Ngăn ngừa thông tin tiêu cực, lành mạnh hóa không gian mạng
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Châu Quỳnh Giao đề cập tới vấn đề làm thế nào để xử lý dứt điểm hoạt động mê tín dị đoan trên không gian mạng? Đại biểu Châu Quỳnh Giao - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đặt câu hỏi: “Luật An ninh mạng đã nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để tuyên truyền mê tín dị đoan, song hiện nay tình trạng bói toán trên mạng rất nhiều, gây nhiều hệ lụy. Bộ trưởng có giải pháp căn cơ nào để xử lý dứt điểm tình trạng hoạt động mê tín dị đoan trên không gian mạng?".
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phải vào cuộc xác định hành vi có phải là mê tín dị đoan theo quy định hiện hành để xử lý hành vi này. “Khi xác định hành vi rồi mà cần xác định danh tính, hoặc cần ngăn chặn thì cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông. Chúng tôi làm cái này rất nhanh. Chúng ta đã có quy chế, có phối hợp và đã có công cụ để xử lý”, ông Hùng nêu.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi có tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan bằng văn bản, bằng lời, bằng hình ảnh thì căn cứ vào đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có những công cụ để rà quét.
“Hiện nay các doanh nghiệp số của Việt Nam đã phát triển được công cụ phần mềm mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi, xem những cái hoạt động này có phải mê tín dị đoan không, để báo sang Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xử lý”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh giải pháp xử lý mạnh tay đối với các đối tượng mê tín dị đoan này, trong đó có biện pháp xử lý hành chính, xử lý dân sự, thậm chí xử lý hình sự nếu vi phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đặt câu hỏi tại phiên chất vấn sáng 12/11 là cần làm rõ giải pháp xử lý tình trạng quảng cáo không đúng sự thật trên các nền tảng mạng xã hội, gây nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, chất vấn: Trong giai đoạn bùng nổ thông tin, với sự hỗ trợ của các nền tảng mạng xã hội có tính năng chia sẻ cao, hiện tượng người người làm báo, nhà nhà làm báo để làm kênh riêng đưa lên mạng, kèm theo quảng cáo, có nhiều nội dung giật gân phản cảm, sai sự thật, làm nhiễu loạn thông tin, gây bức xúc trong dư luận, nhiều nội dung quảng cáo sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm bản quyền. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết giải pháp chấn chỉnh tình trạng này, đồng thời có giải pháp nào để nâng cao vai trò của báo chí chính thống, cách mạng để làm tốt vai trò định hướng, tuyên truyền?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi mạng xã hội ra đời, có thể nói là “lấy mất nghề của báo chí”. Nghề báo chí trong nhiều năm nay tập trung vào đưa tin, nhưng mạng xã hội hiện nay đưa tin nhanh hơn, mạng xã hội có hàng chục triệu “phóng viên” mà không mất tiền, họ ở khắp mọi nơi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí muốn giữ vững “trận địa” của mình, phải làm khác mạng xã hội, quay về những giá trị cốt lõi của báo chí, tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp, thay vì đưa tin thì kể câu chuyện dẫn dắt định hướng xã hội.
Trước đây, báo chí trong không gian thực là lực lượng chủ đạo, bây giờ lên không gian mạng, có thể về mặt số lượng không chủ đạo nhưng những thông tin từ báo chí phải định hướng được dòng chảy chính trên không gian mạng, chất lượng ở cả tin tức và nội dung.
Theo ông, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định đây là định hướng chính để xác định lại vị trí, vai trò của báo chí cách mạng. “Chúng tôi xác định cách tốt nhất để cạnh tranh với mạng xã hội là làm khác mạng xã hội và quay về với giá trị cốt lõi của mình. Sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo và coi mạng xã hội là môi trường để xuất hiện”, ông Hùng bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh việc xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh và hiệu quả cho không gian mạng là một nhiệm vụ cấp bách và đòi hỏi sự nỗ lực của cả xã hội. Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ hoàn thiện quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng. Đồng thời tiến hành bổ sung quy định yêu cầu các nền tảng phải định danh các tài khoản livestream quảng cáo và phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về quảng cáo.


Người nợ thuế có thể được gỡ bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh ngay tại sân bay, nếu kịp thời hoàn thành nghĩa vụ thuế. Đây là kết quả của việc kết nối dữ liệu lớn giữa Cục Thuế và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an).
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng các lĩnh vực được ưu đãi thuế, đồng thời kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm thay vì 3 năm như quy định trong Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) hiện nay.
Tại cuộc gặp với Hội hữu nghị Belarus - Việt Nam và các cựu chuyên gia Belarus từng giúp đỡ Việt Nam vào chiều 11/5, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tình hữu nghị bền chặt giữa nhân dân hai nước là tài sản quý giá, cần tiếp tục gìn giữ và vun đắp.
Để tăng quyền chủ động phân cấp trách nhiệm cho các địa phương, UBND cấp xã được quyền quyết định việc thành lập khu vực bỏ phiếu mà không cần cấp trên phê chuẩn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là Chủ nhật, ngày 15/3/2026.
Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Linh Ngọc đến hầu tòa vảo sáng 12/5 với cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
0