Nhộn nhịp phố Lương Văn Can
Lương Văn Can là con phố nhỏ thuộc khu phố cổ Hà Nội, nhưng lại luôn mang trong mình nhịp sống sôi động của một khu phố trung tâm với nhiều cửa hàng buôn bán nhộn nhịp từ sáng đến tối. Ngay từ sáng sớm, các hàng bán vỏ há cảo, vỏ bánh gối, mỳ vằn thắn trên con phố này đã mở cửa làm hàng để giao cho khách.
Chị Nguyễn Mai Phương (Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Hàng ngày, công việc của gia đình tôi sẽ bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng. Các bạn nhân viên phải dậy sớm hơn, từ 4 giờ, để chuẩn bị đồ làm hàng".
Bên cạnh nhịp sống hối hả thường ngày, phố Lương Văn Can vẫn giữ được nét duyên thầm của Hà Nội, đó là những hàng may áo dài truyền thống như nhà bà Quyến.
"Tôi làm bốn đời rồi. Tôi ở Hà Nội từ bé. Bố mẹ tôi cũng làm nghề này, nên tôi cũng theo nghề. Khách đến đây may quen nên họ may cũng nhiều", bà Lê Thị Quyến (Hoàn Kiếm) nói. Thời trước, ở con phố này vẫn có bán cả đồ chơi, bên cạnh nghề may của nhà bà Quyến.
Bà Yến là khách hàng chuyên may áo dài trên phố này. Giữa bao tiệm may áo dài hiện đại, chỉ đến đây, bà mới thấy được những nét truyền thống bình dị, vốn dĩ rất phù hợp với những người phụ nữ Hà Nội xưa như bà.
Những cửa hàng san sát hai bên đường, từ các hàng bán đồ ăn, hàng tư vấn tour du lịch, hàng may áo dài đến những hàng bán đồ chơi, đã tạo nên một con phố vừa hiện đại nhưng vẫn có nét truyền thống. Tất cả đã hòa quyện với nhau vẽ nên bức tranh sống động cho con phố này.
Đi đến phố Lương Văn Can, những hàng bán đồ chơi vẫn là nơi thu hút nhiều sự chú ý nhất. Chị Ngô Thị Thanh Phương (Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Nhà mình bán đồ chơi đầu tiên ở con phố này. Ngày xưa buôn bán tốt hơn, nhưng bây giờ họ bỏ hết vì buôn bán cũng chậm. Giờ phố này chỉ còn 2-3 nhà bán, nhà mình vẫn duy trì nghề này".
“Buôn có bạn, bán có phường” là nét đặc trưng của con phố này. Ở đây không chỉ có các hàng bán vỏ há cảo, may áo dài, bán đồ chơi ở gần nhau, mà cả những người thợ sửa khóa cũng ngồi cạnh nhau để cùng gắn bó, hỗ trợ, tạo nên một cộng đồng làm nghề bền vững qua nhiều thập kỷ.
Nằm cuối phố Lương Văn Can là những dãy cửa hàng kính mắt nằm san sát nhau. Đây là điểm đến quen thuộc cho những ai muốn tìm mua một đôi kính phù hợp với sở thích của mình. Không chỉ bán kính, ở đây còn có những nhà có nghề sửa kính, cắt kính, mang đến sự tiện lợi cho du khách khi đến với Hà Nội.
Làm nghề đã hơn 10 năm, nối tiếp theo nghề của bố, anh Lương Trọng Hiếu (Hoàn Kiếm) vẫn ngày ngày sửa kính trên con phố Lương Văn Can. "Khách của mình đa phần là khách quen từ thời bố, nhiều hãng cũng đến bảo hành cho khách", anh Hiếu cho hay.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa (Hoàn Kiếm) thường đến cửa hàng nhà anh Hiếu mỗi khi có cặp kính cần sửa. Bà đã quen sửa kính ở đây từ thời bố anh Hiếu còn làm. "Cháu sửa cũng tốt! Rất nhanh, chỉ mất 5-10 phút", bà Nghĩa chia sẻ.
Lương Văn Can không chỉ là một con phố sầm uất, buôn bán tấp nập với các hàng bán đồ chơi, đồ ăn, may áo dài truyền thống, chữa khóa hay kinh doanh kính mắt thời trang. Đây còn là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, tinh hoa của người thợ làm nghề giữa nhịp sống hiện đại của Thủ đô.


Những người lái tàu ở Hà Nội thay ca trực liên tiếp để đảm bảo giờ đi và đến cho hàng trăm chuyến tàu mỗi ngày, lặng lẽ hoạt động phía sau những cánh cửa toa tàu đóng mở.
Đầm Vân Trì (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) nổi tiếng là một vùng sinh thái ngập nước với hệ động thực vật phong phú.
Cá lăng om chuối đậu có sự hòa quyện khéo léo giữa vị béo ngậy của cá lăng, vị bùi của chuối xanh, đậu phụ chiên vàng cùng hương thơm đặc trưng từ nghệ, mẻ và mắm tôm.
Hồ Tây thức dậy với một vẻ đẹp rất riêng của mùa hạ. Mặt nước lăn tăn ánh bình minh. Giữa không gian thanh mát, người Hà Nội bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng.
Những người đầu bếp nấu cỗ cho nguyên thủ không chỉ truyền tải hương vị của Hà Nội, mà còn đại diện cho bản sắc, sự hiếu khách và văn hóa của người Việt trước bạn bè quốc tế.
Phở Khôi trên phố Hàng Vải vẫn giữ nguyên công thức đã có từ thời Mậu Dịch và vẫn luôn có hương vị rất riêng.
0