Mỹ dỡ bỏ trừng phạt Syria: Bước ngoặt chính sách mới

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/5 đã bất ngờ tuyên bố dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt đối với Syria.

Quyết định này không chỉ phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Syria sau hơn một thập kỷ xung đột và cấm vận, mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về triển vọng tái thiết đất nước và sự thay đổi trong quan hệ quốc tế ở khu vực Trung Đông.

Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư ở Riyadh, Ả rập Xê út, ông Trump cho biết, các lệnh trừng phạt “đã đạt được mục đích” và “không còn cần thiết”, đồng thời nhấn mạnh “đã đến lúc Syria tiến lên phía trước” để tái thiết sau nội chiến.

“Syria đã chịu đựng quá nhiều chiến tranh và bi kịch. Người dân Syria xứng đáng được sống trong hòa bình. Chúng tôi sẵn sàng đưa Syria trở lại với cộng đồng quốc tế", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói.

Theo các nhà quan sát, quyết định dỡ bỏ trừng phạt đối với Syria của Tổng thống Trump không chỉ mang tính nhân đạo mà còn phản ánh chiến lược ngoại giao của Mỹ. Việc đưa Syria trở lại được xem là yếu tố then chốt để ổn định Trung Đông, thúc đẩy các sáng kiến kinh tế xuyên biên giới. Đồng thời, Mỹ muốn giảm ảnh hưởng của Nga và Iran tại Syria, vốn là hai đồng minh lớn của chính quyền cựu Tổng thống Basha al-Assad trước đây. Việc dỡ bỏ trừng phạt có thể mở đường cho sự hiện diện trở lại của doanh nghiệp và chuyên gia Mỹ trong công cuộc tái thiết Syria - một “miếng bánh” béo bở về dài hạn.

Tuy nhiên, quyết định của ông Trump ngay lập tức gây ra nhiều tranh cãi tại Mỹ. Một số nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa chỉ trích quyết định này là “vội vàng”, “thiếu minh bạch” và “không có sự tham vấn với Quốc hội”. Nhiều nhà phân tích cũng lo ngại việc hợp tác với Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa - người trước đây được cho là có liên quan đến Tổ chức khủng bố Al-Qaeda, sẽ tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn.

Bà Rosemary Kelanic, Giám đốc chương trình Trung Đông, Tổ chức ưu tiên quốc phòng cho hay: “Cả Tổng thống Trump và chính quyền Mỹ cần phải thận trọng. Không thể đặt cược hoàn toàn vào một chế độ chỉ vì họ đã cầm quyền được sáu tháng. Không có gì đảm bảo họ sẽ duy trì quyền lực lâu dài. Syria đang trải qua một cuộc cách mạng sâu rộng, với một chính quyền mới đang cố gắng tái cấu trúc xã hội. Mọi thứ có thể thay đổi theo những cách không thể lường trước”.

Dù còn nhiều tranh cãi, động thái của Tổng thống Trump được Liên hợp quốc và một số quốc gia như UAE và Bahrain ủng hộ, cho rằng đây là bước đi quan trọng để khôi phục sự ổn định tại Syria và thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu xung đột. Nếu triển khai đúng đắn, quyết định này có thể giúp Syria thoát khỏi tình trạng cô lập, mở rộng khả năng tiếp cận viện trợ quốc tế, tái thiết kinh tế và tạo cơ hội cho hàng triệu người tị nạn trở về quê hương. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, cần phải theo dõi các điều kiện đi kèm với sự thay đổi này, trong đó có khả năng Syria tham gia Thỏa thuận Abraham và bình thường hóa quan hệ với Israel, một yếu tố có thể ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện khu vực.

Trước Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu cũng đã nới lỏng một phần trừng phạt đối với Syria từ đầu năm nay, nhưng chưa đi đến quyết định dỡ bỏ hoàn toàn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Peru Dina Boluarte đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Tư pháp Eduardo Arana làm thủ tướng mới của nước này vào ngày 14/5, chỉ một ngày sau khi ông Gustavo Adrianzen từ chức.

Tập đoàn xe điện hàng đầu Trung Quốc - BYD sắp mở nhà máy đầu tiên tại châu Âu ở miền Nam Hungary, với kế hoạch sản xuất cả xe điện và xe lai sạc điện bắt đầu từ nửa cuối 2025.

Mỹ không muốn mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm nay, theo hãng tin ANSA.

Quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố được coi là “một quyết định mang tính lịch sử và đầy dũng cảm”, theo phát biểu của Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại Thổ Nhĩ Kỳ để chia sẻ tầm nhìn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, đồng thời “phối hợp lập trường trong tuần lễ mang tính quyết định”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phác họa quan điểm chính sách của mình đối với khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh trong bài phát biểu tại một diễn đàn đầu tư,nhân chuyến thăm Ả Rập Xê Út.