'Khoảng nghỉ' 30 ngày trong cuộc xung đột Nga - Ukraine
“Khoảng nghỉ” 30 ngày
Cuộc đàm phán giữa phái đoàn Ukraine và Mỹ tại thành phố Jeddah của Ả Rập Xê Út là sự kiện được thế giới đặc biệt chú ý. Đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa Kiev và Washington, kể từ khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có cuộc tranh cãi gay gắt với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống JD Vance tại Nhà Trắng hôm 28/2. Cuộc họp đã kết thúc sau hơn 8 giờ với những tín hiệu tích cực, đem lại cơ hội ngừng bắn lâu dài cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Phái đoàn Ukraine tham gia đàm phán tại Ả Rập Xê Út bao gồm: Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak, Ngoại trưởng Andrii Sybiha, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov. Phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Marco Rubio và Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz dẫn đầu.
Tuyên bố chung sau cuộc gặp khẳng định, Ukraine sẵn sàng chấp nhận lệnh ngừng bắn sơ bộ theo sáng kiến của Mỹ. Lệnh ngừng bắn có thời hạn 30 ngày, sẽ có hiệu lực ngay khi Nga đồng ý, có thể gia hạn lâu hơn. Cũng trong tuyên bố chung, Mỹ đồng ý ngay lập tức nối lại viện trợ quân sự và chia sẻ tình báo với Ukraine. Washington và Kiev cam kết "sớm hoàn tất thỏa thuận toàn diện về phát triển nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng của Ukraine". Hai bên cũng nhất trí chỉ định các nhóm đàm phán và bắt đầu đàm phán để đạt được hòa bình bền vững. Mỹ cam kết thảo luận các đề xuất cụ thể này với đại diện của Nga. Phái đoàn Ukraine một lần nữa nhấn mạnh rằng, các đối tác châu Âu phải tham gia vào tiến trình hòa bình.
“Hôm nay chúng tôi đã đưa ra một lời đề nghị mà người Ukraine đã chấp nhận, đó là ngừng bắn và đàm phán ngay lập tức để chấm dứt cuộc xung đột này theo cách bền vững và lâu dài, đồng thời bảo vệ lợi ích, an ninh và thịnh vượng của đất nước họ”.
Ông Marco Rubio, Ngoại trưởng Mỹ
“Họ đã có những bước đi cụ thể và đề xuất cụ thể, không chỉ chấp thuận đề xuất của chúng tôi về lệnh ngừng bắn hoàn toàn như trong tuyên bố chung mà chúng tôi còn đi vào chi tiết quan trọng về cách thức chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến này”.
Ông Mike Waltz, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ
“Điều quan trọng là hôm nay, Ukraine một lần nữa đã chứng minh như trong suốt ba năm qua rằng, chúng tôi đã đấu tranh cho nền độc lập, tự do của mình như thế nào. Hôm nay, chúng tôi đã chứng minh với toàn thế giới rằng chúng tôi muốn hòa bình. Chúng tôi sẵn sàng hòa bình vì một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine
Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp cấp cao Ukraine - Mỹ, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, phái đoàn Ukraine đến Ả Rập Xê Út với đề xuất ba điểm cho giai đoạn đầu đàm phán hòa bình: ngừng bắn trên không và trên biển, thả tù binh và hồi hương trẻ em Ukraine đã bị đưa sang Nga. Tuy nhiên, phía Ukraine đã chấp nhận đề xuất của Mỹ về việc ngừng bắn tạm thời trong 30 ngày với Nga.
“Phía Mỹ đã đề xuất thực hiện bước đi đầu tiên: thiết lập lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày. Không chỉ dừng tên lửa, máy bay không người lái và bom, không chỉ đảm bảo an ninh Biển Đen, mà còn thực hiện lệnh ngừng bắn hoàn toàn trên toàn bộ tiền tuyến. Ukraine hoan nghênh đề xuất này, chúng tôi coi đây là một đề xuất tích cực và sẵn sàng thực hiện bước đi này”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Nhà Trắng cũng đánh giá cuộc gặp là hiệu quả và thông tin từ Jeddah là tích cực. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự hoan nghênh với kết quả cuộc đàm phán ở Ả Rập Xê Út, cho biết ông có thể sẽ điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này.
“Ukraine đã đồng ý và hy vọng Nga sẽ đồng ý. Chúng tôi sẽ gặp họ sau, hy vọng chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận. Nhưng tôi nghĩ rằng, lệnh ngừng bắn rất quan trọng. Nếu chúng tôi có thể khiến Nga thực hiện được điều đó, sẽ thật tuyệt vời. Nếu không, sẽ ngày càng có nhiều người thiệt mạng trong cuộc xung đột”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Sau thất bại ngoại giao của Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 28/2, cuộc gặp tại Ả Rập Xê Út lần này tạo ra cơ hội để Kiev và Washington hàn gắn mối quan hệ song phương, giúp Washington lấy lại vị thế trung gian và đem đến hy vọng rõ ràng về việc chấm dứt cuộc xung đột đã bước vào năm thứ tư ở Ukraine.
"Bóng" đang ở chân người Nga
Tuyên bố chung sau cuộc họp giữa phái đoàn cấp cao Mỹ và Ukraine tại Ả Rập Xê Út đánh dấu một bước ngoặt lớn so với cuộc họp căng thẳng tại Nhà Trắng hôm 28/2. Tuy nhiên, Điện Kremlin vẫn chưa lên tiếng về kết quả cuộc hội đàm trên, dù giới chức Mỹ khẳng định rằng, “bóng” đã ở chân người Nga.
Tuyên bố trong cuộc họp báo tại Ả Rập Xê Út, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định, Washington sẽ lập tức chuyển đề xuất này cho Moscow và hy vọng giới lãnh đạo Nga đồng ý.
“Hôm nay, Ukraine đã có bước đi cụ thể và chúng tôi sẽ đưa đề nghị này đến người Nga. Chúng tôi hy vọng họ sẽ nói đồng ý với hòa bình. 'Bóng' đang ở chân họ”.
Ông Marco Rubio, Ngoại trưởng Mỹ
Sự cải thiện trong quan hệ song phương giữa Washington và Moscow đã thúc đẩy Điện Kremlin đưa ra một loạt yêu cầu không thể thương lượng, được cho là nền tảng cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Theo các nguồn tin, Washington đã thể hiện sự quan tâm đến những điều khoản này. Nhiều nguồn tin từ cộng đồng ngoại giao và tình báo Ukraine, những người có hiểu biết trực tiếp về các yêu cầu của Liên bang Nga, xác nhận rằng các quan chức Mỹ đã để ngỏ khả năng nhượng bộ ít nhất bốn điểm quan trọng trong kế hoạch hòa bình của Moscow.
Thứ nhất, Moscow kiên trì yêu cầu ngừng hoàn toàn việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện cho các lực lượng của Ukraine.
Thứ hai, Moscow tìm kiếm sự công nhận quốc tế rằng Crimea, Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk là lãnh thổ của Nga.
Thứ ba, Moscow muốn khôi phục vị thế quan trọng của văn hóa Nga ở Ukraine bằng cách tái trọng tâm vào ngôn ngữ Nga, truyền thông Nga và Giáo hội Chính thống Nga.
Cuối cùng, Điện Kremlin đang thúc đẩy việc “quay lại các điều khoản của Thỏa thuận Istanbul về tất cả các vấn đề”. Thỏa thuận Istanbul là một loạt đề xuất hòa bình được đàm phán giữa Ukraine và Liên bang Nga vào tháng 3/2022, bao gồm các điều khoản về tính trung lập của Ukraine, bảo đảm an ninh và hạn chế quân sự để đổi lấy việc rút quân của Liên bang Nga.
Về phía Ukraine, giới phân tích đánh giá rằng, vị thế của Kiev trên bàn đàm phán tại Ả Rập Xê Út thấp hơn hẳn so với Mỹ. Để cứu vãn tình thế và xoay chuyển cục diện tình hình sau khi Mỹ “trừng phạt” bằng cách cắt viện trợ quân sự và ngừng chia sẻ thông tin tình báo, dù mục tiêu ban đầu có thế nào thì ông Zelensky không có sự lựa chọn nào khác, ngoài phải tìm cách giảng hoà, chịu nhún nhường và xuống thang. Việc ký thoả thuận về khoáng sản, vốn là một con bài Ukraine có thể dùng để mặc cả trước ngày 28/2, thì giờ đây, theo như tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trước cuộc đàm phán, đã trở thành chuyện phụ đối với Washington. Ưu tiên của Mỹ là tiến tới Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Putin.
Tổng thống Mỹ coi việc chấm dứt cuộc chiến có thể mang lại chiến thắng chính trị, nâng cao hình ảnh của ông như một người đàm phán giỏi, cũng như cho phép ông chuyển sự tập trung sang các ưu tiên khác về đối nội và đối ngoại. Trong một tuyên bố trước các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ hôm 11/3, ông Trump khẳng định:
“Ukraine đã chấp thuận đề xuất, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ thuyết phục được Nga. Tôi đã nói rằng Nga dễ đối phó hơn Ukraine, dù trước đây mọi người không cho là như vậy”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Các quan chức Nga đã nhiều lần nói rằng, họ muốn một thỏa thuận hòa bình toàn diện, không phải lệnh ngừng bắn hay bất kỳ thỏa thuận tạm thời nào khác. Nhưng bất kể điều kiện ngừng bắn được các bên đưa ra thế nào, cách duy nhất để cuộc chiến kết thúc là cả Nga và Ukraine phải tham gia vào bàn đàm phán, và cả hai bên chắc chắn sẽ phải đưa ra những quyết định không hề dễ dàng.
Điệu Tango luôn cần có hai người
Ukraine và Mỹ đã có động thái quan trọng mở đường cho cuộc đàm phán hòa bình với Nga. Động thái này nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, chắt chiu từng cơ hội để tìm kiếm hòa bình là một chuyện, việc đạt được và gìn giữ hòa bình lại đặt ra vô vàn thách thức.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 12/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, Ukraine có thể giữ lãnh thổ theo đường biên giới năm 1991, nhưng sẽ không có bán đảo Crimea và một phần vùng Donbass, nếu Kiev hợp tác và thực hiện thỏa thuận Minsk do chính Kiev đề xuất.
Theo ông Lavrov, Kiev luôn “thua” mỗi lần không tuân thủ các thỏa thuận và quá trình này “vẫn đang tiếp tục”. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhắc lại rằng vào năm 2022 tại Istanbul, phía Ukraine đã từng trình một tài liệu về việc từ bỏ con đường gia nhập NATO. Tuy nhiên, sau đó chính quyền Kiev đã từ bỏ thỏa thuận dưới ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson. Theo ông Lavrov, Kiev đang muốn chờ cho qua thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng bất kỳ cách tiếp cận nào, bất kỳ nỗ lực nào để tiếp cận cuộc khủng hoảng Ukraine, bất kỳ sáng kiến nào, và hầu hết trong số chúng đều rất mơ hồ, nên tập trung vào nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột. Donald Trump đã xác nhận rằng, một trong những nguyên nhân gốc rễ là sự mở rộng của NATO đã tạo ra mối đe dọa đối với an ninh của Nga”.
Ông Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Nga
Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang căng thẳng như hiện nay, đã có rất nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, những nỗ lực đó đều chưa thành công do sự khác biệt về quan điểm giữa hai bên.
Thỏa thuận Minsk 1 gồm 12 điểm được các đại diện của Nhóm liên lạc ba bên về Ukraine (gồm Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu, OSCE) ký ngày 5/9/2014 tại Minsk, nhằm chấm dứt căng thẳng trong vùng Donbass. Vào thời điểm đó, miền Đông Ukraine là nơi giao tranh dữ dội giữa một bên là lực lượng trung thành với Chính phủ Ukraine và bên kia là lực lượng ly khai. Các điều khoản của Minsk 1 bao gồm trao đổi tù nhân, cung cấp viện trợ nhân đạo và rút vũ khí hạng nặng, sau 5 tháng xảy ra xung đột khiến hơn 2.600 người thiệt mạng. Thỏa thuận nhanh chóng đổ vỡ với sự vi phạm của cả hai bên.
Thỏa thuận hòa bình Minsk 2 được Nhóm Bộ tứ Normandy gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức thúc đẩy tại Thủ đô của Belarus hồi tháng 2/2015. Thỏa thuận này gồm 13 điểm, trong đó điều khoản hàng đầu là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Các bên cũng nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến.
OSCE, tổ chức an ninh với 57 thành viên, trong đó có cả Nga, Ukraine và Mỹ, sẽ cử quan sát viên giám sát các khu vực này. Chính phủ Ukraine cũng nhất trí cải cách hiến pháp nhằm cấp quyền tự trị lớn hơn cho vùng Donbass vốn đã không còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Sau khi Thỏa thuận Minsk 2 có hiệu lực, các trận giao tranh đẫm máu chấm dứt, tạo điều kiện cho quan sát viên của OSCE thực hiện nhiệm vụ giám sát khu vực giới tuyến giữa quân đội chính phủ và phe ly khai. Thỏa thuận Minsk 2 đã đưa ra những giải pháp chính trị và quân sự nhưng vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Trở ngại chính nằm ở việc Nga và Ukraine có những cách hiểu rất khác nhau về thỏa thuận, dẫn đến việc thực hiện thỏa thuận này trở thành vấn đề hóc búa.
Vào tháng 3/2022, các phái đoàn đàm phán Nga và Ukraine đã thảo luận về Thỏa thuận Istanbul, với một loạt đề xuất nhằm chấm dứt xung đột giữa hai nước. Các điều khoản chính của thỏa thuận bao gồm việc Ukraine đồng ý duy trì tình trạng trung lập vĩnh viễn, không tham gia bất kỳ khối quân sự nào, để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc; Kiev cũng phải từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thỏa thuận cũng đề xuất các hạn chế đối với lực lượng vũ trang của Ukraine nhằm giảm thiểu khả năng đe dọa đối với Nga; đổi lại các cam kết trên, Nga sẽ rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã không đạt được kết quả cuối cùng khi Kiev bất ngờ hủy bỏ thỏa thuận, rút khỏi đàm phán, và xung đột tiếp tục leo thang sau đó.
Trước rất nhiều cơ hội đạt được hòa bình lâu dài đã bị bỏ lỡ, triển vọng về cuộc đàm phán chấm dứt xung dột lần này dưới sự trung gian hòa giải của Mỹ đem đến niềm hy vọng mới. Đối với Ukraine, lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày, nếu xảy ra, sẽ mang đến một cơ hội để củng cố vị thế và lực lượng trước khi bước vào vòng đàm phán hòa bình chính thức. Nhưng nó cũng có thể đặt Kiev vào thế bị động khi Nga có thể tận dụng khoảng thời gian này để chuẩn bị cho một giai đoạn chiến sự mới. Quan trọng hơn, việc chấp nhận đề xuất của Mỹ có thể khiến Ukraine mất đi sự ủng hộ từ các đồng minh châu Âu, đẩy Kiev trước nguy cơ bị cô lập trên bàn đàm phán và rất có thể họ sẽ đối mặt với những nhượng bộ khó khăn hơn trong tương lai.


Nga cảnh báo việc Ukraine thay thế Tổng tư lệnh quân đội sẽ không cải thiện tình hình chiến trường. Trong khi đó, phương Tây vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí bất chấp các nỗ lực thúc đẩy hòa bình.
Israel vừa triển khai một chiến dịch trên bộ có giới hạn ở khu vực trung và nam Dải Gaza nhằm thiết lập vùng đệm giữa hai khu vực này.
Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nhóm họp trong ngày 20 - 21/3 tại Brussels, Bỉ để thảo luận về nhiều vấn đề được quan tâm hiện nay trong đó có Ukraine, Trung Đông, quốc phòng và di cư.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gợi ý rằng việc Mỹ sở hữu các nhà máy điện của Ukraine có thể giúp đảm bảo an ninh cho các cơ sở này.
Chính phủ Pháp đang lên kế hoạch phát “sổ tay sinh tồn” cho người dân, nhằm nâng cao kiến thức ứng phó trước các mối đe dọa xung đột vũ trang, khủng hoảng y tế và thiên tai.
Phiến quân Houthi của Yemen tuyên bố bắn một tên lửa đạn đạo về phía sân bay Ben Gurion, gần Thủ đô Tel Aviv của Israel.
0