Mỹ chi gần 1 tỷ USD cho các cuộc tấn công Houthi
Một chiến dịch quân sự tốn kém
Mỹ bắt đầu chiến dịch không kích vào các mục tiêu Houthi sau khi lực lượng này liên tục tấn công các tuyến vận tải trên Biển Đỏ vào cuối năm 2023 để thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine trong cuộc xung đột với Israel tại Gaza. Theo Al Jazeera, Houthi đã sử dụng máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tàu chứa chất nổ để tấn công hơn 190 tàu, đánh chìm 2 chiếc và khiến ít nhất 4 thủy thủ thiệt mạng.
Các cuộc tấn công này đã khiến lưu lượng hàng hóa qua Biển Đỏ giảm tới 70%, buộc nhiều tuyến vận chuyển quốc tế phải chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi - một sự thay đổi khiến chi phí vận tải toàn cầu trội lên gần 200 tỷ USD, theo thống kê của The Economist.
"Chúng tôi khẳng định rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục leo thang ở cấp độ cao nhất chống lại kẻ thù Israel. Để ủng hộ người dân Palestine, chúng tôi sẽ làm hết khả năng của mình chống lại kẻ thù Israel và sẽ đối đầu với bất kỳ sự ủng hộ nào của Mỹ đối với Israel thông qua các cuộc tấn công vào quốc gia chúng tôi".
Ông Abdul-Malik Al-Houthi - lãnh đạo lực lượng Houthi.
Đáp trả, Mỹ phát động Chiến dịch Rough Rider vào ngày 15/3. Trên nền tảng Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ sử dụng "lực lượng áp đảo" để buộc Houthi chấm dứt các cuộc tấn công trên biển. Tuy nhiên, mục tiêu đó vẫn còn rất xa vời.
Sự chênh lệch về công nghệ giữa Mỹ và lực lượng Houthi là điều không thể phủ nhận. Quân đội Mỹ triển khai một loạt công nghệ hiện đại, kết hợp giữa đạn dẫn đường chính xác và các hệ thống không người lái. Trong số những vũ khí chủ lực được sử dụng có tên lửa hành trình tầm xa JASSM - loại tên lửa không đối đất được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách an toàn, giảm thiểu rủi ro cho lực lượng tấn công.
Trong khi đó, kho vũ khí của Houthi bao gồm tên lửa hành trình Quds-1 với tầm bắn khoảng 800km và tên lửa đạn đạo Toofan, có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 2000 km. Mặc dù công nghệ kém hơn đáng kể so với Mỹ, nhưng Houthi vẫn duy trì được khả năng tấn công linh hoạt và gây thiệt hại đáng kể.
Cả hai loại vũ khí kể trên đều bắt nguồn từ thiết kế của Iran, dù nhiều nhà phân tích cho rằng, chúng đã được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện địa phương. Các loại máy bay không người lái như Samad-3 - cũng có nguồn gốc từ Iran - giúp Houthi mở rộng phạm vi tấn công đến tận lãnh thổ Israel. Dù thiếu các tính năng tinh vi như khả năng tàng hình hay dẫn đường chính xác mà công nghệ Mỹ sở hữu, nhưng những hệ thống này lại có ưu thế là chi phí thấp và tính cơ động cao, khiến chúng khó bị phát hiện và tiêu diệt.
Ngược lại, mỗi quả tên lửa JASSM mà Mỹ sử dụng có giá khoảng 1,2 triệu USD, trong khi một tên lửa hành trình Tomahawk có thể lên tới gần 2 triệu USD - góp phần không nhỏ vào tổng chi phí khổng lồ của chiến dịch. Theo CNN, chỉ trong vòng hơn ba tuần, chiến dịch này đã ngốn gần 1 tỷ USD, vượt xa mức 200 triệu USD dành cho đạn dược trong cùng khoảng thời gian. Thiệt hại kinh tế rõ ràng là một gánh nặng ngày càng lớn.
Con số gần 1 tỷ USD chi phí không chỉ bao gồm giá trị của các tên lửa được sử dụng, mà còn phải tính đến chi phí khổng lồ cho việc triển khai lực lượng quy mô lớn. Trong đó có sự hiện diện của hai tàu sân bay, cùng với các máy bay ném bom chiến lược B-2 từ căn cứ Diego Garcia và các phi đội tiêm kích hiện đại như F-35A Lightning II. Chiếc F-35, máy bay tàng hình thế hệ thứ năm, có giá khoảng 80 triệu USD mỗi chiếc và tiêu tốn 44.000 USD cho mỗi giờ bay, thường mang theo vũ khí chính xác cao như bom dẫn đường GBU-31 JDAM.
Chi phí vận hành mỗi tàu sân bay, với khoảng 5.000 nhân sự và hàng chục máy bay cũng góp phần đẩy tổng chi lên tới hàng trăm triệu USD. Một quan chức quốc phòng Mỹ chia sẻ rằng, “nguồn lực đang dần cạn kiệt”, cho thấy vấn đề không chỉ nằm ở tài chính mà còn ở khả năng duy trì kho vũ khí, đặc biệt là tên lửa tầm xa, trong bối cảnh chiến dịch kéo dài.
Trái lại, lực lượng Houthi lại sử dụng chiến thuật tiêu hao với chi phí thấp: máy bay không người lái chỉ khoảng 20.000 USD một chiếc, trong khi để bắn hạ chúng, Mỹ phải dùng tới tên lửa phòng không SM-6 có giá lên tới 150.000 USD. Đây là một kiểu chiến lược bất đối xứng, gây áp lực tài chính và làm hao mòn năng lực quân sự của đối phương.
Tại sao hiệu quả không như kỳ vọng của Mỹ?
Các đợt không kích liên tục của Không quân Mỹ kể từ giữa tháng 3 đã không mang lại tác động đáng kể nào đối với ban lãnh đạo của Houthi cả về mặt chính trị lẫn quân sự, cũng như không làm suy giảm khả năng tấn công bằng tên lửa của lực lượng này. Các nguồn tin am hiểu về chiến dịch này nhấn mạnh rằng, Houthi vẫn tiếp tục tiến hành các đợt tấn công nhằm vào tàu chiến Mỹ và các mục tiêu liên quan đến Israel. Trong khi đó, một quan chức Mỹ thừa nhận rằng, nguồn lực dành cho chiến dịch đang gần cạn, làm dấy lên lo ngại về khả năng duy trì chiến dịch lâu dài của Mỹ trong khi chi phí không ngừng leo thang. Thông tin này, được kênh NEXTA có trụ sở tại Belarus chia sẻ đầu tiên trên nền tảng X, khiến người ta đặt câu hỏi liệu tiếp theo Mỹ có tiến hành một chiến dịch trên bộ hay không, dù đây sẽ là một bước đi đầy rủi ro với những thách thức phức tạp và chi phí lớn hơn nhiều.
Vì sao các cuộc tấn công lại không đạt được hiệu quả như kỳ vọng? Một nguyên nhân quan trọng có thể nằm ở lỗ hổng tình báo. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 19/3, một quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận, mặc dù một số thủ lĩnh Houthi đã bị tiêu diệt, nhưng việc xác định và nhắm trúng mục tiêu vẫn là một thách thức lớn. Các lãnh đạo chủ chốt của Houthi như Abdul Malik al-Houthi, thường hoạt động trong bí mật, cắt đứt liên lạc, khiến việc truy dấu và tấn công trở nên vô cùng khó khăn.
Dù theo các nhà phân tích, có thể đã có tới 80 sĩ quan quân sự Houthi thiệt mạng, nhưng bộ máy lãnh đạo cấp cao cả về chính trị lẫn quân sự của họ dường như vẫn không bị tổn hại đáng kể. Nhiều bệ phóng tên lửa của Houthi cũng vẫn còn nguyên vẹn.
Từ giữa tháng 3 đến nay, lực lượng này đã phóng hàng chục tên lửa đạn đạo nhằm vào Israel, cùng với nhiều đợt tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào tàu chiến của Mỹ. Dù chưa gây ra thiệt hại nghiêm trọng, nhưng những hành động đó cho thấy Houthi vẫn giữ vững khả năng tác chiến và tiếp tục là một lực lượng đáng gờm.
“Để đáp trả hành động xâm lược của Mỹ đối với đất nước chúng tôi và các vụ thảm sát dân thường ở Sanaa và Saada, lực lượng hải quân, lực lượng tên lửa và lực lượng không quân không người lái đã nhắm vào một số tàu chiến thù địch ở Biển Đỏ, bao gồm cả tàu sân bay Truman của Mỹ, bằng một số tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái. Cuộc giao tranh này là cuộc giao tranh thứ hai trong vòng 24 giờ, kéo dài trong nhiều giờ và ngăn chặn một cuộc tấn công trên không mà kẻ thù đang chuẩn bị thực hiện chống lại đất nước chúng tôi".
Ông Yahya Sarea - Người phát ngôn quân sự lực lượng Houthi
Các nhà phân tích nhận định rằng, Mỹ khó có khả năng triển khai lực lượng bộ binh quy mô lớn đến khu vực, ngoại trừ một số đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ nhằm hỗ trợ việc điều phối và chỉ đạo các cuộc không kích.
Khi các cuộc không kích không mang lại hiệu quả rõ rệt và một chiến dịch trên bộ được xem là không khả thi, Mỹ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: leo thang quân sự hay rút lui? Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz phát biểu trên ABC cũng xác nhận rằng, dù nhiều thủ lĩnh Houthi đã bị tiêu diệt, nhưng các cuộc tấn công từ nhóm này vẫn tiếp tục, cho thấy những "ưu thế" về quân sự của Mỹ không mang lại hiệu quả chiến lược lâu dài.
Ngược lại, Houthi dường như đã giành được lợi thế đáng kể về mặt tâm lý. Việc họ sống sót qua nhiều tuần bị tấn công bởi một trong những chiến dịch quân sự hiện đại và tốn kém nhất thế giới đã trở thành bằng chứng cho sức mạnh và khả năng chống chịu của họ.
Khả năng duy trì các cuộc tấn công, kiểm soát thực tế hoạt động hàng hải trên Biển Đỏ và buộc một siêu cường phải chi ra hàng tỷ USD để ứng phó đã giúp Houthi thay đổi vị thế, từ một nhóm bị coi là phiến quân yếu thế, họ dường như đang được nhìn nhận như một lực lượng có sức bền và ảnh hưởng tới việc định hình cục diện khu vực.
Liệu Mỹ có tấn công Iran?
Ngay từ những ngày đầu của chiến dịch, Tổng thống Trump và các quan chức Mỹ khác đã khẳng định mục đích của chiến dịch chống lại Houthi là nhằm mục đích răn đe Iran. Ông Trump tuyên bố rằng, Mỹ sẽ buộc Iran phải chịu trách nhiệm cho "mọi phát súng" mà Houthi bắn ra, đồng thời cảnh báo Iran sẽ phải đối mặt với hậu quả "thảm khốc" nếu nhóm vũ trang này tiếp tục tấn công ở Yemen. Trong một bức thư gửi cho Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei vào đầu tháng 3, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra tối hậu thư cho Tehran, đó là phải đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với Mỹ trong vòng hai tháng, nếu không sẽ bị "ném bom theo cách mà họ chưa từng thấy trước đây". Câu hỏi đặt ra hiện nay là Mỹ có tấn công Iran như lời đe dọa hay không?
Vào ngày 1/4, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo rằng, nhóm tác chiến tàu sân bay "Carl Vinson" sẽ được điều động đến Trung Đông, tạo thành một nhóm tác chiến "tàu sân bay kép" trong khu vực. Sáu máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 đã đến căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương và được cho là đã tham gia vào các cuộc không kích gần đây nhắm vào lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen. Theo truyền thông Israel vào ngày 6/4, Lầu Năm Góc cũng đã ra lệnh triển khai hai tiểu đoàn tên lửa phòng không Patriot và Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) từ châu Á tới Israel.
Đáp lại tuyên bố của Tổng thống Trump về việc buộc Iran phải chịu trách nhiệm cho "mọi phát súng" mà Houthi bắn ra, lãnh đạo Iran khẳng định, các nhóm này hành động độc lập.
“Một trong những sai lầm lớn mà các chính trị gia Mỹ và châu Âu mắc phải là họ dán nhãn các trung tâm kháng chiến trong khu vực là lực lượng ủy nhiệm của Iran. Họ xúc phạm các lực lượng này. ‘Ủy nhiệm’ có nghĩa là gì? Người dân Yemen có động cơ riêng của họ; các nhóm kháng chiến, các trung tâm kháng chiến ở các quốc gia trong khu vực, có động cơ riêng của họ. Cộng hòa Hồi giáo Iran không cần các nhóm ủy nhiệm”.
Ông Ayatollah Ali Khamenei - Lãnh tụ Tối cao của Iran
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao cho biết, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã trực tiếp ra lệnh đặt quân đội vào trạng thái báo động cao, trong bối cảnh xuất hiện nguy cơ Mỹ có thể phát động một chiến dịch quân sự nếu đàm phán về hạt nhân thất bại. Iran cũng đã gửi thông báo tới một loạt quốc gia láng giềng gồm Iraq, Kuwait, UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Bahrain cảnh báo rằng, việc cho phép Mỹ sử dụng không phận hay căn cứ quân sự trên lãnh thổ các nước này để tấn công Iran sẽ bị coi là hành động thù địch và sẽ bị đáp trả nghiêm khắc.
Điện Kremlin khẳng định, Nga sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp có thể để giúp giải quyết căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran, khi Washington yêu cầu Tehran ký một thỏa thuận hạt nhân nếu không sẽ bị ném bom.
“Chúng tôi liên tục tham vấn với các đối tác Iran, bao gồm cả về chủ đề thỏa thuận hạt nhân. Chúng tôi liên tục duy trì liên lạc, tổ chức tham vấn về vấn đề này. Quá trình này sẽ tiếp tục, bao gồm cả trong tương lai gần. Và tất nhiên, Nga sẵn sàng nỗ lực hết sức, làm mọi thứ có thể để đóng góp vào việc giải quyết vấn đề này bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao”.
Ông Dmitry Peskov- Người phát ngôn của Điện Kremlin
“Tôi thực sự nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có các cuộc đàm phán trực tiếp. Tôi nghĩ rằng sẽ nhanh hơn và hiểu rõ hơn về phía bên kia so với việc thông qua các bên trung gian. Họ muốn sử dụng các bên trung gian, nhưng tôi không nghĩ rằng điều đó nhất thiết đúng nữa".
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Cả ông Trump và giới lãnh đạo Iran đều muốn tránh một cuộc đối đầu quân sự trong tương lai gần. Liên minh chính trị của ông Trump không muốn Mỹ tham gia vào các cuộc chiến tranh mới vô thời hạn.
Tổng thống Trump đang cố gắng để xây dựng hình ảnh người gìn giữ hòa bình và đã nhiều lần tuyên bố, ông thích các thỏa thuận hơn. Ông tin rằng việc ném bom Iran có thể khiến Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến không được lòng dân, làm chệch hướng các nguồn lực quý giá khỏi các ưu tiên trong nước của Mỹ và gây nguy hiểm cho đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh mà không đem lại nhiều lợi ích chính trị.
Phó tổng thống Vance cũng bày tỏ mối quan ngại rủi ro đối với giá dầu khi tấn công Houthi. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, việc ông Trump gia tăng áp lực với Iran có thể chỉ nhằm mục đích tìm kiếm sự nhượng bộ để hai bên ngồi vào bàn đàm phán.


Chất lượng cao của pháo tự hành Bogdana cùng với tốc độ sản xuất rất nhanh giúp vũ khí này của Ukraine dần thay thế sản phẩm phương Tây viện trợ.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, ngày 13/4, lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ một máy bay chiến đấu F-16 do Ukraine vận hành và hơn 200 máy bay không người lái.
Nga và Tajikistan đã hoàn thành cuộc tập trận chống khủng bố chung tại thao trường núi và sa mạc Kharb-Maydon, nằm ở vùng Khatlon của Tajikistan, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Cơ quan tình trạng khẩn cấp Ukraine cáo buộc Nga đã tấn công tên lửa vào thành phố Sumy, khiến ít nhất 34 người thiệt mạng và 117 người khác bị thương, tuy nhiên Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 14/4 xác nhận sẽ đến Tehran trong tuần này nhằm thúc đẩy hợp tác với Iran về chương trình hạt nhân.
Từng được mệnh danh là “công xưởng thế giới”, Trung Quốc nay đang chuyển mình thành cường quốc công nghệ cao.
0