Ông Trump 'tuyên chiến' với các trường đại học Mỹ

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang có nhiều động thái mạnh tay với các trường đại học ở Mỹ, làm dấy lên lo ngại về việc chấm dứt vị thế lãnh đạo của Mỹ trong nghiên cứu và khoa học, đe dọa khả năng cạnh tranh toàn cầu của nước này.

Ông Trump “tuyên chiến” với các trường đại học Mỹ

Chính quyền Tổng thống Trump đóng băng 2,3 tỷ USD tài trợ cho Đại học Harvard, sau khi cơ sở giáo dục có tuổi đời 389 năm này khước từ yêu cầu về tiến hành nhiều thay đổi lớn, bao gồm báo cáo những sinh viên quốc tế vi phạm các quy tắc, chia sẻ dữ liệu tuyển sinh. Động thái càng thể hiện rõ mâu thuẫn đang leo thang giữa chính quyền của Tổng thống Donald Trump và nhiều trường đại học ở Mỹ. Những động thái này đang tiềm ẩn nhiều hệ lụy đối với hệ thống giáo dục danh giá và uy tín bậc nhất thế giới.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ hai vào tháng 1 năm nay, chính quyền ông Trump đã nhắm mục tiêu mạnh mẽ vào các trường đại học, tiến hành điều tra hàng chục trường, xóa bỏ các nỗ lực đa dạng hóa và những gì họ cho là chủ nghĩa bài Do Thái tràn lan trong khuôn viên các trường. Các quan chức đã đình chỉ hàng trăm triệu USD tiền quỹ liên bang dành cho nghiên cứu tại các trường đại học trên khắp cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là phản ứng của các trường này trước các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Gaza, ngoài ra còn do chính sách về đa dạng chủng tộc trong tuyển sinh, hợp tác với cơ quan di trú và cho phép phụ nữ chuyển giới thi đấu thể thao.

Trên một vài mặt trận, chúng tôi đã giải quyết vấn đề bài Do Thái trong các trường đại học. Có một số khoản tài trợ và hợp đồng mà chúng tôi đã xem xét và một số khoản chúng tôi đã hủy bỏ hoặc tạm dừng trong khi tiến hành điều tra.

Bà Linda Mcmahon - Bộ trưởng Giáo dục Mỹ.

Trong nỗ lực tái thiết giáo dục đại học của mình, chính quyền Tổng thống Trump đã đặc biệt nhắm đến Ivy League - nhóm 8 trường đại học tư thục danh giá hàng đầu ở Đông Bắc Mỹ, bao gồm trường Harvard. Cũng thuộc nhóm Ivy League, Đại học Columbia hồi tháng trước đã phải nhượng bộ trước các yêu cầu của chính quyền Tổng thống Trump với hy vọng tránh được việc bị cắt hơn 400 triệu USD tiền tài trợ của liên bang.

Tuy nhiên, Harvard, một trong những trường có ảnh hưởng nhất nước Mỹ, lại đưa ra phản ứng cứng rắn. Trong trong một tuyên bố vào ngày 14/4, ông Alan Garber, Chủ tịch Harvard khẳng định: “Không có chính phủ nào, bất kể đảng nào nắm quyền, được phép ra lệnh những gì các trường đại học tư thục có thể giảng dạy, những ai họ có thể tuyển dụng và thuê, những lĩnh vực nghiên cứu và điều tra nào họ có thể theo đuổi”.

Không chỉ dừng lại ở đó, chính phủ Mỹ cũng đã có động thái bắt giữ và trục xuất gần 850 sinh viên nước ngoài tại các trường đại học Mỹ ở ít nhất 29 tiểu bang. Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu tiến hành thu hồi thị thực từ tháng trước, nhắm vào các sinh viên quốc tế đang theo học tại nhiều trường trên khắp cả nước. Ngoại trưởng Marco Rubio từng tuyên bố rằng, Bộ này đã thu hồi thị thực của hàng trăm sinh viên có liên quan đến các hoạt động chính trị.

Nếu ngay từ lúc xin thị thực, bạn nói với chúng tôi rằng bạn đến với tư cách sinh viên và có mục đích kích động hoặc tham gia vào các hoạt động bài Do Thái, chúng tôi sẽ không bao giờ cấp thị thực cho bạn. Và nếu bạn làm vậy sau khi vào Mỹ, chúng tôi sẽ thu hồi thị thực và trục xuất bạn.

Ông Marco Rubio - Ngoại trưởng Mỹ.

Hồi tháng 3, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp giải thể Bộ Giáo dục Mỹ. Động thái này đặt hệ thống giáo dục cũng như tương lai của hàng triệu học sinh, sinh viên tại xứ cờ hoa đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Quyết định này nếu được Quốc hội Mỹ thông qua không chỉ đơn thuần là một sự thay đổi về chính sách, mà còn có thể định hình lại toàn bộ cách giáo dục Mỹ vận hành trong những năm tới.

Những hậu quả kinh tế

Hệ thống trường đại học của Mỹ hàng trăm năm nay đã nổi tiếng nhờ việc tạo ra những đột phá khoa học và đào tạo ra nguồn nhân lực tài năng, đóng góp vào sự phát triển và tiến bộ không chỉ của nước Mỹ mà còn của nhân loại. Chính vì vậy, có nhiều nhận định cho rằng, chiến dịch của Tổng thống Donald Trump nhằm vào các trường đại học tinh hoa cũng là một đòn đánh vào những khu vực đô thị năng động nhất về kinh tế của nước Mỹ, có thể mối đe dọa đối với khả năng cạnh tranh toàn cầu của nước này.

Quan hệ hợp tác giữa chính phủ, giới học thuật và doanh nghiệp để thúc đẩy tiến bộ khoa học - công nghệ đã có từ những ngày đầu trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa chính phủ và các trường đại học ở Mỹ trong hàng chục năm gần đây đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo ở Mỹ.

Kể từ khoảng năm 1980, hệ thống đổi mới của Mỹ hình thành qua ba bước: khởi đầu từ nghiên cứu cơ bản tại đại học, tiếp theo là phát triển tại các công ty khởi nghiệp được tài trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm và cuối cùng là thương mại hóa khi các công ty này được mua lại hoặc đưa lên sàn chứng khoán.

Phân tích của Brookings Metro cho thấy, trong số 100 hạt tại Mỹ có sản lượng kinh tế lớn nhất, có 44 hạt sở hữu trường đại học nằm trong top 100 đơn vị nhận tài trợ nghiên cứu liên bang. Ngoài ra, 41 trong số 100 hạt có sản lượng kinh tế cao nhất cũng là nơi đào tạo nhiều tiến sĩ khoa học và kỹ thuật nhất cả nước. Dù chỉ chiếm chưa đến 1,5% trong tổng số khoảng 3.100 hạt của Mỹ, 44 hạt này lại đóng góp tới gần 35% tổng sản lượng kinh tế quốc gia. Những địa phương hưởng lợi nhiều từ mô hình này bao gồm Boston, Chicago, khu vực Vịnh San Francisco, Houston, Los Angeles và “Tam giác Nghiên cứu” ở North Carolina, New York cùng nhiều khu vực khác.

Chính vì vậy, những động thái đóng băng tài trợ của chính quyền Tổng thống Trump đang đe dọa phá vỡ chuỗi liên kết từ học thuật đến doanh nghiệp, kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế không chỉ riêng với nước Mỹ.

Chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều và hầu như tất cả trường đại học lớn của chúng tôi đều đã cảnh báo về mối nguy hiểm của việc cắt giảm tài trợ, đặc biệt là nếu họ nhận được các khoản tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia. Chúng tôi đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong việc phát triển các loại thuốc để chống lại hoặc ngăn ngừa bệnh tật và đó là sự hợp tác giữa chính phủ liên bang với các trường đại học nghiên cứu lớn.

Bà Jane Conoley - Hiệu trưởng Đại học California.

Việc chính quyền Tổng thống Trump hủy bỏ, đình chỉ hoặc tiến hành điều tra hàng tỷ USD tài trợ liên bang cho các trường nằm trong top 100 nhận tài trợ nghiên cứu không chỉ dừng lại ở tác động kinh tế. Các trường đại học ở Mỹ còn tạo ra tác động lan tỏa về công nghệ sinh học, máy tính, AI. Không chỉ sản sinh ra đột phá khoa học, họ còn cung cấp nhân lực chất lượng cao. Đó là cách giúp nước Mỹ quyết định cạnh tranh toàn cầu và phát triển công nghệ cao cấp nhất. Chiến dịch leo thang của ông Trump chống các trường đại học hàng đầu có thể làm hài lòng cử tri của ông, nhưng người chiến thắng sau cùng rất có thể là các đối thủ cạnh tranh với nước này trong cuộc đua khoa học công nghệ hiện đại.

Nguy cơ chảy máu chất xám

Mỹ là một trong những "miền đất hứa" của giới trí thức toàn cầu trong hàng trăm năm nay, đặc biệt thu hút nhân tài từ khắp thế giới nhờ môi trường nghiên cứu được khuyến khích, cùng hệ thống các trường đại học hàng đầu. Tuy nhiên, với những chính sách mới đang được áp dụng với hệ thống giáo dục đại học của nước này, nguy cơ về một cuộc "chảy máu chất xám" đã cận kề.

Ông David Die Dejan là một nhà khoa học của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và là giáo sư lâu năm tại Đại học Miami. Sau khi chuyển sang một vị trí mới vào tháng 10 năm ngoái, ông đột ngột bị sa thải trong một làn sóng sa thải nhắm vào những người đang thử việc. Dù sau đó được tuyển dụng lại, nhưng ông không khỏi lo lắng về tình trạng nghề nghiệp bấp bênh. Ông cho biết, nhiều nhà khoa học, đặc biệt là ở các cơ quan liên bang đang thấy công việc của họ bị mất giá. Khi các cơ hội nghiên cứu thu hẹp, ông đang chuẩn bị đưa chuyên môn của mình ra nước ngoài, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải rời xa gia đình.

Chính quyền mới dường như có mục tiêu cắt giảm đáng kể đầu tư vào khoa học trên diện rộng tại các cơ quan liên bang. Điều đó có nghĩa là tôi và những người khác sẽ có ít cơ hội tìm được một công việc khác sử dụng các kỹ năng của chúng tôi tại Mỹ, ít nhất là trong vài năm tới. Và nếu có các cơ hội ở nước ngoài, tôi sẽ chuyển đến bất cứ nơi nào để tiếp tục công việc nghiên cứu.

Giáo sư David Die Dejan - Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.

Michael Olesen, Giám đốc chương trình phòng ngừa nhiễm trùng cho một hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Washington, D.C đã tham gia vào các dự án phòng ngừa thảm họa cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, thiết lập các phòng cấp cứu cơ động ở các vùng động đất và bão. Là một nhà dịch tễ học, ông cũng đã nghiên cứu về Covid-19. Ông cũng ký hợp đồng với các hệ thống chăm sóc sức khỏe, làm việc để ngăn ngừa nhiễm trùng trong các bệnh viện. Ông Olesen cho biết, ông và toàn bộ cộng đồng khoa học đã vô cùng kinh ngạc trước việc chính quyền cắt giảm ngân sách cho các trường đại học và cơ quan nghiên cứu: "Điều này sẽ làm suy yếu sức khỏe cộng đồng, làm suy yếu giáo dục và cũng sẽ làm suy yếu chăm sóc sức khỏe, và điều đó không báo hiệu một tương lai tươi sáng cho nước Mỹ", ông Olesen nói.

Giống như những người khác trong lĩnh vực y tế và khoa học, ông Olesen đang cân nhắc các lựa chọn nghề nghiệp của mình bên ngoài nước Mỹ. Australia, New Zealand và Canada là vài trong số những điểm đến tiềm năng mà ông sẽ cân nhắc.

Đây không chỉ là một sự lựa chọn đơn thuần về nghề nghiệp khi việc cắt giảm ngân sách đột ngột đã khiến nhiều học giả và nhà nghiên cứu ở Mỹ mất việc. Trong khi đó, các học giả nước ngoài, những người đã xem Mỹ là quê hương thứ hai đang bị trục xuất hoặc bị từ chối nhập cảnh với những lý do mơ hồ, hoặc sống trong nỗi lo sợ điều đó sẽ xảy ra với mình. Giới khoa học cảnh báo rằng, bất kỳ sự chảy máu chất xám nào cũng sẽ gây ra cả những tác động ngắn hạn và cả các hệ lụy đối với các thế hệ tương lai.

Trong khi Mỹ đang tự "đánh mất" nguồn lực trí tuệ quý giá, thì châu Âu, Canada, Australia lại đang mở rộng vòng tay chào đón. 13 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, bao gồm Pháp và Đức, đã gửi thư kêu gọi tăng cường tài trợ và cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà khoa học di cư. Australia cũng đang xem xét cấp thị thực nhanh cho những người giỏi nhất. Tuy nhiên, điểm đến hấp dẫn nhất có lẽ là Canada, với lợi thế về khoảng cách địa lý và sự tương đồng văn hóa. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đã có những cuộc thảo luận về việc người Mỹ di cư sang phía Bắc, nhưng số lượng vẫn còn hạn chế. Lần này, làn sóng di cư có thể sẽ thực sự lớn mạnh, không chỉ bao gồm các học giả mà còn cả các nhà báo, nhà hoạt động và bất kỳ ai cảm thấy bị đe dọa hoặc không thể hoạt động tự do.

Hai tháng sau khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, các trường đại học ở Mỹ đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Chiến dịch của Tổng thống Donald Trump nhằm vào các trường đại học tinh hoa sẽ là đòn giáng mạnh vào những khu vực đô thị năng động nhất về kinh tế của nước Mỹ. Về lâu dài, đây sẽ là mối đe dọa đối với khả năng cạnh tranh toàn cầu của nước Mỹ trong nghiên cứu và khoa học.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Người hâm mộ nhạc trẻ Hàn Quốc (còn gọi là K-pop) có thể hiện thực hóa giấc mơ trở thành thần tượng ngay tại một trung tâm trải nghiệm đặc biệt ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Thống đốc tỉnh Bryansk Alexander Bogomaz cho biết, Lực lượng vũ trang Ukraine đã dùng máy bay không người lái tấn công các khu định cư tại Bryansk 53 lần.

Theo một tài liệu nội bộ của Bộ Ngoại giao Mỹ mà CNN có được, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét đóng cửa gần 30 đại sứ quán và lãnh sự quán ở nước ngoài.

Các hãng hàng không nội địa Trung Quốc sẽ dừng nhận toàn bộ máy bay từ Boeing – nhà sản xuất máy bay lớn nhất của Mỹ. Đây là thông tin được Bloomberg đăng tải ngày 15/4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý rằng, doanh thu từ các mức thuế quan mà ông gọi là “Ngày Giải phóng” có thể thay thế thuế thu nhập liên bang.

Hơn 300 cây anh đào ở thành phố cổ Bonn, miền Tây nước Đức đang nở rộ, biến các con phố thành một biển hoa màu hồng, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tới chiêm ngưỡng.