Phán quyết gây chấn động chính trường Pháp
Bản án dành cho “bà đầm cực hữu” Le Pen
Một tòa án tại thủ đô Paris, Pháp đã kết án lãnh đạo đảng Cực hữu của nước này, bà Marine Le Pen bốn năm tù, trong đó có hai năm tù án treo và hai năm quản thúc tại gia. Ngoài ra, bà Le Pen phải nộp phạt 100.000 euro liên quan đến vụ biển thủ công quỹ của Nghị viện châu Âu để trả lương cho nhân viên.
Bà Le Pen cũng bị cấm tranh cử trong thời gian 5 năm, quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Điều này đồng nghĩa với việc bà không thể tham gia tranh cử trong cuộc bẩu cử Tổng thống Pháp năm 2027 trừ khi bà kháng án thành công. Bản án đối với bà Le Pen không chỉ là đòn giáng mạnh vào tham vọng tranh cử tổng thống của bà, gây chấn động khắp chính trường Pháp, mà còn có thể gây bất ổn hơn nữa cho nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đồng euro vào thời điểm đất nước này đã trải qua nhiều tháng tranh cãi về ban lãnh đạo chính phủ, kế hoạch chi tiêu và thuế.
Một cuộc thăm dò được tiến hành ngày 30/3 dự đoán, bà Le Pen sẽ nhận được 37% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2027, nhiều hơn 22 điểm so với năm 2022 và hơn 10 điểm so với bất kỳ ứng cử viên nào khác. Như vậy, sau ba lần tranh cử tổng thống vào các năm 2012, 2017 và 2022, bà Le Pen đang đứng trước cơ hội tốt nhất để giành chiến thắng và trở thành chủ nhân điện Élysée.
Frederic Dabi, người đứng đầu công ty thăm dò ý kiến Ifop Opinion cho rằng “lịch sử đã thực sự sang trang”. Ông coi cuộc thăm dò này là sự xác nhận những nỗ lực trong suốt thời gian qua của bà Le Pen đã phát huy hiệu quả.
Theo đó, nữ chính trị gia này đã thoát khỏi cái bóng của cha mình, ông Jean-Marie Le Pen, người sáng lập Đảng Mặt trận Quốc gia (FN), tiền thân của đảng Tập hợp Quốc gia (RN) ngày nay, để trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng quốc gia theo đúng nghĩa.
Tuy nhiên, từ vị thế một trong những nhân vật quyền lực nhất của phe cực hữu châu Âu và ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2027, sự nghiệp chính trị của bà Marine Le Pen đang đứng trước thử thách lớn.
Theo phán quyết của tòa án Paris, bà Le Pen bị tuyên án bốn năm tù nhưng không phải tới trại giam, mà được hưởng hai năm án treo cùng hai năm quản chế với thiết bị theo dõi điện tử.
Ngoài bà Le Pen, 9 thành viên đảng Tập hợp Quốc gia của bà cũng bị kết án vì tham gia âm mưu bòn rút ngân sách Nghị viện châu Âu để thuê các trợ lý, nhưng thực chất những người này lại làm việc cho Đảng RN. 12 trợ lý cũng bị kết tội che giấu hành vi phạm tội. Tòa án ước tính số tiền được sử dụng không đúng mục đích lên tới 3,1 triệu USD.
Thẩm phán chủ tọa tòa hình sự Paris ngày 31/3 kết luận bà Le Pen là trung tâm của “một hệ thống” mà RN đã sử dụng để biển thủ 4,3 triệu USD từ Nghị viện châu Âu. Theo tòa án, bà và những bị cáo khác không làm giàu cho bản thân, nhưng biển thủ là hành động “xâm phạm nền dân chủ”, lừa dối Quốc hội và cử tri. Thẩm phán nói rằng, việc bà Le Pen không tỏ ra ăn năn là lý do khiến bà bị cấm tranh cử 5 năm.
Đây thực sự là một cơn địa chấn chưa từng xảy ra ở Pháp trước đây. Một nhân vật có tầm cỡ như bà Marine Le Pen, một nhà lãnh đạo của đảng hàng đầu tại Pháp và đang tiến tới cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo với sự thoải mái nhất định và một lợi thế nhất định trong các cuộc thăm dò ý kiến, đã bị kết án không đủ điều kiện. Đây không phải là lần đầu tiên một nhân vật chính trị bị kết án, nhưng đây là lần đầu tiên một nhân vật có tầm cỡ như bà bị ngăn cản tham gia tranh cử trong 5 năm. Điều này đơn giản có nghĩa là bà Marine Le Pen sẽ bị tước quyền tham gia cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Đó là ảnh hưởng chính của quyết định này.
Ông Stephane Zumstee - Giám đốc Phòng nghiên cứu xã hội và ý kiến Ipsos.
Về phần mình, bà Le Pen phủ nhận mọi hành vi sai trái. Bà gọi vụ kiện chống lại mình là một “cuộc săn phù thủy”, tuyên bố sẽ kháng án và không lùi bước.
Họ đã đánh cắp cuộc bầu cử lập pháp của chúng ta thông qua các động thái tai tiếng. Tôi xin nói rõ, chúng ta sẽ không để cuộc bầu cử tổng thống bị đánh cắp khỏi người Pháp. Và vì vậy chúng ta sẽ tự vệ, sử dụng mọi phương tiện có trong tay để cho phép người dân Pháp lựa chọn nhà lãnh đạo tương lai của họ, và chúng ta sẽ chiến thắng.
Bà Marine Le Pen, Lãnh đạo phe cực hữu Pháp.
Theo BBC, vẫn có một “khe cửa hẹp” để bà Le Pen có thể ra tranh cử là quá trình kháng cáo được đẩy nhanh và hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2026. Khi đó, nếu phán quyết có lợi cho bà Le Pen được đưa ra vào đầu năm 2027, bà vẫn kịp đăng ký tham gia cuộc bầu cử cuối tháng 6 cùng năm.
Kịch bản thứ hai là khi bắt đầu điều trần kháng cáo, tòa phúc thẩm giảm hoặc đình chỉ thời gian áp lệnh cấm tranh cử với bà Le Pen. Nhưng giới quan sát cho rằng trong bối cảnh chính trị hiện nay ở Pháp, khả năng xảy ra hai kịch bản này đều gần như bằng không.
Nước Pháp trước nguy cơ bất ổn chính trị
Việc bà Marine Le Pen bị kết án và cấm tranh cử được ví như một quả bom chính trị dội vào nước Pháp. Giới chính trị Pháp đang cảnh giác cao độ vì lo ngại bản án dành cho bà Le Pen có thể dẫn đến phản ứng dữ dội từ những người ủng hộ bà và lo ngại rằng phán quyết có thể bị coi là một vụ truy tố chính trị. Ngay cả một số đối thủ chính trị của Le Pen, như nhà lãnh đạo cánh tả Jean-Luc Melenchon và Thủ tướng Francois Bayrou, cũng lên tiếng lo ngại về việc phán quyết của tòa án cấm bà Le Pen tranh cử có hiệu lực ngay lập tức, thậm chí trước khi quá trình kháng cáo kết thúc.
Phán quyết của tòa án hình sự ở Paris đã gây chấn động nước Pháp. Những người phản đối bà Le Pen bảo vệ phán quyết của tòa án và ca ngợi sự độc lập của hệ thống tư pháp.
Nếu RN đã gian lận, họ phải trả giá. Đây là nguyên tắc của bất kỳ nền dân chủ nào đang hoạt động, đó là có một hệ thống tư pháp độc lập áp dụng các điều luật đã được các đại biểu quốc hội bỏ phiếu, bao gồm cả bà Marine Le Pen.
Ông Arthur Delaporte - Thành viên đảng Xã hội tại Quốc hội Pháp.
Trong khi đó, các đồng minh của bà Le Pen, cũng như các nhà lãnh đạo cực hữu từ châu Âu và trên toàn thế giới đã lên án phán quyết của toà án Paris là hành vi lạm quyền của tòa án, gọi đây là một nỗ lực phản dân chủ nhằm ngăn cản một ứng cử viên đối lập và là ứng cử viên hàng đầu hiện nay tranh cử Tổng thống Pháp vào năm 2027. Chủ tịch đảng RN, Jordan Bardella đã lên án “chế độ chuyên quyền của các thẩm phán”. “Khi quý vị là một chính trị gia, quý vị không thể đứng trên luật pháp, nhưng cũng không nằm dưới luật pháp và có hàng triệu người sáng nay có cảm giác rằng bà Marine Le Pen đã bị phán xét quá khắc nghiệt. Với sự tàn bạo như vậy, không phải như một người bình thường trước pháp luật, mà bởi vì bà ấy là Marine Le Pen và bởi vì lỗi của bà ấy là giờ đây bà ấy có thể lãnh đạo đảng RN đến chiến thắng”, Chủ tịch đảng RN Jordan Bardella nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã so sánh những gì bà Le Pen đang trải qua có điểm tương đồng với các vụ kiện diễn ra trước đó của mình, đồng thời kết luận đây là một vấn đề “rất quan trọng”.
Điện Kremlin cũng lên tiếng ủng hộ bà Le Pen và cho rằng đây là sự “vi phạm những chuẩn mực dân chủ”. Bà Le Pen cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều chính trị gia nước ngoài, đặc biệt là phe cực hữu châu Âu.
Đối với nước Pháp, phán quyết của tòa án có thể khiến đảng Tập hợp Quốc gia bất ổn hơn và có nhiều khả năng sẽ lật đổ chính phủ vốn mong manh do Thủ tướng trung dung François Bayrou lãnh đạo, người chỉ mới gần đây và phải rất khó khăn mới thông qua được ngân sách năm 2025 để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách của Pháp lên tới 5,8% sản lượng kinh tế vào năm ngoái.
Không chỉ vậy, nếu phe cực hữu khai thác thành công lập luận rằng bà Le Pen đã bị đối xử bất công, nước Pháp có khả năng rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị hơn nữa.
Tại thành trì Henin-Beaumont của bà Marine Le Pen ở miền Bắc nước Pháp, các viên chức của đảng RN tại địa phương đã phát tờ rơi với nội dung “Hãy cứu nền dân chủ. Hãy ủng hộ Le Pen!” để ủng hộ nhà lãnh đạo cực hữu. Động thái trên diễn ra sau khi Chủ tịch Đảng Jordan Bardella kêu gọi biểu tình trên toàn quốc.
Tất nhiên, chúng tôi phải xuống đường, ở đây tại Henin - Beaumont và tôi hy vọng ở cả những nơi khác trên khắp nước Pháp, vì chúng tôi không thể dung thứ cho điều này.
Ông Steeve Briois - Thị trưởng Henin-Beaumont.
Jordan Bardella: Tương lai của RN tại Pháp
Hiện đảng Tập hợp Quốc gia vẫn đang nuôi hy vọng về một chiếc phao cứu sinh hợp pháp cho bà Le Pen. Một bản kiến nghị ủng hộ bà đã được đưa ra và các quan chức của đảng đang khuấy động sự phẫn nộ trong công chúng. Tuy nhiên, trong trường hợp bà Le Pen thực sự không thể ra tranh cử, một trong những kịch bản được tính đến là bà Le Pen sẽ nhường bước và trao cho học trò của mình, Chủ tịch đảng RN Jordan Bardella, cơ hội tốt nhất có thể để giành được sự ủng hộ trước cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Về phần mình, ông Bardella đã định vị mình một cách vững chắc để trở thành ứng cử viên của RN nếu được đảng này chọn cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2027.
Có cha mẹ là người Italy đến Pháp vào những năm 1960, ông Bardella, năm nay 29 tuổi, gia nhập đảng cực hữu khi mới 16 tuổi. Ông là hiện thân của sự tương phản rõ rệt với bà Le Pen. Lớn lên trong một khu nhà ở tại Saint-Denis, một vùng ngoại ô của tầng lớp lao động, ông được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ đơn thân, người mà ông nói rằng thường chỉ còn 20 euro trong ví vào cuối tháng.
Năm 2022, ông Bardella giành được gần 85% số phiếu bầu của các thành viên đảng và trở thành chủ tịch mới của RN, kế nhiệm bà Marine Le Pen. Được bầu vào Nghị viện châu Âu lần đầu tiên ở tuổi 23, ông Bardella đã trở thành gương mặt mới của phe cực hữu Pháp vào năm ngoái sau khi ông dẫn dắt chiến dịch tranh cử châu Âu của RN đạt đến tầm cao chưa từng có. Sau đó, ông tiếp tục lãnh đạo RN trong cuộc bầu cử Quốc hội bất thường của Pháp, giành được vị trí thứ ba mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy đảng này sẽ về nhất.
Là một người đam mê quyền anh, ông Bardella đã trở thành một trong những cộng sự được công nhận nhất của bà Le Pen trong giới truyền thông Pháp. Sự nhanh trí và những câu nói dí dỏm của ông đã khiến ông trở thành đối thủ đáng gờm của các bộ trưởng và nhà lập pháp cầm quyền trên các chương trình truyền hình.
Trở thành lãnh đạo đầu tiên không mang tên Le Pen trong lịch sử 53 năm của đảng RN, ông Bardella, người luôn ăn mặc chỉn chu với áo vest và cà vạt, đã ủng hộ chiến lược của bà Le Pen nhằm thuyết phục cử tri rằng đảng này đã chuyển sang xu hướng bảo thủ chính thống và hiện đủ khả năng để lãnh đạo nước Pháp.
Mong muốn của chúng tôi là đoàn kết tất cả người dân Pháp, tất cả người dân Pháp muốn bắt đầu phục hồi đất nước và cho phép nước Pháp lấy lại hy vọng.
Ông Jordan Bardella - Lãnh đạo đảng Quốc gia cực hữu Pháp (RN).
Dù có đôi khi bị coi là còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm, nhưng ông Bardella dường như đã có được sự ủng hộ của bà Le Pen. Phát biểu ngày 30/3, bà Le Pen cho rằng tất nhiên là ông Bardella “có năng lực để trở thành tổng thống của nước cộng hòa”.
Điều này, nếu xảy ra, sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới đầy kịch tính cho nước Pháp. Khi Tổng thống Pháp đương nhiệm Macron đắc cử vào năm 2017, ông mới 39 tuổi, trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa. Trước khi ông được bầu, độ tuổi trung bình của một Tổng thống Pháp được bầu là 58,5 tuổi.
Theo hãng tin Reuters, bản án đối với bà Le Pen có thể gây ra những tác động sâu rộng đến nền chính trị Pháp, làm đảo lộn hoàn toàn cuộc đua tìm người kế nhiệm Tổng thống Emmanuel Macron và gia tăng áp lực lên chính phủ thiểu số của ông, vốn đã suy yếu sau nhiều tháng khủng hoảng. Kênh truyền hình France 24 lưu ý, quyết định của tòa án cấm bà Le Pen ra tranh cử trong 5 năm giống như một cơn địa chấn đối với Pháp, làm đảo ngược tình thế của cuộc đua. Tuy nhiên, thay vì làm suy yếu phe cực hữu, giới quan sát cho rằng phán quyết này thậm chí có thể củng cố thêm lực lượng này bằng cách thúc đẩy sự bất bình của dân túy và đẩy nhanh quá trình đổi thương hiệu cho đảng RN khỏi cái tên Le Pen đã định hình bản sắc của đảng này suốt nhiều thập kỷ. Nhìn về tương lai khi chỉ còn hai năm nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đang ngày càng đánh mất mất lòng tin, liệu ông Bardella có phải là người xuất hiện đúng thời điểm không? Thời gian sẽ trả lời.


Nước Mỹ lại tiếp tục hứng chịu một đợt mưa lớn và lũ quét mới vào ngày 5/4, tại các khu vực miền Nam và Trung Tây, vốn đã bị ngập úng nhiều ngày qua do bão lớn và lốc xoáy gây chết người.
Giới chức Hàn Quốc có thể sẽ đẩy mạnh điều tra các cáo buộc chống lại ông Yoon Suk Yeol cho dù ông đã bị phế truất chức vụ tổng thống.
Hãng sản xuất vũ khí Lockheed Martin vừa giành được hợp đồng trị giá 4,94 tỷ USD từ quân đội Mỹ để sản xuất tên lửa tấn công chính xác (PrSM), dự kiến sẽ thay thế hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS).
Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế trả đũa toàn diện đối với hàng hóa của Mỹ, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và sản xuất của Mỹ.
Các biện pháp thuế quan mới của ông Trump cho thể khiến chi phí hàng năm của Apple tăng. Ước tính, điện thoại iPhone 16 bán tại Mỹ cũng sẽ tăng hàng trăm đô la Mỹ.
Thủ tướng Pháp François Bayrou cho rằng việc áp thuế là một “cơn địa chấn” và Mỹ sẽ là nước chịu thiệt hại đầu tiên.
0