Điều này tạo ra nguy cơ cao hơn cho những người dễ bị tổn thương. Các quan chức y tế cho biết phòng ngừa là quan trọng mặc dù hiện nay tỷ lệ tử vong thấp.

Tiến sĩ Teera Woratanarat - Khoa Y, Đại học Chulalongkorn xác nhận chủng Covid-19 này lây lan nhanh hơn cúm gần bảy lần. Chính quyền đô thị Bangkok đã yêu cầu các trường học theo dõi chặt chẽ các nhóm học sinh bị nhiễm bệnh. Tiến sĩ Teera cho biết Covid-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất ở mọi nhóm tuổi, ảnh hưởng đến trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn tuổi đang đi làm và người cao tuổi. Tuần trước có tới hơn 43.000 bệnh nhân nhập viện mắc Covid-19, tăng 35,5% so với tuần trước nữa. Ba trường hợp tử vong gần đây được báo cáo ở các tỉnh Kanchanaburi và Sukhothai và quận Bangkok Noi.

Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đại dịch đã kết thúc vào tháng 5/2023, Covid-19 vẫn tiếp tục lưu hành trên toàn cầu. Tại Trung Quốc, tình hình dịch Covid-19 ở Hồng Kông (Trung Quốc), cũng đang được giám sát chặt chẽ khi kết quả xét nghiệm dương tính trong các mẫu hô hấp đã đạt mức cao nhất trong hơn một năm với 31 trường hợp mắc Covid-19 nghiêm trọng. Ngoài ra, quá trình giám sát nước thải đã phát hiện ra sự gia tăng đáng kể nồng độ virus, cho thấy sự lây truyền trong cộng đồng đang mở rộng.

Tại Singapore, các ca mắc Covid-19 trong tuần đầu tháng 5 đã tăng 28%, tức là hơn 14.000 ca. Số ca nhập viện do virus cũng tăng khoảng 30%. Đây là lần đầu tiên sau gần một năm, chính phủ Singapore công bố số liệu chính thức theo cách này, một động thái thường chỉ dành cho những tình huống được coi là đặc biệt đáng lo ngại. Mặc dù có sự gia tăng ca nhiễm, Singapore vẫn chưa phát hiện ra bất kỳ biến thể mới nào nghiêm trọng hơn.

Các cơ quan y tế Ấn Độ cũng đang theo dõi chặt chẽ sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trên nhiều tiểu bang, trong bối cảnh các ca nhiễm tái phát ở một số khu vực của châu Á.

Mặc dù tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ là 275 người, vẫn thấp so với các đợt trước nhưng có sự gia tăng đáng chú ý ở các thành phố lớn như Mumbai, Chennai và Ahmedabad. Sở Y tế tiểu bang Maharashtra cho biết tại Mumbai, thủ phủ bang, đã có hai ca tử vong liên quan đến Covid-19 kể từ tháng 1 và gần 100 ca mắc mới vào tháng 5 bằng số lượng bệnh nhân Covid-19 của cả tiểu bang trong gần 5 tháng qua. Sở này cho biết hiện có 52 bệnh nhân đang được điều trị các triệu chứng nhẹ, trong khi 16 bệnh nhân đang phải nhập viện.

Nhà chức trách Ấn Độ khuyến cáo người dân không nên hoảng sợ nhưng nên thận trọng ở những nơi đông người, bởi Covid-19 chưa bao giờ thực sự biến mất, nó đã lưu hành ở mức độ thấp với các đỉnh điểm theo mùa.

Trong khi đó tại Indonesia, Bộ Y tế nước này cũng yêu cầu người dân duy trì cảnh giác trước sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 gần đây ở một số quốc gia  và vùng lãnh thổ châu Á, bao gồm Singapore, Thái Lan và Hồng Kông (Trung Quốc). Sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trùng với thời điểm nhu cầu đi lại quốc tế tăng cao, đặc biệt là khi người dân Indonesia tham dự các sự kiện toàn cầu. Bất chấp những diễn biến ở nước ngoài, theo Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Aji Muhawarman, tính đến tuần dịch tễ học thứ 19 năm 2025, tình trạng lây truyền Covid-19 ở Indonesia vẫn trong giới hạn an toàn.

Dù đại dịch Covid-19 đã kết thúc nhưng WHO vẫn tiếp tục kêu gọi các chính phủ duy trì giám sát và giải trình tự virus, đồng thời đảm bảo tiếp cận các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine đáng tin cậy.

Mỹ hạn chế vaccine Covid-19 tăng cường đối với người dưới 65 tuổi

Trong khi nhiều quốc gia châu Á đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch Covid-19 thì tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nước này lại đưa ra quyết định hạn chế quyền tiếp cận các mũi tiêm tăng cường Covid-19 theo mùa đối với người Mỹ dưới 65 tuổi không có nguy cơ cao. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ những người cho rằng chính sách mới sẽ cản trở những người khỏe mạnh nhưng muốn tiêm vaccine để phòng ngừa căn bệnh này.

Theo hướng dẫn mới, chỉ những người trên 65 tuổi hoặc người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên có ít nhất một tình trạng bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng – như béo phì, tiểu đường, hen suyễn, bệnh phổi mãn tính, suy giảm miễn dịch, mang thai hoặc khuyết tật – mới đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường.

Quyết định này được công bố bởi Ủy viên FDA mới nhậm chức Marty Makary và Vinay Prasad, Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Sinh học, trong một bài bình luận trên Tạp chí Y học New England. Cả hai đều là những người chỉ trích mạnh mẽ các chính sách ứng phó đại dịch trước đây.

Cả hai lập luận rằng Mỹ đang đi ngược xu hướng của các quốc gia châu Âu và các nước thu nhập cao khác, nơi mũi tiêm tăng cường chỉ được khuyến nghị cho người cao tuổi và những người có nguy cơ cao. Họ nhấn mạnh rằng lợi ích của việc tiêm liều tăng cường lặp lại ở những người khỏe mạnh, đặc biệt là những người đã tiêm nhiều liều hoặc từng nhiễm Covid-19, vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Hai tác giả viết “Người dân Mỹ và nhiều nhà cung cấp dịch vụ y tế vẫn chưa tin tưởng”, đồng thời bác bỏ quan điểm rằng công chúng không đủ hiểu biết để tuân theo các khuyến nghị dựa trên độ tuổi và rủi ro.

Theo các hướng dẫn mới, các nhà sản xuất vaccine phải tiến hành thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có kiểm soát để chứng minh lợi ích lâm sàng trước khi vaccine được phê duyệt cho nhóm dân số khỏe mạnh hơn. Đối với người trên 65 tuổi, FDA sẽ chấp thuận dựa trên khả năng sinh miễn dịch, tức là mức độ phản ứng kháng thể của vaccine. Tuy nhiên, với các nhóm có nguy cơ thấp, cơ quan này yêu cầu dữ liệu chuẩn từ các hãng dược phẩm.

Quyết định của FDA đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Những người chỉ trích, bao gồm cả các bậc cha mẹ muốn con cái được tiêm phòng, cho rằng chính sách mới sẽ hạn chế quyền tiếp cận vaccine, khiến việc bảo vệ sức khỏe trở nên khó khăn hơn. Tiến sĩ Paul Offit, chuyên gia vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, chỉ ra rằng dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy mũi tăng cường có thể bảo vệ người dân trung bình trong 4 - 6 tháng, đối với cả những người khỏe mạnh. Ông cho rằng thông báo của FDA dường như đã vượt quyền nhóm cố vấn của CDC, vốn dự kiến thảo luận về khuyến nghị vaccine vào tháng 6.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, cơ quan giám sát FDA, do ông Robert Kennedy, một người hoài nghi vaccine lãnh đạo. Ông Kennedy, được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm đã thực hiện các cải tổ mạnh mẽ nhằm thu hẹp quy mô chính phủ liên bang, bao gồm việc bổ nhiệm những người như Makary và Prasad, vốn nổi tiếng với quan điểm chỉ trích các chính sách đại dịch trước đây.

Việc công bố chính sách trên một tạp chí y khoa thay vì thông qua quy trình thông thường của FDA đã gây tranh cãi. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể vi phạm các thủ tục liên bang, vốn yêu cầu dự thảo hướng dẫn phải được công bố công khai để lấy ý kiến trước khi hoàn thiện.

Sự lan rộng của dịch Covid-19 đang khiến các quốc gia lại phải tìm các giải pháp để kiểm soát dịch bệnh không chỉ trong nước, mà phải hợp tác cùng nhau phòng chống dịch trên phạm vi toàn cầu. Bởi không có quốc gia nào an toàn khi các quốc gia khác vẫn còn phải chống dịch Covid-19.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các nhà lập pháp từ châu Âu và Ả Rập đã nhóm họp để thảo luận về cuộc chiến tại Dải Gaza, trong ngày Chủ nhật (25/5) ở Madrid, Tây Ban Nha.

Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, với mục tiêu đạt được tiến triển cụ thể tại Hội nghị G7 diễn ra tại tỉnh Alberta, Canada vào tháng 6 tới.

Các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua một thỏa thuận nhằm nâng cao khả năng chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai, sau ba năm đàm phán.

Cuộc trao đổi tù nhân quy mô lớn theo công thức "1.000 đổi 1.000" giữa Nga và Ukraine đã hoàn tất, dựa trên thỏa thuận đạt được tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/5.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga duy trì vị trí trong top 5 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, được thị trường quốc tế đánh giá cao.

Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden xuất hiện công khai vào ngày 23/5 (giờ địa phương) sau khi xác nhận mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối.