NATO có thể tồn tại nếu thiếu Mỹ?
Những tín hiệu rạn nứt sâu sắc
Nếu năm 2016, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi NATO là “lỗi thời”, thì nay, khi ông trở lại Nhà Trắng cho nhiệm kỳ thứ hai, viễn cảnh Washington xem nhẹ hoặc thậm chí rũ bỏ liên minh này đang ngày càng rõ nét. Những phát biểu và hành động mới đây của ông Trump - từ việc cho rằng NATO mở rộng đã kích động Nga tấn công Ukraine, bác bỏ tuyên bố của G7 chỉ trích Moscow, cho đến việc phản đối kết nạp Ukraine vào NATO và từ chối triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình - đã khiến nhiều lãnh đạo phương Tây lo ngại.
NATO được thành lập năm 1949 với mục tiêu chính là ngăn chặn sự mở rộng của Liên Xô ở châu Âu sau Thế chiến thứ hai. Ngoài ra, Mỹ cũng coi NATO là công cụ để kiềm chế chủ nghĩa dân tộc và thúc đẩy hội nhập chính trị tại châu Âu. Liên minh này ban đầu gồm 12 thành viên, hoạt động theo nguyên tắc an ninh tập thể. Theo đó, Điều 5 của NATO quy định rằng, một cuộc tấn công vào một thành viên sẽ được coi là tấn công vào toàn khối và các nước thành viên sẽ có biện pháp đáp trả phù hợp, kể cả sử dụng vũ lực.
Để đối trọng với NATO, năm 1955, Liên Xô thành lập Hiệp ước Warszawa với bảy nước Đông Âu. Sau này, nhiều thành viên cũ của khối này đã gia nhập NATO.
Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, NATO là biểu tượng của sự đoàn kết phương Tây, một lá chắn vững chắc bảo vệ châu Âu khỏi “mối đe dọa” từ Liên Xô. Tuy nhiên, khi thế giới bước vào thế kỷ XXI với những thách thức mới, NATO dường như không còn phù hợp với các ưu tiên chiến lược của Mỹ, đặc biệt đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã tỏ ra hoài nghi về NATO như một lực lượng tập thể có thể duy trì an ninh ở khu vực Bắc Đại Tây Dương. Ông cho rằng, các thành viên châu Âu chi tiêu ít cho quốc phòng và lợi dụng chiếc ô an ninh do Mỹ - thành viên mạnh nhất của liên minh - cung cấp.
Tại cuộc họp NATO đầu tiên của mình vào năm 2017, ông Trump phàn nàn rằng, các đồng minh không dành 2% tổng sản phẩm quốc nội của họ cho quốc phòng. Tại Hội nghị thượng đỉnh liên minh năm 2018, ông Trump được cho là đã hỏi Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton rằng: “Nước Mỹ có nên tạo nên lịch sử ở đây và rút khỏi NATO không?”. Và sau đó, đã từng có nhiều cuộc thảo luận về khả năng Mỹ rời khỏi NATO.
Bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai hôm 20/1, với khẩu hiệu nổi tiếng “nước Mỹ trên hết” và “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Trump liên tục đưa ra những tuyên bố tương tự.
Chúng tôi đang bảo vệ các nước thành viên NATO. Họ không bảo vệ chúng tôi, mà là chúng tôi bảo vệ họ. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng nước Mỹ nên chi tiêu quá nhiều. Họ cần phải làm phần việc của mình - nâng mức đóng góp từ 2% lên 5%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tỷ phú Elon Musk, hiện là cố vấn quan trọng của ông Trump, mới đây đã lên tiếng hoài nghi về NATO. Hồi cuối tháng 2, ông Musk nói liên minh này là “lỗi thời” và kêu gọi một cuộc đánh giá toàn diện, đặt câu hỏi về tính liên quan của nó trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Truyền thông Mỹ dẫn lời Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Lee đến từ bang Utah hôm 2/3 đã kêu gọi Mỹ rút khỏi NATO.
Những đồn đoán về sự rạn nứt trong NATO xuất hiện vào thời điểm quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraine, khi Tổng thống Mỹ Trump liên tục bất đồng quan điểm với các đồng minh châu Âu về cách thức chấm dứt xung đột. Trong khi đó, kể từ cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin hôm 8/2, ông Trump có nhiều phát biểu bênh vực Tổng thống Putin. Mỹ đứng về phía Nga trên các diễn đàn quốc tế. Gần đây nhất, Mỹ đã cùng Nga bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Hồi cuối tuần qua, trong cuộc tranh luận nảy lửa với Tổng thống Ukraine Zelensky được truyền trực tiếp đi khắp thế giới, ông Trump không ngừng ca ngợi Tổng thống Putin. Trang tin CNN đánh giá đây là một sự thay đổi thái độ đáng kinh ngạc trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
NATO là một liên minh vĩ đại. Đây là liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử. Nhưng để tồn tại trong tương lai, các đối tác của chúng ta phải làm nhiều hơn nữa cho quốc phòng của châu Âu. Chúng ta phải làm cho NATO vĩ đại trở lại. Sau Thế chiến II, cố Tổng thống Eisenhower là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của NATO. Ông tin vào mối quan hệ chặt chẽ với châu Âu. Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ, ngay cả ông cũng lo ngại rằng châu Âu không gánh vác đủ trách nhiệm phòng thủ của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.
Tờ Washington Post trích dẫn nguồn tin cho biết, Tổng thống Donald Trump đang xem xét rút 20.000 quân Mỹ khỏi châu Âu, một động thái được mô tả là "cơn ác mộng đối với an ninh châu Âu". Bài báo nêu bật mối lo ngại ngày càng tăng giữa các nhà lãnh đạo châu Âu về cam kết của Washington đối với liên minh, nhấn mạnh vào khuôn khổ an ninh gần 80 năm tuổi đã định hình quan hệ Mỹ - châu Âu kể từ Thế chiến II.
Theo nhiều chuyên gia phân tích quốc tế, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương từ lâu vốn đã không yên ả. Sự rạn nứt manh nha từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu sang châu Á - Thái Bình Dương, quyết định mà nhiều nước phương Tây lo ngại là Mỹ “bỏ rơi” châu Âu. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump đã và đang làm cho “vết nứt” trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu ngày càng lớn hơn. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu cho rằng, dưới thời Tổng thống Trump, họ đang bị Mỹ đối xử như các công dân “hạng 2” và Mỹ đang biến châu Âu thành “con tin” an ninh của Mỹ.
NATO có nằm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ?
“Giữ người Nga ở ngoài, người Mỹ ở trong và người Đức ở dưới” - đó là cách Tổng Thư ký NATO đầu tiên, Hastings Ismay, định nghĩa mục đích của liên minh này hơn 70 năm trước. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO tiếp tục duy trì vai trò trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ, từ việc đối phó với Nga đến đảm bảo trật tự an ninh tại châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, khi Trung Quốc trở thành đối thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ, các nhà phân tích cho rằng, sự tan rã của NATO, nếu xảy ra, không phải là kết quả của một quyết định đột ngột, mà là sự kết thúc tất yếu của một liên minh không còn phù hợp với chiến lược toàn cầu của Washington trong thế kỷ XXI.
Khi Trung Quốc trỗi dậy và Đông Bắc Á trở thành chiến trường địa chính trị mới, thì vai trò của NATO đang trở nên mờ nhạt dưới góc nhìn từ Washington. Chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như xem NATO như một đối tác phụ, không còn là ưu tiên hàng đầu và vì vậy liên tục gửi tín hiệu về việc áp đặt thuế quan nặng nề lên các đồng minh hoặc rút quân khỏi châu Âu nếu Mỹ không được “đối xử công bằng”. Theo các nhà phân tích, có nhiều lý do cho những bước đi này. Thứ nhất, NATO không thể giúp Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc - đối thủ chiến lược lớn nhất hiện nay. Mỹ xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối phó Bắc Kinh, trong khi NATO chủ yếu tập trung vào châu Âu. Liên minh này khó thích nghi với cuộc cạnh tranh địa chính trị mới.
Thứ hai, các nước châu Âu không có động lực đối đầu với Trung Quốc. Với kim ngạch thương mại EU - Trung Quốc đạt gần 900 tỷ USD/năm, đặc biệt là sự phụ thuộc của Đức vào thị trường Trung Quốc, châu Âu khó hưởng ứng các chiến lược kiềm chế Bắc Kinh của Mỹ. Điều này khiến Washington phải tìm kiếm các liên minh thay thế như nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và AUKUS (Mỹ, Anh và Australia), vốn phù hợp hơn với mục tiêu kiềm chế Trung Quốc.
Thứ ba, NATO trở thành gánh nặng tài chính cho Mỹ. Washington đóng góp 70% ngân sách NATO, trong khi nhiều thành viên không đạt mức cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng. Đến 2024, chỉ 23/32 nước NATO đạt mức này, còn Đức và Pháp vẫn chậm tăng ngân sách quân sự. Chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiều lần đe dọa rút Mỹ khỏi liên minh nếu châu Âu không chia sẻ gánh nặng.
Sự thật là chúng ta sắp bước vào hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6 tới, với một phần ba các đồng minh NATO vẫn chưa đáp ứng mức tối thiểu 2% GDP - một cam kết mà họ đã đưa ra từ một thập kỷ trước, đúng nghĩa là một thập kỷ, trong khi chiến tranh đang diễn ra ngay trước cửa nhà họ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz.
Cuối cùng, quan hệ Mỹ - Nga đã thay đổi. Nga không còn là mối đe dọa lớn nhất đối với phương Tây, ít nhất trong mắt chính quyền Trump 2.0. GDP của Nga chỉ bằng 7% của Mỹ và 1/10 của Trung Quốc, Moscow không tạo quá nhiều cạnh tranh với Washington trên quy mô toàn cầu. Dưới thời Trump 2.0, Mỹ có thể tìm cách lôi kéo Nga nhằm cô lập Trung Quốc, thay vì duy trì căng thẳng qua NATO. Tất cả những điều trên cho thấy NATO dường như đã trở thành một công cụ không còn phù hợp để phục vụ lợi ích dài hạn của Washington.
NATO có thể tồn tại nếu thiếu Mỹ?
Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện quan điểm hoài nghi về NATO, đặt câu hỏi về vai trò và sự công bằng trong liên minh, châu Âu buộc phải đối diện với viễn cảnh tự đảm bảo an ninh mà không có sự hậu thuẫn từ Washington. Vậy NATO có thể tồn tại nếu không có Mỹ?
Theo tờ Newsweek, nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, các quốc gia châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì ngân sách quốc phòng, sản xuất vũ khí và duy trì lực lượng quân đội. Hàng thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh, nhiều quốc gia châu Âu cắt giảm chi tiêu quốc phòng để tập trung vào phúc lợi xã hội, dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào Mỹ. Các quan chức châu Âu thừa nhận rằng, lục địa này đã quá lỏng lẻo trong vấn đề phòng thủ. Mặc dù đã có những cảnh báo kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt sau khi chiến sự Ukraine nổ ra vào năm 2022, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa thể tập hợp đủ ảnh hưởng chính trị để gia tăng đáng kể chi tiêu quân sự. Từ năm 2022 đến nay, NATO mới triển khai bốn nhóm chiến đấu đa quốc gia tại Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia, bên cạnh bốn nhóm khác ở Baltic và Ba Lan. Các công trình phòng thủ dọc biên giới với Nga cũng đang trong quá trình xây dựng.
Mặt khác, dù là một liên minh quân sự đa quốc gia, NATO vẫn gặp nhiều thách thức trong việc phối hợp giữa các thành viên. Trên lý thuyết, các cuộc tập trận nhấn mạnh tính hợp tác, nhưng trên thực tế, binh sĩ vẫn gặp trở ngại với rào cản ngôn ngữ và quy trình tác chiến khác biệt. Nếu thiếu vai trò lãnh đạo của Mỹ, NATO có thể mất phương hướng trong tình huống chiến đấu thực tế.
Thêm nữa, các nước châu Âu vẫn thiếu khả năng quân sự so với Mỹ. Theo thống kê, quân đội Mỹ có 1,328 triệu binh sĩ; Pháp có 200.000; Anh - 184.000; Đức - 181.000. Mỹ cũng có 3.493 máy bay chiến đấu, trong khi toàn bộ NATO châu Âu chỉ có 2.017 chiếc.
Mỹ không chỉ cung cấp binh lính và tài chính mà còn giữ vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực chiến lược như trinh sát, tiếp nhiên liệu trên không, hậu cần và phòng không. Theo Financial Times, NATO hiện chỉ có chưa tới 5% năng lực phòng không cần thiết để bảo vệ Trung và Đông Âu trước một cuộc tấn công quy mô lớn từ Nga. Nếu Mỹ rời NATO, châu Âu sẽ mất hàng thập kỷ để xây dựng lại năng lực quân sự đủ mạnh để lấp đầy khoảng trống này.
Một châu Âu tự phòng thủ mà không có sự tham gia của Mỹ? Điều đó sẽ không hiệu quả. Nếu NATO - hay bất kỳ tổ chức nào thay thế NATO - hoạt động mà không có Mỹ, liên minh này sẽ mất đi sức mạnh cốt lõi.
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte.
Không chỉ đối mặt với thách thức về nguồn lực, các nước châu Âu còn bị chia rẽ trong cách tiếp cận với Nga. Các quốc gia Đông Âu như Ba Lan và vùng Baltic coi Nga là mối đe dọa trực tiếp và ủng hộ tăng cường quốc phòng. Trong khi đó, các nước Tây Âu như Tây Ban Nha hay Pháp có những ưu tiên khác, chẳng hạn như an ninh ở khu vực Sahel của châu Phi. Một số lãnh đạo, như Thủ tướng Hungary Viktor Orban, thậm chí công khai ủng hộ quan hệ hợp tác với Nga.
Ông James Stavridis, cựu Tư lệnh Tối cao NATO từ năm 2009 đến 2013 cho rằng, NATO có thể được thay thế bằng một tổ chức tương tự như “Tổ chức Hiệp ước châu Âu” (ETO) mà không có Mỹ. Ông Stavridis nhận định thái độ lấp lửng của Donald Trump đối với cuộc chiến ở Ukraine và sự mềm mỏng với Nga đòi hỏi các nước châu Âu phải tự chủ quốc phòng, “giảm sự phụ thuộc vào “chiếc ô” an ninh của Mỹ.
Tuy nhiên, khả năng Mỹ rút khỏi NATO không đơn giản. Quốc hội Mỹ đã thông qua luật yêu cầu bất kỳ quyết định rút lui nào cũng phải được Thượng viện phê chuẩn với ít nhất hai phần ba số phiếu hoặc được Quốc hội thông qua. Đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số nhỏ tại Quốc hội, trong khi một số thượng nghị sĩ và thành viên đảng này ủng hộ sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong NATO. Dù vậy, chính quyền Trump vẫn có nhiều cách để làm suy yếu NATO, chẳng hạn như rút đại sứ Mỹ khỏi NATO, cấm các nhà ngoại giao tham gia các cuộc họp của liên minh, hoặc cắt giảm ngân sách cho trụ sở NATO.
Thế giới đã bước vào thời kỳ đa cực với sự trỗi dậy của nhiều cường quốc, tạo ra môi trường an ninh phức tạp và cạnh tranh hơn. Đây là thách thức lớn đối với NATO, vốn được thiết kế cho một thế giới với một mối đe dọa duy nhất. Quá trình ra quyết định cứng nhắc cùng sự chia rẽ lợi ích giữa các thành viên khiến NATO khó thích ứng. Nếu không thay đổi, liên minh này có nguy cơ mất đi vai trò chiến lược trong trật tự toàn cầu mới.


Tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/4 ở thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington vẫn sẽ ở lại liên minh quân sự này
Canada là nước đầu tiên tuyên bố áp thuế trả đũa sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với hàng hoá nhập khẩu.
Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế đối ứng đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.
Lầu Năm Góc tuần này đã điều ít nhất 6 máy bay ném bom B-2, tương đương 30% phi đội máy bay ném bom tàng hình của không quân Mỹ tới căn cứ quân sự chung của Mỹ và Anh trên đảo Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương, theo các quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Ít nhất 7 người, trong có có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos, ngoài khơi Hy Lạp.
Số người chết sau trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar đã tăng lên hơn 3.000 người, tính đến ngày 3/4. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tích cực tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân.
0