Hà Nội giải bài toán nhà ở xã hội

Để đẩy mạnh công tác xử lý các dự án bỏ hoang, chống lãng phí, Hà Nội đang đưa ra nhiều phương án, trong đó, việc chuyển đổi công năng Dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội đang được quan tâm.

Việc chuyển đổi công năng khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sẽ là cơ sở để nhiều địa phương tham khảo, từ đó tiến tới chuyển đổi cả những dự án tái định cư, tạo điều kiện để người có thu nhập thấp có thể tiến gần hơn đến giấc mơ an cư của mình.

Dự án khu nhà ở sinh viên tại Pháp Vân - Tứ Hiệp nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai, được đầu tư xây dựng từ năm 2009 với nguồn vốn 1.900 tỉ đồng, nhằm cung cấp nơi ở cho khoảng 22.000 sinh viên. Thế nhưng, từ rất nhiều năm nay, khu nhà ở A2 và A3 của dự án vẫn trong tình trạng bỏ hoang.

Anh Nguyễn Thành Trung, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, cho biết: “Tôi thấy rất lãng phí, nhiều người thì không có nhà mà ở, trong khi đó khu này thì lại bị bỏ hoang bao nhiêu năm nay".

Bà Bùi Thị Hoa, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, cho biết: “Tôi hy vọng Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ người dân có thể mua nhà ở đây, tại tôi thấy đất bỏ hoang như này rất lãng phí".

Bên cạnh những khối nhà bỏ hoang, việc xây dựng dở dang cũng khiến diện tích đất xung quanh bị sử dụng sai mục đích. Các khu nhà trọ tạm bợ mọc lên, mái tôn dột nát chiếm dụng các khu đất trống. Nhiều diện tích đất còn lại cũng được cho thuê làm cửa hàng kinh doanh, trái với mục tiêu của dự án.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, công chức địa chính UBND phường Hoàng Liệt, cho biết: “Các khu nhà tạm này tồn tại từ những năm 2004- 2005 để phục vụ cho việc thi công của các tòa nhà đó, khi đội thi công rút đi thì hiện trường để lại không được tháo dỡ, dẫn đến những khó khăn cho đến nay".

KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho biết: “Khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp là biểu hiện rõ nhất của sự lãng phí. Xây nhà cho lượng sinh viên khá lớn với khoản tiền vay chủ yếu từ trái phiếu với mục đích tốt đẹp nhưng triển khai cẩu thả! Về quy hoạch, khu nhà ở này cách xa các trường đại học, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông. Với mật độ giao thông ở khu Pháp Vân - Tứ Hiệp, việc di chuyển của sinh viên có thể mất 2-3 tiếng".

Trước tình trạng này, tháng 11 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo phương án xử lý. Đó là chuyển đổi công năng dự án khu nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội cho thuê. Đây là một chủ trương đúng đắn cùng lúc đạt nhiều mục đích: vừa chống lãng phí, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo đời sống cho người dân.

Bên cạnh đó, chủ trương này cũng thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương trong việc đảm bảo lợi ích cho người dân, thông qua các giải pháp tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, cho rằng: “Chủ trương này của Nhà nước với mục đích để đảm bảo an sinh. Mà muốn đảm bảo an sinh thì công việc ấy là nghĩa vụ của Nhà nước, của chính quyền địa phương".

Để chuyển đổi các hạng mục A2, A3, A4 sang nhà ở xã hội cho thuê, Chủ tịch UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng khẩn trương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp đầu năm 2025. Trên cơ sở đó, UBND thành phố mong muốn hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026, hoàn thành đầu tư xây dựng tòa A4 chậm nhất trong năm 2027.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cần xã hội hóa mạnh mẽ và thêm nhiều chính sách hỗ trợ, để doanh nghiệp được chủ động sử dụng quỹ đất phát triển nhà ở cho người trẻ, người thu nhập thấp.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1909 cho phép Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Ngôi sao châu Á chuyển mục đích sử dụng 4.932m2 đất tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng để thực hiện dự án Khu nhà ở xã hội Tân Lập.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký quyết định số 27 ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn.

Các chuyên gia đề xuất, các địa phương cần xác định, tính toán khoa học theo "nguyên tắc thị trường", "hài hòa lợi ích" để giá đất thương mại, dịch vụ bằng khoảng 20% - 40% so với giá đất ở trong bảng giá đất.

UBND quận Đống Đa đã tổ chức lấy ý kiến người dân về đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu tập thể Trung Tự và Hào Nam, trong ngày 4/4.

Hà Nội được trao quyền điều chỉnh chỉ tiêu, hệ số đền bù, điều chỉnh quy hoạch đã duyệt cho phù hợp theo quy định của Luật Thủ đô năm 2024 - đây là yếu tố thuận lợi trong cải tạo các khu tập thể, khu chung cư cũ.