Làng đào, làng quất đón xuân
Những con đường làng buổi sáng êm đềm trong sương sớm, những chén trà nóng được pha sớm mời khách, đường làng vẫn vắng bóng nhưng trong những lán tạm ngoài bãi, mọi người rôm rả trò chuyện. Đây là cuộc sống thường ngày của những người trồng cây hoa cảnh Tây Hồ khi chỉ còn gần ba tuần nữa là tới Tết Nguyên đán.
Dịp cận Tết, dù công việc có đôi phần vất vả, bà Ngô Thị Ngà, Chủ tịch Hội làng nghề quất cảnh truyền thống phường Tứ Liên vẫn rất yêu thích không khí này, bà nói: "Chúng tôi ở ngoài vườn vui lắm. Ở nhà buồn hơn vì không có không khí như ngoài vườn. Mùa này có sương muối nên phải bơm nước tưới rửa sương từ sớm".
Anh Phan Duy Hưng (Tứ Liên, Tây Hồ) chia sẻ: "Công việc hàng ngày cũng chỉ lên vườn tưới cây, rồi pha nước uống thôi. Chủ vườn chúng tôi đều quen biết nhau, không ai lạ gì ai".
Cạnh đó, anh Đỗ Đức Chiến, một chủ vườn đào ở Nhật Tân, bắt đầu buổi sáng chưa có khách với việc sửa sang, ghép đào. Cả vườn đào đang sẵn sàng chờ đón những người khách đầu tiên, anh Chiến không cần chăm bẵm quá nhiều cho những cây đào thì anh lại tiếp tục ghép cây. Người làm đào cứ quanh năm luân phiên công việc như vậy.
Trận bão và mấy tháng nay mưa ít cũng ảnh hưởng đến những cây quất. Nhưng đó là theo con mắt nhà nghề của người trồng quất. Còn thực tế, những cây quất Tứ Liên vẫn trĩu quả, vẫn lôi cuốn bao khách hàng mỗi dịp tết đến xuân về.
Theo anh Phan Duy Hưng (Tứ Liên, Tây Hồ), năm nay ít mưa nên những cây quất đôi khi bị bụi, mã quất không được như mọi năm. Năm nay ít mưa, có mưa nhưng không đủ ướt lá, mà cây cối nào thì cũng thích mưa. Sau trận bão lớn hồi tháng 9, mọi người đều tập trung khắc phục và hiện tại có thể có đủ số lượng cây để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Gần trưa, khách bắt đầu tới thăm vườn. Những cây quất được ngắm, được chọn và được vận chuyển đi muôn nơi. Ở những vùng trồng cây truyền thống, khách rất đa dạng. Đó có thể là khách quen lâu năm, cũng có thể là khách lạ. Nhiều người có thời gian nên thăm thú các vườn. Ngày hôm nay, ông Bình đã có cho mình một cây quất ưng ý, sẵn sàng cho ngày tết sắp tới. "Quất Tứ Liên là có mẫu mã đẹp nhất rồi. Anh em bán hàng hiểu nhau nên việc mua bán diễn ra rất nhanh và thuận lợi", ông Bình nói.
Những cây quất dần được đưa lên xe tải, con đường làng đã bắt đầu nhộn nhịp. Những cành đào được cắt và đưa về với chủ mới.
Người trồng đào ở Nhật Tân không chỉ là nông dân mà họ còn là thợ cắt tỉa, là người tư vấn và hướng dẫn viên du lịch. Hơn 20 năm làm nghề, anh Chiến hiểu rõ cây đào Nhật Tân, hiểu rõ các thông điệp của mỗi dáng cây, mỗi nụ hoa để rồi chuyển tải và đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Năm nào ông Trần Đình Thanh (Láng Hạ, Đống Đa) cũng đến làng đào Nhật Tân để sắm một cây hoa đón Tết. Theo ông Thanh, hoa ở đây rất đẹp vì người bán biết cách chăm sóc. Cây hoa có nhiều nụ to, lại có dáng đẹp.
Gần ba tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, những con đường qua khu bãi Tứ Liên, Nhật Tân vẫn chưa quá nhộn nhịp. Những người trồng Đào như anh Chiến vẫn cặm cụi tranh thủ thời gian chưa có khách để ghép nốt mấy cây đào rừng. Việc ghép đào Nhật Tân với đào rừng đã được người nông dân làm bao lâu nay, tạo ra một sắc diện mới cho vùng đất Nhật Tân.
Những cây đào đã sẵn sàng. Anh Chiến đón khách đến thăm vườn, đón khách qua điện thoại. Hàng quất của nhà anh Hưng tăm tắp với màu vàng xanh nổi bật cũng đã sẵn sàng nghênh đón mùa xuân mới.


Nhiều người đã tìm về thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội để hoà mình trong không gian làng quê thanh bình, với cánh đồng lúa xanh nổi bật và hàng hoa gạo bắt đầu bung nở.
Con phố sách cũ trên đường Láng (Hà Nội) là chốn thân quen của nhiều người, nơi chứa đựng những câu chuyện riêng, khiến cho tâm hồn của họ luôn được rộng mở.
Bên cạnh di sản kiến trúc, lịch sử, Hoàn Kiếm còn là cái nôi của một di sản đặc biệt - di sản ẩm thực, hội tụ của sự tinh tế.
Rau muống xào tỏi của Việt Nam vinh dự xếp hạng thứ 24 trong danh sách 100 món rau ngon nhất thế giới của chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Atlas, với số điểm 4,3/5 sao.
Những ngày khô lạnh ít ỏi của đợt rét tháng Ba rất nhanh sẽ đi qua, để sớm mai, một mùa hè rực rỡ bừng tỉnh.
Với khát khao gìn giữ "hơi thở" của the lụa từng vang danh, nghệ nhân Lê Đăng Toản (Hà Đông) đã miệt mài canh cửi trong suốt gần 20 năm, dù hành trình không ít gian nan.
0