Điểm danh Top những di sản nổi tiếng trên thế giới

Di sản văn hóa là một trong những yếu tố góp phần làm đa dạng, phong phú nét đẹp văn hóa của nhân loại. Di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển, là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần của con người.

Sản phẩm thủy tinh trứ danh ở Cộng hoà Séc

Cộng hòa Séc không chỉ nổi tiếng với danh thắng tuyệt đẹp, thiên nhiên phong phú mà quốc gia này còn được biết đến với những sản phẩm thủy tinh trứ danh. Séc có hàng trăm nhà máy, xưởng gia đình sản xuất thủy tinh với khoảng 5.000 người vẫn đang tiếp tục duy trì và phát triển nghề thủ công đã tồn tại nhiều thế kỷ qua. Bên cạnh các sản phẩm pha lê được xuất đi khắp nơi trên thế giới, các đồ trang trí bằng hạt thủy tinh của nước này cũng rất được ưa chuộng. Năm 2020, UNESCO đã công nhận kỹ thuật làm đồ trang trí bằng hạt thủy tinh của người Séc là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Hơn 100 năm qua, xưởng sản xuất Rautis, ở ngôi làng Ponikla  thuộc vùng Liberec, nhiều thế hệ nghệ nhân vẫn duy trì nghề truyền thống này. Theo bà Barbora Kulhava, chủ xưởng sản xuất Rautis thì đây là phương pháp sản xuất duy nhất còn tồn tại trên thế giới.

"Chúng tôi là công ty cuối cùng trên thế giới sản xuất đồ trang trí Giáng sinh từ hạt thủy tinh thổi. Nghề này ra đời vào khoảng những năm 1870, khi người thợ thổi thủy tinh đầu tiên đến ngôi làng Ponikla. Từ đó đến nay, truyền thống này vẫn tiếp tục tồn tại qua nhiều thế hệ ở Ponikla.”

Bà Barbora Kulhav, Xưởng sản xuất Rautis

Quá trình này tốn nhiều công sức và lâu dài, đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật tốt, đôi bàn tay khéo léo và tính kiên trì. Số lượng các mẫu trang trí của xưởng hiện đã lên tới hơn 20.000 và luôn được bổ sung thêm. Một sản phẩm có giá từ 5-50 euro.

“Quy trình sản xuất này khá dài và phức tạp. Chúng tôi bắt đầu bằng việc thổi hạt thủy tinh từ ống thủy tinh, sau đó tráng bạc, tô màu, trang trí, sau đó cắt thành từng miếng riêng lẻ và bước cuối cùng là lắp ráp đồ trang trí."

Ông Marek Kulhavy, Đồng sở hữu xưởng Rautis

Đồ thủy tinh Séc đã trở thành đồ trang sức hoặc đồ lưu niệm được nhiều du khách yêu thích. Và trong các gia đình người Séc, hiếm có ngôi nhà nào không có cửa sổ kính với bên trong được trưng bày những đồ vật bằng thủ tinh tinh xảo.

Kỹ thuật làm Rượu Sake - Nhật Bản

Rượu sake được làm từ gạo, loại ngũ cốc quý giá nhất và là lương thực chính của người Nhật Bản trong nhiều thế kỷ. Chính vì thế thứ đồ uống đặc trưng bởi vị chua và ngọt này không chỉ là một thức uống phổ biến mà còn là một phần quan trọng trong các nghi lễ văn hóa của đất nước mặt trời mọc, nhất là trong mân cơm cúng tổ tiên vào dịp Tết. Kỹ thuật làm rượu sake cổ xưa và độc đáo của người Nhật Bản, đã được Unesco ghi tên vào danh sách di sản thế giới vào tháng 12/2024. Sự kiện này góp phần thúc đẩy sự quan tâm của thế hệ trẻ tới đồ uống cổ xưa này.

Nhật Bản là một quốc đảo trải dài hơn 3000km từ Bắc xuống Nam, nằm ở rìa phía Đông của Châu Á. Nền tảng của văn hóa Nhật Bản tập trung vào sự tôn trọng và thờ cúng thiên nhiên và tổ tiên. Vì vậy cho đến ngày nay, rượu sake được làm từ gạo lên men vẫn là một món quà quan trọng dâng lên các vị thần theo truyền thống Nhật Bản.

Nghề sản xuất rượu Sake đã có từ nhiều thế kỷ trước tại Nhật Bản và có mối quan hệ chặt chẽ với thiên nhiên và các quá trình tự nhiên.

Tại nhà máy rượu Ishikawa lâu đời ở Tokyo, anh Koichi Maesako vẫn đang duy trì nghề nấu rượu Sake bằng tất cả niềm đam mê. Hôm nay anh kiểm tra và khuấy đều hỗn hợp trong chiếc thùng màu xanh. Thứ hỗn hợp màu trắng vốn là niềm tự hào của anh sẽ biến thành rượu sake sau một tuần nữa.

“Bên trong thùng này có gạo đã được hấp chín, koji, nước và men khởi đầu. Gạo đã lên men được khoảng 20 ngày và khoảng một tuần nữa chúng tôi sẽ có rượu sake".

Anh Koichi Maesako - Chủ nhà máy rượu Ishikawa

Rượu sake được làm từ gạo, nước, men và koji. Toàn bộ quy trình theo kỹ thuật cổ đều được thực hiện cực kỳ nghiêm ngặt. Từ khâu lựa chọn, đến khâu ủ rượu sẽ mất từ 1 tháng rưỡi tới 3 tháng và được chia thành 8 công đoạn.

Một công đoạn khác là kỹ thuật nuôi cấy nấm koji. Nó được coi là bước quan trọng nhất để tạo nên sự khác biệt cho hương vị rượu sake truyền thống.

"Có ba điểm chính trong quá trình sản xuất rượu sake, đầu tiên là quy trình hấp cơm. Thứ hai là sử dụng một loại khuôn gọi là ‘khuôn Koji’ để làm Koji. Điểm thứ ba là phương pháp sản xuất có quy trình tương tự như bia được gọi là 'San-Dan-Jikomi' có nghĩa là thêm ba nguyên liệu bổ sung vào thùng ủ rượu sake. Ba quá trình này rất quan trọng."

Anh Koichi Maesako - Chủ nhà máy rượu Ishikawa

Trong những năm gần đây, nghề sản xuất rượu sake gặp nhiều khó khăn do thời tiết ấm áp trái mùa đã ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng gạo, khiến chi phí nguyên liệu tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu về rượu sake cũng đã sụt giảm do giới trẻ Nhật Bản có xu hướng lựa chọn các loại cocktail và các loại  đồ uống khác. Nhưng dù sự phổ biến của rượu sake có thể đã suy giảm trong nước, nó vẫn là một phần vững chắc trong tâm lý người Nhật.

Rượu sake là sản phẩm thứ 23 của Nhật Bản được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể. Các nhà máy sản xuất rượu sake Nhật Bản hy vọng sự kiện này có thể thúc đẩy sản lượng rượu xuất khẩu của nước này, khi rượu sake ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, nhất là tại Mỹ, trong bối cảnh ẩm thực của xứ sở mặt trời mọc ngày càng được ưa chuộng.

“Kỹ thuật nấu rượu Sake được quốc tế công nhận sẽ làm mới mối quan tâm của người dân Nhật Bản tới sản phẩm truyền thống này. Và điều đó có thể tạo thêm động lực trong việc truyền tải những kỹ năng và bí quyết này cho các thế hệ tiếp theo. Và trên phạm vi quốc tế, chúng tôi rất vui mừng khi thấy lượng rượu sake xuất khẩu ra nước ngoài ngày càng tăng.”

Ông Takehiro Kano - Đại diện đoàn Nhật Bản tại UNESCO

Theo Hiệp hội sản xuất rượu sake và shochu của Nhật Bản, hiện nay quốc gia này chủ yếu xuất khẩu rượu sang các nước Mỹ và Trung Quốc, với doanh thu hơn 265 triệu USD mỗi năm.

Tương ớt trứ danh Harissa

Là quốc gia nằm ở phía bắc của Châu Phi, bên bờ biển Địa Trung Hải, Tunisia có nền ẩm thực phong phú với nhiều món ăn vô cùng hấp dẫn. Trong không khí của năm mới, chúng ta hãy cùng đến với lễ hội ẩm thực Harissa đặc biệt tại thành phố Nabeuil của Tunisia. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của du khách từ khắp nơi trên thế giới bởi món tương ớt trứ danh Harissa, tinh hoa ẩm thực của quốc gia này đã được ghi tên vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO năm 2022.

Kể từ khi Harissa được ghi tên trong danh sách di sản của Unesco, nhu cầu về loại gia vị truyền thống của Tunisia tăng cao hơn bao giờ hết. Trong ngôi nhà của mình ở Nabeul, thành phố lớn nhất vùng Cap Bon của Tunisia, nghệ nhân Harissa, bà Chahida Boufayed bận rộn với những nguyên liệu được lựa chọn cẩn thận. Bà sử dụng công thức truyền thống được truyền lại từ nhiều đời nay, trong đó những ớt khô được xay nhỏ kết hợp với tỏi, giấm và gia vị khác để tạo ra thứ nước xốt cay nồng hấp dẫn, làm tăng hương vị cho những món ăn.

Tương ớt Harissa luôn có mặt trên bàn ăn của các gia đình, nhà hàng và quán ăn trên khắp đất nước ven biển khu vực Bắc Phi này.

"Tôi không kiếm tiền mà vì tình yêu. Đó là câu chuyện tình yêu giữa tôi và Harissa. Tôi chọn ớt hữu cơ, không chứa hóa chất chứ không phải bất kỳ loại ớt nào."

Bà Chahida Boufayed, nghệ nhân Harissa.

Cũng như mọi năm, gian hàng của nghệ nhân nổi tiếng này tại lễ hội Harissa của Nabeul luôn nhộn nhịp khách hàng tới nếm thử hoặc mua sản phẩm. Lễ hội thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, những người hâm mộ món gia vị quốc gia của Tunisia.

Chất bột màu đỏ sậm, cay và thơm này có thể được phết lên bánh mì, trộn với dầu ô liu hoặc phết lên đĩa trứng, cá, món hầm hoặc bánh mì sandwich. Nó cũng làm tăng hương vị và độ ngon của xúc xích Merguez hoặc bánh brik.

Harissa là gia vị quen thuộc với người dân khắp khu vực Bắc Phi cũng như ở Pháp. Kể từ khi UNESCO công nhận sản phẩm này là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, nó trở nên phổ biến trên toàn thế giới từ Mỹ đến Trung Quốc.

UNESCO đã mô tả Harissa như sau: “Nó được coi là một yếu tố nhận dạng trong di sản ẩm thực quốc gia và là một yếu tố gắn kết xã hội. Được chế biến và tiêu thụ trên khắp Tunisia, Harissa được coi là yếu tố đoàn kết của cả một đất nước”.

Harissa thường được chế biến bởi những người phụ nữ. Sau khi thu hoạch, loại ớt đỏ Baklouti được phơi khô, bỏ hạt, rửa sạch và nghiền nhỏ. Tên gọi của nó xuất phát từ từ"haras" trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "nghiền nát".

Trường Nghệ thuật cưỡi ngựa Bồ Đào Nha

Truyền thống cưỡi ngựa được lưu truyền từ hàng trăm năm qua tại quốc gia này, đặc trưng bởi sự hài hòa giữa người và con vật, trang phục truyền thống và những kỹ năng trình diễn đặc sắc. Môn thể thao quý tộc này hiện đang được lưu giữ bởi các học viện hoặc trường dạy cưỡi ngựa tại Bồ Đào Nha.

Trường Nghệ thuật cưỡi ngựa Bồ Đào Nha được thành lập vào năm 1979 và hiện có khoảng 60 con ngựa và hàng chục tay đua. Hôm nay, một nhóm kỵ sĩ và những con ngựa của họ sắp có một màn trình diễn ấn tượng tái hiện lại môn nghệ thuật của hoàng gia có từ thế kỷ 18.

Môn thể thao được Unesco vinh danh là Di sản thế giới gắn liền với ngựa Lusitano, một giống ngựa thuần chủng rất cổ xưa có nguồn gốc từ Bồ Đào Nha, không chỉ được đánh giá cao nhờ sức mạnh, dáng hình cao lớn và nhanh nhẹn mà còn là sự ngoan ngoãn và biết vâng lời của chúng.

“Trong nhiều thế kỷ qua, chúng tôi đã thực hiện nghệ thuật đặc biệt này với những con ngựa của mình đến từ trang trại ngựa Alter Real. Những con ngựa Lusitano rất quan trọng đối với tất cả các tay đua ở Bồ Đào Nha và nước ngoài."

Ông Luis Calaim, Quản trị viên Trường Nghệ thuật cưỡi ngựa Bồ Đào Nha.

Các tay đua mặc áo dạ hội truyền thống bằng nhung đỏ, đội mũ ba cạnh, quần bó và đi ủng da cao màu đen, hướng dẫn ngựa thực hiện các bài tập khiêu vũ cổ điển như đã từng diễn ra tại cung đình xưa kia.

Những chú ngựa cũng được chăm sóc ngoại hình một cách kỹ lưỡng. Người ta dành hàng giờ để làm sạch, chải lông và trang trí bờm cho ngựa trước khi chúng lên biểu diễn.

Tại ngôi trường này, sáng thứ Tư hàng tuần, công chúng có thể tới xem màn trình diễn tại hậu trường, xem cách những người điều khiển chăm sóc ngựa hay các bài khởi động của các kỵ sĩ và con ngựa của họ

"Trang phục chúng ta mặc đi làm hàng ngày và trong các buổi dạ tiệc là trang phục được mặc trên võ đài hoàng gia vào cuối thế kỷ 18. Chính các kỵ sĩ đấu bò đã duy trì truyền thống này và truyền lại cho chúng tôi."

Ông Pedro Rodrigues, Kỹ sĩ chuyên nghiệp.

Những chú ngựa cũng được chăm sóc ngoại hình một cách kỹ lưỡng. Người ta dành hàng giờ để làm sạch, chải lông và trang trí bờm cho ngựa trước khi chúng lên biểu diễn.

Tại ngôi trường này, sáng thứ Tư hàng tuần, công chúng có thể tới xem màn trình diễn tại hậu trường, xem cách những người điều khiển chăm sóc ngựa hay các bài khởi động của các kỵ sĩ và con ngựa của họ.

Mặc dù việc chiêu đãi khán giả là một niềm vui nhưng điều quan trọng nhất đối với các tay đua là tôn trọng nhịp điệu, sức khỏe và nhu cầu thể chất của từng con ngựa. Với âm thanh của âm nhạc truyền thống, khán giả chiêm ngưỡng các màn vũ đạo phức tạp của nghệ thuật cưỡi ngựa, tái hiện bầu không khí quyến rũ của cung đình Bồ Đào Nha thế kỷ 18.

Với sự công nhận của UNESCO, Trường Nghệ thuật cưỡi ngựa Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình, giới thiệu Nghệ thuật cưỡi ngựa Bồ Đào Nha cả trong nước và quốc tế. Ngày nay, nghệ thuật cưỡi ngựa này tiếp tục được thực hiện ở Bồ Đào Nha và nước ngoài nhờ vào công việc của nhiều nhà chăn nuôi, thợ thủ công và các kỵ sĩ và các trường huấn luyện ngựa.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ông Mark Carney đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Canada vào ngày 14/3 theo giờ địa phương, đồng thời khẳng định khả năng hợp tác với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Friedrich Merz, người đứng đầu đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) ngày 14/3 đã công bố một thỏa thuận quan trọng về việc cải cách quy định nợ công của Đức.

Hamas ngày 14/3 tuyên bố đã chấp nhận thả một con tin mang hai quốc tịch Mỹ - Israel, được cho là người Mỹ bị bắt giữ cuối cùng còn sống.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho Kiev đã bắt đầu thành lập một nhóm để xây dựng cơ chế giám sát cho lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày.

Sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ có hiệu lực từ ngày 12/3. Sắc lệnh này không chỉ gây ra làn sóng bất bình với các đối tác thương mại của Mỹ mà con ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế Mỹ.

Thủ tướng Anh Keir Starmer vừa thông báo sẽ giải thể Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS).