Du lịch gắn với bảo tồn di sản
Hàn Quốc hạn chế du lịch để bảo tồn làng cổ
Số lượng đông đúc khách du lịch đổ về cũng mang lại nhiều thách thức cho Hàn Quốc, nhất là đối với những thành phố lớn như Seoul. Vào tháng 11 này, chính quyền Seoul đã quyết định áp dụng lệnh hạn chế du lịch tại làng Bukchon Hanok, ngôi làng 600 năm tuổi để giải quyết tình trạng quá tải du lịch.
Làng cổ Bukchon Hanok nằm tại quận Jongno-Gu ở trung tâm Seoul. Ngôi làng được bao quanh bởi các công trình nổi tiếng như cung điện Changdeokgung, Gyeongbokgung và đền thờ thần Jongmyo.
Với hàng trăm ngôi nhà Hanok, mái ngói, tường bằng đá và đất sét vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, ngôi làng tái hiện một cách sống động khung cảnh Hàn Quốc dưới triều đại Joseon cách đây 6 thế kỷ. Bị thu hút bởi lịch sử phong phú và sự quyến rũ của những ngôi nhà truyền thống này, 18 năm trước, nghệ sĩ Kwon Young-doo đã chuyển đến sống tại ngôi làng Bukchon Hanok và mở một phòng trưng bày tư nhân về nghệ thuật Châu Á.
Nhưng quy định “giới nghiêm” được chính quyền thành phố Seoul đưa ra bất ngờ, làm ông Kwon cảm thấy lo ngại.
Ông Kwon Young-Doo, Chủ Bảo tàng Nghệ thuật văn hóa châu Á cho biết: “Nếu du khách đến đây bị phạt vì vi phạm lệnh giới nghiêm, họ sẽ ra về với ấn tượng xấu về Hàn Quốc. Điều này cũng sẽ tác động tiêu cực đến các sản phẩm của Hàn Quốc, còn thiệt hại đối với nhà nghỉ, nhà xưởng và viện bảo tàng thì sao. Tôi chưa bao giờ nghe nói về bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề này”.
Theo quy định việc thử nghiệm lệnh giới nghiêm bắt đầu từ tháng 11 và chính thức triển khai vào tháng 3/2025. Lệnh giới nghiêm sẽ hạn chế khách du lịch tiếp cận một số khu vực nhất định của làng Bukchon từ 5 giờ chiều đến 10 giờ sáng, những người vi phạm phải đối mặt với mức phạt lên tới 100.000 won (tương đương với hơn 1.800.000 đồng).
Làng Bukchon Hanok, một khu dân cư với những con hẻm hẹp quanh co, có từ thời Joseon (1392–1897). Khu vực này đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng, đặc biệt là sau khi được xuất hiện trên một chương trình truyền hình Hàn Quốc cách đây một thập kỷ.
Dữ liệu du lịch cho thấy khoảng 6 triệu người đã đến thăm ngôi làng vào năm 2023, gấp gần 1000 lần dân số của làng Bukchon hiện tại
Tuy nhiên khi lượng khách du lịch đổ xô về đây thì sự hiện diện của họ đã gây nhiều bất tiện cho người dân như tiếng ồn, rác thải, tiểu tiện nơi công cộng và xâm phạm quyền riêng tư.
Theo văn phòng quận Jongno, khu vực nơi ngôi làng tọa lạc, nhiều người dân đã chọn cách rời khỏi làng Bukchon tới nơi khác sinh sống, khiến dân số của làng giảm 27,6% trong 10 năm qua.
Ông Chung Moon-hun, Thị trưởng quận Jongno, cho biết mục tiêu của chính sách mới là bảo vệ quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, người dân tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của chính sách này vì có những lỗ hổng như miễn trừ cho khách du lịch nghỉ qua đêm tại các nhà nghỉ hanok. Họ cũng cho rằng sự gia tăng của các nhà nghỉ hanok càng gây thêm nhiều phiền phức cuộc sống của họ .
Kể từ năm 2020, chính quyền Seoul đã nới lỏng các hạn chế đối với các ngôi nhà Hanok cung cấp chỗ ở, dẫn đến sự gia tăng số lượng nhà hanok cho du khách thuê. Năm 2010, 10 ngôi nhà truyền thống đã được đăng ký tại Bukchon với tên gọi 'Doanh nghiệp trải nghiệm nhà ở truyền thống Hàn Quốc', đến tháng 10 năm 2024, con số đó đã tăng lên 116.
Về phía các du khách, số người đồng ý với lệnh giới nghiêm vì cho rằng chất lượng cuộc sống của người dân là quan trọng.
Nhưng nhiều người khác lại lo lắng về việc bị phạt chỉ vì đi bộ trên đường phố công cộng. Ngoài ra còn có những băn khoăn về việc thực thi quy định mới này như cách phân biệt khách du lịch với người dân, cách bắt người nước ngoài nộp phạt và cả những rào cản ngôn ngữ.
Lee Hoon, giáo sư khoa du lịch tại Đại học Hanyang, tin rằng mặc dù lệnh hạn chế có thể khuyến khích khách du lịch lưu tâm hơn nhưng cần phải hành động nhiều hơn. Ông cho rằng điều này sẽ giảm bớt sự bất tiện cho cư dân, giúp họ có cuộc sống thoải mái hơn. Và một địa điểm du lịch phải là nơi cư dân có thể tiếp tục sinh sống.
Đảo phục sinh Chile hạn chế du lịch đại chúng
Đảo Phục Sinh hay còn là Rapa Nui theo tiếng địa phương là lãnh thổ hải ngoại của Chile. Hòn đảo là địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới với những bức tượng Moai khổng lồ. Trước thời kỳ đại dịch, hòn đảo rộng 164 km với dân số chỉ 8.000 người nhưng thu hút tới 160.000 khách du lịch. Tuy nhiên, sự gia tăng của du khách trong những năm gần đây đã đặt ra nhiều thách thức và khiến chính quyền đảo phải suy tính tới những chính sách hạn chế du lịch quá mức.
Đối với khách du lịch thực hiện cuộc hành trình đến Đảo Phục Sinh xa xôi, cách bờ biển Chile hơn 3.500km để được chiêm ngưỡng các bức tượng Moai khổng lồ là một kỳ tích. Kể từ khi mở cửa trở lại vào năm 2022, sau thời kỳ đại dịch covid 19, khách du lịch đã quay trở với hòn đảo được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Đối với người dân và chính quyền địa phương, du khách là một động lực thúc đẩy kinh tế của hòn đảo, nhưng các nhà lãnh đạo cũng lo ngại về mối đe dọa từ tình trạng quá tải du lịch và người dân trên đảo cũng không muốn quay trở lại hoạt động du lịch đại chúng vốn đã mang lại cho họ cuộc sống như trước đây.
Sự bùng nổ du lịch toàn cầu sau đại dịch đã khiến cộng đồng người địa phương ngày càng thưa thớt. Vì vậy hòn đảo đang hướng tới du lịch bền vững.
Thị trưởng Rapa Nui Pedro Edmunds cũng đã ban hành lệnh cấm du khách ở lại hơn ba mươi ngày, như một cách để tránh tình trạng giống như hòn đảo Mallorca xa xôi.
Trong hơn hai năm xảy ra đại dịch Covid-19, Đảo Phục sinh đã phải đóng cửa với khách du lịch. Thời gian này buộc cư dân phải chuyển sang một cách sống bền vững hơn và học lại các kỹ năng bị lãng quên, chính vì thế mà nhiều người dân đảo hy vọng quê hương của họ có thể hồi sinh mà không cần du lịch đại chúng.
Nhà thờ Đức Bà Paris dự tính thu phí vào cửa
Nhà thờ Đức Bà Paris đang được phục hồi sau trận hỏa hoạn gây chấn động cả thế giới vào ngày 15 tháng 4 năm 2019. Công trình tôn giáo được trùng tu trong nhiều năm này dự kiến mở cửa trở lại cho công chúng vào ngày 8 tháng 12 tới. Nhưng có thể việc vào cửa nhà thờ sẽ không còn miễn phí khi Bộ trưởng Văn hóa Pháp gợi ý nên tính một khoản phí nhỏ cho du khách đến tham quan nhà thờ nhằm mục đích tài trợ cho việc bảo vệ di sản tôn giáo quốc gia.
Bà Rachida Dati, Bộ trưởng văn hóa Pháp cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng nhà thờ thu hút khoảng 15 triệu khách du lịch mỗi năm vì vậy chỉ cần tính phí 5 euro cho mỗi du khách, nhà thờ Notre-Dame có thể thu về 75 triệu euro (tương đương 81 triệu USD) mỗi năm. Tuy nhiên nhiều du khách không đồng tình với bà Dati vì cho rằng lối vào nhà thờ phải miễn phí. Trong khi đó một số du khách cũng đồng tình với đề xuất thu phí tham quan nhà thờ.
Ở Pháp, nhà nước chịu trách nhiệm duy trì các địa điểm tôn giáo của đất nước, bao gồm 15.000 địa điểm được phân loại là di tích lịch sử và thường miễn phí vào cửa.
Trong khi chính phủ của thủ tướng Michel Barnier trình bày một ngân sách thắt lưng buộc bụng vài ngày trước để giải quyết thâm hụt công, thì các nhà chức tránh bộ văn hóa muốn tìm “nguồn vốn bổ sung”, số tiền này sau đó sẽ được bơm lại “vào việc trùng tu các nhà thờ và công trình tôn giáo, vốn thường bị đổ nát”.
Tương tự như nhà thờ Đức Bà Paris, Các nhà chức trách thủ đô Rome, Italia cũng đang tìm cách quản lý lượng khách du lịch quá đông khi tới thăm biểu tượng nổi tiếng của thủ đô Italia, đài phun nước Trevi. Giới chức thành phố cho biết họ đang lên kế hoạch phong tỏa khu vực xung quanh đài phun nước và thu phí vào cửa 2 euro (khoảng hơn 55.000 đồng) sau khi đài phun nước được bảo trì xong.
Một thông cáo báo chí của Chính quyền Thành phố cho biết hệ thống mới sẽ được sử dụng để thử nghiệm giới hạn người tham quan Đài phun nước, điều này có thể trở thành tiêu chuẩn từ ngày 24 tháng 12 tới. Hiện tại, một bể nước tạm thời đã được lắp đặt phía trước đài phun nước để du khách có thể ném những đồng xu nguyện ước xuống bể.
Một thống kê thú vị cho thấy khoảng một triệu euro tiền xu được lấy từ đài phun nước mỗi năm. Kể từ năm 2007, số tiền này đã được sử dụng để hỗ trợ các mục đích chính đánh như tài trợ cho các hoạt động từ thiện.
Du lịch được xác định là ngành mũi nhọn, đóng góp lớn cho nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và cuộc sống của người dân địa phương là điều cần được chú trọng.
Nhiều quốc gia đã nhận thấy rằng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và hài hòa lợi ích của người dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay để có thể phát triển một nền du lịch bền vững.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.
Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.
Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.
Giá dầu thế giới gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 19/11. Những dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Ngày 20/11, quân đội Pakistan cho biết ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng do vụ tấn công liều chết nhằm vào đồn kiểm soát quân sự tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền sắp tới của mình. Việc bổ nhiệm ông Lutnick cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
0