Luật Dữ liệu: Nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số
Vào ngày 30/11 vừa qua, Quốc hội chính thức thông qua dự án Luật Dữ liệu, gồm 5 chương, 46 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Chị Vũ Thị Thu Hà (xã Minh Quang, huyện Ba Vì) chia sẻ: "Thực sự là rất thuận lợi. Bản thân tôi cảm thấy Đề án 06 đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong tất cả các sinh hoạt. Tôi đi khám bệnh, rút tiền, thực hiện các thủ tục hành chính khác mà không cần phải mang nhiều giấy tờ".
Niềm vui, sự phấn khởi của người dân về việc tích hợp tiện ích căn cước công dân chính là minh chứng rõ ràng nhất về ý nghĩa thiết thực của Đề án 06, cũng như sự chuyển đổi trong việc quản lý, lưu trữ thông tin của công dân.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới hiện nay. Ở nước ta, việc tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu trên môi trường số đã có rất nhiều chuyển biến. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc khai thác, liên thông, cung cấp kịp thời dữ liệu để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công và nhất là bảo vệ thông tin người dùng trên môi trường mạng. Do đó, khi Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Dữ liệu đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ.
GS. TS Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng: "Chúng ta đang ở trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thời đại kỷ nguyên số. Tất cả những thông tin, dữ liệu trước đây đều được duy trì, quản lý trên các phương tiện vật lý (như là giấy tờ) thì hiện nay đổi thành các dữ liệu số. Vì thế, những thông tin này cần có hệ thống pháp lý để bảo vệ, quản lý khi đã đi vào môi trường mạng. Và điều này không chỉ là quản lý thông tin của một cá nhân riêng lẻ, mà còn quản lý tổng thể hệ thống thông tin của một quốc gia".
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Dữ liệu đã được Quốc hội nhất trí cao và chính thức thông qua với 5 chương, 46 điều. Trong đó nhấn mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, đóng vai trò là "nguồn tài nguyên dùng chung" cho các bộ, ngành và địa phương. Dữ liệu sẽ được thu thập, cập nhật và đồng bộ hóa, giúp cải thiện hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tạo điều kiện phát triển các nền tảng công nghệ số.
Theo các chuyên gia, sau gần 30 năm Internet phát triển tại Việt Nam, một số nền tảng mạng xã hội đang nắm giữ rất nhiều thông tin và dữ liệu của người dùng. Do đó, Luật Dữ liệu còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ thông tin, dữ liệu công dân.
"Chúng ta cần có một hệ thống hành lang pháp lý để quản lý, bảo vệ, khai thác, cùng với các văn bản pháp lý liên quan để xác định được cần xây dựng các văn bản pháp lý như thế nào, các cơ quan Nhà nước tham gia công cuộc này với vai trò trách nhiệm ra sao,.. thì việc tổ chức khai thác cơ sở dữ liệu trên hành lang pháp lý này cũng sẽ được thực hiện chuẩn chỉ và chặt chẽ. Lúc đó, câu chuyện sẽ rõ là ai, cá nhân, tổ chức nào, được tham gia đến đâu, được khai thác cái gì, các cơ quan kinh doanh được kinh doanh dữ liệu ở mức nào. Tránh được tình trạng như bây giờ là người dân bị lộ lọt thông tin", ông Lê Thanh Tùng, chuyên gia an ninh mạng, Giám đốc Công ty HST Consulting đề xuất.
Thời gian qua, Hà Nội cùng cả nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Trong đó, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc triển khai Đề án 06, xây dựng các mô hình chuyển đổi số điển hình trong cơ quan Nhà nước như chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; vé điện tử liên thông đa phương thức; phát động không dùng tiền mặt trong nhiều lĩnh vực; hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố tạo sự đồng nhất, tiết kiệm trong công tác hành chính và tiện lợi, nhanh chóng đời sống của người dân.
Có thể thấy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý từ Luật Dữ liệu đã góp phần quan trọng tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Luật Dữ liệu - cùng với quá trình chuyển đổi số sẽ tạo được sự thống nhất và đồng bộ trong việc quản lý, sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu, phục vụ hiệu quả hơn cho công tác quản lý Nhà nước và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các công việc, nhất là việc lấy ý kiến nhân dân về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 đảm bảo đúng tiến độ.
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội ngày 13/5 đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với hai cán bộ công an để điều tra sai phạm.
Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định ngày 13/5 đã tuyên án 5 bị cáo trong vụ án “nhận hối lộ” và “đưa hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 77-04D, thuộc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Bình Định, với tổng mức gần 12 năm tù.
Qua hai năm, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 260.000 nghìn vụ gian lận thương mại, thuế; khởi tố hình sự 5.000 vụ với hơn 7.000 đối tượng.
Các đại biểu đề nghị thống nhất, dữ liệu cá nhân được sử dụng để chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế dữ liệu phát triển, cần bảo đảm không xâm phạm đời tư cá nhân.
Liên tiếp trong những ngày vừa qua, hàng loạt vụ va chạm, tai nạn đã xảy ra do người lái xe chủ quan khi đi đến nơi giao nhau, có những vụ đã để lại hậu quả đáng tiếc.
0