Người Hà Nội thưởng thức bia hơi Hà Nội
Có những quán bia tồn tại từ nhiều thập kỷ, đến giờ cũng không mấy thay đổi. Mỗi quán đều có không gian mở, thoáng đãng, thân thiện, khách đến thưởng bia dễ dàng giao lưu, trò chuyện. Quán bia đã trở thành nơi gặp gỡ của nhiều thế hệ, tầng lớp khác nhau trong xã hội, từ những người lao động đến trí thức hay khách du lịch.
Bia hơi Hà Nội, nét văn hoá đặc trưng của Thủ đô
Người Hà Nội uống bia để tận hưởng cái thú vui đã trở nên quen thuộc. Cách thưởng thức bia hơi của người Hà Nội mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, không ồn ào hay phô trương. Nhiều người yêu thích bia hơi không phải vì nó là loại bia ngon nhất mà vì cảm giác thân thuộc mà bia hơi mang lại.
Uống bia ở Hà Nội có cái khác. Bia hơi Hà Nội đặc biệt hơn so với bia hơi những vùng miền khác và các loại bia khác. Ở đời sống đô thị, khi mà người ta ngày càng sính ngoại, thì Bia hơi Hà Nội lại chưa khi nào hết được ưa chuộng. Đó là nơi để bắt đầu những mối quan hệ, cũng đủ riêng tư để hớp một ngụm bia và ngẫm nghĩ sự đời.
Thực khách có ngay một cốc bia hơi đúng nghĩa trong một không gian đúng điệu, với tiếng khách gọi nhân viên, tiếng cốc va vào nhau lách cách, tiếng xe cộ qua lại ồn ào... Tất cả hòa vào nhau thành một không khí rất Hà Nội mà ai đi xa là thấy nhớ.
Nếu trà đá vỉa hè là cái thú tranh thủ giờ nghỉ trưa, thì bia hơi lại là nơi người ta lui đến sau những giờ miệt mài lao động. Hơn cả một cốc bia với vị men nồng nàn, hương thơm dịu nhẹ, màu sắc vàng ươm đặt trên chiếc ghế đẩu, người ta uống Bia hơi Hà Nội còn để uống cả không gian thân quen.
Từ người dân lao động, đến dân văn phòng, nghệ sĩ hay anh xe ôm, ai cũng có thể tấp vào cái quán có treo tấm biển "Bia hơi Hà Nội", gọi vài cốc bia vàng tươi sóng sánh để hoà mình vào dòng chảy sôi động của Thủ đô.
Uống bia hơi chém gió bên bạn bè, giữa trời Thu Hà Nội, dường như mọi hối hả, mệt nhọc đều tiêu tan, chỉ còn lại cảm giác sảng khoái để ngày mai bắt đầu công việc với nhiều năng lượng tích cực hơn.
Được người Hà Nội yêu mến, gắn bó đến cả trăm năm nay, được khách quốc tế chọn thưởng thức như một hành trình không thể thiếu khi đến Hà Nội. Trong bức tranh đặc tả ẩm thực Hà Thành, bên cạnh gánh hàng rong, bát phở hay bún chả thì bia hơi luôn là hình ảnh không thể thiếu.
Với du khách, việc ngồi nhâm nhi cốc bia hơi mát lạnh ở một góc phố Hà Nội là một trải nghiệm không thể bỏ qua. Bia hơi không chỉ là một loại đồ uống, mà còn là một thứ biểu tượng văn hóa ẩm thực của riêng Hà Nội. Đến Hà Nội, thưởng thức một cốc bia hơi là một cách để cảm nhận trọn vẹn nhịp sống Hà Nội, từ sự hối hả đến những phút giây thư thả, yên bình.
Chiếc cốc bia huyền thoại
Năm 1974, chiếc cốc vại lần đầu tiên ra mắt thị trường. Ít lâu sau, từ trên bản vẽ, nó được sản xuất đại trà và chỉ mất 2 năm, cốc vại đã xâm lấn toàn bộ thị trường Hà Nội.
Những người am hiểu về thiết kế cho rằng cốc vại thực sự là một "Good Design". Nó đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: giá thành rẻ, có công năng tốt, nguyên liệu phù hợp, thiết kế đơn giản, dễ sản xuất. Chiếc cốc được thiết kế chắc chắn, mộc mạc, phù hợp với việc uống bia. Mẫu cốc đơn giản cũng giúp quá trình sản xuất, vận chuyển trở nên thuận lợi hơn. Trước kia, cốc vại có dung tích 0,5l, miệng cốc loe to để dễ chồng xếp lên nhau. Ngày nay, chiếc cốc thu nhỏ lại, bớt loe hơn nhưng nhìn chung thiết kế không thay đổi nhiều.
Uống bia phải có bạn hiền, có không khí nên phải dùng cốc vại chạm nhau leng keng mới vui. Chiếc cốc khỏe khoắn lại có bọt khí vui mắt. Cốc vại làm từ thủy tinh tái chế, vỡ rồi cho vào lò nung lại ra cốc mới, không lo ô nhiễm môi trường. Giá cốc quá rẻ, có vỡ cũng không thiệt hại đáng kể nên nhà hàng rất yêu thích. Sản xuất dễ, hợp với ngành thủ công dễ dàng sản xuất.
Sự tồn tại qua 4 thập niên của cốc vại cũng là minh chứng cho việc những gì càng đơn giản, càng có sức sống lâu bền.
Người Hà Nội thưởng thức bia hơi Hà Nội
Chưa đến 4 giờ chiều, nhưng tại Trung tâm thể thao Ba Đình, đã có khá nhiều người cao tuổi xếp hàng mua tích kê uống bia hơi. Với họ, thưởng thức bia hơi không chỉ là một sở thích, một thói quen, mà thành một nếp văn hóa, một phần không thể thiếu trong nhịp sống của nhiều người.
Quán bia hơi giữ hình thức như thời bao cấp trên phố Quán Thánh đã trở thành một điểm đến quen thuộc của các cụ hưu trí. Họ đến đây không chỉ để uống bia, mà còn để gặp gỡ, trò chuyện và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời đã qua.
Bia - Bia hơi - thức uống được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 19 đã trở thành hàng nội được lòng người Việt hơn cả, nhất là với người dân Thủ đô. Người Hà Nội đã xem thức uống này là của riêng mình. Du khách nói đây là món nhất định phải thử nếu có dịp đến Hà thành. Sự yêu mến dành cho Bia hơi Hà Nội một phần đến từ hương vị đặc trưng, một phần do đây là thức uống do người Việt làm ra, tồn tại qua nhiều thế hệ.
Những ai từng sống thời bao cấp vẫn nhớ như in cảnh xếp hàng đổi tem phiếu lấy gạo, thịt, xà phòng… Muốn uống bia hơi cũng phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ, nhưng ai cũng háo hức chờ đợi để được sở hữu một vài cốc bia.
Hơn nửa thế kỷ đi qua, cốc bia 3 hào chỉ còn trong trí nhớ, nhưng thương hiệu Bia hơi Hà Nội với hơn 100 năm tuổi đã đi vào lòng người và tạo nên một nét văn hóa riêng của người Hà Thành.
Ngày nay, đến nhiều tỉnh, thành trong nước, nhiều quán xá trưng biển quảng cáo "Bia hơi Hà Nội", song, người Hà Nội sành uống chỉ tìm đến các địa chỉ Bia hơi Hà Nội trên đất Hà Nội, thưởng thức những cốc bia hơi đúng chuẩn Hà thành.
Trong nhịp sống hối hả của Thủ đô, bia hơi trở thành nơi để nhiều người tìm thấy chút nhẹ nhàng, dung dị. Một cốc bia mát lạnh, một câu chuyện cười, và đôi khi là cả những tâm tư, trải lòng...
Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.
Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.
Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.
Hồ Gươm vào cuối thu mang một vẻ đẹp dịu dàng và lãng mạn, tiết trời se lạnh, làn gió nhẹ thoảng qua mặt hồ phẳng lặng, lác đác những chiếc lá vàng rơi.
0