Lãnh đạo châu Âu tìm giải pháp hoà bình cho Ukraine

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp tại Brussels, Bỉ để bàn về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine cũng như vấn đề củng cố năng lực quốc phòng của khối.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận cách liên minh này có thể tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và các nguyên tắc cần được tôn trọng trong tương lai. Trong bối cảnh này, họ sẽ trao đổi quan điểm về những đóng góp của châu Âu vào các đảm bảo an ninh cần thiết cho một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine.

Sau khi Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine, bước đi mạnh mẽ nhất cho thấy sự thay đổi lập trường của Washington về xung đột ở Ukraine, dư luận quan tâm tới việc EU làm thế nào để lấp được khoảng trống này.

Trước cuộc họp thượng đỉnh của EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Mỹ đang sát cánh cùng châu Âu, nhưng châu lục này cần sẵn sàng cho kịch bản không còn điều đó.

"Ngay tuần tới, chúng tôi sẽ tập hợp tại Paris những chỉ huy quân đội muốn chịu trách nhiệm về vấn đề này. Và vì vậy, đây là một kế hoạch cho một nền hòa bình vững chắc, lâu dài và có thể kiểm chứng được mà chúng tôi đã chuẩn bị với Ukraine và một số đối tác châu Âu. Tôi muốn tin rằng, Mỹ sẽ sát cánh cùng chúng tôi, nhưng chúng tôi phải sẵn sàng nếu điều này không xảy ra", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, EU và các quốc gia thành viên đã chi gần 135 tỷ euro để hỗ trợ Ukraine và người dân nước này, trong đó có 48,7 tỷ euro hỗ trợ cho lực lượng vũ trang Ukraine.

Tại cuộc họp kín vào ngày 3/2, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về cách tăng cường quốc phòng châu Âu về năng lực tập thể, tài chính và quan hệ đối tác chiến lược. Dựa trên cuộc thảo luận đó và xét đến tính cấp bách của tình hình ở Ukraine, các nhà lãnh đạo sẽ hướng tới mục tiêu đưa ra những quyết định đầu tiên để giúp châu Âu trở nên tự chủ hơn, có năng lực hơn và được trang bị tốt hơn để đối phó với các thách thức an ninh hiện tại và tương lai.

EU và các quốc gia thành viên cam kết cùng nhau chi nhiều hơn cho quốc phòng và đã có hành động quyết đoán về vấn đề này. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2024, tổng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên đã tăng hơn 30%, ước tính lên tới 326 tỷ euro, tương đương khoảng 1,9% GDP của EU.

Tuy nhiên, trước tình trạng ngân sách hạn chế, EU sẽ cần tìm ra giải pháp hài hòa giữa việc đảm bảo an ninh và duy trì sự ổn định tài chính, đồng thời tránh để gánh nặng kinh tế đè nặng lên các quốc gia thành viên.

Ngày 4/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất huy động khoảng 840 tỷ USD để cải thiện khả năng phòng thủ chung. Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp phải trở ngại lớn do thiếu nguồn tài chính trực tiếp, đặt gánh nặng ngân sách lên các nước thành viên. Bà Von der Leyen đã công bố chương trình cho vay trị giá 150 tỷ euro để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của khối và tăng cường năng lực quân sự của các quốc gia thành viên.

Một nội dung khác cũng đang được xem xét là việc triển khai lực lượng quân sự châu Âu đến Ukraine trong trường hợp đạt được thỏa thuận ngừng bắn hoặc hòa bình. Cho đến nay, Anh và Pháp đã tuyên bố sẵn sàng triển khai lực lượng. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia châu Âu đều đồng thuận với ý tưởng này.

Những nước ủng hộ ý tưởng của Pháp và Anh gồm có Hà Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha. Trong khi đó, một số quốc gia khác như Bồ Đào Nha, Ireland, Đức tỏ ra thận trọng. Italy, Ba Lan bày tỏ sự hoài nghi, còn Hungary và Slovakia là hai quốc gia phản đối mạnh mẽ ý tưởng trên.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sự khó đoán và phong cách lãnh đạo đầy kịch tính của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ là ngẫu nhiên mà dường như là một chiến lược có chủ đích. Tuy nhiên, điều từng mang lại lợi thế cho ông trong kinh doanh lại có thể trở thành rủi ro khi điều hành một quốc gia và định hình chính sách toàn cầu.

Mỹ đang điều chỉnh chính sách với Ukraine, bao gồm tạm dừng viện trợ quân sự và ngừng chia sẻ tình báo, gây ảnh hưởng lớn đến cục diện xung đột. Cùng với đó, Washington cũng mở ra khả năng đàm phán với Nga, trong khi châu Âu ngày càng có những phản ứng cứng rắn.

Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Phong trào kháng chiến hồi giáo Hamas về vấn đề con tin và lệnh ngừng bắn tại Gaza, các quan chức Israel và Nhà Trắng xác nhận thông tin vào ngày 5/3. Đây là động thái chưa từng có, phá vỡ nguyên tắc ngoại giao lâu nay của Mỹ là không đàm phán với các nhóm bị coi là tổ chức khủng bố.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp tại Brussels, Bỉ để bàn về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine cũng như vấn đề củng cố năng lực quốc phòng của khối.

Không quân Hàn Quốc đã thừa nhận sai lầm khi một máy bay chiến đấu vô tình thả 8 quả bom xuống một ngôi làng, khiến nhiều người bị thương.

Canada đã nộp đơn khiếu nại về mức thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Canada, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết.