Mỹ - Trung ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại quốc tế

Trung Quốc hiện đã đáp trả quyết định áp thuế 10% của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc bằng cách công bố mức thuế 15% với một số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đánh dấu những đòn trả đũa đầu tiên trong cuộc chiến thương mại.

Thông điệp của Trung Quốc

Trung Quốc sẽ áp thuế quan mới vào lượng hàng hóa trị giá 14 tỷ đô la nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm khí hóa lỏng, dầu thô, than, thiết bị nông nghiệp và các mặt hàng khác.

Thông báo của Bắc Kinh được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa của Trung Quốc, làm bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa hai đối thủ. Bắc Kinh cũng tuyên bố, cơ quan quản lý chống độc quyền sẽ điều tra về Google.

Bộ Thương mại Trung Quốc hiện đã thêm hai công ty Mỹ - công ty công nghệ sinh học Illumina và nhà bán lẻ thời trang PVH Group, chủ sở hữu của Calvin Klein và Tommy Hilfiger - vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy, với lý do họ "vi phạm các nguyên tắc giao dịch thị trường bình thường". Động thái này cản trở đáng kể khả năng kinh doanh của các công ty Mỹ tại Trung Quốc.

Thuế quan mới của Trung Quốc chậm hơn của Mỹ một tuần. Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã dành thời gian để đàm phán với Washington nhằm giảm căng thẳng. Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ đồng ý hoãn áp thuế để đối thoại sâu hơn, giống như ông Trump đã làm với các nhà lãnh đạo Mexico và Canada.  Nhưng đã không có thỏa thuận nào được đưa ra trước thời hạn vào Chủ nhật 9/2, nên mức thuế mới này có hiệu lực vào lúc 11 giờ 01 phút sáng ngày thứ Hai tuần này (tức là ngày 10/2), theo giờ Mỹ.

"Chúng ta sẽ phạt Trung Quốc và cả các nước khác. Ngay lúc này, họ đã lợi dụng chính quyền Biden chưa từng thấy. Khoản thâm hụt với Trung Quốc là khoảng một nghìn tỷ đô la. Họ đang sử dụng tiền của chúng ta để xây dựng quân đội của họ, và ông Biden đã để điều đó xảy ra."

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Một nhà phân tích tài chính ngạc nhiên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không vội đàm phán với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi mức thuế trả đũa của Trung Quốc có hiệu lực vào thứ Hai (ngày 10/2).

"Thật hơi ngạc nhiên khi chính phủ Mỹ để các công ty của mình chịu thiệt hại mà thậm chí không gọi điện cho chủ tịch Trung Quốc"."Rất nhiều công ty Mỹ chắc chắn đang vận động chính phủ, nhưng hiện tại, ông Trump không nghe bất kỳ ai".

Ông Rodrigo Zeidan, Giáo sư Kinh doanh và Tài chính tại Đại học New York

Sự đáp trả hạn chế của Bắc Kinh đối với việc ông Trump áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã nhấn mạnh nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, nhằm lôi kéo ông Trump vào các cuộc đàm phán để ngăn chặn một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc hy vọng, Washington sẽ hợp tác với Bắc Kinh để đảm bảo mối quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững giữa hai nước.

"Trung Quốc cực kỳ không hài lòng và kiên quyết phản đối điều này. Các biện pháp mà Trung Quốc thực hiện là cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Sẽ không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hay chiến tranh thuế quan, cũng như áp lực hay đe dọa sẽ không có tác dụng với Trung Quốc. Trung Quốc kêu gọi Mỹ sửa chữa những hành vi sai trái của mình, giải quyết các mối quan tâm của chúng tôi thông qua tham vấn bình đẳng và nỗ lực thúc đẩy sự phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững của quan hệ Trung Quốc-Mỹ."

Ông Lâm Kiếm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Trong một động thái mới nhất nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn nhưng lại làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại trên nhiều mặt trận, ông Trump đã ký các tuyên bố nâng mức thuế quan của Mỹ đối với nhôm từ 10% lên 25% và xóa bỏ các ngoại lệ quốc gia và các thỏa thuận hạn ngạch, cũng như xóa bỏ hàng trăm nghìn loại trừ thuế quan cụ thể cho từng sản phẩm đối với cả hai loại kim loại, thép và nhôm. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 4/3. Thuế suất sẽ tăng trở lại 25% đối với hàng triệu tấn thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và các quốc gia khác vốn được miễn thuế khi vào Mỹ theo các điều khoản miễn trừ.

Tháng trước (1/2025), Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo sự gia tăng các chính sách bảo hộ có thể ảnh hưởng đến đầu tư và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. IMF kêu gọi "vì lợi ích của tất cả mọi người, chúng ta cần tìm ra những cách thức mang tính xây dựng để giải quyết bất đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại".

Tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ

Rủi ro mà một cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây ra là rất đáng kể, bao gồm cả lạm phát gia tăng. Theo các chuyên gia, các ngành công nghiệp Mỹ hiện đã có biên lợi nhuận eo hẹp, vì vậy họ sẽ trút gánh nặng chi phí sang cho người tiêu dùng Mỹ. Nếu hai quốc gia không tìm được bước đột phá, thì người Mỹ có thể phải trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng công nghệ, quần áo, cũng như các hàng hóa khác. Thuế quan tăng có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, làm giảm lạm phát khi người tiêu dùng và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu.

Một lĩnh vực mà người tiêu dùng Mỹ có thể cảm nhận được tác động ngay lập tức, đó là quần áo giá rẻ từ các nhà bán lẻ thời trang nhanh của Trung Quốc là Shein và Temu. Theo quy đinh mới, các gói hàng có giá trị dưới 800 đô la xuất từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ không còn được miễn thuế. Mỹ nhập khoảng 1 tỷ đô la hàng hóa theo con đường này hàng năm.

Hai hãng thời trang giá rẻ Temu và Shein có thể sẽ bị ảnh hưởng vì hai lý do. Họ sẽ phải bắt đầu trả thuế đối với váy và áo phông. Những chi phí đó sẽ được chuyển cho người mua hàng. Ngoài ra, ông Trump đã yêu cầu Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ kiểm tra các gói hàng giá trị thấp để sàng lọc fentanyl, điều này có thể gây ra sự chậm trễ trong quá trình vận chuyển. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, việc áp dụng mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, cùng với mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico hiện đang bị hoãn lại, sẽ khiến một hộ gia đình trung bình ở Mỹ phải chi thêm hơn 1.200 đô la một năm.

Cách tiếp cận thuế quan của ông Trump đã tạo ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế của chính Mỹ. Bloomberg đưa tin, chỉ số Tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm mạnh vào đầu tháng 2/2025 xuống mức thấp nhất trong bảy tháng, do dự đoán lạm phát ngắn hạn tăng đột biến liên quan đến lo ngại về thuế quan. Theo Đại học Michigan, chỉ số tâm lý của tháng 2 đã giảm 3,3 điểm xuống còn 67,8. Tờ Global Times trích lời các chuyên gia cho rằng, thuế quan là con dao hai lưỡi và có thể dự đoán được hậu quả đối với nền kinh tế Mỹ. Áp dụng thuế quan như một con bài mặc cả trong quá trình đàm phán của Mỹ với thế giới - thiếu tính khả thi thực tế và đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế, và cuối cùng sẽ gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của Mỹ.

Trong khi đó, các thương nhân Trung Quốc cho biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng. Thành phố Nghĩa Ô, ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, là trung tâm bán buôn lớn nhất thế giới về các mặt hàng và sản phẩm sản xuất nhỏ. Sản phẩm rất đa dạng, từ cây thông Noel đến đồ trang sức giả đều được xuất khẩu từ đây ra toàn cầu, bao gồm cả Mỹ.

“Việc tăng thêm đến 50% (thuế quan) cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chúng tôi.""Trước hết, sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm có lợi nhuận cao. Ví dụ, nếu tôi bán ở đây với giá 5 nhân dân tệ, các nhà bán buôn có thể bán cho người tiêu dùng với giá 15 hoặc 20 nhân dân tệ, vì đây là mức giá tiêu chuẩn ở Mỹ. Ngay cả khi thuế quan tăng thêm 2,5 nhân dân tệ vào 5 nhân dân tệ (một món đồ chơi), thì tác động đối với người tiêu dùng cuối cùng cũng không quá đáng kể. Mỹ chiếm khoảng 80% lượng xuất khẩu của chúng tôi.”

Anh Zeng Hao - Chủ công ty đồ chơi tại Nghĩa Ô, Trung Quốc

Abby Jin, người mua sản phẩm tại Nghĩa Ô, giống như những khách hàng khác tại các thị trường như Mỹ, Australia và Trung Đông, cho biết các nhà cung cấp trong thành phố không thiếu đơn đặt hàng và đặt câu hỏi: liệu Mỹ có thể tìm được nguồn thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hay không?

Trong cuộc chiến thương mại này, có vẻ các doanh nghiệp Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Thuế trả đũa có thể khiến hàng hóa mà Trung Quốc nhập từ Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, vì vậy các công ty Mỹ khó có thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Nghiên cứu của Brookings ước tính rằng, có từ 400.000 đến 700.000 việc làm tại Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi thuế quan trả đũa. Những người mất việc làm đầu tiên sẽ là công nhân tại các công ty ô tô và xe tải, các công ty dầu khí và các công ty sản xuất thiết bị xây dựng.

Dịch chuyển dòng chảy thương mại quốc tế

Các nền kinh tế lớn trên thế giới đã tăng cường các biện pháp chuẩn bị đối phó với mức thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp dụng trong những ngày tới. Tổng thống Trump đã hoãn áp dụng mức thuế quan cao đối với Canada và Mexico nhưng vẫn nhắm vào EU, khiến các giám đốc điều hành phải thấp thỏm về quy mô và tác động của bất kỳ khoản thuế mới nào. Các công ty châu Âu đang chuẩn bị cho tác động của cuộc chiến thương mại tiềm tàng với Mỹ. Một số giám đốc điều hành cấp cao cảnh báo rằng, sự không chắc chắn trong chính sách thương mại của ông Trump đã ảnh hưởng đến các kế hoạch đầu tư của họ.

Thông báo về thuế quan của tổng thống Trump đã gây ra mối lo ngại toàn cầu, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn của Mỹ, với một số nước đang cân nhắc các biện pháp đối phó nếu bị áp thuế. Canada dự định tăng cường quan hệ kinh tế với EU và duy trì các quy tắc thương mại toàn cầu.

EU và Canada đã ký kết hiệp định thương mại tự do kể từ năm 2017, hiệp định này đã thúc đẩy thương mại song phương tăng thêm 65%. Hai bên đã thiết lập quan hệ đối tác về nguyên liệu thô vào năm 2021. Bộ trưởng thương mại Canada Mary Ng đã gặp giám đốc thương mại EU Maros Sefcovic vào thứ Bảy. Trước đó, bà đã có cuộc họp với tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala tại Geneva vào thứ Sáu.

Bà Mary Ng cho biết, các khoáng sản quan trọng và các doanh nghiệp nhỏ là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong quan hệ kinh tế với với EU.

Về phần mình, EU mong muốn xây dựng quan hệ đối tác để đảm bảo nguồn cung cấp các kim loại đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, như coban, lithium và niken - để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Canada cũng đang thúc đẩy đa dạng hóa xuất khẩu. Năm 2018, nước này đặt mục tiêu tăng 50% xuất khẩu ngoài Mỹ vào năm 2025. Bà Mary Ng cho biết, Canada đang trên đà đạt được hoặc vượt mục tiêu. Canada đã ký kết các thỏa thuận thương mại với Indonesia vào tháng 12 và Ecuador vào tuần trước, đồng thời đang thúc đẩy mạnh mẽ các thỏa thuận thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ trưởng thương mại Canada sẽ dẫn đầu một phái đoàn gồm hơn 200 doanh nghiệp đến Australia, Singapore và Brunei vào tuần này. Bà cho biết thêm, Australia đang đàm phán với các quốc gia Đông Nam Á.

"Chúng tôi đang ngồi vào bàn đàm phán với các quốc gia Đông Nam Á. Tôi đã đưa một phái đoàn rất lớn các doanh nghiệp Canada đến Philippines vào tháng 12/2024, đến Indonesia, đến các thị trường như Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, các doanh nghiệp Canada rất hào hứng khi thâm nhập vào các thị trường này và chính phủ cũng rất quan tâm đến việc hỗ trợ họ. Điều đó thực sự quan trọng đối với Canada vì chúng tôi là một quốc gia thương mại. Cứ sáu việc làm ở Canada thì có một việc liên quan đến thương mại. Hai phần ba nền kinh tế của chúng tôi có liên quan đến thương mại."

Bà Mary Ng - Bộ trưởng Thương mại Canada

Ottawa đe dọa sẽ áp thuế trả đũa và hành động pháp lý đối với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế đối với Canada và Mexico. Bà Mary Ng cho biết, Canada có thể kiện Washington tại WTO nếu thuế có hiệu lực.

Các yếu tố địa chính trị tác động đến thương mại toàn cầu không phải là điều gì mới mẻ. Công ty luật quốc tế Baker Mackenzie đã viết rằng, một số công ty đa quốc gia đã "âm thầm rời khỏi" Trung Quốc và Mexico để cố gắng tránh tác động của thuế quan, trong khi một số công ty khác đang chuyển dịch hoạt động sản xuất. Việc Tổng thống Trump áp đặt thuế quan chắc chắn định hình lại bối cảnh thương mại toàn cầu.

Giống như EU hay Canada, các công ty ở Trung Quốc chắc chắn đang đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm những đối tác mới. Xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước còn lại trên thế giới tiếp tục tăng vọt, bao gồm cả Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, nơi trước đây không có nhiều sự hiện diện của công ty Trung Quốc. Có thể thấy, việc Mỹ áp thuế riêng đối nhiều quốc gia đang tạo ra những thay đổi lớn trong dòng chảy thương mại quốc tế, làm suy yếu các cam kết và thông lệ toàn cầu của khuôn khổ đa phương.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Quốc phòng Nga ngày 28/3 công bố hình ảnh cho thấy một đám cháy lớn nhấn chìm trạm đo khí đốt Sudzha ở khu vực Kursk.

Trận động đất mạnh 7,7 độ richter tại Myanmar có thể là trận động đất mạnh nhất trong gần 80 năm qua ở nước này, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vậy điều gì đã dẫn đến thảm họa này?

Quân đội Israel ngày 27/3 thông báo họ đã thành công trong việc đánh chặn hai tên lửa được phóng từ Yemen trước khi chúng kịp xâm nhập vào lãnh thổ Israel.

Mandalay - thành phố lớn thứ hai của Myanmar, nơi có ý nghĩa tôn giáo sâu sắc với những phế tích từ thời thuộc địa - đang trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu bởi trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra ngày 28/3.

Trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra ngày 28/3 tại miền Trung Myanmar gây ra những tác động nghiêm trọng, có sức mạnh tương đương với thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria năm 2023.

Máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất - UAV FPV đã trở thành công nghệ quyết định trong chiến tranh hiện đại và Nga đã tiên phong trong phát triển và ứng dụng thiết bị quân sự mới này.