'Hiệu ứng Trump' trong nhiều cuộc bầu cử trên thế giới
Cánh tả lội ngược dòng
Canada và Australia có nhiều điểm chung: đều thuộc Khối thịnh vượng chung, có ngành khai thác mỏ lớn, giờ đây cũng có câu chuyện chính trị đáng chú ý. Ở cả hai quốc gia này, trước khi ông Trump nhậm chức tại Mỹ, vị thế của các đảng cầm quyền trung tả ngày càng suy giảm và dường như sắp mất quyền lực. Trong một thời gian dài, các đảng bảo thủ, với các chính sách và đường lối giống với ông Trump được ủng hộ nhiều hơn.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tuần sau khi ông Trump trở lại nắm quyền, các kịch bản chính trị của Canada và Australia đã đảo ngược theo cùng một cách: đảng cánh tả đã vượt lên dẫn trước phe đối lập bảo thủ và giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử Quốc hội.
Tại Canada, Thủ tướng đương nhiệm Mark Carney thuộc đảng Tự do cầm quyền, đã vận động tranh cử theo thông điệp rõ ràng là bảo vệ đất nước trước những ảnh hưởng của ông Trump. Ông Carney thường xuyên nhắc tới mối đe dọa từ ông Trump, từ việc áp thuế 25% đối với một số mặt hàng Canada cho đến việc ông Trump muốn biến nước này trở thành bang thứ 51 của Mỹ. Những lời đe dọa của ông Trump đã thổi bùng chủ nghĩa dân tộc ở Canada, khiến cử tri Canada trao lá phiếu của mình cho ông Mark Carney, với niềm tin rằng ông Carney, với kinh nghiệm của một nhà kinh tế kỳ cựu, sẽ là người phù hợp nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia trước áp lực từ Washington. Điều này đã giúp Đảng Tự do cánh tả của ông Carney lật ngược tình thế để giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử.
"Tôi nghĩ ông Carney đủ bản lĩnh để có thể thương thảo với ông Trump mà không biến nó thành một cuộc đối đầu. Tôi nghĩ ông ấy có thể làm được. Ông Trump rất thích các thỏa thuận. Tôi nghĩ ông Carney là người giỏi đàm phán các thỏa thuận với một người như ông Trump."
Ông Kim Zapf, Giáo sư đã nghỉ hưu người Canada
Trong khi đó, nhân tố Trump lại trở thành điểm bất lợi đem đến thất bại cho đối thủ của ông Mark Carney là ông Pierre Poilievre, lãnh đạo Đảng Bảo thủ Canada, người từng được dự đoán là ứng cử viên sáng giá nhất để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ông Poilievre từng đưa ra khẩu hiệu "Canada trên hết", và quan điểm dân túy của ông có sự tương đồng với ông Trump. Những quan điểm này khiến ông Poilievre không được lòng cử tri Canada. Do đó, cuộc bầu cử ở Canada cũng được xem là một "cuộc trưng cầu dân ý" về thái độ của người Canada đối với chính quyền Trump.
Giống như tại Canada, yếu tố “Trump” cũng tác động đến kết quả bầu cử ở Australia, trở thành một trong những lý do khiến tỷ lệ ủng hộ Đảng Lao động cầm quyền giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang năm 2025 hôm 3/5.
Theo kết quả kiểm phiếu, Đảng lao động theo đường lối trung tả của Thủ tướng đương nhiệm Anthony Albanese đã chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai, giành được đa số trong 150 ghế tại Hạ viện của Quốc hội Australia khóa 48.
Vào cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng Albanese, tỷ lệ ủng hộ dành cho Đảng Lao động cầm quyền đã tụt hậu so với Liên minh Đảng Tự do, do công chúng không hài lòng với vấn đề lạm phát và các vấn đề khác. Tuy nhiên cho đến tháng 2, tình hình đã bị đảo ngược.
Ông Trump tuyên bố áp thuế đối ứng 10% đối với hàng hóa Australia, bất chấp hai nước đã ký Hiệp định thương mại tự do. Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy "yếu tố Trump" đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Australia. Theo cuộc thăm dò, 48% cử tri Australia coi sự bất ổn do các chính sách của chính quyền Trump gây ra là một trong năm mối quan tâm hàng đầu của họ; 68% tin rằng ông Trump không tốt cho Australia.
"Ông Peter Dutton lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập có cách tiếp cận quá gần với một số chủ đề mà ông Donald Trump đã đưa vào chính trị nước Mỹ. Cái gọi là chủ đề chống thức tỉnh, chống đa dạng, việc cắt giảm lớn đối với dịch vụ công của Liên bang, ở một mức độ nào đó phản ánh những gì Elon Musk đã làm ở Mỹ. Đó là những tiếng vọng yếu ớt của những gì đã xảy ra ở Mỹ".
Ông John Warhurst, Giáo sư danh dự Khoa học chính trị của Đại học Quốc gia Australia
Thủ tướng Albanese đã có lập trường cứng rắn đối với chính quyền Trump, trái ngược với ông Dutton của Đảng bảo thủ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Albanese thường xuyên nhấn mạnh "việc Mỹ áp đặt thuế quan chẳng khác nào tự gây hại" và rằng Australia sẽ không thỏa hiệp với Mỹ và sẽ kiên trì với các chính sách của riêng mình. Ông cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa Đảng Tự do đối lập với chính quyền Trump, nói rằng một chính phủ bảo thủ do Đảng Tự do lãnh đạo sẽ mang lại "sự hỗn loạn" cho Australia và "đi theo con đường chính trị của Mỹ và đẩy người Australia vào tình trạng chia rẽ và đấu đá nội bộ".
"Tôi nghĩ chúng ta không thể bỏ qua yếu tố ông Donald Trump và nhiệm kỳ tổng thống mới của Mỹ đã tác động khá lớn đến nền chính trị Australia. Tôi nghĩ rằng có nhiều khía cạnh của tác động đó. Một là sự hỗn loạn và các mối đe dọa đối với Australia do chính sách thuế quan của Donald Trump và sự bất ổn sau đó. Các chính phủ đương nhiệm có lẽ được hưởng lợi khi các cử tri cho rằng sự ổn định là rất quan trọng. Và ông Anthony Albanese đã xử lý rất tốt khi phản ứng với những diễn biến ở Mỹ."
Ông John Warhurst, Giáo sư danh dự Khoa học chính trị của Đại học Quốc gia Australia
Kết quả cuộc bầu cử là một đòn giáng mạnh vào đảng bảo thủ của Australia, cho thấy sự phản đối của người dân nước này trước những gì có thiên hướng nghiêng về ông Trump.
Cử tri châu Á tìm kiếm sự ổn định
"Hiệu ứng Trump" cũng lan rộng tới một số quốc gia tại châu Á, nơi đa số cử tri tìm kiếm sự ổn định, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Đường lối "phản đối Trump" đã trở thành một chìa khóa để giúp các đảng giành lợi thế trong cuộc bầu cử.
Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền của Singapore đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức cuối tuần qua. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, điều này cho thấy trong bối cảnh những chính sách của ông Trump đang phá vỡ trật tự quốc tế, cử tri Singapore coi trọng sự ổn định và tính liên tục do đảng cầm quyền đại diện hơn.
“Có lẽ Chính phủ không nên thay đổi quá nhiều. Tôi nghĩ rằng tình trạng hiện tại là ổn đối với tôi. Bởi vì giả sử nếu chính phủ tiếp tục thay đổi, quá nhiều thứ ra vào trong quốc hội, tôi tin rằng ngay cả chính phủ hiện tại cũng sẽ không tự tin vào bản thân mình, có lẽ họ sẽ không muốn lập kế hoạch cho một thời gian dài, như 20 năm, 15 năm. Bởi vì tôi tin rằng điều hành một quốc gia là một chặng đường thực sự dài.”
Chị Chng Joe Wei, cử tri Singapore
Kết quả bầu cử quốc hội Singapore cho thấy Đảng Hành động Nhân dân giành được 87 trong số 97 ghế trong Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng đương nhiệm Lawrence Wong dẫn dắt Đảng Hành động Nhân dân tham gia cuộc bầu cử kể từ khi nhậm chức vào năm ngoái. Truyền thông Singapore chỉ ra rằng thành tích này cho thấy trước bối cảnh bên ngoài đầy bất ổn như hiện nay, việc ông Lawrence Wong nhấn mạnh vào việc “duy trì sự ổn định và tính liên tục” đã được cử tri ghi nhận rộng rãi.
Lan Ping'er, nghiên cứu viên chính tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết mặc dù các vấn đề như tăng thuế tiêu dùng đã thu hút sự chú ý trong chiến dịch tranh cử, nhưng kết quả bầu cử cho thấy trong mắt cử tri Singapore, những vấn đề này không quan trọng bằng cuộc chiến thuế quan do ông Trump phát động. Vào đêm trước cuộc tổng tuyển cử, Thủ tướng Lawrence Wong đã nhấn mạnh rằng cuộc chiến thuế quan sẽ có tác động lâu dài đến nền kinh tế toàn cầu và Singapore cần một đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm và có năng lực để xây dựng lòng tin lẫn nhau và mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Mỹ.
Hiệu ứng Trump cũng có khả năng ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào tháng 6, được tổ chức để tìm người thay thế cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol, người đã bị luận tội và bãi nhiệm liên quan đến lệnh Thiết quân luật. Các đòn thuế quan của ông Trump đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, hiện đang giúp ứng viên Lee Jae-myung thiên tả dẫn đầu trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Hàn Quốc, khi ông cam kết sẽ tìm ra "giải pháp đôi bên cùng có lợi" trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ.
Trong cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè này tại Nhật Bản, ông Trump chắc chắn sẽ có tác động nhất định, khi mức thuế quan 25% áp dụng đối với phụ tùng ô tô từ Nhật Bản đang trở thành nội dung chính trong chiến dịch tranh cử. Hiện tại, Thủ tướng Shigeru Ishiba đang có các cuộc đàm phán quan trọng với Nhà Trắng về vấn đề thuế quan. Ông Shigeru Ishiba cam kết không đưa ra những nhượng bộ lớn nhưng không có chiến lược rõ ràng về việc phải làm gì.
Nếu ông Ishiba kết thúc các cuộc đàm phán với chính quyền Trump sau khi đã đưa ra những nhượng bộ lớn hoặc tỏ ra yếu thế, thì cả ông và đảng LDP đều có thể sẽ mất đi sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu sắp tới của Thượng viện.
Tác động rộng lớn và phức tạp
Các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn gây ra những tác động hỗn hợp và phức tạp hơn tới nhiều quốc gia khác trên thế giới, như là khiến cho cử tri Greenland ủng hộ độc lập khỏi Đan Mạch để có vị thế tốt hơn, hay khiến sự ủng hộ giành cho các đảng cầm quyền tại Anh và Đức thay đổi theo các chiều hướng khác nhau.
Cuộc bầu cử đầu tiên chịu ảnh hưởng sau khi ông Trump nhậm chức nhiệm kỳ hai là bầu cử Quốc hội tại Greenland, một vùng đất tự quản thuộc Đan Mạch, vốn không chịu ảnh hưởng của chính trị thế giới. Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã nhiều lần và công khai bày tỏ ý tưởng về việc sáp nhập Greenland vào Mỹ, thậm chí bằng vũ lực.
Kết quả là trong cuộc bầu cử vào tháng 3 của Greenland, một đảng trung dung với chủ trương tách khỏi Đan Mạch, mà nhiều cử tri tin rằng sẽ giúp Greenland có vị thế tốt nhất để chống lại ông Trump, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc. Lãnh đạo đảng này đã nhiều lần và công khai chỉ trích Tổng thống Mỹ, gọi ông là "mối đe dọa đối với nền độc lập chính trị".
Tại Đức, một đồng minh quan trọng của phương Tây, tác động của yếu tố Trump không trực tiếp như vậy, nhưng vẫn được cảm nhận.
Ứng viên Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã không được hưởng lợi về mặt chính trị từ ảnh hưởng của ông Trump như các nhà lãnh đạo ở Canada hay Australia. Nhưng vị thế của ông Merz sau đó cũng có sự thay đổi khi ông thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và quốc phòng ở Đức trong bối cảnh Tổng thống Trump đe dọa rút khỏi NATO, gây rủi ro cho phòng thủ chung của châu Âu.
Riêng nước Anh lại là một ngoại lệ. Thủ tướng Anh Starmer, một nhà lãnh đạo trung tả đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Ban đầu, ông Starmer đã nhận được lời khen ngợi vì cách ứng xử chuyên nghiệp với tân Tổng thống Mỹ. Ông Starmer đã cố gắng tránh chỉ trích trực tiếp ông Trump, tìm kiếm tiếng nói chung với ông Trump khi có thể và tìm cách tránh rạn nứt. Sau chuyến thăm Nhà Trắng được coi là thành công, ngay cả một số đối thủ chính trị của ông Starmer cũng tỏ ra ấn tượng.
Tuy nhiên, thành công trong chuyến thăm Mỹ của ông Starmer không thể giúp nước Anh tránh được thuế quan của Mỹ, điều này khiến đảng cầm quyền của Thủ tướng Starmer phải chịu một đòn giáng mạnh. Tuần trước, Đảng Lao động cầm quyền đã mất 187 ghế trong hội đồng trong cuộc bầu cử khu vực và các cuộc bầu cử khác ở một số vùng của Anh. Ngược lại, ông Nigel Farage thuộc đảng Reform UK của Anh, một đồng minh của ông Trump về chính sách chống nhập cư, đã thành công ngoạn mục, không chỉ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đặc biệt đó mà còn giành được hai chức thị trưởng và đạt được những bước tiến lớn trên chính trường Anh.
Mặc dù còn quá sớm để nói rằng xu hướng “chống lại Trump” đang gia tăng trên toàn cầu, nhưng rõ ràng cử tri tại nhiều nước đã xem xét đến yếu tố Trump khi họ đưa ra quyết định với lá phiếu của mình. Phần lớn những cử tri này kỳ vọng rằng, người mình lựa chọn lãnh đạo đất nước sẽ có những cách xử lý ổn thỏa với mối đe dọa từ ông Trump, để đưa nền kinh tế trong nước phát triển ổn định. Điều này cho thấy Tổng thống Mỹ không chỉ làm xáo trộn nền chính trị trong nước mà còn góp phần tạo ra những thay đổi cơ bản trong nền chính trị của nhiều quốc gia trên thế giới.


Lãnh đạo liên minh bảo thủ Dân chủ - Xã hội Cơ đốc giáo của Đức Friedrich Merz ngày 6/5 đã không giành được đa số phiếu cần thiết trong vòng bỏ phiếu đầu tiên tại Quốc hội để trở thành Thủ tướng.
Ủy ban châu Âu (EC) đang chuẩn bị công bố kế hoạch nhằm cấm hoàn toàn các hợp đồng mua bán khí đốt mới với Nga vào cuối năm nay và loại bỏ dần các hợp đồng hiện có với Moscow vào cuối năm 2027.
Liên hợp quốc cảnh báo kế hoạch leo thang hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza có thể đẩy vùng đất này tới bờ vực thảm họa nhân đạo mới.
Hãng xe Ford của Mỹ vừa công bố lợi nhuận quý I sụt giảm mạnh tới 65%, đồng thời dự báo hãng có thể mất tới 1,5 tỷ USD vì chính sách thuế trong năm 2025.
Giải thưởng Pulitzer tôn vinh những thành tựu xuất sắc của Mỹ trong các lĩnh vực báo chí, văn học, sân khấu và âm nhạc vừa được công bố.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent thể hiện sự lạc quan về nền kinh tế Mỹ sau các chính sách của Tổng thống Donald Trump, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà máy tại Mỹ tại hội nghị toàn cầu Milken 2025.
0