Hà Nội trong mắt nhà văn, họa sĩ Nguyễn Trương Quý
Nguyễn Trương Quý sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp cử nhân kiến trúc và thạc sĩ Quản lý Truyền thông. Thiên hướng văn học từ nhỏ cùng sự say mê tìm hiểu và tình yêu “chưa bao giờ cũ” đối với thành phố vừa thân thuộc, vừa bí ẩn, lạ lùng này đã thôi thúc anh trở thành một nhà văn, một nhà nghiên cứu về Hà Nội khi đang là một kiến trúc sư.
Hơn 10 đầu sách gồm tản văn, truyện ngắn, khảo cứu về Hà Nội của anh được độc giả thuộc mọi lứa tuổi đón nhận, như: "Tự nhiên như người Hà Nội", "Hà Nội bảo thế là thường", "Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc"…
Cùng với "Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca", nhà văn Nguyễn Trương Quý được trao giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" năm 2019.
Nguyễn Trương Quý không chỉ khám phá vẻ đẹp của Hà Nội bằng văn chương mà còn lưu giữ vẻ đẹp hơn ngàn năm tuổi ấy bằng các tác phẩm hội họa chân thực, sống động của mình. Hà Nội đã đưa anh đi qua hành trình rong ruổi giữa hội họa và văn chương hơn hai thập kỷ và có lẽ, sẽ vẫn là một hành trình còn nhiều cảm hứng và sự cống hiến.
PV: Một nhà văn, một họa sĩ, một nhà nghiên cứu về Hà Nội sẽ thức dậy cùng Hà Nội như thế nào?
Nhà văn Trương Quý: Nói về mặt y học thì rất đơn giản, như một người Hà Nội, tôi sẽ thức giấc cùng với những âm thanh, những không khí của phố phường. Sáng sớm sau khi vệ sinh cá nhân, tôi sẽ nghe nhạc và mong muốn xuống phố để thưởng thức những món quà của phố như ăn xôi sáng hoặc một bát phở bò nóng và một ấm trà trong một buổi sáng, hơi lãng đãng như thế này. Tôi nghĩ đó là thói quen từ nhỏ nên cũng rất dễ để thực hành.
Những hôm mù mịt sương khói, tôi cũng rất tò mò xem trên tầng cao nhìn thấy xuống phố sẽ ra sao. Nó như một thói quen hơi ''lẩm cẩm'' từ ngày xưa. Cứ có cái gì đó hối thúc mình đi lên đường, đi tìm những câu chuyện đấy, nói nôm na đó là cái bản năng muốn thoát ra khỏi sự lười biếng. Có những ngày đẹp trời nhưng có những ngày mưa gió, nắng rát và Hà Nội không thiếu gì những ngày như vậy.
PV: Thưa anh, hẳn là sẽ có những kỷ niệm qua những tác phẩm?
Nhà văn Trương Quý: Như cuốn sách của tôi đã gần hoàn thành xong nhưng tôi vẫn thấy có cảm giác mắc míu, mình muốn đi tìm thêm.
Tôi đi vào Thư viện Quốc gia và ghi phiếu muốn tìm tài liệu từ thời Pháp thuộc nhưng họ bảo rằng tài liệu hỏng rồi, không còn. Không biết có điều gì xui khiến tôi cố tình ghi thì người thủ thư bảo: ''À, vẫn còn ở trong kho đấy nhưng cần phải có giấy giới thiệu''.
Thật may mắn khi trước đó tôi vừa tham dự buổi ra mắt sách hôm trước ở Thư viện Quốc gia và gặp anh Dũng - Phó Giám đốc. Anh đã đề nghị thủ thư tạo điều kiện giúp đỡ. Khi xuống đến kho, tôi bàng hoàng nhận ra rằng có những tài liệu quá đẹp, quá quý, những văn bản mà trước đó tôi chỉ biết qua ảnh, bản scan giấy trắng. Giờ tôi mới thấy bản giấy màu mà từ 90 năm trước rất đẹp. Tôi cảm thấy đó là niềm hạnh phúc của người đi tìm dữ liệu đến lúc mình đã tìm được.
PV: Những cuốn sách đầu của anh là tản văn. Sau đó, tính chất nghiên cứu ngày càng đậm. Vì sao anh chuyển hướng viết từ tản văn đến khảo cứu như vậy?
Nhà văn Trương Quý: "Tản văn là thể loại tương đối gần với lối văn chương của Quý, tôi viết một tác phẩm có thời lượng tương đối vừa phải, dưới 3000 từ để đăng lên các trang báo và viết với chủ đề tương đối gần gũi với tư duy của cuộc sống, bằng giọng văn tương đối đặc trưng của tôi - hài hước, vui vẻ hay một cái gì đó thăng trầm, suy tư.
Có những vấn đề tôi cảm thấy mình viết không đủ, phải làm dày hơn, phải đi sâu và khám phá nhiều hơn nữa. Tôi đã phải tìm ra những giải pháp là khảo cứu và nghiên cứu thành một hệ thống có tính chất gần với khoa học xã hội và nhân văn.
Tôi nhận ra, Hà Nội là một thành phố gắn với sự chuyển động của xã hội, sự chuyển động rất cao. Xe máy ngự trị rất nhiều ở trong Hà Nội vì nhà ở đây rất nhiều ngõ ngách và nhà nhỏ, những nhà nhỏ ấy rất tiện cho các xe máy có thể di chuyển vào trong các ngõ.
Xe máy tiện hơn xe đạp ở chỗ, xe cơ giới chở được nhiều người hay chở được hàng nặng và thể hiện được sự mưu sinh của con người. Đó là một phần đời của con người Hà Nội.
PV: Hà Nội trong tranh Trương Quý là một bức chân dung như thế nào?
Nhà văn Trương Quý: Có những lớp cây xanh tôi cảm thấy như ở trên mặt tranh đã vẽ rồi, mình ở nhà tự bịa ra dáng cây thì không thể nào đẹp bằng thực tế. Dáng cây tự nhiên rất lạ, nó có tính hữu cơ, những dáng uốn cong hay gấp khúc như các dáng cây đổ ở hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiều Quang rất đặc biệt, gần như không cây nào giống nhau. Điều đó làm cho các bức tranh phong cảnh của Hà Nội luôn đa dạng để khai thác.
PV: Ở không gian tầng cao nhất của tòa nhà, anh sẽ có một góc nhìn bao quát về không gian và nhịp sống đô thị, chắc hẳn cũng là một nơi rất yên tĩnh để suy tư và sáng tác?
Nhà văn Trương Quý: Đúng là từ trên cao nhìn xuống thì cảm giác một góc nhìn rất khác về việc mình ở trong phố cổ hay những ngõ nhỏ, phố nhỏ hay những nơi chật hẹp ở trung tâm. Tôi cảm thấy nhịp sống gần gũi với mình. Cái quan trọng của mỗi con người là biết cân bằng giá trị nội tại của mình để đóng góp vào giá trị chung khiến cho cuộc sống hài hòa, phát triển cùng nhau.


Rất ít người biết đến một xã đảo duy nhất của Hà Nội, đó là xã Minh Châu thuộc huyện Ba Vì.
Những lễ hội làng ngày xuân là dịp để con cháu trong làng gác lại tất bật, bộn bề công việc của nhịp sống mưu sinh thường nhật, chung tay gìn giữ nếp làng.
Hà Nội đã và đang đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị những di tích tích lịch sử và công trình kiến trúc.
Triển lãm "Không gian trưng bày nội thất Việt” là gợi ý tuyệt vời cho những ai muốn tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp truyền thống qua các sản phẩm nội thất.
Cuốn truyện tranh lịch sử “Nguyên Phi Ỷ Lan - phò Vua, giúp nước” được giới thiệu rất hấp dẫn bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, trên chất liệu mành tre thư pháp kết hợp giấy cán plastic.
Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến hiện còn lưu giữ rất nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
0