Nguy cơ bùng nổ xung đột giữa hai miền Triều Tiên

Triều Tiên đã cho nổ tung một số đoạn đường liên Triều trong một hành động mang tính biểu tượng nhằm phản đối việc Hàn Quốc tiến hành nhiều cuộc xâm nhập bằng máy bay không người lái trên bầu trời Bình Nhưỡng. Liệu tiếp theo động thái này có phải là một cuộc xung đột mới giữa hai miền Triều Tiên?

Trạng thái sẵn sàng chiến đấu

Trong thời kỳ hòa hoãn liên Triều trước đó vào những năm 2000, hai miền Triều Tiên đã kết nối lại hai cặp đường bộ và đường sắt qua biên giới được bảo vệ nghiêm ngặt của mình - một cặp được gọi là tuyến Gyeongui ở phía Tây và cặp còn lại được gọi là tuyến Donghae ở phía Đông. Nhưng việc vận hành hai tuyến đường này bị đình lại do tranh cãi về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và các vấn đề khác. Nay đoạn đường nối hai miền Nam - Bắc Triều Tiên đã bị cắt đứt, cho dù chưa từng được sử dụng.

Video do quân đội Hàn Quốc cung cấp cho thấy, một đám khói trắng và xám bốc lên sau vụ nổ trên một con đường gần thị trấn biên giới phía Tây Kaesong. Xe tải và máy xúc của Triều Tiên đang dọn dẹp đống đổ nát. Một video khác cho thấy khói bốc lên từ một con đường ven biển gần biên giới phía Đông. Theo quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã tháo dỡ đường ray ở phía Bắc đường ray tuyến Gyeongui.

Tờ "Nhật báo Trung ương" của Hàn Quốc ngày 15/10 đưa tin, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành "bắn đáp trả" trong phạm vi lãnh thổ của mình ở khu vực phía Nam giới tuyến quân sự.

Hàn Quốc đã bắn đáp trả cảnh cáo Triều Tiên cho nổ tuyến đường liên Triều. Ảnh: Yonhap.

Quân đội Hàn Quốc đang theo dõi sát sao động thái của quân đội Triều Tiên và tăng cường trạng thái giám sát và cảnh báo, đồng thời hợp tác với Mỹ để duy trì sự chuẩn bị đầy đủ cho chiến tranh.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cũng tuyên bố vào ngày 14/10 rằng để ứng phó với tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng, nước này đã ban hành hướng dẫn cho quân đội tăng cường cảnh báo giám sát và hỏa lực dự phòng.

"Ngày 15/10, Bắc Triều Tiên đã thông cáo về việc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) ban hành lệnh dự bị tác chiến để sẵn sàng cho việc nổ súng toàn diện dọc biên giới. Quân đội của chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các động thái quân sự của Bắc Triều Tiên và đã chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với bất kỳ hành động khiêu khích tiềm tàng nào".

Đại tá Lee Sung Jun - Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 15/10 đã ban hành văn bản lập trường, cáo buộc Triều Tiên vi phạm các thỏa thuận liên quan giữa Hàn Quốc và Triều Tiên và vi phạm nghiêm trọng thông lệ. Hàn Quốc cực lực lên án điều này. Bộ Thống nhất cũng tuyên bố rằng việc xây dựng tuyến đường sắt và đường cao tốc là nhằm thực hiện kết quả Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và là những dự án hợp tác liên Triều tiêu biểu nhất. Khi đó, theo yêu cầu của Triều Tiên, Hàn Quốc đã cung cấp thiết bị, vật tư trị giá 132,9 triệu USD dưới hình thức cho vay. Hàn Quốc tái khẳng định nghĩa vụ trả nợ của Triều Tiên vẫn tồn tại.

Triều Tiên đã có vài lần phá hủy các công trình trên chính lãnh thổ để phát đi một thông điệp chính trị nào đó. Năm 2020, Triều Tiên đã cho nổ tung một tòa nhà văn phòng liên lạc bỏ trống do Hàn Quốc xây dựng ngay phía Bắc biên giới để trả đũa các chiến dịch rải truyền đơn của Hàn Quốc nhằm vào dân thường Triều Tiên. Năm 2018, Triều Tiên đã phá hủy các đường hầm tại địa điểm thử hạt nhân của mình. Năm 2008, Triều Tiên đã cho nổ tung một tháp làm mát tại khu phức hợp hạt nhân chính.

Tuyến đường liên Triều. Ảnh: AP.

Phản ứng dữ dội của Triều Tiên

Sự việc phá hủy đoạn đường sắt lần này nhằm mục đích bày tỏ sự phẫn nộ của Triều Tiên đối với việc Hàn Quốc xâm nhập máy bay không người lái để thả tờ rơi tuyên truyền trên bầu trời Bình Nhưỡng. Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc đã triển khai máy bay không người lái ba lần trong tháng này và đe dọa sẽ đáp trả bằng vũ lực nếu điều đó xảy ra một lần nữa. Hàn Quốc từ chối xác nhận việc triển khai máy bay không người lái nhưng cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu sự an toàn của công dân Hàn Quốc bị đe dọa. Bà Kim Yo Jong, Phó Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và là em gái của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cảnh báo rằng Hàn Quốc "sẽ phải trả giá đắt".

Tuần trước, Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc sử dụng máy bay không người lái để thả truyền đơn chống Triều Tiên ở Thủ đô Bình Nhưỡng. Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã đưa ra một tuyên bố quan trọng vào ngày 11/10, nói rằng "họ sẽ không ngần ngại nổ súng để bảo vệ chủ quyền và an ninh". Tuyên bố nêu rõ Hàn Quốc đã cho máy bay không người lái bay qua Bình Nhưỡng vào các ngày 3, 9 và 10/10 và thả một số lượng lớn truyền đơn chống Triều Tiên. Đây là một hành động leo thang của Hàn Quốc, vì trước đây nước này chỉ sử dụng bóng bay để thả truyền đơn chống Triều Tiên ở khu vực biên giới. Việc phóng máy bay không người lái được coi là phương tiện tấn công quân sự nhằm vào bầu trời Thủ đô Triều Tiên.

"Máy bay không người lái của Hàn Quốc bị phát hiện trên bầu trời thủ đô của chúng ta một lần nữa chắc chắn sẽ dẫn đến một thảm họa khủng khiếp. Việc rải truyền đơn trên thủ đô của quốc gia khác bị coi là hành động khiêu khích nghiêm trọng có động cơ chính trị và xâm phạm chủ quyền, trên thực tế phương tiện mang theo truyền đơn chính là máy bay không người lái mới là cốt lõi của sự nghiêm trọng của vụ việc gần đây".

Tuyên bố của bà Kim Yo Jong, Phó Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên

Các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tổ chức một cuộc họp về quốc phòng và an ninh, chỉ đạo xây dựng kế hoạch ứng phó bằng “hành động quân sự ngay lập tức”. Triều Tiên trước đó đã đưa pháo binh ra tiền tuyến và đặt các lực lượng khác vào trạng thái sẵn sàng, cảnh báo rằng nếu máy bay không người lái của Hàn Quốc bị phát hiện lần nữa, đó sẽ được coi là "lời tuyên chiến" và sẽ châm ngòi cho một cuộc tấn công nhằm vào Hàn Quốc mà không cần cảnh báo lần thứ hai.

Trước đây, Hàn Quốc từng thả truyền đơn chống Triều Tiên bằng bóng bay, Triều Tiên đáp trả bằng cách thả "bóng bay rác" về phía Hàn Quốc. Tại sao lần này Triều Tiên lại phản ứng quyết liệt như vậy? Nhật báo Hankyoreh ngày 15/10 nhận định, cuộc chiến Nga - Ukraine và cuộc chiến giữa Israel và Hamas cho thấy máy bay không người lái là vũ khí quan trọng nhất trong cuộc chiến thế kỷ XXI. Khác với việc Hàn Quốc rải truyền đơn bằng bóng bay, Triều Tiên mô tả sự xâm nhập của máy bay không người lái là một "cuộc tấn công quân sự" vì máy bay không người lái do Hàn Quốc điều đến đã tới quận trung tâm Bình Nhưỡng, nơi đặt trụ sở của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Tờ báo này cho rằng, "chiến tranh tâm lý" giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã trở thành thông lệ, bao gồm cả việc Hàn Quốc phát tờ rơi cho Triều Tiên và Triều Tiên thả "bóng rác" về phía Hàn Quốc. Nhưng nếu máy bay không người lái mang đầu đạn thay vì truyền đơn đến quận trung tâm Bình Nhưỡng, tình hình sẽ trở nên nguy hiểm hơn.

Một quả bong bóng bay chứa rác rơi trên lãnh thổ Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Theo Reuters và Yonhap, ngày 16/10, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết khoảng 1,4 triệu thanh niên bao gồm sinh viên và cán bộ đoàn thanh niên đã nhập ngũ hoặc trở về quân đội trong tuần này.

Lời cảnh báo của Triều Tiên cần được xem xét nghiêm túc

Các nhà quan sát cho rằng khó có khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu, quy mô lớn nhằm vào Hàn Quốc do nguy cơ đối mặt với một cuộc trả đũa lớn hơn của liên quân Mỹ - Hàn. Tuy nhiên, đây chắc chắn là một thông điệp chính trị mạnh mẽ của Triều Tiên giống như cách nước này từng làm trong quá khứ. Nếu như trước đây, căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên thường được đánh giá là mang tính chu kỳ, thì hiện nay đang chứng kiến những dấu hiệu leo thang nguy hiểm khó lường.

Hồi tháng 1/2024, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố từ bỏ mục tiêu thống nhất hòa bình bán đảo Triều Tiên và chính thức coi Hàn Quốc là “kẻ thù chính”. Quyết định này khiến giới quan sát ngạc nhiên, vì dường như nó phá vỡ cách tiếp cận lâu nay của những người tiền nhiệm về việc thống nhất bán đảo Triều Tiên theo các điều kiện của Triều Tiên.

Theo Bloomberg News của Mỹ, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố loại bỏ khái niệm "thống nhất hòa bình" khỏi lập trường chính sách quốc gia của mình, việc Triều Tiên cho nổ tung con đường nối liền Triều Tiên và Hàn Quốc phần lớn chỉ mang tính biểu tượng. Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù những sự việc này phản ánh sự leo thang căng thẳng trên bán đảo nhưng chúng không có nghĩa là một cuộc xung đột quân sự sắp xảy ra.

Park Won Geon, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ewha Womans của Hàn Quốc, cho rằng: "Vụ nổ này là một động thái mang tính biểu tượng nhằm khẳng định quan điểm nói trên. Tuy nhiên, đây không phải là hành động khiêu khích trực tiếp chống lại Hàn Quốc, vì Triều Tiên chỉ cho nổ phần đường trong lãnh thổ của mình. Vì vậy, Seoul khó có thể phản ứng thái quá, khiến căng thẳng thêm trầm trọng”.

Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về tình hình ở nhiều khu vực biên giới phía Nam giới tuyến quân sự. Chính quyền tỉnh Kyunggi của Hàn Quốc ngày 15/10 thông báo để bảo vệ sự an toàn của người dân ở khu vực biên giới, họ đã quyết định phân loại 11 khu vực ở ba thành phố và quận, bao gồm thành phố Paju, thành phố Gimpo và quận Yeoncheon, là khu vực nguy hiểm, cấm các nhóm xã hội dân sự thả truyền đơn và các vật phẩm khác tới Triều Tiên.

Kim Sung Jung, Phó Thống đốc thứ nhất của chính quyền tỉnh Kyunggi cho biết, tỉnh Kyunggi có kế hoạch triển khai các đội cảnh sát tư pháp đặc biệt tại các khu vực nguy hiểm để trấn áp nghiêm ngặt việc phát tán truyền đơn chống Triều Tiên và điều tra nghiêm khắc những kẻ chịu trách nhiệm. Theo Luật cơ bản về quản lý an toàn và thiên tai, những người liên quan đến việc phát tờ rơi chống Triều Tiên sẽ bị kết án tù có thời hạn không quá một năm hoặc phạt tiền không quá 10 triệu won (khoảng 52.000 RMB) nếu họ vào hoặc ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc vi phạm các lệnh cấm hoặc hạn chế khác.

Phản ứng trước những diễn biến trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã kêu gọi tất cả các bên cần tránh căng thẳng leo thang trong khu vực.

"Là một quốc gia láng giềng của bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên và quan hệ cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên - Hàn Quốc. Căng thẳng trên bán đảo không phục vụ cho lợi ích chung của tất cả các bên và ưu tiên là tránh leo thang xung đột hơn nữa. Trung Quốc cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và không thay đổi lập trường của mình về giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên bằng giải pháp chính trị. Chúng tôi cũng hy vọng tất cả các bên có thể nỗ lực vì mục đích này".

Bà Mao Ninh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova tuyên bố rằng hành động của Hàn Quốc là "vi phạm trắng trợn" chủ quyền của Triều Tiên. Bà kêu gọi Hàn Quốc "hết sức coi trọng cảnh báo của Bình Nhưỡng và ngừng làm trầm trọng thêm căng thẳng trên bán đảo bằng những hành động liều lĩnh và khiêu khích nhằm ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa và gây ra một cuộc xung đột vũ trang thực sự". Bà nhấn mạnh: "Chỉ thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao dựa trên các nguyên tắc an ninh không thể chia cắt mới có thể đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực".

Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày 16/10 tuyên bố thiết lập một cơ chế chung mới với các nước đối tác để giám sát việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang liên tục tăng nhiệt.

So với người tiền nhiệm của mình, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol theo đuổi lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Ông kêu gọi tái định hướng Bộ Thống nhất và đã thúc đẩy hợp tác quân sự với Mỹ, bao gồm cả việc đưa hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD vào hoạt động. Ông Yoon cũng cam kết cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Nhìn chung, diễn biến mới này cho thấy cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều có lập trường ít thỏa hiệp hơn, củng cố liên minh và tăng cường các hành động khiêu khích và sẵn sàng chiến đấu hơn so với trước. Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng đối đầu sau khi cuộc chiến tranh 1950 - 1953 kết thúc bằng lệnh đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.

Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.

Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.

Giá dầu thế giới gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 19/11. Những dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Ngày 20/11, quân đội Pakistan cho biết ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng do vụ tấn công liều chết nhằm vào đồn kiểm soát quân sự tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền sắp tới của mình. Việc bổ nhiệm ông Lutnick cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.