Hàng triệu người dân gặp nguy hiểm khi Mỹ dừng viện trợ
Nguy cơ số người tử vong vì AIDS tăng gấp 10 lần
Một trong những ví dụ rõ ràng nhất về sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài của Mỹ là Chương trình Cứu trợ AIDS toàn cầu (PEPFAR). Chương trình này được thành lập vào năm 2003 dưới thời Tổng thống George W. Bush, với mục tiêu cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi HIV/AIDS. Tính đến nay, PEPFAR đã giúp cứu sống hơn 20 triệu người và giảm tỷ lệ nhiễm HIV tại nhiều quốc gia châu Phi.
Sau khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh tạm dừng khoản viện trợ nước ngoài trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ trong 90 ngày. Hầu hết viện trợ phát triển và nhân đạo đều được chuyển qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ USAID thông qua nhiều chương trình khác nhau, hợp tác với các cá nhân, cộng đồng, tổ chức và quốc gia trên toàn cầu.
Cơ quan phòng chống AIDS của Liên hợp quốc UNAID cho biết có thể có 2.000 ca nhiễm HIV mới mỗi ngày trên toàn cầu do USAID cắt giảm. Tuy nhiên, vào ngày 29/1, Bộ ngoại giao Mỹ đã ban hành lệnh miễn trừ đóng băng và nói rằng "hỗ trợ nhân đạo cứu sống" có thể được phân phối, cho phép một số loại thuốc được cung cấp cho những người sống chung với HIV.
Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAID) cho biết mặc dù lệnh miễn trừ đã được áp dụng đối với các chương trình HIV/AIDS, cơ quan này vẫn còn nhiều lo ngại về tương lai của các chương trình điều trị.
"Nếu viện trợ của Mỹ cho HIV không được khôi phục sau khi bị tạm dừng, sẽ có thêm 6,3 triệu ca tử vong liên quan đến AIDS trong bốn năm tới. Chúng ta sẽ thấy sự bùng phát trở lại của căn bệnh này giống như những năm 1990 và những năm 2000".
Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành UNAIDS.
Cơ quan này dự đoán, số ca tử vong liên quan đến HIV sẽ tăng gấp mười lần. Theo UNAIDS, những người sống chung với HIV có nguy cơ kháng thuốc vì việc điều trị của họ bị chậm trễ do các phòng khám, phòng xét nghiệm, cơ sở điều trị do Mỹ tài trợ buộc phải đóng cửa.
Bà Byanyima cho biết, có 600.000 ca tử vong liên quan đến HIV và 1,3 triệu ca nhiễm, tương đương 3.500 ca mỗi ngày được ghi nhận trên toàn cầu vào năm 2023. Bà cũng cảnh báo rằng các ca tử vong do HIV ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao ở châu Âu, Mỹ và châu Mỹ Latinh có thể tăng đột biến. Có 56.000 ca nhiễm mới được báo cáo ở Mỹ Và Châu Âu và 120.000 ca ở châu Mỹ Latinh vào năm ngoái.
Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo rằng, một số quốc gia phụ thuộc vào viện trợ Mỹ để tài trợ cho các chương trình điều trị HIV hiện đang cạn kiệt các phương pháp điều trị có thể cứu sống họ. 8 quốc gia Haiti, Kenya, Lesotho, Nam Sudan, Burkina Faso, Mali, Nigeria và Ukraine có thể hết thuốc điều trị HIV trong những tháng tới.
"Sự gián đoạn đối với các chương trình HIV có thể phá hủy 20 năm tiến bộ".
Ông Tedros Adhanom, Tổng Giám đốc WHO.
Ông Ghebreyesus đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump xem xét lại việc rút tiền tài trợ liên bang cho viện trợ quốc tế. Ông nói thêm rằng việc rút tiền tài trợ, nếu được thực hiện, nên được thực hiện một cách có trách nhiệm hơn và có cơ sở hạ tầng để thay thế.
“Chính quyền Mỹ đã vô cùng hào phóng trong nhiều năm qua. Và tất nhiên, họ có quyền quyết định những gì họ hỗ trợ và ở mức độ nào. Mỹ cũng có trách nhiệm đảm bảo rằng, nếu họ rút tiền tài trợ trực tiếp cho các quốc gia thì việc đó được thực hiện theo cách có trật tự và nhân đạo, cho phép họ tìm các nguồn tài trợ thay thế”.
Ông Tedros Adhanom, Tổng Giám đốc WHO
Tương lai mù mịt của trẻ mắc AIDS
Mỹ là nhà tài trợ chính cho các chương trình của Liên hợp quốc tại 70 quốc gia, hỗ trợ mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài kéo dài 90 ngày dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng thuốc, gây khó khăn trong việc điều trị cho người dân Kenya mắc HIV/AIDS), đặc biệt là trẻ em.
Tại nhà trẻ Nyumbani dành cho những trẻ em mắc HIV/AIDS ở Thủ đô Nairobi của Kenya, tiếng cười của trẻ không làm giảm đi nỗi lo ngày càng tăng của đội ngũ nhân viên làm việc tại đây. Họ không thể biết tương lai của những đứa trẻ này sẽ ra sao, khi việc cắt giảm viện trợ của Mỹ sẽ làm gián đoạn nguồn cung cấp thuốc thiết yếu dành cho các em.
Lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài trong 90 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các sản phẩm y tế điều trị HIV/AIDS và các bệnh khác, nó cũng đang cản trở việc phân phối các loại thuốc tại các quốc gia vốn nhận được nguồn tài trợ này.
"Điều chúng tôi sợ nhất là họ ngừng thuốc kháng vi-rút ARV ngay lập tức thì điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra ở đây. Bởi vì nếu ngừng cấp thuốc ARV cho những đứa trẻ này, sẽ có tình trạng kháng thuốc, sau đó chúng sẽ mắc đủ loại bệnh nhiễm trùng rồi chúng tôi sẽ mất từng người một. Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra."
Bà Teresa Palady, Người quản lý nhà trẻ Nyumbani
Một phòng khám sức khỏe gần nhà trẻ cũng đã bị hạn chế nguồn cung cấp thuốc kháng vi-rút kể từ khi đóng băng viện trợ. Điều đó khiến những bệnh nhân HIV như Alice Okwirry chỉ được cấp thuốc trong một tháng.
"Nếu chúng tôi bắt đầu mua ARV, ước tính sơ bộ của chúng tôi phải chi khoảng 120 đô la Mỹ cho mỗi trẻ em mỗi tháng và đó là đã trừ đi thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội, trừ đi thuốc điều trị lao, trừ đi thực phẩm bổ sung, trừ đi thuốc thử xét nghiệm và một số xét nghiệm cần thiết khác trong quá trình điều trị. Những chi phí này thực sự sẽ rất tốn kém đối với chúng tôi."
Bà Judy Wambui, Giám đốc nhà trẻ Nyumbani
Bà Okwirry, 50 tuổi, cảm thấy lo lắng cho tương lai của mình và cô con gái 15 tuổi của bà, Chichi, cũng bị nhiễm HIV. Trong khi đó, ở ngoại ô thành phố, hàng triệu liều thuốc ARV nằm trên kệ của một nhà kho, không được sử dụng và không thể tiếp cận được. Phòng khám chỉ cách nhà kho nửa giờ lái xe, nhưng đối với bà Okwirry, chúng cũng giống như cách xa cả một đại dương.
"Nếu USAID ngừng tài trợ cho chúng tôi những loại thuốc HIV này, chúng tôi làm biết gì. Tất áp lực với tôi và con gái tôi. Chúng tôi không thấy hy vọng sống nào cả."
Bà Alice Okwirry, bệnh nhân HIV/AIDS
Theo một cựu quan chức USAID và một quan chức y tế tại Kenya, nếu không có nguồn tài trợ của Mỹ, hoạt động phân phối từ kho hàng, nơi lưu trữ tất cả các loại thuốc điều trị HIV do chính phủ Mỹ tài trợ cho Kenya, sẽ bị ngừng lại, khiến nguồn cung cấp một số loại thuốc ở mức thấp đáng lo ngại.
Bộ trưởng Y tế, Kenya Deborah Barasa cho biết bà hy vọng chính phủ của bà sẽ huy động vốn để cho phép các nguồn cung cấp thuốc tại kho hàng được giải phóng trong vòng hai đến bốn tuần. Theo một tài liệu của chính phủ Kenya cần khoảng 10 triệu đô la Mỹ để phân phối các nguồn cung cấp hiện có của kho.
Giảm viện trợ làm gián đoạn các chiến dịch tiêm chủng
Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, thông qua các sáng kiến như Quỹ vắc-xin GAVI. Quỹ này đã giúp cung cấp vắc-xin cho hàng triệu trẻ em ở các quốc gia nghèo, góp phần giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, sởi và uốn ván. Nếu viện trợ từ Mỹ và các quốc gia phát triển khác bị cắt giảm, các chiến dịch tiêm chủng sẽ gặp khó khăn lớn trong việc duy trì, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển.
Chính phủ Mỹ cũng đã trình Quốc hội nước này kế hoạch cắt tài trợ cho Gavi, một tổ chức cung cấp vắc-xin cho các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Giám đốc điều hành của Gavi, bà Sania Nishtar cảnh báo, việc cắt giảm này có thể dẫn đến hơn một triệu ca tử vong và sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân ở khắp nơi trên thế giới.
Các chuyên gia và tổ chức y tế đã cảnh báo rằng, việc cắt giảm nguồn tài trợ của Gavi cuối cùng sẽ khiến thế giới tốn kém hơn và làm chậm lại một phần tư thế kỷ tiến bộ trong cuộc chiến chống lại nhiều căn bệnh chết người.
Theo bà Sania Nishta, liên minh vaccine chưa nhận được thông báo chính thức từ Chính phủ Mỹ nhưng đang làm việc với Nhà Trắng và Quốc hội để đảm bảo giữ được khoản tài trợ 300 triệu USD mà quốc hội Mỹ đã phê duyệt cho hoạt động năm 2025 và các nguồn tài trợ dài hạn khác.
Gavi cho biết, họ giúp tiêm chủng cho hơn một nửa số trẻ em trên thế giới chống lại các bệnh truyền nhiễm bao gồm Covid-19, Ebola, sốt rét, bệnh dại, bại liệt, bệnh tả, bệnh lao (TB), bệnh thương hàn và sốt vàng da.
Mỹ hiện cung cấp khoảng một phần tư ngân sách của Gavi, một tổ chức có trụ sở chính tại Geneva. Việc cắt giảm viện trợ không chỉ ảnh hưởng đến các chiến dịch tiêm chủng và điều trị dịch bệnh hiện tại mà còn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái bùng phát các bệnh truyền nhiễm từng được kiểm soát như bệnh sốt rét. Trước khi có viện trợ quốc tế, sốt rét là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhiều quốc gia châu Phi. Trong nhiều năm qua, nhờ các chiến dịch phòng chống sốt rét, bao gồm phân phát lưới chống muỗi, thuốc điều trị và mạng lưới giám sát dịch bệnh, tỷ lệ người tử vong và mắc bệnh đã giảm đi rõ rệt. Khi viện trợ từ Mỹ và các quốc gia phát triển giảm đi, các chiến dịch này có thể bị gián đoạn, tạo cơ hội cho bệnh sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác bùng phát trở lại.
Trên toàn cầu, sởi là một trong những bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine nhưng vẫn gây ra hàng triệu ca nhiễm mỗi năm, đặc biệt ở các khu vực như châu Phi và Nam Á.
Các quốc gia như Haiti và Nepal, nơi mà hệ thống y tế không đủ mạnh để tự chống lại dịch bệnh, đã phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ quốc tế để xây dựng và duy trì hệ thống chăm sóc sức khỏe. Cắt giảm viện trợ có thể khiến các quốc gia này không thể duy trì được những cải thiện cơ bản trong hệ thống y tế, từ đó tạo ra điều kiện cho dịch bệnh bùng phát và có thể vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Đại dịch COVID-19 đã chứng minh rõ ràng rằng, một dịch bệnh không biên giới và có thể lây lan nhanh chóng từ quốc gia này sang quốc gia khác. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các quốc gia nghèo khó và các hệ thống y tế yếu kém đã phải dựa vào viện trợ quốc tế để mua sắm thiết bị y tế, thuốc và vắc-xin. Mỹ, thông qua các tổ chức quốc tế như WHO và các sáng kiến như COVAX, đã đóng góp một phần quan trọng trong việc cung cấp vắc-xin cho các quốc gia nghèo. Tuy nhiên, khi chính phủ Mỹ quyết định rút khỏi COVAX vào năm 2021, sự thiếu hụt vắc-xin đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, khiến các quốc gia nghèo gặp khó khăn trong việc kiểm soát đại dịch.
Tổ chức y tế thế giới WHO cho biết, việc Mỹ đóng băng viện trợ cũng khiến mạng lưới Phòng xét nghiệm Sởi và Rubella Toàn cầu do WHO điều phối, với hơn 700 địa điểm trên toàn thế giới, cũng có thể phải đóng cửa. Điều này xảy ra vào thời điểm bệnh sởi đang quay trở lại Mỹ đã khiến hai người thiệt mạng. WHO cho biết trong một tuyên bố rằng, tình trạng thiếu hụt tài trợ cũng có thể buộc 80% các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu do WHO hỗ trợ tại Afghanistan phải đóng cửa.
Tính đến đầu tháng 3, có 167 cơ sở y tế đã đóng cửa do thiếu kinh phí và nếu không có sự can thiệp khẩn cấp, hơn 220 cơ sở nữa có thể đóng cửa vào tháng 6.
Kế hoạch rời khỏi WHO của Mỹ cũng đã buộc cơ quan này của Liên hợp quốc, nơi thường nhận được khoảng 1/5 tổng kinh phí hàng năm từ Mỹ cũng phải ngừng việc tuyển dụng và bắt đầu cắt giảm ngân sách.
Việc chính quyền Tổng thống Trump cắt giảm viện trợ nước ngoài, đặc biệt là viện trợ cho các sáng kiến y tế và phòng chống dịch bệnh toàn cầu, đã tạo ra những tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Sự cắt giảm này không chỉ làm gián đoạn các chiến dịch phòng chống dịch bệnh mà còn làm suy yếu các nỗ lực xây dựng hệ thống y tế bền vững. Trong bối cảnh bùng phát nguy cơ dịch bệnh tại nhiều nơi trên thế giới, hợp tác quốc tế và viện trợ y tế là yếu tố quan trọng để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.


Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, các biện pháp thuế quan mới dự kiến sẽ tạo ra doanh thu hơn 6.000 tỷ USD cho nước Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2035.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khánh thành Cầu New Pamban, cây cầu đường sắt biển có thang nâng thẳng đứng đầu tiên của nước này tại bang Tamil Nadu, đánh dấu một bước tiến mới trong hạ tầng giao thông hiện đại của quốc gia Nam Á này.
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 7/4 chao đảo, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả các khoản thuế nhằm vào các đối tác thương mại của Mỹ là "thuốc" đối với thị trường tài chính toàn cầu.
Hàn Quốc ấn định tổ chức bầu cử Tổng thống vào ngày 3/6/2025, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bị phế truất vì bê bối ban bố thiết quân luật.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ tiếp tục áp thuế quan toàn diện đối với hàng nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia, trừ khi các quốc gia này điều chỉnh thặng dư thương mại với Mỹ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đã sẵn sàng chấp nhận đề xuất của Mỹ về một thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện, tuy nhiên Nga đã từ chối và Ukraine hiện đang chờ đợi phản hồi từ phía Mỹ.
0