Gánh hàng ăn đêm, gợi nhắc về Hà Nội xưa
Khu chợ Long Biên vốn sầm uất ban ngày, tĩnh lặng ban đêm, các cửa hàng đã đóng cửa từ lâu, nhưng riêng gánh bánh đa cua của bà Ngọc vẫn đông khách kể từ khi mở hàng lúc 7 giờ tối cho đến khi hết khách lúc 4 giờ sáng hôm sau. Đã 28 năm nay, bà Ngọc vẫn duy trì việc gồng gánh nồi niêu, bát đũa ra đây ngồi bán hàng. Theo chia sẻ của bà Ngọc, đôi quang gánh đã gắn bó với bà suốt bao năm qua từ lúc bán hoa quả, rồi bán bánh đa cua, nhờ đó giúp bà có thu nhập nuôi các con ăn học, xây được nhà cửa đàng hoàng.

Gánh ăn đêm đã từng là một đặc sản của người Hà Nội suốt hàng chục năm qua. Việc gồng gánh tuy có phần vất vả, nhưng những người bán gánh hàng ăn đêm vẫn cố gắng duy trì vì sự yêu thích của thực khách. Như quán bún riêu mang tên bà Điếc nổi danh trên phố Đồng Xuân, Hoàn Kiếm là địa chỉ quen thuộc được nhiều thực khách ghé thăm.
Theo bà Giang Thị Hoa chia sẻ, nghề bán bún riêu là nghề gia truyền của gia đình bà, từ thời mẹ chồng bà bán ở cửa chợ Hàng Da, với đôi quang gánh, mẹ chồng bà đã nuôi được 10 người con trưởng thành. Bà Hoa được mẹ chồng truyền cho nghề này và tiếp tục kế tục truyền thống gia đình với gánh bún quen thuộc. Gia đình bà bắt đầu mở bán hàng từ 6 giờ 30 tối nhưng quán luôn đông khách tới tận 2 - 3 giờ sáng. Trung bình mỗi ngày gia đình bà bán từ 700 đến 800 bát bún riêu.
Chị Siobhan Choi, du khách người Úc rất ấn tượng với quán bún gánh này. Chị chia sẻ: "Bạn trai tôi là người Việt Nam, nên anh ấy đã đưa tôi đi ăn như thế này nhiều rồi. Anh ấy muốn thông qua những món ăn để tôi hiểu hơn về văn hóa, về con người ở nơi anh ấy sống. Tôi đặc biệt thích những món ăn ở Hà Nội. Những con ốc này, miếng chả, miếng thịt mềm ngon với hương vị rất độc đáo. Và đặc biệt là họ để trên những cái gọi là "gánh" như thế, tôi ấn tượng lắm. Những người phụ nữ bán hàng họ rất chăm chỉ và tôi thật ngạc nhiên, khi thấy họ có thể thức cả đêm".

Phở là một món ăn thật đặc biệt của Hà Nội. Nơi đây có nhiều hương vị phở với nhiều biến tấu khác nhau, nhưng giản dị, mộc mạc mà vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng thực khách thì chính là phở gánh Hà Nội.
Ngày nay, mỗi khi nhắc đến phở gánh ở Hà Nội, mọi người dường như chỉ nhớ về những kỷ niệm của Hà Nội từ chục năm về trước, nhịp sống chậm rãi và yên bình. Thế nhưng, thức quà bình dị ấy tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng nhưng nó vẫn được lưu truyền tại những góc phố cổ đến tận bây giờ.
Phở gánh phố Hàng Chiếu là một trong những quán phở gánh đêm Hà Nội vô cùng nổi tiếng. Khi khắp nơi chìm vào giấc ngủ thì phở gánh Hàng Chiếu bắt đầu mở cửa vào lúc 3h sáng chào đón thực khách. Gánh phở tuy nhỏ, không biển hiệu rực rỡ nhưng nó đã tồn tại được hơn 30 năm. Phở gánh ở đây chuẩn vị một bát phở Hà Nội xưa. Nước dùng được ninh từ xương, hoà quyện với bánh phở to, mềm dẻo cùng thịt bò tái chín được thái mỏng tạo nên một tô phở nóng hổi, thơm ngon hết ý.
Phở gánh Hàng Chiếu hiện nay đã chuyển vào bán trong nhà, giờ mở bán cũng thay đổi, nhưng những khách quen thuộc của quán vẫn tìm đến đây như một cách để hoài niệm về quán phở gánh nức tiếng ngày nào.

Giờ, không khó để biết ở Hà Nội còn có bao nhiêu gánh hàng ăn đêm bởi số lượng chì còn trên đầu ngón tay. Nhưng với nhiều người, chừng nào vẫn còn những người gồng gánh thức ẩm thực đậm chất Hà Thành trên phố, thì chừng ấy người ta còn tìm đến, để tận hưởng nốt nét xưa cũ đang thưa vắng dần trong cuộc sống của người Hà Nội.


Hai giờ sáng, khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ, ở làng Mạch Tràng, một ngày mới lại bắt đầu với những người làm bún.
Tháng 5 là thời điểm các gia đình làm cốm ở làng Mễ Trì bắt đầu một vụ cốm mới. Từ sáng sớm tinh mơ, những bàn tay đã thoăn thoắt rang cốm, giã cốm, gói cốm trong những tàu lá sen, lá duối thơm ngát.
Không quá nhiều người biết và cũng chẳng bán phổ thông như cà pháo muối, tuy nhiên cà bát muối vẫn là một món ăn kèm quen thuộc trên mâm cơm của nhiều người Hà Nội.
Khi một mẻ gốm mới được đưa vào lò, đích thân ông chủ lò sẽ nhóm lửa. Một vòng lặp dỡ lò, phơi than, đổ khuôn, dỡ khuôn, tráng men, vào lò, dỡ lò… lại bắt đầu.
Ở Hà Nội có những con phố cổ tồn tại hàng trăm năm. Đó không chỉ là nơi đi lại, là nơi buôn bán, mà còn trở thành một phần máu thịt của người Hà Nội. Những con phố ấy chở nặng nhịp sống bình dị, cần mẫn và những ký ức thầm thì cùng tháng năm…
Chơi cờ tướng đã trở thành niềm vui của nhiều người cao tuổi ở Hà Nội. Mỗi ngày, từ sáng đến chiều muộn, bên những gốc cây ven hồ, ghế đá công viên, hay trong các sân tập thể,... đã trở thành điểm hẹn của nhiều người yêu thích cờ tướng.
0