Phim chiếu rạp: Ồn ào vì 'truyền thông bẩn'
"Truyền thông bẩn" - loạn khen loạn chê
Trong 5 phim Việt ra rạp từ đầu năm 2025 đến nay, có 3 phim đạt doanh thu trên 100 tỉ đồng, là: Đèn âm hồn, Nụ hôn bạc tỉ và Bộ tứ báo thủ.
“Đèn âm hồn” đạt thành tích mới trong bối cảnh bộ phim và cái tên đạo diễn Hoàng Nam vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi trên các diễn đàn. Phim cũng là chủ đề nóng với các phát ngôn liên tiếp từ phía đạo diễn Hoàng Nam. Anh từng phủ nhận phim đạo nhái, nói chuyện này "thật nực cười", tiết lộ có người đe dọa không được ra rạp dịp Tết, đến gần đây nhất là lên tiếng tố phim mình bị đối thủ mua bài để "truyền thông bẩn".
Chưa rõ thực hư nhưng các thông tin này đều giúp "Đèn âm hồn" duy trì được lượng thảo luận. Doanh thu phim đang trên đà giảm dần sau 11 ngày chiếu nhưng vẫn sớm đạt mốc 100 tỉ đồng.
Đạo diễn Hoàng Nam cho biết: "Khi Đèn âm hồn tạo thành một cơn sốt ở phòng vé thì cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều về bộ phim. Tôi nghĩ đây là một điều bình thường bởi vì trong nghệ thuật không có điều gì là tuyệt đối. Mọi thứ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như cảm xúc của khán giả có đồng cảm hay không và rất nhiều yếu tố khác nữa. Tôi cũng rất xúc động khi nhận được lời khen ngợi của những người trong nghề và của những nhà phê bình về điện ảnh. Nhưng tất nhiên, tôi nghĩ rằng đó cũng chỉ là những lời động viên để mình làm tốt hơn trong những sản phẩm sau".
Đi xem phim qua review trên TikTok, FaceBook… đã không còn là việc xa lạ của nhiều khán giả. Trên khắp các mạng xã hội, nhan nhản bình luận, bài khen có, chê có, về những bộ phim vừa ra rạp. Đối với khán giả, nạn seeding ảo, chê/khen phim trên mạng xã hội khiến họ càng lúc càng lúng túng trong việc đưa ra quyết định mua vé xem.
Hệ lụy của "truyền thông bẩn" tại thị trường phim Việt
Theo các chuyên gia, việc nhiễu loạn khen - chê phim trên mạng xã hội từ chiến dịch seeding, truyền thông ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Seeding bẩn, nếu tràn lan và ngày càng tinh vi, có thể kéo lùi thị trường điện ảnh Việt.
1. Khán giả sẽ mất dần niềm tin vào những đánh giá trên mạng xã hội, dẫn đến việc họ không còn hứng thú thảo luận hay tương tác. Lâu dần, việc quảng bá phim bằng seeding sẽ mất tác dụng vì ai cũng nghi ngờ độ chân thật của thông tin.
2. Gây ra cạnh tranh không lành mạnh. Thay vì đầu tư vào chất lượng phim và chiến lược truyền thông bài bản, một số đơn vị lại chọn cách dìm phim đối thủ để giành thị phần. Điều này khiến thị trường mất đi sự công bằng và phát triển theo hướng tiêu cực khi phim hay chưa chắc đã thành công, còn phim có truyền thông tốt chưa chắc đã xứng đáng.
3. Người xem không còn được tiếp cận với những đánh giá khách quan mà bị dẫn dắt bởi những luồng ý kiến được sắp đặt từ trước.
4. Mất cơ hội tiếp cận với thị trường quốc tế. Khi nền điện ảnh phát triển dựa trên những chiến dịch truyền thông thiếu trung thực, các nhà đầu tư, nhà phát hành quốc tế sẽ khó đặt niềm tin vào phim Việt. Điều này làm giảm cơ hội hợp tác, phân phối phim ra nước ngoài, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành điện ảnh.
Làm sao để ngăn chặn "truyền thông bẩn"?
Cho đến giờ, chúng ta vẫn chưa có cách nào kiểm soát được việc này. Sẽ luôn xuất hiện những luồng "truyền thông bẩn". Cách tốt nhất và giải pháp hợp lý nhất đối với một nhà sản xuất phim là cố gắng làm ra sản phẩm tốt, hay, đồng điệu với cảm xúc của khán giả vào đúng thời điểm phim ra mắt thì những chiêu trò seeding bẩn ít có khả năng làm tổn hại đến bộ phim.
Nhiều người cho rằng không thể ngăn chặn hoàn toàn "truyền thông bẩn", nhưng có thể phản bác lại nó bằng chiến lược truyền thông hợp lý. Nhà làm phim cần chủ động đưa việc seeding vào chiến lược truyền thông ngay từ đầu. Quan trọng là phải kiểm soát được cách triển khai để tránh phản tác dụng. Do đó, nhà làm phim không chỉ cần có kế hoạch mà còn phải biết cách kiểm soát, điều hướng sao cho hợp lý.
Nhà báo Mạnh Hà chia sẻ: "Mình không thể nào tự tin báo chí truyền thông sạch hoàn toàn được vì đôi khi có những bài báo giới thiệu vẫn tham khảo nhiều từ thông cáo báo chí của bên phát hành và chưa có nhận định riêng. Đôi khi nhà báo cũng bị nhà sản xuất tác động, có thể là vì mối quan hệ mà mình giảm lời chê đi, nên cũng chính vì báo chí chưa có một sự quyết liệt và công tâm nên làm mất niềm tin trong khán giả chăng? Từ đó thì họ lại tin những thông tin của những người định hướng dư luận trên mạng xã hội".
Vậy, liệu thị trường điện ảnh Việt Nam có cần xây dựng những kênh phê bình phim vừa có trình độ chuyên môn, vừa khách quan, để giúp khán giả không chỉ chọn được bộ phim phù hợp với sở thích và nhu cầu cá nhân, mà còn nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật?
Điều đáng lưu ý là báo chí chính thống hiện nay cũng chưa thể đảm bảo rằng các kênh phê bình ấy sẽ hoàn toàn "sạch" và đáng tin cậy.


Ca sĩ Thanh Hà và Quốc Thiên lần đầu tiên kết hợp với nhau trong một sản phẩm âm nhạc. Sự kết hợp ăn ý từ giọng hát của hai nghệ sĩ đã mang đến màu sắc âm nhạc tươi mới và giàu cảm xúc.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đã hóa thân thành chiến sĩ không quân trong MV “Phi đội ta xuất kích” để khắc họa về cuộc sống huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ, nhằm có thể lan tỏa tinh thần yêu nước nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh nhận được nhiều lời khen ngợi, chạm đến cảm xúc của khán giả bởi sự khắc họa chân thực, khắc nghiệt của địa đạo Củ Chi.
Thanh Hằng, Lan Khuê, Minh Tú, Minh Triệu và Lương Thùy Linh đã tạo nên một cái kết cuốn hút, góp phần thành công cho show diễn "Golden Heritage" của nhà thiết kế Lê Thanh Hoà vào tối 2/4.
Hàng trăm khán giả yêu mến nhạc Trịnh đã cùng sống lại những giai điệu đã in sâu vào trái tim bao thế hệ qua đêm nhạc “Đồng dao hòa bình”.
"Nước mắt Trạng Quỳnh" là vở chèo dân gian đặc sắc mang đậm văn hóa truyền thống Việt Nam, được Nhà hát Chèo Hà Nội vừa ra mắt phục vụ công chúng.
0